Thứ sáu, 22/11/2024,


CHÙM THƠ LỤC BÁT DỰ THI “NGÀN NĂM HỒN VIỆT, TÂN MÃO – 2011” SỐ 14 (16/06/2011) 



Tác giả Du An (Điện Biên)
ĐT: 0943896726, Email: duan1966@gmail.com

ĐỂ THƯƠNG MỘT THỜI

Súng sen về nở ao vua
Cây cau to tướng vẫn chưa có buồng
Đỏ xanh thì vẫn là chuồng
Hai con hổ quí căm hờn nhìn ra.

Chẳng rồ chẳng dại nhà ma
Hết hồn là cái người ta tiêu tiền
Cửa này phật, ngách này tiên
Từ trong giấc mộng ưu phiền một gang.

Mớ ba mớ bảy điệu đàng
Nào hay có phải người làng vào đây
Cách nhau một bức tường xây
Chung trời chung đất chung mây quê nghèo.

Gương trong biết chọn chỗ treo
Còn bao nhiêu cái noi theo ngoài đường
Quê rửa mặt hay phố phường...
Đã, đang tìm cách để thương một thời.

CHIỀU KHÔNG GIÃ BIỆT MÊNH MANG

Nghĩa trang nằng nặng bầu trời
Có ông già đã chín mươi tuổi rồi
Chòm râu nấc gọi con ơi
Cao xanh thưa tiếng lời lời mộ bia.

Gió theo hàng lối đều chia
Bố chung, chung cả đầm đìa chiều hôm
Còn trời còn nước còn non
Con còn có bố, bố còn khóc con.

Lưng còng men bước hoàng hôn
Hay đâu sương khói chập chờn vấn vương
Về quê thì lại thấy thương
Vắng con đồng đội đêm thường quờ tay.

Bầu trời bố chót ngọn mây
Chẳng biết lần này, còn có lần sau…
Gió nhìn gió chẳng đi đâu
Bố ơi!... Bao tiếng, bao câu, bao làng…

Chiều không giã biệt mênh mang
Lưng còng mắt thẳng hàng hàng các con
Vuông tròn trời đất đầu non
Cha già niềm nỗi cậy hồn cây xanh.

GIỜ TA THEO NÓN

Gió xoay chiếc nón giữa đồng
Đồng đương xoay xoáy vòng vòng rộng ra
Mồ hôi dằng díu đường xa
Đón tôi, cơn lốc nở hoa tít mù

Vừa xe lại nhịp võng đu
Về quê chân xoắn trò đùa trẻ con
Nào đâu dám chạy lon ton
Chỉ tim nhịp nhịp vẫn còn tuổi thơ

Nón bay qua ruộng qua bờ
Nón đương tròn xuống vụ mùa còn xanh
Vừa đi vừa xoáy thật nhanh
Nón xoay hay gió tròn vành mà đi

Đã qua gang tấc bùa mê
Giờ theo đường nón để về mình thôi
Nắng mưa sấm chớp gầm trời
May còn chiếc nón của người nông dân.

NGHE CHỬI MẤT GÀ

Tinh mơ thấy chửi mất gà
Xóm nghèo tan nát bài ca quặn lòng
Nhà bà giống phượng giống công
Về quân mèo mả gà đồng hóc xương

Lúc nghe tiếng chửi trên giường
Giọng ngân như hát con đường đắng cay
Từ hôm bóc trứng đến nay
Rồi hôm bỏ dở buổi cày về tiêm
Năm con đóng thuế vụ chiêm
Hai con đẹp nhất để riêng giỗ bà…

Kể mình để chửi thật xa
Rồi không chửi nữa nhòa nhòa lời đi
Trộm, không ăn trộm cùng nghe
Chung câu giấy rách giữ lề sáng trong

Hôm nay giữa chốn mênh mông
Bao nhiêu trộm cướp… mà không phải gà?
Phố phường cũng tự quê ra
Bỗng thèm nghe chửi kiểu bà năm xưa.

VỀ QUÊ

Chuồn chuồn quê ở mọi quê
Cao xa để đón tôi về tuổi thơ
Thấy vèo như một giấc mơ
Thấy như chỉ có ngày xưa là mình.

Chiếc xe máy xoẹt trời xanh
Cầu vồng thành khói tan nhanh chân trời
Muôn cờ lá chuối vậy thôi
Nghĩa quân của biết bao người không tên.

Ngày đi mẹ dặn đừng quên
Hay đâu vèn vẹt đồng tiền tha hương
Đò xưa tiếng gối đầu giường
Mồ hôi hoảng hốt biết thương quê nghèo.

Bốn mươi, một buổi trong veo
Ngả lưng sáo ngữ cánh bèo về quê
Đường đê giấu tịt bờ đê
Chuồn chuồn chắc phải tận khuya mới nhiều

Du An



Tác giả Nguyễn Thị Minh (Hà Nội)
ĐT: 01686527282, Email: minhthach55@gmail.com

TẮM CHO MẸ

Nồm sang cái gió hiu hiu
Dỗ dành, rủ tắm, con dìu mẹ ra

Hạt mùi nấu với gừng ta
Mành che bớt gió kẻo bà nôn nao

Áo len nhớ thuở yếm đào
Lược gương nhớ sợi tóc nào xanh mây?

Tay run chạm chốn vai gầy
Vết chai hằn những gánh đầy gánh vơi…

Tắm xưa mẹ hát con cười
Tắm nay con khóc mẹ ngồi lặng im…

Đi qua bảy nổi ba chìm
Mẹ tôi thanh thản lim dim giấc già…

Rằm tháng Hai năm 2010 (30-3-2010) - Kỷ niệm sau ngày giỗ mẹ
Nguyễn Thị Minh



Tác giả Phạm Minh Giắng (Thái Bình)
ĐT:0987736365, Email:phamigia@gmail.com

TRÂU ƠI TÂM SỰ TRÂU NÀY

Theo sau người, người theo sau
Nào người đã hiểu rằng trâu nghĩ gì?

Người hèn gặp lúc hiểm nguy
Chân run, tim đập, gối quỳ khiếp kinh.
Một khi sống đúng là mình
Kiên cường trâu quyết hy sinh vì đàn.

Ngập vào rượu thịt chứa chan
Ruột gan người đợi ngày tàn thối tha.
Trâu ăn rơm cỏ, trâu già
Ung dung trâu để lại da… tùng… tùng.

Người nuôi chí khí anh hùng
Dưới trên đấng bậc, hiếu trung vẹn toàn.
Trâu xưa chẳng háo danh càn
Thực tài cao thấp, đầu đàn định ra.

Người tài đức tránh xa hoa,
Trâu ăn rơm cỏ mới là chính trâu
Kéo cày có kể công đâu
Người khôn, người hiểu nỗi trâu nhọc nhằn.

Trâu gầy dầy mặt người chăn
Lem nhem đem cái khó khăn vẩy quàng.
Người lo cho nước cho làng
Ngẩng đầu trâu kéo vẻ vang cùng người.

QUỐC THƠ

Tình yêu đất nước quê hương
Câu thơ Lục Bát mình thương vô cùng.

Non sông con cháu Vua Hùng
Sang hèn chi cũng lớn cùng à ơi!
Lời ru theo máu truyền đời
Ngấm vào xương thịt nên người Việt ta!
Nào khi nằm xuống quê nhà
Nào đang sống chốn phồn hoa phương nào
Còn đau xót tiếng Đồng Bào!
Còn nương tục ngữ ca dao răn đời
Xuyên biên giới, vượt bầu trời
Còn bằng còn trắc còn lời ngân nga.

Muôn ngàn thi sĩ tài hoa
Không thơ Lục Bát không là Việt Nam!

VIẾT NGÀY GIỖ CHA

Lưng còng cõng nỗi lo con
Bao nhiêu chữ hiếu thành hòn núi cao!

Mẹ gầy lặn lội ngoài ao
Vì con, thân chẳng bữa nào bụng no
Nước trong, nước đục, cố mò
Mưa rào bão táp, lò dò liêu xiêu.

Cha đi… để lại cánh diều
Còn lo gió thổi ngược chiều tương lai.
Chân trần đạp nát chông gai
Thân vào lòng đất hồn trai đỏ cờ.

Người thơ trắng tóc nằm mơ
Thả diều nghe sáo ầu ơ… cha về!

MẸ TÔI

Tiễn người trai tráng Tòng quân
Không giày không dép, bước chân lẫy lừng,
Qua chiều giữ vẻ tưng bừng
Trở về… chúi mặt phơi lưng ngoài đồng.

Đôi mươi cất kỹ má hồng
Gạo lo tiếp tế cho chồng xông pha.
Thân gầy, nắng lửa mưa sa
Lót lòng khoai ráy, lội ba cánh đồng
Gánh nghèo, xiêu vẹo đường cong
Môi tươi tím lại, lưng ong quắt tròn
Vai trầy oằn nợ nước non
Hai tay trần trụi nuôi con… chờ chồng…

Cảm ơn cua ốc ngoài đồng
“Một câu thơ dở nói không hết lời”
Góp gom màu đất khí trời
Rưng rưng vào giỏ của người mình thương!

CÂY ĐA CẢNH

Đầu đình xưa có cây đa
Đời ông truyền tiếp đời cha cả làng
Bão giông thế đứng vững vàng
Cây cao bóng cả Thành Hoàng thiêng linh .

Kìa kìa có đẹp có vinh
Cây đa cảnh dựa rung rinh chậu hồng?
Mặc thấp hèn, tránh bão giông
Uốn thân giả dáng phượng rồng … vểnh vang.

Khoe ra giá mấy cây vàng
Của riêng, đâu phải của làng của thôn.
Vây quanh là khách vàng son
Nhớ gì đến lũ trẻ con một thời.

Đã quên thế đứng giữa trời
Đã quen làm thứ đồ chơi đắt tiền.
Chim trời qua mỉa mai khuyên
Thanh danh anh được mấy liền lá xanh.

Tổ tiên rộng gốc vươn cành
Mà con cháu lại chẳng thành cây đa.

CỦ CHUỐI TỰ TÌNH

Ai chê ta dại, ta cười
Gian lao chẳng trốn, lợi thời chẳng tranh.

Giấu mình chẳng lộ công danh
Để cho cây có lá xanh quả vàng
Qủa vàng danh giá cao sang
Củ già lặng lẽ chẳng mang theo gì.

Vui lòng khi bị quên đi
A hay! Già cũng có khi không thừa.
Đau lòng Ất Dậu năm xưa
Xả thân ra để sớm trưa cứu đời.

Ví von chi với đầu người
Cái đồ “củ chuối”…  kẻ cười ta đau.

CÂY MÍT

Lẽ đời, quả mít ai ơi
Còn xơ có múi, còn mời mọc nhau.

Nhà ngói cây mít: xưa giàu.
Đời cây trải ngấm nỗi đau nhà nghèo
Không chê xiêu vẹo cột kèo
Lều tranh cây thấp cũng nhiều quả ngon.

Giàu thì đãi khách vàng son
Mâm đồng đĩa bạc, sạch trơn dễ dàng.
Nghèo vui xúm xít giần sàng
Mùi thơm vương vít lại càng thơm lâu.

Nào ai lai tạp đâu đâu
Lá hoa đổi sắc thay màu làm sang.
Xưa nay cây mít ruột vàng
Trước sau với xóm với làng thủy chung.

Oai hùng trang trống… tùng… tùng
Từ bi tượng Phật chỉ dùng mít thôi.
Không cam làm ghế ai ngồi
Đương đầu mối mọt, ngâm tôi quản gì.

Ừ mang danh “mít đặc” đi
Dễ gì ngã gục gặp khi bão bùng.
Đứng bên lầu ngọc rèm nhung
Chẳng thơm hơn lúc ở cùng rạ rơm.

Nghiệp đời vinh nhục áo cơm
Lo toan, giành giật, xẻ đơm vơi đầy.
Hồn người tưới đẫm hồn cây
Gốc thơm xưa để lại đây truyền đời.

SÔNG QUÊ ƠI ĐẾN BAO GIỜ

Ai không có bến sông quê
Không lần nằm ngửa triền đê ngắm trời
Mây bay đâu đấy mây ơi
Mang tình mang nghĩa biển khơi về nguồn.

Mùa thi, ngắm sóng vơi buồn
Phù sa vào dạ, xuân nguồn sạch trong.
Thoả vui ngọc nữ tiên đồng
Vẫy vùng, hít gió căng lồng ngực thơm.

Mấy mùa bươn trải rách bươm
Nước vòi gội bớt bụi cơm phố phường.
Muốn về ngụp với sông thương
Ai yêu sông nhớ sông đương đợi hoài.

Ta về đây buổi sớm mai
Kìa sông! Sao vắng bóng ai chân cầu
Lẽ nào đang giận gì nhau
Mà sông không đỏ sẫm màu phù sa?

Tin đau, bạn cũ hầu toà
Tội gian…nước thải tuồn ra sông mình
Cá tôm giờ hết đường sinh
Vắng làn hơi thở trao tình bãi sông.

Nước sông xưa uống vào lòng
Để giờ trả nghĩa cho sông thế này?
Trời chiều mây thẫn thờ bay
Buồn không soi bóng như ngày tuổi thơ.

Xa đi đành hẹn bao giờ
Sông trăng tiên khoả mộng mơ gội đầu
Mình về rình cá thả câu.


TÌNH THẮM DUYÊN QUÊ

Gái làng như củ khoai lang
Trai làng mang cốt cách chàng tre pheo
Mối manh là chị ao bèo
Tình tang trăm điệu hát chèo í a.

Mót chồng…không hở mông ra,
Yếm điều mớ bẩy mớ ba điệu đàng.
Trai tơ khéo ghẹo dữ dàng
Thề không phá cái ngàn vàng đáng yêu.

Phải duyên chẳng hám chi nhiều
Cho tình cao giá, cơm niêu, ruột bầu.
Má say rừng rực…môi trầu
Thách chàng quân tử vểnh râu với đời.

Ru con thánh thót à ơi!

Phạm Minh Giắng

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  nguyễn thị diệp - nguyendiep22@gmail.com - 0976098983 - Trường THCS Cát Quế B- Hoài Đức- hà Nội  (Ngày 16/06/2011 20:12:28)

“Tắm cho mẹ”- Một hình ảnh cảm động trong thời đại @.

Thoạt tiên, bài thơ gợi cho tôi một cảm xúc bâng khuâng khi nhớ về cha mẹ mình đã khuất núi. Càng đọc, càng thấy được ý nghĩa nhân văn và lòng hiếu thảo hiếm thấy của người con đối với mẹ trong thời buổi kinh tế thị trường ngày nayBài thơ được viết theo thể lục bát, chỉ với 12 câu rất ngắn gọn, nhưng đã để lại cho người đọc không ít những suy nghĩ trăn trở. Thông thường người ta thường thấy mẹ chăm sóc tắm rửa cho con, vậy mà tác giả lại chọn hình ảnh con tắm cho mẹ làm ý chủ đạo cuả bài thơ. Trong cuộc đời, người mẹ bao giờ cũng dành hết phần khó khăn về mình, và nhường lại những thuận lợi, miếng ngon ngọt cho chồng con. Bây giờ về già, mắt đã mờ, chân đã chậm, thậm chí đầu óc không còn minh mẫn, nhớ nhớ quên quên. Không tự chăm sóc được bản thân kể cả những việc vệ sinh cá nhân như tắm rửa, ăn uống, vì tay run, chân mỏi, mắt mờ mất rồi. Sức khoẻ yếu, lại không tự làm được mà nhờ con thì ngại ... Vậy mà ngươì con đã ý tứ, dỗ dành ngon ngọt để mẹ đồng ý cho con chăm sóc tắm rửa. Mẹ không đi được nữa, đến nỗi “con dìu mẹ ra”. Thật cảm động hình ảnh “dìu mẹ” cuả người con hiếu thảo. Còn đây nữa: người con đã rất tâm lý khi tắm cho mẹ: Không tắm bằng thứ sữa tắm hoặc xà phòng tắm được quảng cáo rất rầm rộ mà đã dùng “hạt mùi già nấu với gừng ta”. Các cụ ta xưa quan niệm tắm với nước hạt mùi già là để cho sạch sẽ, còn gừng là để giải cảm. Đây là bài thuốc, người con đã nấu thứ nước thơm ấy để tắm cho mẹ, còn tâm lý “ buông mành bớt gió” vì sợ mẹ bị lạnh. Mẹ già rồi, không thể dắt mẹ ra nhà tắm như mọi người, mà phải tắm trong phòng kín, lại còn “che mành bớt gió” kẻo sợ mẹ nôn nao trúng gió khó chịu. Khi chuẩn bị quần áo cho mẹ, người con lục tìm và thấy hiện lên trước mắt mình một quãng đời son trẻ cuả mẹ: Này gương lược , này yếm đào… mà giờ đây mẹ đâu còn sử dụng đến nữa. Mẹ vẫn phải mặc “áo len” trong khi trời đã “nồm sang”. Mẹ nằm ốm lâu ngày, tóc đã rụng, đâu còn dùng đến gương lược nữa. Một thời xuân sắc cuả mẹ hiển hiện trong mấy kỷ vật được mẹ cất kỹ khiến người con cảm thấy nao nao. Khi lần giở từng lớp áo mẹ đang mặc trên người, “tay run chạm chốn vai gầy” của mẹ mà sợ mẹ đau. Vâng. Và chợt khóc khi thấy được những vết chai trên vai mẹ. Vết chai hằn rõ những vất vả , “gánh đầy gánh vơi” khi tần tảo đầu chợ cuối hôm nuôi con ăn học, dạy dỗ con trưởng thành, khi lo trong ngoài chu đáo mọi công việc nhà chồng, tề gia nội trợ mà mẹ chẳng hề kêu ca phàn nàn. Chính những “Gánh đầy gánh vơi” ấy đã giúp con được học nên người, để bay đi khắp bốn phương trời, đem sức mình cống hiến cho đất nước, để biết yêu biết ghét, biết phân biệt phải trái trắng đen, để thuận hoà hiếu thảo và bây giờ đây để biết dành thời gian “tắm cho mẹ” trong khi rất vội, trăm công nghìn việc khác nữa. Người con có thể thuê người giúp việc và khoán trắng cho họ mọi sự chăm sóc cha mẹ mình. Nhưng không, “tắm cho mẹ” là thể hiện tình cảm, sự hiêú thuận, là thể hiện ngươì con đã biết nghe lời mẹ dạy : phải biết đối nhân xử thế, phải biết kính trên nhường dưới, biết được đường ăn ý ở. “Tắm cho mẹ” mà tay run khi chạm chốn vai gầy, khi chứng kiến những vết chai hằn trên vai mẹ, người con đã khóc. Vâng. Khóc vì thương mẹ, khóc vì tư hào có mẹ là điểm tựa trong cuộc đời giúp con giải toả mọi va vấp ưu phiền trong cuộc sống. Mẹ là nguồn động viên lớn lao để con được bay cao bay xa, bằng chúng bằng bạn. Nhớ lại thời xưa, người con hình dung khi mẹ tắm cho mình: mẹ đã từng nựng dỗ, đùa vui để con được thoả chí vẫy vùng trong chậu nước mát. Và chợt hình dung “tắm xưa: mẹ hát, con cười”. Còn bây giờ, con tắm cho mẹ mà xót xa. Con đã khóc. Còn mẹ thì vô cảm, lặng im. Câu thơ đến đây như lắng lại bởi hình ảnh “tắm nay: con khóc, mẹ ngồi lặng im” ấy. Những giọt nước mắt hối hận cuả người con khi nghĩ đến những lúc mình đã ham chơi, đã có lần không vâng lời mẹ, khi nhìn thấy vết chai hằn in trên vai mẹ. Mẹ “ngồi lặng im” vô cảm, chính sự vô cảm của người già không còn minh mẫn nữa đã khiến người con xót xa , thương mẹ nhiều hơn. Muốn ước mẹ trẻ lại , minh mẫn như xưa để con được báo hiếu với mẹ. Mẹ đã qua “bảy nổi ba chìm” của những gian truân cuộc đời, bây giờ già, như chuối chín cây, còn được bao lâu nữa? Các cụ xưa đã dạy “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, người con đã được làm mẹ cuả những đứa con, đã hiểu thế nào là tình mẫu tử. Tắm xong cho mẹ , người con cứ suy nghĩ miên man, còn mẹ đã “lim dim giấc già” ngủ thảnh thơi, êm đềm sau khi tắm mát. Có lẽ tuy không còn minh mẫn nữa, nhưng mẹ vẫn cảm nhận được lòng hiếu thuận của con, đã thanh thản đi vào giấc ngủ êm đềm mà không băn khoăn lo lắng nữa, mãn nguyện khi thấy con mình trưởng thành và hiếu thuận.
Tôi lại chạnh lòng nhớ về cha mẹ mình, đến nay đã khuất núi nhưng lúc sống cũng đã được các con chăm sóc chu đáo mà chẳng quản ngại, không hề kêu ca phàn nàn. Em trai tôi cũng đã xúc từng thìa cháo cho mẹ, cũng đã nhiều lần bế mẹ ra nhà tắm để chị em tôi giúp mẹ việc vệ sinh cá nhân, cũng đã rất hiếu thuận, đối xử trong ngoài và lo lắng cho cha mẹ tôi không quản ngại điều gì. Thật may mắn và hạnh phúc với những bậc cha mẹ có được những người con như vậy. Và cũng thật đáng buồn , nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường xô bồ, người ta mải mê lao đi kiếm tiền mà phần nào xao nhãng việc báo hiếu. Họ cứ nghĩ đơn giản là chỉ cần “quẳng” một cục tiền cho “ô sin” là đủ trách nhiệm với cha mẹ. Và đáng buồn hơn, có những người con còn bạc đãi (thậm chí còn ngược đãi) cha mẹ mình, coi cha mẹ già là gánh nặng. Mong sao những trường hợp ấy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi.
Bài thơ đã khép lại, nhưng tình người cuả bài thơ như vẫn mãi đọng lại trong ta. Nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng đã từng viết:
“Mẹ ơi! Nếu được sống lại tuổi thơ
Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi, trốn học
Con sẽ không trèo cây, không nô nghịch
Không còn làm mẹ buồn nữa đâu”
Thật là một sự đồng cảm tuyệt vời. Ai đã một lần có lỗi với mẹ, hãy đọc bài thơ trên để suy ngẫm, để hối hận và để răn dạy con cháu hãy sống sao cho hợp đạo lý truyền thống cuả người Việt Nam: Hiếu thuận, sống nhân ái giàu lòng yêu thương. Nhân ngày gia đình Việt Nam, xin chia sẻ vơí bạn đọc một chút hồi tưởng suy tư cuả mình để chúng ta cùng suy ngẫm, để sống sao cho cuộc sống tốt đẹp, để gia đình thực sự là tế bào tốt của xã hội. Có như vậy mới mong thực hiện tốt được phương châm “xây dựng gia đình ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” như tất cả chúng ta cùng hướng tới.

Nguyễn Thị Diệp
Phó hiệu trưởng trường THCS Cát Quế B- Hoài Đức- Hà Nội
 

Các bài khác: