Trần Thị Thanh Liêm - thanhliemdainam@yahoo.com - 0987 641 698 - Ngành tiếng Trung, Đại học Đại Nam 56 Vũ Trọng Phụng Hà Nội
(Ngày 11/05/2012 10:29:00)
Đọc sách là tiếp thu tri thức, thực tiễn của tiền nhân. Ta cần tiếp thu những tri thức tươi mới, sống động. Đồng thời ta phải làm sao để có thể tri thức hóa sách vở, qua đó biến tri thức thành năng lực cải tạo thế giới.
Nhưng có khi có người lại làm ngược lại những điều trên. Vì vậy có người trở thành nô lệ của sách vở. Điều này không thể không khiến chúng ta đau xót. Có người không để ý gì đến thực tế. Họ nguyện làm con mọt sách, làm nô lệ cho sách. Những người này đọc sách càng nhiều, càng trở thành ngu ngốc, cái hại ngấm vào người càng sâu. Vì vậy phải biết cách làm chủ sách, đọc với một sự suy xét, cân nhắc kỹ, chứ không phải chỉ vùi đầu vào sách vở, rồi bị chìm đắm trong đó.
Nhồi nhét tri thức vào sọ cũng là có hại. Thà không có sách còn hơn quá tin vào sách .
Cần tạo điều kiện để “đi vạn dặm đường”, có hiểu như là đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Nên đi đây đi đó nhiều, quan sát nhiều, điều tra, nghiên cứu nhiều. Làm như vậy ta mở rộng được không gian sinh tồn, tìm hiểu được “thế giới bên ngoài” phong phú, nhiều màu sắc, mở rộng tầm mắt, tăng tri thức thực tiễn lên. Ta nên làm sao để hai lĩnh vực tri thức và thực tiễn bổ sung cho nhau. Làm được như vậy, ta đã kích hoạt được tư duy, sẽ có lợi cho sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Cần kết hợp được một cách hữu cơ giữa “đọc vạn quyển sách” với “đi vạn dặm đường”. Vì đó là quy tắc để giúp ta tiến đến thành công.
Thực ra giữa trình độ lý giải khi đọc sách và trình độ cơ bản về văn hóa của người đọc sách cao hay thấp, tri thức thực tiễn được tích lũy nhiều hay ít, sự trải nghiệm, kiến thức tiếp thu được sâu hay rộng đều có quan hệ rất mật thiết với nhau. Nhà văn Trương Triều đã nói một cách rất hình tượng: “Thiếu niên đọc sách như nhìn trăng qua khe cửa; trung niên đọc sách như ngắm trăng giữa sân; lão niên đọc sách như thưởng trăng từ trên đài cao. Tất cả đều do sự từng trải cuộc đời sâu rộng đến mức nào thì có được sự thu hoạch sâu rộng đến mức đó”. Vì vậy chúng ta vừa phải ra sức học tập, nghiên cứu ở thư phòng, vừa phải đọc sách trong cuộc sống thực tiễn phong phú đa dạng, phải đọc các sách tự nhiên, các sách xã hội, các sách về sinh hoạt, đồng thời cần quán triệt, thấu suốt các sách đó với những tri thức ta đã có.
Thiên nhiên là một ông thầy vĩ đại. Nó có thể giáo hóa con người, kích thích con người phát triển, gợi ý, chỉ dẫn con người, cổ vũ con người. Bất cứ một người sáng tạo nào cũng là người yêu quý thiên nhiên. Ta cần phải lao vào lòng thiên nhiên với tất cả sự nhiệt tình, vui mừng tiếp nhận những món quà thiên nhiên ban tặng. Sự đắm chìm trong thiên nhiên có thể làm cho tình cảm của ta phơi phới đi lên và làm cho tinh thần của chúng ta trở nên sôi động. Nhà văn Từ Chi Ma đã từng nhiệt liệt tán tụng ân trạch của thiên nhiên: “Thiên nhiên là một bộ sách vĩ đại nhất. Chẳng phải là chúng ta có thể tìm thấy căn nguyên tư tưởng của tất cả những gì vĩ đại, thâm trầm, có tính cổ vũ, trong sáng, đẹp đẽ ở trong tiếng gió, trong sắc mây, trong thế núi, địa hình mấp mô và trong hương sắc của hoa cỏ hay sao?”. “Chỉ cần bạn nhận thức được một quyển sách thì khi buồn tẻ bạn sẽ không cảm thấy vắng vẻ, khi khốn cùng bạn không bị lâm vào ngõ cụt. Khi khổ não, bạn tìm được an vui, khi vấp váp thì bạn được cổ vũ, khi mềm yếu thì bạn được khích lệ. Khi mất phương hướng thì quyển sách đó sẽ như kim chỉ nam hướng dẫn bạn “đường đi nước bước”.
Việc đọc sách một cách sinh động còn thể hiện ở chỗ ta không bỏ qua bất kỳ một thời cơ nào và kịp thời tích lũy các loại tri thức. Cần phải chuẩn bị nhiều đường hướng, rồi tất có ngày ta sẽ dùng tới. Con người phải luôn hoạt động và rất năng động. Đối với bất cứ điều gì cũng phải thật nhanh nhạy, phải luôn sẵn sàng tiếp thu tri thức mới. Khi đứng trước một tình huống mà ta chưa biết cách ứng xử, ta hãy làm một người có “cái tâm”, cần phải quý trọng mỗi cơ hội học tập. Khi ta có dịp học được một điều gì đó, dù là một kỹ năng thông thường, ta cũng cần nhanh mắt, nhanh tay nắm bắt bằng được điều đó. Bởi vì có thể đến một ngày, một năm nào đó ta sẽ có dịp dùng đến nó.
Bất cứ ở đâu ta cũng cần có sự lưu tâm, vì đó đều là học vấn. Một người có nhiệt tình đối với mỗi một sự vật mới, bất cứ lúc nào cũng cần làm một “hữu tâm nhân”. Như vậy so với mọi người anh ta sẽ thu được nhiều tri thức hơn, so với mọi người anh ta sẽ phát huy được năng lực của mình mạnh mẽ hơn.
Sách là sự ngưng tụ của thời gian, là kết tinh của trí tuệ, là sự lắng đọng những kinh nghiệm của các bậc trí giả đời này tiếp nối đời khác. Biết bao nhiêu người bằng những lời lẽ sâu sắc, tốt đẹp nhất ca ngợi “sách” vì đó là vật có « thần », là sự kết tinh vô cùng linh thiêng...
Viết theo Lê Đắc Sơn
Trần Thị Thanh Liêm (tiengtrungdainam.com)
|