Thứ tư, 24/04/2024,


Thanh Trắc Nguyễn Văn (03/08/2008) 

Tên thật: Nguyễn Văn Tạo

Bút danh: Thanh Trắc Nguyễn Văn, Hà Thanh Chương, Nguyễn Thuận Thảo...
Nghề nghiệp: Giáo viên Vật Lý
Trường PTTH Võ Thị Sáu TP HCM
Năm sinh: 1962
Quê quán: Nam Định
Sinh quán: Sài Gòn
Nơi sinh hoạt: Hội Nhà Văn TP HCM

 

Các tập thơ riêng:


1.Hoa Sứ Trắng - NXB Đà Nẵng 1997
2.Hạ Nhớ - NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999
3.Cỏ Hoa Thì Thầm - NXB Thanh Niên 2002
4.Quà Tặng Mùa Đông – NXB Văn nghệ 2007

5. Giọt lệ trăng (sẽ in)

 

Có thơ trong các tuyển tập:

1. Lục Bát Tình - NXB Đồng Nai 1997
2. Thơ Nhà Giáo TP.HCM - NXB Trẻ 1997
3. Lời Trần Tình Dâng Mẹ Cha - NXB Tổng Hợp Đồng Tháp
4. Thơ Nhà Giáo TP.HCM tập 2 - NXB Trẻ 1998
5. Nghìn Câu Thơ Tài Hoa Việt Nam (bút danh Nguyễn Văn Tạo) - NXB Văn Học 2000
6. Thơ Tìm Người Thơ - NXB Văn Hoá Dân Tộc 2001
7. Xôn Xao Nỗi Nhớ - NXB Văn Hoá Dân Tộc 2002
8. Thơ Nhà Giáo - NXB Văn Hoá Dân Tộc 2003
9. Gói Mây Trong Áo - NXB Trẻ 2003
10.Mưa Pha Lê - NXB Văn Hóa Dân Tộc 2003
11.Dấu cỏ người xa (sẽ in) ....

Chùm thơ Lục bát

 

Hoa mua



Ngày xưa hai đứa chiều chiều
Rủ nhau chơi hái thật nhiều hoa mua
Hoa mua em bán tôi mua
Tiền là lá rụng cuối mùa vàng bay
Rồi tôi kết lá thành dây
Kết hoa vào lá,kết ngày vào đêm
Kết thành hoa cưới trao em
Vòng hoa tím mái tóc mềm bến sông
Cô dâu cười ửng má hồng
Dắt tay chú rể chạy rong khắp làng …

Sao giờ mây trắng sang ngang
Hoa mua nở tím rụng sang tay người
Thuyền còn một bóng trôi xuôi
Tình còn một đám lá rơi giữa dòng
Mẹ buồn đám cưới em đông
Xe hơi chín chiếc,qua sông chín đò …
Ngược thuyền về với tuổi thơ
Bến sông vẫn tím đôi bờ hoa mua
' Hoa mua ai bán mà mua '
Để tôi vớt lá tìm mùa thu xa ?

***

Nắng mới

Người về nhặt nắng mùa đông
Nhặt chiều lá rụng cuối dòng thơ xưa
Nhặt lời cỏ úa trong mưa
Nhặt màu mắt ướt một mùa qua sông …

Chợt trong sương khói bềnh bồng
Nắng vàng thuở ấy ửng hồng sang xuân ! 

 

***

Chiều trên sông Hàn

Em xa rời bến sông Hàn
Nắng chao chát đổ,gió ràn rạt bay
Lắt lay một mảnh trăng gầy
Câu yêu gởi lại với ngày rụng rơi .

Bời bời đêm rủ lơi lơi
Thuyền nghiêng nghiêng nổi,mây rời rời trôi
Sợi buồn,tóc rụng ngang môi
Giọt buồn,sao rụng ngang trời mưa sa .

Bến xưa,bướm cũ,vườn cà ...
Cung đàn đứt nhịp theo tà áo bay
Em đi sương lạnh hương đầy
Ta về yêu mãi những ngày yêu em .

***


Trở về

Ta về qua ngõ mưa bay
Nhớ chiều thu ấy mưa đầy tóc em
Lối xưa đâu vạt cỏ mềm
Một thời trăng rụng xuống thềm tương tư .

Ta về tìm đọt mù u
Nghe vườn trái chín tiếng ru em buồn
Tơ lòng ta buộc,em buông
Trăm năm thương cánh chuồn chuồn lặng bay .

Ta về gió ướt thấm vai
Qua cầu thuyền ấy đã thay đổi dòng
Ngậm ngùi kẻ đứng bên sông
Với tay níu lấy cành hồng bơ vơ .

Bao năm sương trắng bụi mờ
Bao năm tay trắng để giờ trắng ... tay !
Ta về qua ngõ chiều nay
Nghe mùa trăng lạnh từ ngày xa em .


***

Chợ quê

Chợ quê trên chợ dưới thuyền
Chèo em quẫy sóng chao nghiêng nắng chiều
Tôi ngồi nghe gió liêu xiêu
Lén nhìn cô lái ước điều bâng quơ
Từ ngày con nhện lửng lơ
Tôi đi chợ mãi để bơ vơ hoài !
Em cười chẳng biết với ai
Bỏ tôi ôm một giỏ xoài buồn hiu …
Một hôm tôi quyết hỏi liều
Muốn sang … phải bắc cầu kiều sao đây ?
Em đùa nhắn gió thách mây
Trạng nguyên đỏ lá là ngày vu quy …

Ai ngờ từ đấy phân ly
Bảy năm biền biệt tôi đi không về
Giận em ném lại câu thề :
'Nếu không đỗ trạng không về chợ xưa ! ...'
Giảng đường sớm nắng chiều mưa
Miệt mài đèn sách đợi mùa vinh quy
Thế rồi phượng thắm mùa thi
Thế rồi bác sĩ trường Y,như lời …
Trạng nguyên lá đỏ ven đồi
Tôi về hái vội bồi hồi nhớ mong
Thuyền em vẫn đậu bên sông
Gặp em tay níu tay bồng ... bốn con ! ...

Áo ai giờ nhạt màu son
Thuyền xưa tách bến chỉ còn chợ quê …

(Tuyển tập thơ Thơ Nhà Giáo
Tp.HCM – NXB Trẻ 1997)

Thanh Trắc Nguyễn Văn

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: