Tác giả Nguyễn Trường Tam (ĐT:0983 564 879) tuổi “Con trâu” (1950). Là thương binh chống Mỹ hạng 4/4, có 3 năm góp mặt trong chiến trường Quảng Trị thời “hoa lửa”.
Nguyễn Trường Tam tâm sự: Là người làm thơ, viết truyện nghiệp dư, vừa qua tôi được bạn bè cho “đi ké” hơn hai mươi ngày vào Miền Tây Nam Bộ để khi về tôi nhất trí với một số bạn cùng đi rằng: 'Đi được chuyến xuyên Việt này về có chết cũng luôn cũng đã đời rồi'... Và tôi đã làm ngay bài lục bát 'Say Miền Tây' trước. Sau đó thấy chưa đã lại làm thêm bài 'Hoàng hôn cuối trời' không chủ ý nhưng tự nhiên lòi ra cũng lại là lục bát rồi gửi cho cả 8 người bạn cùng đi chuyến ấy, họ cũng có vẻ khoái.
Tôi thấy ngoài lục bát ra, không thể thơ nào có thể 'chuyển tải' được cảm xúc của mình muốn giãi bày cùng con người và miền đất mình mới đi qua.
Bài “Mưa Thành phố” thì tôi làm từ năm 1979, khi có chuyến công tác biệt phái vào TP. Hồ Chí Minh 4 tháng, lãnh đạo bảo tôi ở hẳn trong đó nhưng tôi thấy tạng mình không hợp với Thành phố này, nên đã xin ra Bắc…
Xin liên lạc theo địa chỉ: Nguyễn Trường Tam, Nhà 10, hẻm 26/12, ngõ Cống Trắng, phố Khâm Thiên, Q. Đống Đa, Hà Nội; Điện thoại: 04.8519600 – 0983564879.
Mưa Thành phố
Thành phố mưa lại tan ngay
Chẳng làm dịu kịp đường này phố kia
Bụi vàng chẳng bám thân xe
Lơ phơ mấy nẻo bàng me gió đùa
Nón vàng nón trắng nhấp nhô
Biển người lạ xứ giọng quê mấy miền
Ầm ào đông đúc bon chen
Háo huyên suốt cả ngày đêm bốn mùa
Tha hương tìm chút việc thừa
Mồ hôi ráo, ít nçi lo hết tiền
Ngêi người dắt díu ngµy đêm
Bao nhiêu cạm bẫy bên thềm u mê
Em ơi thôi trở lại quê
Sướng đâu đến kiếp thân xe bụi đường
Tình mình ở chốn cố hương
Thị thành là thứ hoa hương lạc loài
(TP. HCM, 2006)
Say Miền Tây
Chưa qua sao rõ miền tây(1)
Ngoài kia mang máng trong này rạch kênh
Xuống ngồi thuyền lá dập dềnh
Mới hay trăm ngóng một nghênh là gì
Đồng bằng chắc phải miền quê
Khi vào mới biết đã về miền tây
Đường vào thủ phủ miền này
Nhà soi bóng nước đêm ngày mộng mơ
Nhà bưng dừa nước lo bo
Gió chiều thoang thoảng mùi kho cá kèo
Khách phương xa nói “cheo neo”
Cô lái đò nói “hổng nghèo dậy đâu”
Thoạt trông thấy dáng dãi dầu
Sống lâu quen thú bạn bầu gió trăng
Mặt tiền nhà ngó ra sông
Nhà ai lạc lõng mới trông mặt đường
Chao ôi nghe giọng mà thương
Vênh vênh phố nước coi thường bon chen
Dọc ngang kênh rạch đã quen
Đồng bằng châu thổ thiên nhiên hiền hoà
“Chẳng như Bắc kỳ đâu ta”
“Ở đây dông bão gọi là chút thôi”
“Làm chi nóng lạnh hoài hoài”
“Làm chi cửa đóng then cài lôi thôi”…
Bồng bềnh đám lục bình trôi
Rung rinh điên điển vàng tươi ven bờ
Mấy khi mới có dịp vô
Buổi khuya ngồi nhậu nhâm nho tâm tình
Cô hàng xẻo quýt tươi xinh
Mấy chàng tài tử say tình chào nhau
Giọng ca mùi mẫn hắt hau
Tiếng đàn réo rắt ai sầu ai thương
Ngày xưa ai đó chiến trường
Anh ba cô bảy vấn vương thẫn thờ
Ngày xưa thôi để ngày xưa
Mấy khi lại gặp bây giờ uống đi
Hậu Giang sông nước thầm thì
Mùa mưa chưa đến dại gì về ngay
Đồng bằng lại ở miền tây
Chỉ người chưa tới mới ngây đoạn trường
Ai khoe đã trải muôn phương
Có bao giờ ngẫm chán chường cách chơi
Pari Newyooc nơi nơi…
Quê nhà chẳng biết quê người mà chi
Nơi đâu tan nát xuân thì
Nơi đây Đồng tháp miền quê không cùng
Không như miền Bắc miền Trung
Phương nam còn có mấy rừng U minh
Ai ra Phú Quốc cuối ghềnh
Nghe anh “Trà Đá” (2) tâm tình đảo xa
Tám mươi ”yêu đời quá ta”
Hát hò đỡ nhớ quê nhà miền tây
Đờn ca vui lẫn với say
Đổ câu vọng cổ pháo tay nổ giòn
Đảo xa mấy cục mấy hòn
Sải bơi mấy sải tới luôn nước người
Ở đây ranh giới biển khơi
Bên kia nước bạn, bên này Hà Tiên
Miên man nhớ nhớ quên quên
Mênh mông Nam Bộ những miền chưa qua
Rồi còn bát ngát bao la
Bến tre Sa Đéc hay là Trà Vinh…
Thêm ngày thêm tháng thêm tình
Nhưng ai thêm được chút tiền cho choa
Ham thì ham đến thật là…
Đang say đành phải tạm xa miệt vườn
Bao giờ buôn bán lãi lường!
Hẹn nhau câu lý mười thương ngấm rồi
Cà mau đất mũi vẫn bồi
Tháng năm ai ngộ rộng dài nước non
(31-5-2008)
----------
(1) Từ bé tôi đã nghe, đã học và đã đọc rất nhiều về miền Tây
Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long! Nhưng mãi tới khi vào đây tôi mới
vỡ lẽ hai cái tên chỉ là một địa danh! Ai ngờ được Miền Tây lại là đồng
bằng như thế và tôi đoán chắc cũng còn nhiều người lầm tưởng như tôi
cho nên càng thấm thía cái câu “Trăm nghe không bằng một thấy” vậy.
(2) Ở Gành Dầu - Phú Quốc có anh chủ quán tự giễu mình là
“Út Trà Đá”, em ruột Út Trà Ôn (nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Nam Bộ)
ngoài 70 tuổi mà hiếu khách, hào sảng yêu đời và đam mê đàn ca
tài tử hết sảy!
Hoàng hôn cuối trời
Hoàng hôn xuống ở Gành Dầu(1)
Mà đoàn khách Bắc chơi lâu chưa về
Mải nghe đàn hát mà mê
Hay là say chốn miền quê cuối trời
Anh út trà có duyên mời
Hay còn lưu luyến biển trời đảo xa
Ở đây cuối đất chưa à
Mặt trời đang lặn la đà ngoài khơi
Mơ ra Phú quốc lâu rồi
Bây giờ tới thật sao ngồi trầm âu
Người nghèo đất Việt ai đâu
Dễ chi tới cuối địa đầu nước non
Mấy bài vọng cổ véo von
Giọng anh út đã hớp hồn, nhịp tim
Mấy con tàu cứ ngả nghiêng
Một bầy chim nhạn chao trên sóng hồng
Cuối trời ai nghĩ tang bồng
Nước non ngàn dặm thăng trầm đảo điên
Bây giờ vẫn nhớ chưa quên
Đời người bèo bọt ưu phiền mà chi
Rượu tím sim giót đầy ly
Mấy người khách bắc tình si không về
Chị Tư cô Sáu vô ra
Giọng anh Út lại ngân nga biển trời
Hoàng hôn cuối đất rực ngời
Ngày xưa Trung Trực, đây nơi đoạ đày
Mấy mươi năm đã sum vầy
Mấy người khách Bắc càng say quên về
(02-6-2008)
---------
(1) Ở Gành Dàu ở Phú Quốc có đền thờ Nguyễn Trung Trực, cạnh có quán anh “Út trà Đá” ngoài bảy mươi tuổi mà rất hiếu khách, làm đoàn khách Hà nội say sưa cả đêm, ngắm biển trời,nghe hát và tâm tình non nước!...