Thứ ba, 16/04/2024,


CHÙM THƠ CỦA CLB LỤC BÁT BÌNH DƯƠNG (I) (01/10/2011) 



HƯƠNG ỔI – HƯƠNG QUÊ

Về nơi hương ổi tuổi thơ
Lừng thơm, ngày ấy, bây giờ còn không
Từng chung nhau trái ổi hồng
Một ánh mắt, một nụ mong ngày về

Ai đi biền biệt nẻo quê
Để ai mòn mỏi xác ve, ai tường

Lạ lùng hương ổi vấn vương
Theo quấn níu, suốt dặm trường người quê

Ướp trong xanh bạc ngày về
Bâng khuâng hương ổi trưa hè buổi đi.

CON VỀ QUÊ BÁC LÀNG SEN

Con về quê Bác làng Sen
Con về thăm lại làng Sen
Tháng năm – Đêm đã lên đèn trăng sao
Vẫn tre xanh tự thuở nào
Xanh trong ký ức, xanh vào ước mơ
Ngỡ rằng chưa gặp bao giờ
Làng Sen như mộng bên bờ sông Lam
Nhà tranh xưa dưới ánh rằm
Nơi sinh cho nước Việt Nam: Bác Hồ
Nhớ Người: trước cảnh vong nô
Chí trai cồn những sóng xô căm thù
Bác ra đi buổi mây mù…
Tìm đường cứu nước- ngục tù gian nan
Bác về, như nắng mùa xuân
Đẹp ngời non nước toàn dân một lòng
Giặc tan lại đất tiên rồng
Giang sơn một cõi, mênh mông bến bờ
Miền Nam mỏi mắt mong chờ…
Cháu con sum họp bây giờ vắng Cha
Còn đây câu ví quê nhà
“Gừng cay muối mặn” như là mới nay:
“Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây
Sông Lam hết nước đó đây hết tình”
Còn đây võng nhỏ xinh xinh
Chở lời ru mẹ ấm tình bay xa
Làng Sen vẫn nước non nhà
Tấm lòng con cháu hương hoa dâng Người
Tre làng xanh mãi cho đời
Như tình nghĩa Bác biếc ngời trong con..

Thái Giang
(Số 28A/17 Bình Đường 3, An Bình, Dĩ An, Bình Dương
ĐT: 08:37203733)



GỐM SỨ QUÊ HƯƠNG

Vốn từ đất nước, mà ra
Công lao trí tuệ tài hoa con người
Nồng nàn ngọn lửa hồng tươi
Muôn hình gốm sứ dâng đời sắc hoa

Tay ai mềm mại mượt mà
Truyền cho đất của quê ta có hồn
Ngũ hành biến hoá xoay tròn
Góp vào kho báu vẫn còn dài lâu

Lung linh rực rỡ sắc màu
Tô thêm cuộc sống đẹp giàu cao sang
Ngẫm câu: “ tấc đất tấc vàng”
Tay ai yêu đất:đến ngỡ ngàng ngẩn ngơ

Gốm sứ ơi ! Tự bao giờ
Đi vào đời sống đơn sơ mỗi nhà
Nồi, niêu, bát, đĩa, ấm trà …
Bình vôi, chum nước, vại cà, trĩnh tương …

Tự hào gốm sứ quê hương
Cùng vươn cánh, vượt đại dương làm giàu
Đất người gắn bó cùng nhau
Từ hồng hoàng đến mai sau vẫn còn .

CỔNG LÀNG

Rêu phong , cổ kính , cổng làng
Một vòm bán nguyệt vắt ngang lưng trời
Ông cha con cháu bao đời
Đã từng đi ngược về xuôi rộn ràng

Nghèo hèn cho chí cao sang
Đều cùng đi dưới cổng làng cong cong
Thương con, nhớ mẹ, xa chồng …
Ra đây đứng ngóng cho lòng bớt đau

Lỡ làng duyên kiếp xa nhau
Cổng làng chứng kiến nỗi sầu tái tê
Ai người lưu lạc xa quê
Cổng làng điểm hẹn ngày về tuổi thơ

Vui buồn… tan hợp từ xưa
Chi tay, vĩnh biệt , đón đưa …bao người
Dù đi cuối đất cùng trời
Vẫn dành một góc trong tôi- cổng làng

Nguyễn Hữu Huống
(Số 17B/6 Bình Đường 2, An Bình, Dĩ An, Bình Dương
ĐT: 01658814171)



CÒN ĐÂU GIẾNG LÀNG

Tôi về tìm lại giếng làng
Quê ta mà cứ ngỡ ngàng bước chân
Xa nhà mới được mấy xuân
Đường làng giờ đã mấy lần đổi thay

Nhà ai…? Ngói đỏ mới xây
Lân la dò hỏi phải đây giếng làng
Ngước nhìn cò trắng bay ngang
Nhớ người bên giếng trăng vàng chung soi

Lỡ tay tuột chiếc gầu rơi
Sợ đau lòng giếng cái thời vụng yêu
Mạch ngầm nước giếng trong veo
Thảo thơm “ban phát” giàu nghèo hèn sang

Người quê tắm gội giếng làng
Trai thì khoẻ mạnh, gái càng đẹp hơn
Ai người…? Lấp mất giếng thôn
Nhà cao xây cất giếng còn nữa đâu

Chỏng chơ còn lại chiếc gầu
Rỉ han nhớ giếng để sầu cho ai…

NHỚ MẸ ĐỒNG CHIÊM

Khác nào cô Tấm thảo hiền
Quanh năm mẹ bận hết chiêm lại mùa
Tảo tần bắt tép mò cua
Nẻ chân, xước móng, nắng mưa lội đồng

Kể chi nắng hạ mưa đông
Để cho con có khăn hồng, áo hoa

Đổi thay cuộc sống vươn xa
Cháu con hiếu thảo cả nhà đông vui…
Nhớ khi bom đạn mù trời
Giặc càn, con nhỏ mẹ gùi sau lưng

Con vào đại học mẹ mừng
Ước mơ đời mẹ, mẹ từng mong con
Con lớn khôn - mẹ chẳng còn
Chỉ trong tiềm thức cháu con tháng ngày

Mẹ ơi! Con mẹ về đây
Đốt hương gọi mẹ đong đầy nhớ thương.

BỨC TRANH QUÊ

Quê tôi núi Đọi sông Châu
Mênh mông biển lúa, nương dâu xanh rờn
Gió lay sóng lúa rập rờn
Đàn cò cõng nắng cánh vờn thảm xanh

Sông Châu cần mẫn uốn quanh
Bao đời tô điểm bức tranh quê nhà
Đã từng xuôi ngược bôn ba
Càng xa càng nhớ quê ta một thời

Nuôi con khôn lớn thành người
Châu giang núi Đọi trọn đời nhớ thương

Nguyễn Quang Huỳnh
(11/28 Bình Đường 1, An Bình Dĩ An, Bình Dương
ĐT: 08.38966755)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Thanh Hà - nguyenthanhhahy@gmail.com - 01668383020 - CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên  (Ngày 05/10/2011 15:29:01)

TỪ SAU LỄ HỘI LỤC BÁT TÂM MÃO,
CLB LỤC BÁT ĐOÀN THỊ ĐIỂM HƯNG YÊN
HOẠT ĐỘNG SÂU RỘNG HƠN

Dù có thể có người chưa hài lòng với Lễ hội Lục bát Tâm Mão được mở ngày 6-8 Tân Mão vừa qua, nhưng trong thực tế phát triển, chúng tôi vẫn thấy Thơ lục bát đã và đang đi sâu vào tâm thức con người Việt Nam, nhất là ở những tỉnh, thành phố mang đặc trưng nền văn hóa dân tộc. Hưng Yên là tỉnh được tách ra bởi tỉnh Hải Hưng sau 28 năm sáp nhập, từ ngày 1-1-1997 và cho đến 1-1-2012 đã tròn 15 năm. "Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình", Vâng, một chặng đường 15 năm so với 180 năm thành lập tỉnh Hưng Yên, chỉ là một đoạn ngắn của thời gian, nhưng những gì Hưng Yên có được ngày hôm nay chứng tỏ việc tách tỉnh trở về địa giới hành chính cũ là một yêu cầu khách quan, là một yêu cầu của sự phát triển chung của đất nước. Từ sau ngày thống nhất nước nhà (1975), một loạt tỉnh, huyện trong cả nước đã được sáp nhập thành một tỉnh lớn, mong có cơ hội làm ăn lớn. Tuy nhiên, "lực bất tòng tâm" chúng ta hình như đã mắc sai lầm khi chỉ nhìn một phía, cho rằng sáp nhập địa giới có thể giúp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, song cuộc sống đã chứng tỏ nhận thức ấy hoàn toàn chưa phù hợp. Hưng Yên được tách ra, trở về với vùng đất hẹp lọt thỏm giữa đồng bằng sông Hồng, không núi non, ít khoáng sản nổi, chỉ có đất và người làm nông nghiệp là chính, mà trong nông nghiệp lại sản xuất lúa là chính. Hưng Yên có 1,2 triệu dân. Nhưng Hưng Yên có truyền thống lịch sử văn hóa rất lâu đời. Mảnh đất này có từ thời Hùng Vương dựng nước, từ đất Đằng Châu, rồi là Sơn Nam. Trong lịch sử, Hưng Yên gồm một số huyện hiện nay của Thái Bình, một số huyện ở phía bắc tỉnh thuộc Bắc Ninh, thuộc về đất Kinh Bắc, quê hương của Quan họ Bắc Ninh, của "Về Kinh Bắc" Hoàng Cầm...Hưng Yên là mảnh đất hẹp giữa đồng bằng sông Hồng, giáp với thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương. Bởi thế Hưng Yên như người nằm giữa "không sợ mất phần chăn" Tuy nhiên, 28 năm sáp nhập với Hải Dương giầu tiềm năng hơn, nhiều khoáng sản hơn...Hưng Yên vẫn chưa thể mạnh lên, giầu lên. Tất nhiên, phát triển kinh tế xã hội văn hóa giáo dục còn phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và ý chí của toàn dân. Nhưng có điều được khẳng định, Hưng Yên là mảnh đất có chiều rất sâu lịch sử văn hóa, có nhiều danh nhân, là đất học khoa bảng và là mảnh đất của thơ ca, trong đó có thơ lục bát. Hưng Yên là quê hương của Chu Mạnh Trinh, của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật, cũng là quê hương của Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, của Cố Tổng Bí thư trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh. Không phải ngẫu nhiên mà một CLB thơ nhỏ nhoi của chúng tôixin được mang danh Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, tác giả dịch thuật tác phẩm nổi danh "Chinh phụ ngâm khúc" của Đặng Trần Côn. Khi 100% nhà thơ, những người yêu thơ lục bát, những người mong muốn thơ lục bát là "quốc thơ" nhất trí đặt tên CLB của mình là CLB lục bát Đoàn Thị Điểm, là để kế thừa truyền thống văn chương của các danh nhân Hưng Yên, của các nhà thơ tiền bối của đất nước. Đấy cũng là cách để giữ gìn và phát huy thể thơ độc đáo Việt Nam, thể lục bát ngàn năm. Vâng, chỉ với 14 chữ (trước đây là chữ nôm, nay là chữ quốc ngữ) mà người Việt cất tiếng nói, người ta nghe như hát, đơn âm mà giầu hình tượng, giầu nghĩa. Đoàn Thị Điểm là nữ sĩ quê làng Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, cgồng bà là Tiến sĩ Nguyễn Kiều, quê quận Tây Hồ Hà Nội bây giờ. Mộ của Bà được an táng tại quê hương. Mới đây Viện khảo cổ học phối hợp với một số cơ quancó liên quan đã tổ chức di dời mộ Bà về song táng bên mộ Tiến sĩ Nguyễn Kiều tại Tây Hồ. Đó là một việc làm giầu tính nhân văn, giầu tính dân tộc và mang theo màu sắc tâm linh đáng trân trọng. Những nhà thơ sinh hoạt trong CLB lục bát Đoàn Thị Điểm rất vui và cảm động khi nhận tin này. Thì ra không chỉ là đối với người đang còn sông cần sự đoàn tụ vợ chồng chung chăn gối mà ngay cả những linh hồn đã về nơi cực lạc, cũng cần được sự đoàn tụ như Tiến sĩ Nguyễn Kiều và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

CLB lục bát Đoàn Thị Điểm chúng tôi vinh hạnh được là thành viên tập thể của gia đình "Lục bát.com", trang mạng toàn cầu đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Ngày hội Lục Bát Tân Mão vừa qua, CLB chúng tôi được phép của BTC dựng một Quán Thơ lục Bát Đoàn Thị Điểm tại lễ hội thu hút đông đáo cán bộ, hội viên nhiều CLB trong nước đến chia vui. Chúng tôi đã được đón nhiều tác giả thơ lục bát nổi tiếng như Trương Nam Chi, Dung Thị Vân từ miền Nam ra, từ quê hương Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, từ đất Cảng Hải Phòng...đến thăm. Hiện giờ chúng tôi có chứng 60 hội viên, với những tay làm thơ lục bát có nhiều kinh nghiệm và cho ra đời nhiều ý hay, nuột nà, hiện đại như cụ Dương Xuân Diễn, cùng quê vơi Nguyên Phi Ỷ Lan, như nữ tác giả Hương Sinh, quê Như Quỳnh, như tác giả Đào Hồng Kiểm, một lúc làm chủ nhiệm nhiều CLB văn học nghệ thuật ở địa phương...Cũng nhân dịp Lễ hội này, một lúc chúng tôi nhận thêm 12 nữ thành viên CLB nhiệt tình hăng hái làm thơ và công việc của CLB. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của một số cơ quan xuất bản trung ương và một số nhà thơ nhà văn đang thành danh, chúng tôi đang tiến hành tập hợp, soạn, biên tập khoảng ngót 200 bài lục bát mới nhất của các tác giả trong và ngoài CLB, của các tác giả trẻ tuổi nam và nữ và các tác giả cao tuổi hiện ngụ tại các huyện của tỉnh Hưng Yên, Gia Lâm (Hà Nội), Thuận Thành (Bắc Ninh), quận Thanh Xuân Hà Nội... là thành viên hoặc chưa là thành viên CLB, đưa vào tập thơ đầu tiên của CLB lục bát Đoàn Thị Điểm, có thể sẽ trình làng vào dịp Ngày Thơ Việt nam năm Nhâm Thìn 2012.

Điều quan trọng hơn, các hội viên đi dự Lễ hội Lục bát Tân Mão, dự
giao lưu gặp gỡ với Ban biên tập và Ban điều hành trang mạng toàn cầu Lục bát com, tiếp xúc với các nhà thơ miền Nam miền Bắc trong dịp tác giả và người yêu thơ tại Hội quán Lục bát com 6/40 Võ Thị Sáu Hà Nội, đã giúp chúng tôi nhận thức ra lục bát là thể thơ dân tộc, độc đáo Việt Nam, nhưng không phải là thể thơ "thủ cựu" mà hoàn toàn có thể hiện đại hóa lục bát Việt nam với những tư duy mới mẻ, hợp thời đại song vẫn giữ được cốt cách và truyền thống lục bát Việt Nam, tránh những cầu kỳ, "làm xiếc" về ngôn ngữ lục bát, để "ra vẻ ta đây" như một số người lầm tưởng. Mặt khác luôn mong mỏi BBT và các cán bộ điều hành trang mạng cũng phải "hiện đại hơn" phong phú hơn trang mạng, diễn đàn của mọi sngười yêu thơ lục bát Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, CLB lục bát Đoànm Thị Điểm Hưng yên cố gắng hết mình tham gia vào trang mạng và từ đó nâng cao tầm hiểu biết, những xúc cảm thơ, hiện đại hóa thơ lục bát của dân tộc ta. Và nếu có thể góp một phần nhỏ vào việc xúc tiến quá trình trở thành "Quốc thơ" hoặc được thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thẻ của Việt Nam thì cũng là vinh hạnh lớn lao chắc chắn không phải chỉ là CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng yên.Xin cảm ơn các thi huynh thi hữu đã đọc bài của chúng tôi.
Nguyễn Thanh Hà, Chủ nhiệm CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng yên.
ĐT: 01668383020. Email: nguyenthanhhahy@gmail.com

Các bài khác: