Chủ nhật, 24/11/2024,


Cảm ơn các tác giả đã nhiệt tình hưởng ứng... (20/10/2009) 

Cảm ơn các tác giả đã nhiệt tình hưởng ứng

Cuộc thi Thơ Lục Bát 'Ngàn Năm thương nhớ'!

 

Vậy là cuộc thi thơ Ngàn năm thương nhớ của chúng ta do năm cơ quan báo chí đồng phối hợp tổ chức  (Báo gia đình & Xã hội, Báo Giáo dục & Thời đại, Báo Văn nghệ, Báo Người cao tuổi, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Website www.lucbat.com) đã đi qua 2/3 quãng đường.

Ban tổ chức cuộc thi rất vui mừng thông báo: Số lượng bài sự thi gửi về và số lượng hưởng ứng của các tác giả vượt cả sự mong đợi và dự kiến ban đầu: Chỉ riêng báo Gia đình & Xã hội đã nhận được trên 6000 bài, báo Người cao tuổi trên 10.000 bài. Các báo Giáo dục & Thời đại, Văn nghệ cũng nhận được hàng ngàn bài lục bát gửi về. Có thể nói, trong nhiều năm gần đây, chưa có cuộc thi thơ nào lại có nhiều tác giả và nhiều bài dự thi tham dư đến thế!

Riêng trang web www.lucbat.com của chúng ta đã nhận được khoảng 5.000 bài dự thi của hơn 1.000 tác giả. Chúng tôi đã giới thiệu 105 chùm dự thi, với khoảng 1.000 bài thơ. Như vậy có thể nói rằng Thơ lục bát luôn luôn được đông đảo bạn đọc yêu mến và quan tâm. Trong số các bài gửi đến dự thi đã được BBT lucbat.com lựa chọn đăng trên website chúng tôi nhận thấy lứa tuổi tham gia dự thi cũng như nội dung thơ dự thi rất là phong phú. Người tham gia dự thi nhỏ tuổi nhất là hai em: Trần Nguyễn Khải Duy (Quy Nhơn) và Nguyễn Quang Tùng (Phú Thọ) đều 14 tuổi; tỷ lệ những tác giả lứa tuổi sinh viên chiếm khoảng 25% thơ gửi đến dự thi và có khoảng 15% tác giả sinh sống ở nước ngoài. Cũng như những cuộc thi thơ khác, 'Ngàn năm thương nhớ' thu hút khá nhiều tác giả lứa tuổi từ 40-70, khá nhiều cụ tuổi 75-80 cũng gửi bài tham gia. Tác phẩm dự thi của tác giả Thoại Nguyên mang tên: Đoạn trường Nguyên Thanh dài hơn 3000 câu thơ; hay dở đến đâu, xin chưa bàn đến, nhưng có thể coi đây là một sự “kỳ công độc đáo”, ít ai làm được.

Đề tài mà Ngàn năm thương nhớ đưa ra là viết về Hà Nội – Thăng Long ngàn năm, tình yêu quê hương đất nước v.v… nhưng xem ra đề tài viết về Thăng Long có vẻ dễ mà hóa khó. Rất nhiều tác giả gửi thơ về đề tài này, nhưng để có một bài gây ấn tượng cho thì rất hiếm ngoài vài tác giả như: Nguyễn Thanh Mừng (Bình Định) Phạm Châu Loan (Ý), Bảy Thi (Hà Nội), Phan Thị Thu Thảo (Hà Nội), Trương Huỳnh Như Trân (Tp. Hồ Chí Minh) v.v…

Những gương mặt trẻ mang theo hồn thơ khá mới mẻ như Trương Thị Thúy Minh (Hà Nam) trải nghiệm cuộc sống qua mái tóc là lạ:

Trả cho mái tóc… hoàng hôn

Chập chờn ghé một chút buồn sang đêm

Nửa khuôn trời đất, nửa em

Bồng bềnh tôi chút chiều riêng… chải hời!

(Trong bài “Hoài niệm mái tóc”)

Còn Nguyễn Thị Thanh Tâm (ĐH Sư phạm Hà Nội) thì lại tự ru mình thế này:
… Ngủ đi này những bàn chân
Đã mê mỏi giữa tần ngần phố quen
Lạc rồi giữa vạn cái tên
Thôi đừng than khóc cho mềm lòng nhau’

(Bài thơ “Ru mình’ )

Hay Nguyễn Thị Thúy Hạnh (ĐH Sư phạm Hà Nội I) hình như muốn gửi gắm tâm tư của mình qua vai diễn Xúy Vân, câu chữ như dại như khờ mà thấy đau đáu nỗi niềm:

“Bẽ bàng thân kiếp đàn bà

Tội tình để kẻ trăng hoa ỡm ờ

Đỏ đen trói một chữ ngờ

Hớ hênh xống áo nằm mơ phi phù.

(Trong bài “Vân dại”)

Ở thơ dự thi, chúng ta lại được thả hồn về những ký ức quê, ký ức hội làng mà lâu nay mải lo sinh tồn chúng ta ít có cơ hội lần tìm về. Bắt gặp những câu thơ thế này:

“Tuổi thơ với đụn rơm tươi

Đùa cùng bạn nhóc lăn bơi lộn nhào

Tuổi thơ với cái cầu ao

Nhảy tòm xuống  té nước vào mặt nhau”

(“Ký ức tuổi thơ” – Vũ Quốc Túy) 

                        Hay:

“Đường làng gạch đỏ như son

Có người vợ trẻ bồng con ngóng chồng:

Trai làng về hội đã đông

Chồng mình liệu có nhớ không mà về!’’

(Đợi chờ’ – Tác giả Vũ Mạnh Đoan)

Cuộc sống luôn biến đổi, đó là quy luật không thể cưỡng lại được. Tác giả Nguyễn Đình Xuân chỉ dám “len lén” buồn mà rằng:

…Con đường như dấu chia đôi

Em ngượng ngùng phố, còn tôi dấu làng...

(“Làng và phố” – Nguyễn Đình Xuân)

Còn rất nhiều những câu thơ dễ nhớ nữa mà trong khuôn khổ một bài viết ngắn, chúng tôi không có điều kiện giới thiệu. Tuy vậy, nhận xét chung là phong cách thơ mới có nhưng xuất hiện chưa nhiều. Còn có cảm giác nhiều bài thơ na ná như nhau, chưa có tính đột phá…

Cuộc thi của chúng ta đã bước vào vòng sơ khảo. Ban Chung khảo sẽ do các nhà thơ có uy tín đảm nhiệm. Lucbat.com chỉ là một nhịp cầu kết nối giữa các tác giả, Ban Tổ chức và Giám Khảo. Hy vọng vào dịp đầu xuân năm mới, chúng ta sẽ có kết quả chung kết cuộc thi Ngàn năm thương nhớ. Cuộc thi nào rồi cũng có người được giải, người chưa được giải nhưng Ngàn năm thương nhớ chắc chắn sẽ đem lại những cảm xúc khó quên cho các tác giả và độc giả của Lucbat.com.

Thuỷ Hướng Dương

(BT trực chuyên mục)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: