Thứ hai, 02/12/2024,


Phi công Mỹ ở Việt Nam (28/05/2011) 

 "Phi công Mỹ ở Việt Nam" là một cuốn sách của Nhà văn Đặng Vương Hưng, dày 320 trang, do NXB CAND ấn hành năm 2010. Tác phẩm cung cấp cho bạn đọc một số thông tin, góp phần "giải mã" các bí mật nêu trên từ những chuyện còn ít biết về Tù binh phi công Mỹ, những chi tiết đời thường (kèm ảnh minh họa) thú vị, mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc.

Vấn đề "Tù binh phi công Mỹ ở Việt Nam" từ lâu đã được dư luận Mỹ và cả thế giới đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đề tài "nhạy cảm" này bấy lâu nay rất ít được nói đến một cách công khai: Trong thời gian chiến tranh, phi công Mỹ bị bắt làm tù binh giam giữ ở những đâu? Họ được ăn ở, sinh hoạt và đối xử như thế nào? Còn bí mật nào chưa nói đến, cần làm sáng tỏ?...

Dưới đây là đoạn trích “Bác Hồ và những phi công Mỹ đầu tiên có mặt tại Việt Nam

 

Có một thời, trong chiến tranh chống phát xít Nhật, phi công Mỹ bị bắn rơi ở Việt Nam được coi là… đồng minh và là bạn của nhân dân Việt Nam. (Nếu trong kháng chiến chống Mỹ mà có ai viết, hoặc nói như vậy, thì đó là cả một sự xúc phạm ghê gớm, một điều không thể chấp nhận và không dễ dàng tha thứ!).

Nhưng đây lại là một câu chuyện có thật, liên quan đến một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc ta và Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Sự kiện này mở đầu cho mối quan hệ bang giao Việt - Mỹ, khi Cách mạng Việt Nam đang còn non trẻ trong trứng nước, với muôn vàn khó khăn… Nhờ thế, chúng ta đã tập hợp và tranh thủ được sự giúp đỡ của những người bạn trong phe Đồng Minh chống Phát-xít, góp phần cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Những phi công Mỹ đầu tiên có mặt tại Việt Nam đều xuất hiện trong những hoàn cảnh hết sức éo le, chẳng ai giống ai. Bí mật về cuộc đời họ còn nhiều chi tiết chưa được tiết lộ và còn rất ít được biết đến.

Từ chuyện cứu một phi công Mỹ nhảy dù tại Cao Bằng năm 1944…

Tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam vẫn còn lưu giữ một ấn phẩm: báo "Việt Nam độc lập", cơ quan của Mặt trận Việt Minh Cao Bắc Lạng, do Lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập và điều hành. Trong tờ báo này có một phụ bản rất độc đáo, đó là một tranh vẽ gồm 8 bức hình liên hoàn, hướng dẫn nhân dân cách cứu phi công Mỹ. Nội dung mô tả theo trình tự từ lúc phát hiện ra máy bay Mỹ bị quân Nhật bắn rơi, thấy dù của phi công trên trời xuống, đến lúc giúp phi công Mỹ chọn cất dù, cải trang rồi đưa vào chiến khu giao cho đoàn thể... Phía trên những bức tranh liên hoàn ấy có vẽ hai lá cờ: sao vạch của Hoa Kỳ và cờ đỏ Sao Vàng của Việt Minh. Ở giữa hai lá cờ lại có một câu thơ: "Bộ đội Mỹ là bạn ta / Cứu Phi công Mỹ mới là Việt Minh". Bức tranh và câu thơ này đến nay vẫn được coi là do Bác Hồ trực tiếp vẽ. Không chỉ vẽ tranh, mà Người còn yêu cầu dựng những tiểu phẩm kịch tả lại cách cứu phi công để các đội tuyên truyền xung phong của Việt Minh đi diễn trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của dân vùng giải phóng, vừa vui lại vừa cho dân dễ nhớ và dễ làm theo… Những chi tiết nêu trên, có liên quan đến một câu chuyện thú vị, xảy ra cách đây đã gần 70 năm…

Khoảng tháng 10 năm 1944, có một Trung úy phi công Mỹ tên là William Shaw trong khi làm nhiệm vụ lái máy bay trên vùng trời biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã bị quân Nhật bắn rơi xuống xã Đề Thám (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Đây là vùng chiến khu của Mặt trận Việt Minh, một tổ chức do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, không những tập hợp mọi lực lượng trong nước, mà còn liên kết với các tổ chức ngoài nước, với đại diện của các nước phe Đồng Minh trong mặt trận chống phát-xít.

Bởi thế, Bác Hồ đã chỉ thị cho các lực lượng của ta phải bảo vệ, chăm sóc Trung úy Shaw cẩn trọng và tìm cách đưa về Pác Bó: "Khi ở trên trời là người của họ, xuống đây là khách của ta, phải đón tiếp chu đáo". Vậy là, sau khoảng 3 tuần leo đèo, lội suối, băng rừng ròng rã, vượt qua sự lùng sục bao vây của quân Nhật, người phi công Mỹ nêu trên đã được đưa về Pác Bó gặp Bác.

Sau này, Thượng tướng Phùng Thế Tài - người đầu tiên bảo vệ Bác từ khi Người về nước đã kể lại tâm trạng của người phi công Mỹ ngày đó trong một hồi kí của mình:

"Sau gần một tháng trời miệng như câm, có tai như điếc, được gặp Bác, được nghe tiếng nói của quê hương xứ sở, viên phi công Mỹ bàng hoàng sung sướng đến phát khóc. Anh ta hoàn toàn bất ngờ không hiểu tại sao giữa núi rừng của nước Việt Nam xa xôi này lại có cụ già trông rất quê mùa nói tiếng Anh giỏi đến thế. Ngạc nhiên hơn, anh còn biết cụ già này đã từng đặt chân đến nước Mỹ ngay từ khi anh ta còn chưa sinh ra trên đời.

Tấm lòng nhân hậu của Lãnh tụ Hồ Chí Minh có tác dụng cảm hóa Trung úy Shaw mạnh mẽ. Bác còn tặng phi công Mỹ này bản "Chương trình Việt Minh" đã được Người trực tiếp dịch ra tiếng Anh.

Sau đó, Trung úy Shaw đã trở thành "cầu nối" để lãnh tụ Hồ Chí Minh gặp tướng Claire Chennault (1893 - 1958), Tư lệnh Không đoàn 14, có biệt danh là đơn vị "Hổ Bay" của Mỹ, đại diện cho lực lượng Đồng Minh tại vùng Hoa Nam -Trung Quốc…

Đặng Vương Hưng

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Thị Thanh Liêm - thanhliemdainam@yahoo.com - 0987641698 - ĐhĐaiNam 56 Vu Trong Phung Ha Noi  (Ngày 04/05/2016 10:46:54)

Xin chúc mừng nhà văn Đặng Vương Hưng liên tục cho mắt độc giả nhiều ấn phẩm giá trị của mình!

Sau đây xin giới thiệu với quý vị ý kiến của đôc gia Ngọc Mai về Nhà văn Đặng Vương Hưng:

Từ nhiều năm trước, khi còn là sinh viên, tôi và nhiều bạn bè cùng lứa đã đã yêu thích thơ của Nhà thơ Đặng Vương Hưng. Những bài thơ của anh đậm chất lính, rất giản dị và gần gũi bạn đọc, không cầu kì nên chỉ một lần đọc là nhớ ngay. Ấn tượng nhất là tập Lục Bát và lời bình “Học quên để nhớ”, không những được in với số lượng lớn nhiều vạn bản, mà khi sách phát hành hết, còn được người ta phô tô truyền tay nhau đọc…

Đến khi được đọc các tác phẩm văn xuôi của Nhà văn Đặng Vương Hưng thì chúng tôi càng cảm phục anh hơn. Các đề tài anh viết về chiến tranh thật đa dạng cách sắp xếp nhân vật với những số phận đầy kịch tính gay cấn. Mảng sách “Tự truyện bình dân” cũng rất độc đáo. Nhiều người nói Nhà văn Đặng Vương Hưng đã luôn “đứng về phía nước mắt”, luôn chia sẻ và đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh…

Bằng ngòi bút tâm huyết của mình, dù là tác phẩm sáng tác mang tính hư cấu, hay sách tư liệu, ký người thật, việc thật… Nhà văn Đặng Vương Hưng đã luôn giành tình cảm cho những người lính đã hy sinh xương máu, để mang lại cuộc sống hòa bình cho chúng ta hôm nay. Qua đề tài về chiến tranh, về những người lính... anh muốn chuyển tải đến bạn đọc thông điệp nhân văn: Hãy luôn ghi nhớ, vinh danh những người đã hy sinh vì độc lập tư do của dân tộc; đồng thời, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước trong lòng bạn đọc…

Hơn mười năm trước, khi được đọc nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi", do Nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm và biên soạn, chúng tôi càng thấy rõ giá trị của tác phẩm và hiểu vì sao cuốn sách có sức lan truyền lớn. Tác phẩm đã để lại trong lòng bạn trẻ nhiệt huyết cảm phục về thế hệ những người lính sinh viên ra trận như Nguyễn Văn Thạc. Các anh đã thổi bùng ngọn lửa trong lớp thanh niên lẽ sống lý tưởng cao đẹp và sự hy sinh cống hiến cho xã hội như thế nào.

Sau này, khi tiếp xúc cuốn sách tư liệu độc đáo "Phi công Mỹ ở Việt Nam". Rồi tiếp đó là "Không thể mồ côi" (tự truyện của nữ tác giả Minh Vân, do Đặng Vương Hưng chấp bút và giới thiệu) chúng tôi lại càng cảm phục trí tuệ và sức lao động của một nhà văn mặc áo lính. Tác giả Đặng Vương Hưng đã khiến cho chúng tôi, đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên không phải vì số lượng sách của anh viết nhiều (hiện Nhà văn Đặng Vương Hưng đã có hơn 50 cuốn sách, với nhiều thể loại, được xuất bản) một số cuốn đã được tái bản với số lượng in lớn; mà vì tính cộng đồng và tư tưởng nhân văn luôn tỏa sáng trong các tác phẩm của anh.

Nhân kỷ niệm tròn một năm “Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam" ra đời và cũng nhân “Ngày sách Việt Nam năm 2016”, không chỉ tôi, mà nhiều bạn đọc có cùng suy nghĩ: Cảm phục sức làm việc của một người viết sách, làm sách như Nhà văn Đặng Vương Hưng. Được biết, để hoàn thành tác phẩm này, anh đã giành quỹ thời gian 10 năm để sưu tầm hàng vạn lá thư, được gửi về từ mọi miền đất nước.

Tôi cứ hình dung trong 10 năm âm thầm làm công việc đó, Nhà văn đã phải vượt qua bao khó khăn, trở ngại cả về tinh thần vật chất, để để có hàng ngàn trang sách tới tay bạn đọc! Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” do anh sáng lập có tới hàng trăm cuốn, hầu hết Tác giả của chúng là những Liệt sĩ và Thương binh, Cựu chiến binh… Những tác phẩm ấy đều có giá trị vô giá về tinh thần cho thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau.

Còn nhớ, trong buổi giới thiệu “Tuyển tập những lá thư thời chiến Việt Nam” tròn một năm trước tại NXB CAND, các ý kiến đại biểu đã đồng thuận đánh giá rất cao công trình này của Nhà văn Đặng Vương. Nữ Tiến sĩ, Nhà văn Lê Thị Bích Hồng (hồi đó là Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên giáo TW) đã phát biểu đề dẫn cuốn sách trong rưng rưng nước mắt và nghẹn ngào vì xúc động. Đặc biệt, Đại tá, Nhà văn Nguyễn Đặng An khi phát biểu đã khẳng định: Không chỉ có “Tuyển tập những lá thư thời chiến Việt Nam”, Nhà văn Đặng Vương Hưng còn được chúng ta biết đến với tư cách là Tác giả ý tưởng và Người khởi xướng nhiều công trình “Sưu tầm - Giới thiệu” độc đáo và đặc biệt xuất sắc; có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn sâu sắc; có tác dụng lớn phục vụ phong trào và sự nghiệp Cách mạng; có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong đời sống nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và phát triển nhận thức xã hội; góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc…

  Đoàn Hồng Hà - Hongha_1953@yahoo.com.vn - 0913002828 - 70 Phan đình Phùng  (Ngày 28/07/2013 3:29:21)

Cần đính chính lại địa danh máy bay Mỹ rơi ở Cao bằng năm 1944.chính xác máy bay rơi tại xã Vĩnh Quang,huyện Hoà An ,Cao Bằng.

Các bài khác: