Chủ nhật, 24/11/2024,


Phan Thành Minh nối vần cho ca dao (28/10/2009) 

Lời biên tập: Chúng tôi vừa nhận được bài 'Nối vần cho ca dao' của tác giả Phan Thành Minh, Đại diện của Lucbat.com tại Lâm Đồng (Email: thanhminh55vnn@gmail.com), kèm lời tâm sự: Những câu thơ dưới đây tôi từng có ý dự thi thơ trên lucbat.com, nhưng thật lòng mà nói tôi không tìm ra điểm dừng, ca dao dân mình phong phú quá, nhiều quá… một mình tôi không thể tìm kiếm cho đầy đủ được. Tôi biết tự thân những câu ca dao trên đây đã đầy đủ ý nghĩa (chữ nghiêng) lắm rồi, nhưng để thêm thắt cho đúng cái thú của mình tôi đã chế tác thêm hai câu nữa (chữ đứng) cho đủ một bài tứ tuyệt mà mình yêu thích. Chữ nào chưa hay, chưa hợp lý... mong quý vị và các bạn vui lòng góp ý . Tôi cũng muốn nhân đây được phép mời quý vị tham gia vào công việc mà tôi yêu thích này, bằng cách tìm ca dao, tục ngữ… (lục bát) gởi vào trang này và làm thêm hai câu cho đủ bài tứ tuyệt.

Chúng tôi gíới thiệu bài 'Nối vần cho ca dao' này như một sự mở đầu cho một sân chơi mới của chuyên mục 'Xướng họa và kết nối Lục bát'.

Đây là chuyên mục 'chơi thơ', với các nội dung chính như sau:

- Chuyên mục dành để đăng tải, tôn vinh các tác phẩm và tác giả thơ lục bát tiêu biểu của Lucbat.com; tuyển chọn những bài có sự phản hồi bình luận nhiều nhất của người yêu thơ trên 'Lục bát mỗi ngày'; in kèm các bài xướng họa, lời bình, cảm nhận để bạn đọc có cái nhìn đa chiều xung quanh một tác phẩm...

- Giới thiệu các kết nối nhiều câu thơ của nhiều tác giả thành bài hoàn chỉnh... (như tác giả Nguyễn Đình Trọng đã làm với 'Lục bát tình' - kết nối 132 câu lục bát của 132 tác giả). Ví dụ: Bạn có thể kết nối các bài thơ trong một tuần của chuyên mục 'Lục bát tự chọn' (7 ngày x 3 bài = 21 bài của 21 tác giả) thành bài mới;

 - Nối vần cho ca dao và những câu thơ mà bạn yêu thích thành bài hoàn chỉnh.

Kính mời các tác giả, người yêu thơ và bạn đọc tham gia.

 

 

 

  

Trên đời có bốn cái ngu

Mai dong, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu

Thứ năm... chuyện cũng đau đầu

Không dưng vác bút đi hầu văn thơ

 

*

Cái vòng danh lợi quanh quanh

Kẻ vô không lọt người tranh chẳng vào

Bất tài mà được ngồi cao

Bất lương tự hào chính nghĩa chính nhân

 

*

Đầu làng cây gạo trổ bông

Cuối làng cây mía trổ ngồng phất phơ

Giữa làng có một... nhà thơ

 Hoả công thiêu rụi đang chờ định cư

 

*

Tò vò mà nuôi con nhện

Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi

Nó đi..nhện có mất gì

Mất dây néo yếm, mất khuy cái quần

 

*

Bầu ơi... thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Gạo thơm còn phải giần sàng

Vú lồi vú xếch mơ màng tiến vua

 

*

Chàng ơi phụ thiếp làm chi

Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng

Thiếp là cơm nguội của chồng

Nhưng là đặc sản của ông láng giềng

 

*

Đông Ba, Gia Hội hai cầu

Giữa chùa Diệu Đế bốn lầu hai chuông

Thương mình ngọn gió đầu truông

Sáng Nam tối Bắc, hai chuông... bốn lầu

 

*

Ai làm cho dạ em buồn
Cho con bướm lụy chuồn chuồn lụy theo

Rủ nhau cải táng cái nghèo

Lên tàu Bắc Mỹ bòng đèo Tây Âu

 

*

Anh về em chẳng dám cầm
Dang tay đưa bạn ruột bầm như dưa

Cơm trắng thịt kho nước dừa

Bậu về quê bậu khổ chưa... í à

 

*
Anh về ngoài Huế lâu vô
Vẽ tranh họa đồ để lại cho em

Lật ngược trình cho em xem

Sông Hương giống dải lụa mềm trên tay

 

*
Ăn cơm chống đũa chờ em
Mảng sầu nhân nghĩa mình xem như chàm

Vợ đẹp thì phải siêng làm

Hở cơ để gặp quan tham mất liền

 

*

Biển đông sóng gợn tứ mùa
Ai cho bậu uống thuốc bùa bậu mê

Mắm gừng bánh tráng cá trê

Có đuổi thì anh cũng về với o

 

*

Bông quỳnh rụng xuống cội quỳnh
Dẫu ai ngậm ngọc dỗ mình đừng xiêu

Ngọc Hà Tiên xấu mà kiêu

Ngọc Thanh Hóa chẳng dám yêu... chỉ sờ

 

*

Chẳng chè chẳng chén sao say
Chẳng thương chẳng nhớ sao hay đi tìm

Nhà lồng bay chẳng được chim

Gú gu gù gụ... suốt đêm lẫn ngày

 

*

Phải chi miễu ở gần sông
Em thề một tiếng kẻo lòng anh nghi

Gần sông miễu có thiêng gì

Anh khám điền thổ hết nghi hết ngờ

 

*

Cô kia chèo lái một mình
Cho anh chèo với cho mình có đôi

Anh chèo thì em nghỉ thôi

Đứa chèo đứa chống dễ rơi xuống giường

 

*

Cơm ăn ba chén lưng lưng
Uống nước cầm chừng để dạ thương em

Rượu mừng với chả với nem

Với bầu tâm sự với đêm nồng nàn

 

*

Cực vì hai đứa hai nơi
Muốn qua thăm bậu sợ lời thế gian

Chờ cho trăng lặn bấc tàn

Chân ngọc hai hàng lại duỗi song song

 

Phan Thành Minh

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Duy Xuân - duyxuann@yahoo.com.vn - 0907730415 - Buôn Ma Thuột  (Ngày 1/11/2009 10:33:49 AM)

        Ý tưởng của anh PTM thật hay nhưng cách làm thì ta nên xem lại. Tôi cũng tán thành các ý kiến của các bạn thơ đăng ở đây. Ca dao đã hay rồi, nếu chúng ta làm không khéo thì vô tình "giỡn" với tiền nhân:

Xin đừng đùa với ca dao
Đã thành ngọc sáng từ bao nhiêu đời
Giỡn chơi nên ở cuộc vui
Còn lên mặt báo, theo tôi, xin đừng!

Chút ý kiến bộc bạch, nếu không phải mong anh PTM và lucbat.com bỏ quá cho.

  Văn Quang - vanquang009@gmail.com - 0976 752 601 - Vân Canh-Hoài Đức-Hà Nội  (Ngày 29/10/2009 06:37:56 PM)

Tôi tán thành quan điểm nối vần ca dao để mở cuộc vui nhưng nối ghép phải giữ được vẻ đẹp trong sáng vốn có của ca dao ngàn đời.

Tránh "lấy dâu ông nọ lắp cằm bà kia". Không làm được hay hơn ca dao thì cũng đừng là hoen ố ngọc đời.

Lời quê có mấy phần xin góp :

Xin đừng

"Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên tấm áo vắt cành hoa sen"

Có chàng thi sỹ tài danh

Vội đem cất áo để mình treo chuông .

"Hỡi cô tát nước bên đường

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi"

Trăng vàng anh giữ làm gì

Xóm quê điện đã bốn bề sáng trưng.

"Người khôn ăn nói dở chừng

Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo"

Tôi về chẻ nứa đan bồ

Theo chàng thi sỹ gánh thơ dạo đời

"Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông"

Ai về ai có nhớ không

Ca dao hạt ngọc sáng trong muôn đời

Xin đừng hoen ố người ơi !

VQ kính chào thi huynh thi hữu.

  Trọng Nguyễn - trongnguyend@gmail.com - 0909164227 - 61/32/2 Cách Mạng P.Tân Thành.Q.Tân Phú TP. HCM  (Ngày 29/10/2009 11:08:48 AM)

Rất trân trọng ý của tác giả PTM ; nhưng chắc chắn các ý kiến góp ý cũng thật đáng lưu ý. Và xin thưa: Có lẽ chúng ta nên giữ những câu ca dao như giữ những vật cổ đầy kỷ niêm và linh thiêng.

Còn nếu anh PTM có ý muốn chế tác ca dao cho thời đại thì chúng ta cứ lên làm cho kho tàng văn hóa dân gian càng thêm phong phú và có thể nêu ra để nối vần...

Ở TP HCM ,tôi cũng vừa có thông tin là nhà thơ Phạm thiên Thư sắp suất bản Kinh Ca Dao (nhiều tập) mà tập đâu nghe anh tiết lộ khoảng trên 10 ngàn câu, nhưng cũng không dám đụng đến ca dao dân gian nguyên gốc.

Chút ý kiến bộc bạch, Chúc các thi hữu nhiều niềm vui.Tr.Ng

  Vũ Quốc Túy - vuquoctuytb@gmail.com -  - Thị trấn Quỳnh Côi, Thái Bình  (Ngày 29/10/2009 11:07:09 AM)

Theo tôi, nên nối vần trữ tình với ca dao trữ tình , nối vần trào lộng với ca dao trào lộng để sân chơi này nghiêm túc hơn

  Nguyễn Đức Tuỳ - ndtuy@yahoo.com.vn - 0974131428 - 141 Khu 1Bp.Nông Trang TP Việt Trì Tỉnh Phú Thọ  (Ngày 29/10/2009 08:28:58 AM)

Tác giả Phan Thanh Minh đã có những sự tìm tòi và yêu mến vốn quí ca dao của dân tộc, tinh thần ấy thật đáng hoan nghênh.

Nhưng thiển nghĩ ca dao đã là vốn quí trong nền văn hoá dân gian, chúng ta cần phải trân trọng giữ gìn.

Những gì ông cha ta đã nghĩ, đã viết phản ánh tâm tư tình cảm của các vị tiền nhân trong giai đoạn lịch sử đó.

Qua những câu ca dao tục ngữ mà ông cha ta truyền lại ta hiểu thêm đời sống cũng như tình cảm của các thế hệ đi trước.

Nếu bây giờ ta dùng suy nghĩ của những con người trong thời đại mới để thêm bớt, sửa sang những câu chữ của người xưa, có khi pha thêm một chút trào lộng hoặc chẳng ăn nhập gì vào với ý tứ của những câu ca dao cũ thì có nên không?

Như thế thì có khác nào khi phục hồi lại các công trình kiến trúc cũ ta lại cho xây thêm vào những chi tiết mới và sử dụng những vật liệu mới?

Tôi tán thành với các ý kiến của hai bạn đã viết trên đây và kính đề nghị BBT xem xét lại ý định thêm mục "nối vần ca dao" này.

  Trần Thanh Dũng - ntthanhdung@yahoo.com - 0913133577 - Sóc Trăng  (Ngày 29/10/2009 07:59:30 AM)

Mạo muội, tôi cũng nghĩ như tác giả L.T .Thiệt, đã là ca dao thì khó, thậm chí không thể thêm bớt đi được. Tự nó đã tròn trịa lắm rối! Nhiều khi ai đó vô ý đọc sai một tiếng hoặc viết sai một chữ thi đã thấy khó nghe khó dọc.

Hơn nữa theo thiển nghĩ của tôi 'quần chúng' là người thông thái, uyên bác lắm đã tạo ra ca dao-cũng thâm thúy lắm lắm. Nay tự dưng...ta "vẽ" thêm vào e không làm đẹp thêm mà nhỡ... xấu thì sao?

Nhà thơ Phan Thành Minh thì nhiệt tình tâm huyết nhưng theo tôi thì không ổn. Ngay cả bài Luc Bát Tình của bác Nguyễn Đình Trọng mới đọc thì thấy hay hay chứ ngối mà ngẫm kỹ thì cũng không ít câu "râu ông nọ cắm cắm bà kia" chứ chưa nói tới ý tứ chữ nghĩa mà tác giả gởi gắm vào đó.

Mấy ý nhỏ mạo muội vây mong Nhà thơ Phan Thành Minh và Ban Thường trực cân nhắc trước khi quyết định có một sân chơi như thế.

Nếu tôi có gì quá đáng rất mong tác giả và BTT bỏ qua cho. Xin chân thành cảm ơn!

  Lương Thế Phiệt - luongthephiet2@yhoo.com.vn - 0977491935 - Vân Tra, An Đồng, An Dương, hải PHòng  (Ngày 29/10/2009 07:57:23 AM)

Anh Phan Thành Minh có sáng tạo này tôi thấy thật tốt, thêm một kiểu chơi lý thú cho sân lucbat.com, đồng thời nó còn có tác dụng cung cấp cho quảng đại quần chúng những câu ca dao của các vùng miền mà mọi người chưa biết hết.

Nhưng về nội dung nối vần theo tôi nên bám theo nội dung của câu ca dao mà làm cho nó sâu sắc và ý nghĩa rộng hơn lên thì hay hơn là mang tính trào lộng như anh Minh đã viết, nếu như vậy thì tôi nghĩ là nhại tếu ca dao tự nhiên nó làm mất cái hay của câu ca dao vốn đã trở lên quen thuộc với quần chúng nhân dân, hơn nữa liệu có thiếu nghiêm túc trên trang lucbat.com vốn được yêu thích này không?

Vài lời mang tính cá nhân và tham khảo, mong anh Minh và luc bat.com có gì thông cảm.

Các bài khác: