Thứ bảy, 27/04/2024,


Chùm thơ dự thi TQVĐP số 223 (06/08/2018) 
Lucbat.vn trân trọng giới thiệu Chùm thơ dự thi Cuộc thi sáng tác thơ Lục Bát "Tổ Quốc và Đạo Pháp" số 223 của các tác giả: Trần Liên Phương (Tiền Giang), Trần Xuân Linh (Đắc Lăk), Phạm Nhật Khoan (?), Lã Đắc Phước (Hải Phòng), Vũ Xuân Hồng (Quảng Ninh).
 
 

 
 
Tác giả Trần Liên Phương
ĐT: 0124.7744.005
Email: lienphuong47tiengiang@gmail.com
Địa chỉ:  285 Ấp Bình Tịnh, X. Bình Phú, H. Cai Lậy, T. Tiền Giang
 
 
 
 
1. KHÚC TRI ÂM

Sáu năm tìm cuộc dạo chơi
Đem câu lục bát gởi lời tri âm
Xa xôi mấy cũng về gần
Bạn - Đời san sẻ tình thân mãi còn

Sáu năm ngan ngát mùa son
Cầm ngôn trải xuống lối mòn đi qua
Nửa đêm gối mộng thật thà
Này em giữ lấy ngày ta mỉm cười

Sáu năm có những buồn vui
Với người quân tử trao lời để tin
Trần gian ngắn lại chuyện tình
Dường như chữ nghĩa đinh ninh kiếp này

Sáu năm tìm cuộc giải khuây
Bao nhiêu cái thuở hao gầy đua chen
Bóng câu vụt thoáng qua rèm
Và đời chợt nhớ chợt quên mấy lần

Sáu năm chừng ấy phân vân
Mà thơ cũng lắm căn phần đa đoan
Người ơi dẫu có muộn màng
Con đường lộng gió thu sang trái mùa

Sáu năm như thể ngày xưa
Trong ngăn ký ức cũng vừa gang tay
Mông lung có phải đêm dài
Tình em chưa hết nồng say đầm đìa

Sáu năm mấy lượt phân chia
Bên hư, bên thực, bên về ý ngôn
Như con sông nhớ ngọn nguồn
Thơ đem dòng chảy ngày đêm thủy triều

Sáu năm là mảnh tình yêu
Nơi phương trời ấy buổi chiều xưa xưa
Cầm thi em đợi bao mùa
Cho vần lục bát đơn sơ thật thà

Sáu năm hội tựu ngàn hoa
Sen hồng vàng cúc lụa là sắc hương
Sớm mai nụ thắm môi hường
Ta về mở hội con đường ngát thơ.
 
 

 

 

2. BÓNG CHA TRÊN CÁNH ĐÔNG BƯNG

Nắng ngày núp dưới bóng cha
Bóng tràm núp dưới bóng ngà ngà trưa
Hạt phèn ngấm đất bao mùa
Bưng biền lênh láng ngày xưa cỏ phèn

Cây tràm bên trũng đất quen
Đường vào Nồi Gọ* lá chèn bờ kinh
Với tay níu đám lục bình
Tiếng con cá ục đinh ninh dưới tràm

Bóng cha đen đúa như than
Phạc phờ da vữa mỡ màng tựa bông
Cơn mưa dứt hạt giữa đồng
Nỗi niềm của đất. Nỗi sông của trời

Bóng cha núp bóng Gò Nôi*
Cuối mùa chim chích về ngồi với cha
Bàn chân nứt nẻ thật thà
Đất ôm hạt giống vỡ òa trong đêm

Đường cày vun vạt đất phèn
Bóng cha và ngọn nước lên xanh triền
Lúa vừa ken hạt ra giêng
Bóng cha tựa bóng bên miền ca dao

Chiều nghiêng xuống cả mấy sào
Màu lam khói quyện hàng cau quê mình
Bóng cha trong ấy bóng hình
Đời cha trọn giữ nghĩa tình với quê

Con về. Tìm lại lối về
Người xưa đâu vắng tái tê cõi lòng
Tháp Mười sao quá mênh mông
Đâu đây có ngọn gió đồng vụt qua

Dường như trong nắng chiều tà
Tiếng quê thổn thức
Bóng cha 
Bưng biền.
__________
* Tên những gò lung ở Đồng Tháp Mười

 

 

3. NỤ  CƯỜI  VÙNG  CAO

Lao xao cái chợ tròn tròn
Người ngồi kẻ đứng trẻ con người già
Í ời qua rẻo đường xa
Về đây họp chợ thật là vô tư

Bán trâu bán lợn chỉ ừ
Mua dao bán thịt mua lư bán nồi
Chợ Phiên họp sớm mà vui
Bên kia là núi. Nụ cười vùng cao

Mù sương giăng lối mai nào
Ngựa thồ lên dốc phía sau lưng đèo
Vùng cao thác suối chim reo
Có nàng sơn nữ bỏng bèo trên nương

Ngực tròn áo tím bông hường
Làn da mơn mởn nửa vương nửa hờ
Đồi sim tím nhạt trong thơ
Rưng rưng khói quyện lửng lờ vùng cao

Về đây em níu ta vào
Rượu Mèo thấm dạ hao hao vị nồng
Nhà sàn khách tạm dừng chân
Tiếng khèn vi vít chạm lòng rừng vui

Vùng cao đẹp cảnh đẹp người
Thiên nhiên trong trẻo là nơi giao hòa
Đồng bằng miền dưới dẫu xa
Về đây cảm mến đậm đà cho nhau

Miền cao ngược dốc miền cao
Trải lòng ta cũng dạt dào em ơi!
Thiên nhiên thắng cảnh gọi mời
Ai về Tây Bắc cùng tôi thì về.

 

 
 
 
 
4. NGHIÊNG MÙA

Nghiêng ngày nắng găt 
Nghiêng trưa
Nghiêng bầu trời xám
Nghiêng mùa oái oăm
Nghiêng cong mái tóc nhọc nhằn
Nghiêng từ độ ấy bao năm vẫn còn

Nghiêng vì thế sự héo hon
Nghiêng tìm ký ức
Nghiêng mòn khúc sông
Nghiêng con phố
Nghiêng cánh đồng
Nghiêng cây lúa nghẹn chênh chông đất trời

Nghiêng mùa vất vưởng
Nghiêng tôi
Nghiêng người đãng trí 
Say rồi tỉnh say
Nghiêng đời giả dối đọa đày
Nghiêng mà sống
Nghiêng chiều nay nẻo về

Nghiêng đêm 
Thao thức cơn mê
Nghiêng ngày hư ảo trăm bề đó em!
Bên kia  nghiêng ngõ nghiêng đèn
Con đường mất tích
Người chen bóng người...
 
 
 
 
5. TRẢ NỢ CHO ĐỜI

Trần gian ta nợ mỗi ngày
Nợ quê nợ cả hình hài mẹ cho
Nợ thơ nợ với chuyến đò
Nợ sông nợ suối nợ lo đêm dài

Nợ mùa xuân chim én bay
Nợ thời gian có những ngày xưa xưa
Nợ cây nợ trái bốn mùa
Nợ em câu hát mà chưa vẹn tình

Nợ tiếng gà buổi bình minh
Nợ con phố nhỏ mái đình làng ta
Nợ năm tháng hạt mưa nhòa
Nợ thầy chữ nghĩa ngày xa mái trường

Nợ câu lục bát quê hương
Nợ chùm khế ngọt bên vườn tuổi thơ
Nợ mùa thu. Nợ bao giờ?
Nợ hàng liễu. Nợ thác mơ cuối triền

Nợ câu vọng cổ lời riêng
Nợ về Kinh Bắc. Nợ miền nhớ nhung
Nợ cung đàn phím tơ chùng
Nợ em suốt cả tuổi xuân đậy thì

Nợ đời có buổi chia ly
Ngày về gặp lại chu kỳ đã qua
Nợ tình chung thủy mặn mà
Nợ vần thơ với thi ca no tròn

Anh vừa nợ dấu chân son
Em ơi từ ấy ta còn ngày xưa...
 
 
 
 
6. CHUYẾN PHÀ CUỐI TRÊN SÔNG

Chuyến phà nối những bờ xuôi
Tôi về Cao Lãnh buồn vui sông Tiền
Chuyến phà mang nỗi niềm riêng
Mai này phà vắng xa miền sông xưa

Nhìn ông lão đánh đàn trưa
Tiếng đàn bầu ấy mới vừa cất lên
Sông thì rộng. Sóng bồng bềnh
Con phà khắc khoải bên triền gió lay

Ông lão kiếm sống qua ngày
Cây đàn chiếc gậy cầm tay đỡ đần
Đàn ông dạo khúc bổng trầm
Chuyến phà rời bến ra sông tới bờ

Mai nầy ông lão bơ vơ
Tìm đâu để sống? Ông chờ vậy thôi
Con phà lần cuối xa rồi
Ông nào có biết lòng tôi buồn buồn.

T.L.P

 

 
 
 
Tác giả Trần Xuân Linh
ĐT: 0942.383666
Email: xuanlinhnew@gmail.com
Địa chỉ: 21 Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
 



NHUỘM

Gió trời nhuộm thói lang thang
Tương tư nhuộm lối đi hoang những ngày
Lời em nhuộm thắm anh đây
Mắt yêu nhuộm tím những ngày chờ nhau...

Thời gian nhuộm bạc mái đầu
Con đường nhuộm úa dãi dầu nắng mưa
Ngàn xanh nhuộm biếc câu thơ
Nỗi buồn nhuộm những vu vơ nỗi buồn...

Thương chiều nhuộm tím hoàng hôn
Nhớ người... mình nhuộm cô đơn lòng mình!

T.X.L

 

 
 
Tác giả Phạm Nhật Khoan
Email: phamnhatkhoan@gmail.com
 


 
 
1. ĐỊA CHẤT VÀ TRĂNG

Vách thưa trăng lách qua khe
Cùng người địa chắt lặng nghe tiếng rừng...
Suối reo ro rách, nhẹ mừng
Lộ trình ngày mới trời bừng nắng tươi

Trăng soi mẫu quặng, khẽ cười
Xù xì thân đá, vàng mười ẩn sâu...
Lộ trình địa chất dài lâu
Trăng tròn, trăng khuyết dãi dầu nắng mưa

Trẻ trai nhiệt huyết có thừa
Nước non cẩm tú, sao chưa mạnh giầu?
Trăng khuya bàng bạc một mầu
Đêm dài trằn trọc, hay đâu nỗi niềm...

Sườn non treo mảnh trăng liềm
Gà rừng gọi nắng bên thềm sớm mai
Thân quặng đâu, rộng và dài
Tầng sâu nước mát chờ ai khơi dòng...
 
Rừng xanh lăng ánh trăng trong
Đèn khuya lẻ bóng, ai mong ai chờ
Địa chất gian khó, mộng mơ...
Tuổi xuân dâng hiến - vần thơ, hương đời.

 
 
 
2. CƠM CỦA MẸ

Dẻo thơm ngào ngạt hương cơm
Dâng cúng cha mẹ, con đơm... nghẹn lòng
Bao nhiêu hạt ngọc trắng trong
Công ơn cha mẹ những mong báo đền!
 
Lớn từ khoai sắn mà nên
Học điều nhân nghĩa, luyện bền chí trai.
Cơm ăn trên nẻo đường dài
Quên sao cơm bón mẹ nhai - sữa dòng

Quê nghèo đồng trắng nước trong
Cơm khoai mẹ ủ, ấm lòng ngày đông.
Mấy mùa mưa lụt trắng đồng
Mò từng bông thóc, cha hong nắng chiều...
 
Qua rồi thiếu đói tiêu điều
Đồng xanh trĩu hạt, vườn nhiều quả thơm.
Về quê tìm lại bát cơm
Như xưa mẹ thổi rạ rơm nồng nồng
 
Lưng lưng nửa giỏ cua đồng
Sánh vàng cua gạch, xanh mồng tơi quê
Lam chiều, lối cũ tôi về
Bữa cơm của mẹ  khê khê cháy giòn!
 
 
 
 
3. KHOẢNG TRỜI BÌNH YÊN

Mũ rơm cùng bạn đến trường
Mẹ còn tải đạn, san đường xe qua
Bố còn tận chiến trường xa
Học tan con nhớ về nhà trông em.
 
Tầu bay Mỹ, cấm không xem
Chơi gần hầm, nhớ mang kèm mũ rơm
Trong chăn mẹ ủ âu cơm
Quả na, quả thị ngọt thơm thay quà
 
Mẹ về khuya, ngủ với bà
Tối xem bầy cún, đàn gà đủ chưa
Góc giường ướt, dột đổ mưa
Che tạm mảnh áo nằm vừa không con!
 
Mẹ cha bận việc nước non
Thương con thơ dại như hòn đất quê!
Mải mê diều liệng bờ đê
Sao đem bom dội... cận kề con tôi?
 
Mẹ ơi con cũng lớn rồi
Cửa hầm, con ngắm khoảng trời bình yên.
Mẹ về, ôi một cô tiên
Vòng tay của mẹ diệu huyền, ru êm

Mai ngày khôn lớn hiểu thêm
Núi, sông, trời, biển tới thềm đảo xa
Linh thiêng hồn Việt quê nhà
Ngàn năm máu đổ, nở hoa vững bền.

P.N.K

 
 
  

 
Tác giả Lã Đắc Phước
ĐT: 01673586256
Địa chỉ: Vĩnh Bảo, Hải Phòng



1. CUỘC ĐỜI CỦA MẸ

Làm ăn tối mặt tối mày
Theo trâu kịp bước đường cày gian truân
Trĩu vai nặng gánh phong trần
Gánh mạ gánh cả trăng ngân ra đồng

Mặt trời vừa mới hừng đông
Mạ đêm mẹ đã cấy xong rạng ngày
Cuộc đời như kiếp cối xay
Xiết tan vỏ trấu trắng tay hạt mùa

Vắt vai sợi nắng, sợi mưa
Nón mê rách nát che chưa kín đầu
Váy nâu ngụp nước ruộng sâu
Bạc tay năm tháng, phai màu tóc xanh

Mẹ cho con được học hành
Đói rách mẹ chịu, no lành cho con
Nghèo luôn giữ tấm lòng son
Rách thơm mụn vá, đói ngon rau cần

Mẹ như giọt nước mưa nhuần
Con như hạt giống mùa xuân ươm chồi
Mẹ nuôi con lớn nên người
Bằng bao giọt mắt, mồ hôi chảy ròng

Sông đời khúc đục khúc trong
Sông trong lòng mẹ vẫn không vương bùn
Gương đời mẹ dạy cho con
Nghèo thanh, nghèo sạch giữ tròn đạo nhân.



 
 
2. CỔNG LÀNG

Từ ngàn xưa đã có rồi
Cổng làng in dấu chân nơi đi về
Cổng làng lưu giữ hồn quê
Tình yêu giăng mắc lời thề cỏ may

Nào ai đi đó đi đây
Từ trong mảnh đất nơi này ra đi
Giàu sang vui bước vinh quy
Nghèo hèn cũng chẳng có chi để buồn

Bình minh rồi phải hoàng hôn
Vầng trăng hết khuyết lại tròn đấy thôi
Đạo thiền vi có luân hồi
Sang hèn có lúc đổi đời cho nhau

Đời vui cũng có khi đau
Người khôn có lúc nói câu dại khờ
Mấy ai gieo hạt ước mơ
Không từ mảnh đất tuổi thơ của mình

Cổng làng lưu giữ bóng hình
Quê hương yêu dấu - cả tình người quê.

L.Đ.P
 


 

 
Tác giả Vũ Xuân Hồng
ĐT: 090412011
Email: vuxuanhong.tb@gmail.com
Địa chỉ: 148 Tràng Bạch, Hoàng Quế, Đông Triều, Quảng Ninh.

 


1. GIẤC MƠ TRỎ VỀ

Xa quê từ thuở trăng tròn
Ngày về tóc bạc trên con đường làng
Đoàn viên gặp lại họ hàng
Bạn bè thuần hậu vẫn đang cày bừa

Thương người dầu dãi, nắng mưa
Nhớ người cái thuở ngày xưa mục đồng…
Tuổi thơ bao giấc mơ hồng
Cuộc đời duyên phận còn trông số giời!

Giật mình, tôi gặp lại tôi
Dãi khoai nhằng nhẵng xa xôi đồng làng
Con cua tám cẳng, hai càng
Bóng ai chạy khuất giữa hàng dâu xanh…

Bao người may mắn thành danh
Bao người thanh bạch, hiền lành làm dân?
Trời chia cho phúc, cho phần
Bù trừ, được mất, cũng ngần ấy thôi!

Gốc đa nhẵn chỗ người ngồi
Tôi nghe có tiếng cụ tôi… thầm thì…
 
 
 

2. NHỚ QUÊ

Mẹ nghèo áo rách, nón mê
Đồng quê chiêm trũng, con đê oằn mình
Gốc đa tỏa bóng sân đình
Giếng làng bông gạo tự tình đỏ hoe

Trâu già mơ ngủ rặng tre
Tiếng con chẫu chuộc sao nghe mủi lòng…
Đò đầy về lại  bến sông
Đón  người viễn xứ nặng lòng nhớ quê

Rủ nhau chim ngói cùng về
Đồng xanh gió lại mải mê cánh diều
Mặn mòi tôm tép kho niêu
Nếp thơm tỏa khói lam chiều ngõ quê…

Hoa cau rụng trắng đêm hè
Cật tre cắt rốn ngủ mê… gọi mình!
 
 
 
 
 

3. NHÂN DÂN

Sinh ra vốn đã là DÂN
Phận Người nên đặt chữ NHÂN lên đầu
Kiếp người mang nặng, đẻ đau
Chào đời tiếng khóc, núm nhau phúc phần!

Tuổi thơ vày đất, cởi trần
Lớn lên cày cấy ruộng gần, đồng xa...
Noi gương cụ kỵ ông bà
Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà, sinh con!

Thuận theo trời đất vuông tròn
No cơm, ấm áo chẳng còn mong chi…
Thiêng liêng bờ cõi, biên thùy
Máu xương đổ xuống tiếc gì tuổi xuân!

Hòa bình trở lại làm dân
Nhân từ sống để phúc phần cháu con…
Muôn đời sử sách vàng son
Nhân dân vạn đại, nước non vững bền! 
 




4. NGÃ BA ĐỒNG LỘC

Hố bom cỏ đã lên xanh
Tên mười cô gái đã thành bài ca

Tượng đài thơm ngát hương hoa
Con đường huyết mạch, ngã ba nghĩa tình…

Ở đâu trên đất nước mình
Đi qua cũng thấy dáng hình Nhân Dân!
 

 

 
  

 
5. TÌM MỘ LIỆT SỸ
(Kính viếng liệt sỹ Vũ Mạnh Thảo)

Tôi đi tìm mộ Chú tôi
Nghĩa trang Đường Chín giữa đồi thông reo
Tôi đi bia mộ nhìn theo
Tôi dừng bia mộ lại nheo mắt cười!

Gọi tên thân thiết từng người
Quê hương, nhập ngũ, tuổi đời hy sinh…
Làm sao gặp được Chú mình
Trước hàng bia mộ tự tình vô danh?

Bao nhiêu tình cảm chân thành
Nén nhang nhớ Chú tôi dành viếng chung!
Rừng xanh, núi thẳm điệp trùng
Biết đâu Chú đã rất mừng thấy tôi!

V.X.H
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: