Thứ bảy, 20/04/2024,


Dư âm ấn tượng Lễ Hội Lục Bát Tân Mão 2011 (05/09/2011) 
 
 
Khó có thể ghi lại cho hết những cảm tưởng, cảm xúc của các thành viên CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên chúng tôi khi tham gia Lễ hội Lục bát Tân Mão 2011 được trang mạng Lục bát.com phối hợp với một số cơ quan truyền thông ở trung ương và Hà Nội đồng tổ chức trong ngày 6-8 Tân Mão.
 
 
Rượu quê, nhãn lồng và bánh đa... chút quà quê đem về đãi khách
 
 
Hằng năm, đất nước chúng ta diễn ra khoảng 8000 lễ hội lớn nhỏ, từ lễ hội chùa làng, đình làng đến lễ hội có tầm cỡ quốc gia, thu hút hàng triệu người tham gia. Trong đó có Lễ hội Thơ Lục bát, một thể thơ đạm đà tính dân tộc, lâu đời của Việt Nam.
 Lần thứ 3 tổ chức, Lễ Hội Lục Bát được đông đảo tác giả và những người yêu thơ trong và ngoài nước tham gia một cách tự nguyện và đầy nhiệt tình. Về Lễ hội, chúng tôi có dịp được gặp mặt hơn 200 chủ nhiệm, phó chủ nhiệm các câu lạc bộ thơ và thơ lục bát, cấp tỉnh, thành phố, cấp khu vực và cả câu lạc bộ lục bát cấp thôn. Chúng tôi đến với lễ hội bằng lòng nhiệt tình, bằng trách nhiệm tôn vinh thơ lục bát, di sản văn hóa phi vật thể gắn bó rất lâu đời không chỉ với một vài mà hầu như tất cả các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Sự hoành tráng và ấn tượng sâu đậm của Lễ hội không chỉ căn cứ vào những nhân vật cấp cao của Đảng và Nhà nước đến dự hoặc gửi lẵng hoa đến chúc mừng mà còn là sự hội tụ và đóng góp công sức lớn lao của các tác giả và những người yêu thơ trong nước và cả ở nước ngoài. Chúng tôi đã gặp bạn thơ đang sinh sống ở đất nước Ba Lan xa xôi, đã gặp các bạn thơ ở thành phố Hồ Chí Minh, và gần gụi với trung tâm thủ đô Hà Nội, là những bạn thơ ở Hưng Yên, Hải Phòng, Ninh Bình, Vĩnh Phúc... tất cả đều đã mang đến Lễ hội niềm hân hoan, phấn khởi và sự rung cảm tự đáy lòng mình trước sự kiện đáng nhớ này.
 
 
 
Các CLB nhận cờ lưu niệm từ Chủ nhiệm trang lucbat.com, Nhà thơ Đặng Vương Hưng.
 
 
Được thông báo trên mạng và cả những cú điện thoại nhắc nhở của Ban tổ chức, chúng tôi gần 60 thành viên của Trung tâm phát triển Giáo dục thường xuyên, chi nhánh Hưng Yên, của CLB văn học nghệ thuật huyện Văn   Lâm (Hưng Yên), của CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên, cách đây cả tháng trời chúng tôi cụm đầu vào nhau bàn cách tham gia Lễ hội một cách độc đáo, vừa mang tính chất dân tộc, sắc thái của một vùng quê Xứ nhãn đồng bằng sông Hồng, có lịch sử 2000 năm văn hóa lúa nước, vừa có tính hiện đại của một trong những tỉnh thuần nông đang đi vào công nghiệp hóa hiện đại hóa. Mọi thành viên CLB chúng tôi, từ bác già đến thành viên còn trẻ đều rất nghiêm túc nhận sự phân công của ban chủ nhiệm chuẩn bị cho "Quán thơ lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên" không cầu kỳ khoa trương mà vẫn e ấp cái nét nông thôn đáng yêu của mọi người. Gian quán thơ mà Ban tổ chức Lễ hội làm sẵn dành cho chúng tôi không rộng lắm chỉ khoảng 12 mét vuông, nhưng cũng đủ để chúng tôi thi thố nghệ thuật sắp đặt cả về trình bầy thơ lẫn phương tiện dụng cụ của một quán thơ vừa quen vừa lạ ở vùng đồng bằng sông Hồng. Một số bác cao tuổi qua thăm quán thơ Đoàn Thị Điểm của chúng tôi đã nói: "Tôi có cảm giác như được sống lại trong một quán nước bên sông của vở kịch thơ "Bến nước Ngũ Bồ" được diễn ở Hà Nội những năm 50 thế kỷ trước".
 
 
Chụp ảnh lưu niệm với các Bạn thơ ở xa về.
 
 
Các bạn trẻ đến tham dự lễ hội có thể ngỡ ngàng về nghệ thuật phục tráng vốn cổ và tính hiện đại của các Quán thơ. Quán thơ của CLB lục bát hải Phòng có dáng dấp của thành phố cảng hiện đại nhưng vẫn không thể thiếu những nét dân tộc và đặc trưng của một cửa biền của miền Bắc và của cả nước. Ngay bên cạnh quán tho "Đoàn thị Điểm" là quán thơ của một thôn - chúng tôi hơi ngạc nhiên về đơn vị thôn, với sự có mặt của các đồng chí thay mặt chi ủy, trưởng thôn cùng đông đảo các nghệ nhân, các tác giả lục bát của thôn Yên Thái (huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội). Vì là đồng điệu nên chúng tôi làm quen và gắn bó với nhau ngay từ phút đầu tiên gặp gỡ. Ông chủ nhiệm CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên "xung phong" ngủ lại qua đêm để "trông quán" kể cả trông quán cho CLB thôn Yên Thái. Có lẽ việc này hơi thừa vì anh em bảo vệ Khu triển lãm Vân Hồ đã làm rất tốt nhiệm vụ. Quán thơ lục bát Đoàn Thị Điểm chúng tôi trong hai ngày lễ hội, có thể nói không lúc nào vắng khách đến thăm. Để giữ lại một nét độc đáo của "Quán Thơ" chúng tôi cố tìm cho được một bộ bàn ghế song mây, có dáng dấp của chõng tre, tìm cho được nửa cân lá vối ủ ba năm từ một gia đình nông dân ở huyện Ân Thi để "đun nước vối tiếp khách thơ" và chính nước vối của quán thơ chúng tôi lại hấp dẫn khá đông các bạn thơ. Dụng cụ để uống nước vối là chiếc bát cổ, bộ ấm chén đất nung...Vì là thơ lục bát của Xứ nhãn nên không thể thiếu nhãn lồng Phố Hiến để tiếp khách. đến hôm sau, trong cuộc giao lưu thân mật với các nghệ nhân và tác giả thuộc CLB Quận Thanh Xuân, quán thơ chúng tôi có thêm bánh khoai, bánh cuốn Thanh Trì... rất thú vị trong ẩm thực "miền quê" chúng tôi. Cuộc giao lưu tưởng như không thể kết thúc vì lời ca tiếng hát không còn phân biệt đâu là người của CLB lục bát Đoàn Thị Điểm, đâu là các thành viên của CLB Thanh Xuân...Chúng tôi hẹn nhau không phải đến lễ hội Nhâm Thìn mà sẽ có những cuộc giao lưu gắn bó trong những ngày tới giữa hai CLB.
 
 
Trao tặng sách và gửi những tấm lòng đến với bộ đội Trường Sa.
 
 
Cuộc gặp gỡ giữa nhà sáng lập Đặng Vương Hưng, cán bộ tình nguyện trong Ban biên tập, Ban điều hành, cán bộ phụ trách các vùng miền của Trang Lục bát. com diễn ra trên hội trường tầng ba của Khu triển lãm Vân Hồ trong không khí vô cùng ấm áp, thân tình. Chúng tôi tự giới thiệu tên và nơi mình xuất phát đến Lễ hội, một câu ngắn gọn, không dài dòng văn tự, không trình bày thơ, vì những hơn hai trăm đại biểu không cho phép dài dòng. Một sự kiện làm chúng tôi hết sức cảm động là Ban biên tập Lục bát.com đã có sáng kiến chọn tặng một số CLB địa phương lá cờ lưu niệm như thường thấy ở các đại hội thể thao, văn hóa. CLB lục bát Đoàn Thị Điểm chúng tôi, do tôi làm đại diện đã vinh dự được nhận cờ và hoa từ tay Nhà thơ Đặng Vương Hưng trao tặng. Sau đó chúng tôi được dùng bữa ăn nhẹ ngay tại hội trường trong không khí "rất thơ" vô cùng xúc động và ấm cúng. CLB lục bát Đoàn Thị Điểm chúng tôi đã hưởng ứng kêu gọi của Ban Tổ chức góp mấy chục cuốn sách gửi tặng các cán bộ, chiến sĩ đang canh giữ Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa...
 
 
Rộn ràng tiếng hát lời ca cùng các Bạn thơ khắp miền giao lưu.
 
Tôi muốn viết nhiều, thật chi tiết về lễ hội lục bát Tân Mão 2011, nhưng dù có viết nhiều, viết chi tiết đến mấy cũng không thể nào lột tả hết những chi tiết diễn ra trong lễ hội. Như nhà thơ Đặng Vương Hưng tâm sự với tôi rằng, Ban điều hành và Ban biên tập trang mạng thơ lục bát không phải và không bao giờ là cấp trên của các CLB lục bát ở các địa phương. Chúng ta bình đẳng và có trách nhiệm như nhau trong việc góp công góp sức duy trì, phát triển trang mạng này cũng như giữ gìn và phát triển vốn quý dân tộc là Thơ lục bát, thơ của Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, là lời thành văn bản và không thành văn bản của rất nhiều làn điệu dân ca ba miền, là lời của Quan họ Bắc Ninh, của Đàn ca tài tử Nam Bộ, của các điệu lý miền Trung, của những câu hò Huế thân thương và của cả các điệu sắp, điệu then, điệu lượn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tất cả đang vang lên khúc tráng ca ca ngợi đất nước của Bác Hồ, đất nước của "Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước !" và đang mạnh mẽ tiến bước trên con đường xã hội chủ nghĩa thuần Việt do Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn. Xin hẹn Lễ hội Lục bát Nhâm Thìn 2012....
 
Nguyễn Thanh Hà
Chủ nhiệm CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Tiến Bình - tienbinh_nguyen@yahoo.com.vn - 01686711077 - Hà Nội  (Ngày 05/09/2011 22:27:34)


Tôi tâm đắc bài viết này của Nhà báo - Chủ nhiệm CLB Lục bát Đoàn Thị Điểm ,một bài báo hấp dẫn , của tác giả có nghề .

Các bài khác: