Thứ năm, 21/11/2024,


Chùm thơ dự thi TQVĐP số 154 (15/05/2016) 

Tác giả Nguyễn Xuân Môn

ĐT: 0978.851.555;

Email: nguyen.xuanmon@gmail.com

Địa chỉ: 14 Bạch Đằng, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum

 

 

 

 

1. THOÁNG CHÒNG CHÀNH

 

 

Tình cờ cuối giấc mơ trưa

Gặp người tình mộng ngày xưa tìm về

Mắt bồ câu rợp mi che

Dìm bao si đắm góc bờ mộng hoang

 

Mặt hoa hương sắc nồng nàn

Dìu hồn anh lạc địa đàng tỉnh say

Thướt tha dáng liễu thu gầy

Tình ngây vụng giấu bớt ngày vào đêm

 

Chung chiêng má lúm đồng tiền

Nụ cười mê hoặc khiến duyên anh... nhầm

Một thời ôm mối tình câm

Tim đau làm sẹo lỡ lầm mọc răng...

 

Tình giờ neo đậu bến trăng

Lòng thu đã chết bóng Hằng mộng vơ

Tưởng quên tình cũ... đâu ngờ

Sóng vừa liếc mắt lòng bờ lao xao...

 

Giật mình... ướt đẫm chiêm bao

Mồ hôi vợ đảm thấm vào mơ xanh

Vợ hiền ơi! Thứ cho anh

Kẻ đa tình thoáng chòng chành ngoài em!

 

 

 

 

2. ƯỚC VẠN LẦN

 

 

Cái thời mười tám hai mươi

Duyên thầm em giấu nụ cười em khoe

Không phô hương quế sắc hè

Cũng làm mệt lả tiếng ve treo cành

 

Lặn mò ba mấy xuân xanh

Tìm em đúng “nửa của anh” mong chờ

Vợ chồng duyên vạn kiếp tu

Tình nhân nghĩa cộng trừ bù lẫn nhau

 

Cảm ơn hạnh phúc, buồn đau

Đã cho mình được có nhau trong đời

Con ngoan nhà ấm tình cười

Em luôn thắp lửa niềm vui tháng ngày

 

Thương nhau muối lỡ quá tay

Vẫn mê chát... ngọt vẫn say mặn... mà

Em: “Ô Sin” đảm lo xa

Không ngày nghỉ chẳng phiền hà hưu, lương...

 

Thanh xuân rơi rụng đoạn trường

Giờ em da héo tóc sương điểm màu

Tình ơi! Biết sợi bạc nào?

Vô tình anh đã làm đau tóc mềm...

 

Nếu cho anh vạn lần... thêm...

Ước duyên vạn kiếp... mình nên vợ chồng!

 

 

 

 

3. ƯỚC GÌ?
(Ước... mẹ già qua cơn bạo bệnh...)

 

 

Cau xanh vẫn thắm trầu cay

Mẹ như tầu úa gió lay muốn rời

Rốc gầy co quắp bùn ôi

Thương con cam chịu cả đời bò ngang

 

Quanh năm giấu cái lỡ làng

Mà không trốn được bẽ bàng bám theo

Mùng tơi mang tiếng rớt nghèo

Mẹ thân mướp đắng đành leo giàn sầu

 

Nụ cười ấm kẽ môi nhầu

Vì xuân mai nở vì trầu răng đen

Lưng còng câu bóng đồng phèn

Vai gầy mẹ gánh vui buồn hợp tan

 

Hoàng hôn ơi! Chớ vội vàng

Chiều ơi! Đừng tắt nắng tàn cuối xuân

Thế gian ai trọ hai lần?

Không vay mà trả nợ nần... cho con

 

Giật mình bên vực mất ­ còn

Vội giơ tay níu chút hồn chênh chao

Mới hay dù cõi mơ nào

Nếu không có mẹ đường vào... hư không

 

Ước gì nhốt được bão giông

Cho đời không phải sắc không vô thường

Ước gì còn mãi mẹ thương

Cho con không lạc lẻo đường quê xưa...

 

N.X.M

 

 

 

Tác giả Nguyễn Chí Linh 
Đ.T : 0913893775
Email: linhcm2013@gmail.com
Địa chỉ: Ấp Thạnh Điền, Xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau



1. TRƯA QUÊ

Dưới chân dãy núi xa xa
Sau màn khói mỏng hiện ra xóm làng
Lòng quê nắng đổ chang chang
Thóc phơi lấp lánh dát vàng mặt đê

Đàn gà rúc lặng bụi tre
Bên sông vắng khách không nghe gọi đò
Ngàn lau phủ lớp bụi mờ
Diều ai bỏ lại trên bờ mây cao

Đầy vườn rụng trắng hoa cau
Con ong lạc lối quanh tàu chuối non
Mẹ ngồi bên võng đưa con
Lời ru như tiếng nước non thì thầm

Chấm cò dần nhạt phương nam
Nghỉ ngơi, thanh thản đồng nằm chờ mưa
Con còng say giấc ngủ trưa
Mơ trong một dấu chân thưa ven đường

Chùa xa trông tựa bát hương
Nghiêng nghiêng bóng mát xuống đường trần gian
Hẹn nhau đón ở cổng làng
Có cô thôn nữ vội vàng bước mau

Kể từ xa cách bấy lâu
Có anh lính trẻ chân mau về làng
Trời trong nắng bổng dịu dàng
Quê tôi một góc niết bàn đơn sơ.

 



 

 

2. VÌ ĐỜI

Nghiêng nghiêng hai mái cong cong
Như hai tay đón nỗi lòng muôn phương

Chùa nằm chắn gió, che sương
Lẫn trong làn khói những gương mặt trần

Bát hương đã cũ bao lần
Tàn tro tâm sự thế nhân vẫn đầy



3. THU BUỒN

Đêm hè một giấc ngủ ngon
Đón thu, sáng dậy mở toang cửa nhà
Vui còn chưa kịp bước ra
Buồn thì đã tới hàng ba đứng chờ.

N.C.L

 

 


Tác giả Nguyễn Ngọc Hưng 

ĐT: 055.3861.312

Email: nguyenngochung204@gmail.com

địa chỉ: Đội 10, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi

 

 

 

 

1. BÓNG LÀNG

 

Làng tôi

Dâu biếc triền sông

Bãi ngô như tạc dáng rồng xanh bay

Mồ hôi sạt áo dân cày

Tơ tằm kim chỉ vá may chưa lành

Buồn như tranh

Đẹp như tranh

Là cô thôn nữ mắt xanh mơ màng

Có người qua chuyến đò ngang

Còn trông bên ấy nhìn sang bên này

Tuổi thơ dủ dẻ chùm chày

Ban đêm học đóm

Ban ngày thả trâu

Áo quàng chẳng kín da nâu

Nón cời không đủ che đầu nắng hoe

Rào thưa lọt tiếng chích chòe

Vui buồn tấm mẳn cũng khoe khắp làng

Nồi khoai luộc

Mẻ ngô rang

Tấm lòng thơm thảo sẻ san gió đồng

 

Biết là sông núi mênh mông

Tôi yêu từ gốc cau trồng trước sân

Bóng ai bên giậu cúc tần

Ngẩn ngơ

Cánh bướm bay gần bay xa...

 

 

  

2. LINH THIÊNG BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG

 

Lạy năm trăm lạy mỗi ngày

Trên trời cao dưới đất dày chứng minh

Dấu tay dấu trán in hình

Không hồn đá được chú linh hóa hồn

 

Kìa bao bão dập sóng dồn

Dịu dần theo tiếng nhu ôn chuông chùa

Lắng lòng buông bỏ được thua

Ngày đêm tĩnh lặng bốn mùa an nhiên

 

Đại Hùng Lực vững trung kiên

Đại Từ Bi chẳng ngả nghiêng khoan hòa

Máu hồng chất Việt đơm hoa

Chân mây góc biển sáng lòa khí Nam

 

“Chim bầu bạn... nguyệt anh tam”(*)

Có người có xóm có am có chùa

Chung che mưa dội gió lùa

Hương thiền chính khí quyện xua hơi tà

 

Sinh Tồn, Song Tử, Trường Sa...

Đá rồi thiêng khắp bao la biển trời

Chuông rồi linh vọng nơi nơi

Nhắc ai cũng có muôn­đời­quê­hương!

________

(*) “Núi láng giềng, chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam” (Thuật hứng bài 19 – Nguyễn Trãi)

 


 

3. RU MẸ

 

À ơi, Mẹ ngủ cho lành

Ngoài kia đảo lộn ngũ hành lung tung

Ma dìm Phật gian giết trung

Người tử tế bị chê khùng giễu điên

 

Ơi à, Mẹ ngủ cho yên

Ngoài kia lớn sóng lớn thuyền bão giông

Lao nhao chuột cống chuột đồng

Ngấm ngầm mọt đục mối xông dư đồ

 

Sa cơ quân tử xuống mồ

Được thời ti tiện đổ xô lên trời

Trí tài hoa rụng sao rơi

Cầm hương nhân đức ạ ời con ru

 

Chuông chùa lạc giọng công phu

Trơ trơ mắt điếc phập phù tai ngơ

Mẹ ơi, lục dại bát khờ

Ai còn quan thiết ầu ơ ví dầu

 

Thương trời cao nhớ biển sâu

Quả cau quên bửa lá trầu quên têm

À ơi, máu chảy ruột mềm

Chưa tròn giấc Mẹ ru đêm ru ngày!

 

 


4. MÃI MÃI TINH KHÔI

 

Trịnh ơi, 14 giỗ rồi

Hình dung Anh vẫn đứng ngồi đâu đây

Trên ghế đá

Dưới hàng cây

Miên man biển sóng

Vơi đầy sông trăng

Mặc đời lạnh lửa nóng băng

Trái tim Anh hát

Vĩnh hằng

Ấm

Êm

Ru máu chảy

Dỗ ruột mềm

Khép ngày địa ngục

Mở đêm thiên đường

Dù khi rã cánh vô thường

Vẫn nồng sắc

Vẫn thắm hương

Vẫn tình

Yêu người chợt gọi con tinh

Lòng thơm gửi gió

Mỗi mình Anh thôi

Mỗi mình Anh

Lở

Lại bồi

Tan

Rồi tụ

Mãi tinh khôi

Mặt trời!

 

 

 

5. CẮM THUYỀN NGẪM CHUYỆN

  

Thời ư? Sao gọi gặp thời(1) 

Khi vừa vươn cánh đã rơi xuống rồi

Dốc lòng đưa Đẹp lên ngôi

Còng lưng mang tiếng tệ tồi xấu xa

 

Đã gần sáu thế kỷ qua

Lệ Chi một án ba nhà chết oan

Ơi bà chúa hỡi ông hoàng

Bao giờ sông núi thôi loang máu hồng?

 

Nhạt chê nhạt nồng ghét nồng

Nhiệt thành dâng hiến tự xông đốt mình

Dẫu là tinh tú lung linh

Làm sao soi nổi nhân tình bóng đêm

 

Lo nhiều râu tóc bạc thêm

Càng yêu thương lắm tổ mềm ruột gan

Chắc chi thiên hạ(2) rõ ràng

Mà đem nỗi dọc niềm ngang tỏ bày

 

Oan xưa đã khuất mặt mày

Sờ sờ trước mắt oan nay vẫn còn

Cắm thuyền ngẫm chuyện nước non

Lại e tâm sự chảy mòn giấc mơ...

_______

(1) "Kể ra kẻ sĩ cốt ở chỗ gặp thời hay không, đạo xử thế cốt ở thực hành được hay không”
(Quân trung từ mệnh tập -­ Nguyễn Trãi)
 

(2) Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao! (Tự thán - Nguyễn Trãi)

 

 


6. KHÔNG AI GIẢI ĐƯỢC THAY MÌNH

 

Dẫu là Phật lực vô biên

Cũng đâu giải đá thóat miền đá sinh

Thấp cao nặng nhẹ tại mình

Mỏi mòn gõ mõ tụng kinh ích gì

 

Thay cho van vái lạy quì

Lắng lòng quán tưởng sân si tham tà

Loại dần tánh quỷ tâm ma

Lặng khai thiên mục mở tòa kim liên

 

Dẫu là đại thánh đại tiên

Tự lo tiêu ác tạo hiền đức thôi

Ỷ y lên cõi trên rồi

Bỏ liều chân ngã mây trôi vật vờ

 

Biết quay đầu sẽ gặp bờ

Biết lùi sẽ thấy thực mơ rõ ràng

Vui buồn liên tụ liên tan

Giữ tâm chấp trước tối càng tối hơn

 

Sống mù mịt chết cô đơn

Không đom đóm cũng chập chờn ma trơi

Muốn phi một bước lên trời

Chỉ là vọng tưởng mượn hơi hão huyền

 

Qua sông lụy lái vái thuyền

Con đò bát nhã tùy duyên độ người

Cháy hồng trong lửa sen tươi

Bóng trăng lay ngón tay cười chỉ trăng...

 

N.N.H

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Ngọc Hưng - nguyenngochung204@gmail.com - 055 3861 312 - Đội 10, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi  (Ngày 11/08/2016 11:49:12)

CÁM ƠN BẠN NGUYÊN ĐẠO ĐÃ ĐỒNG CẢM VÀ CỘNG HƯỞNG THẬT HAY VỚI "BÓNG LÀNG" CỦA NGUYỄN NGỌC HƯNG NHÉ!
CHÚC BẠN THẬT ẤM ÁP TRONG MÙA VU LAN VÀ VIẾT NGÀY CÀNG HAY HƠN!

  Trần Thị Ngọc Ánh - nguyendao1691@gmail.com - 0945682531 - Quảng Tây, Nghĩa Thành, Châu Đức, Vũng Tàu  (Ngày 10/08/2016 19:00:22)

Bóng Làng

Làng tôi
Dâu biếc triền sông
Bãi ngô như tạc dáng rồng xanh bay
Mồ hôi sạt áo dân cày
Tơ tằm kim chỉ vá may chưa lành
Buồn như tranh
Đẹp như tranh
Là cô thôn nữ mắt xanh mơ màng
Có người qua chuyến đò ngang
Còn trông bên ấy nhìn sang bên này
Tuổi thơ dủ dẻ chùm chày
Ban đêm học đóm
Ban ngày thả trâu
Áo quàng chẳng kín da nâu
Nón cời không đủ che đầu nắng hoe
Rào thưa lọt tiếng chích chòe
Vui buồn tấm mẳn cũng khoe khắp làng
Nồi khoai luộc
Mẻ ngô rang
Tấm lòng thơm thảo sẻ san gió đồng

Biết là sông núi mênh mông
Tôi yêu từ gốc cau trồng trước sân
Bóng ai bên giậu cúc tần
Ngẩn ngơ
Cánh bướm bay gần bay xa...

Nguyễn Ngọc Hưng.
(Trích Chùm thơ dự thi TQVĐP số 154 – Lục Bát Việt Nam)

Bóng Làng - một tâm cảnh đậm đà hồn vía cố hương.

Với cái tựa bài thơ, Làng không chỉ là đơn vị địa lý một vùng quê. Khi mà “… đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên), Làng bỗng trở thành một sinh thể sống động, tỏa/ hắt Bóng vào những góc nhớ thương khuất lấp trong cõi miền sâu kín mỗi người.

Nào có là “cầu thủ” cho cam, mà nỡ Trời-bắt-tội-treo-giò, đã hơn ba mươi năm “giò treo lưng dính chiếu giường” (Ngày mai lên nắng đẹp cây xanh - NNH). Nên với Nguyễn Ngọc Hưng (NNH), ngoài “chốn đáy sâu vùng trũng” - cái vũ trụ trên dưới mười mét vuông căn phòng - thế giới khách quan ngoài bốn bức tường kia mãi là thiên-đường-trong-mắt-kẻ-tội-đồ!

Có xa lắc gì đâu “tin không bạn: chỉ non mười cây số/ mà một đi chín mùa khát chưa về” (Bóng mẹ bóng quê - NNH). Cõi thiên đường trên… mặt đất ấy, là “một mảnh làng nhô bên dòng sông Vệ/ ngút ngát bờ dâu xanh nắng xế/ nghiêng nghiêng vành nón má ai hồng” (Về với quê anh - NNH) Với “đồng xanh mênh mang dâu biếc ngút ngàn/ Mỹ Hưng đấy - nơi chôn rau mình đấy/ hỏi có nơi nào gió thơm đến vậy/ hoa nối hoa mùa quả chín nối mùa” (Sông Vệ nhớ thương - NNH). Đọc đoạn thơ trên chợt ngậm ngùi tưởng vọng Nguyễn Bính, một hồn thơ chân quê đã “nâng cấp” quê hương (thôn Vụ Bản, Nam Định) vốn dĩ quanh năm “chiêm khê mùa thối” lên đẳng cấp cao hơn, trù phú và đầy thơ mộng: “Thôn Vân có biếc có hồng/ biếc trong nắng sớm, hồng trong vườn chiều”…”, “Trái lành nặng trĩu cành cây/ sen đầy ao cá, cá đầy ao sen”). Địa đàng quê hương diễm ảo ấy giờ xa cách vạn tinh cầu, cắt cứa lòng-kẻ-tha-hương-ngay-trên-nơi-chôn-nhau-cắt-rốn! Nên “Không đi được thì lăn lê bò lết/ Đâu dễ gì quên được một chốn quê” (Chốn về - NNH).

Trầm mình trong mạch nguồn ấy, Bóng Làng mãi nguyên sinh mượt mà trong mang mang hoài niệm: “Làng tôi dâu biếc triền sông/ Bãi ngô như tạc dáng rồng xanh bay”. Không có hình tượng lũy tre mái đình, cây đa, bến đò - những di sản vật thể cố kết nên nét đặc thù diện mạo làng quê Việt, chân dung mộc mạc của Làng chỉ được chiêm ngưỡng qua nét phác thảo trong hai câu thơ mở bài. Nhưng màu nõn xanh kinh điển của “dâu biếc triền sông”, của “bãi ngô...” đã nhuận sắc cho thần thái của một miền đất thuần nông. Đủ sức níu chân, thêm “dài mắt” những đứa con làng còn mãi hoang hương …

Địa hình sinh địa linh? (Để rồi sinh... nhân kiệt! - một vùng “Hành” nằm ở Tây Nam Quảng Ngãi, dọc đôi bờ sông Vệ: Thịnh, Phước, Đức, Thiện, Tín… đã là cái nôi của những tài hoa xứ Quảng!) Đất cùng ta gọi dậy những mùa màng… Tựa vào “cuộc đất”, người dân cày đã bền gan sáng dạ khéo gieo trồng để tạc nên một tuyệt tác: “Bãi ngô như tạc dáng rồng xanh bay”. Câu thơ khiến Bóng Làng phảng phất hào khí một Thăng Long Thành!

Để đánh đổi chút hào khí ấy, để giữ màu nõn xanh của “dâu biếc triền sông” này, đã bao phen: “Đất khát giọt mồ hôi quen” (Nguyên Đạo), đã “Mồ hôi sạt áo dân cày/ Tơ tằm kim chỉ vá may chưa lành”.

Làng hắt bóng bằng nét diễm uẩn như bước ra từ hội họa của cô gái quê “Đẹp như tranh/ Buồn như tranh/ Là cô thôn nữ mắt xanh mơ màng” (Sao lại u sầu, ơi cô…!) khiến có người đi không đành, tha thẩn ánh nhìn còn ở lại: “Có người qua chuyến đò ngang/ Còn trông bên ấy nhìn sang bên này”...

Ngược về thiên đường tuổi thơ, Làng tỏa bóng một thời trẻ trâu cơ cực mà hồn hậu: “Tuổi thơ dủ dẻ chùm chày/ Ban đêm học đóm/ Ban ngày thả trâu/ Áo quàng chẳng kín da nâu/ Nón cời không đủ che đầu nắng hoe”.

Bóng làng râm mát những tình tự quê hương thảo thơm mộc mạc, mơ hồ mà bền chặt neo người vào với đất quê: “Rào thưa lọt tiếng chích chòe/ Vui buồn tấm mẳn cũng khoe khắp làng/ Nồi khoai luộc/ Mẻ ngô rang/ Tấm lòng thơm thảo sẻ san gió đồng”.

Đọc đến đây (hết 20 dòng của khổ thơ đầu) chúng ta bất giác nhận ra mình đã bị/ được tác giả “dẫn dắt” đi từ rộng đến hẹp, từ xa đến gần: triền sông - bãi ngô - bến đò - rào thưa... và cùng với đó là những “nhân vật” thân thương: cô thôn nữ, bạn trẻ trâu, người hàng xóm láng giềng... vô cùng sống động, mỗi lúc một thiết tha, gần gũi hơn.

Không chỉ thế, chạm vào 2 câu đầu của khổ thơ cuối tôi không thể không dừng lại để suy ngẫm: “Biết là sông núi mênh mông/ Tôi yêu từ gốc cau trồng trước sân”. Sao lại là “gốc cau” mà không là cây gì khác? Ngoài việc gợi nhớ “sự tích trầu cau” thấm đẫm nghĩa tình, theo chỗ tôi biết cau cũng là loài cây được trồng khá phổ biến ở Quảng Ngãi, nhất là Nghĩa Hành quê hương NNH. Phải chăng chính đôi hàng cau thẳng tắp trên lối ngõ vào nhà, những vườn cau vuông vắn, xinh xẻo như tranh vẽ khắp một vùng quê đã tỏa bóng và neo lại rất sâu trong tâm hồn tác giả ngay từ thuở mới lọt lòng để trong khoảng cách ly hương những ấn tượng sâu đậm đẹp đẽ ấy lại dâng trào tỏa bóng vào thơ?

Như cách diễn đạt của một nhà văn Xô Viết ưu tú trong một đoản văn đặc sắc trích từ thiên tuỳ bút chính luận Thử lửa: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh...” (Lòng yêu nước - I-li-a Ê-ren-bua), có lẽ chính mấy “gốc cau trồng trước sân” và cả cả chút bâng khuâng, rung động đầu đời:“Bóng ai bên giậu cúc tần/ Ngẩn ngơ/ Cánh bướm bay gần bay xa...” là chất liệu đầu tiên, nhân tố khởi nguồn để tạo nên Bóng Làng, tạo nên tình yêu quê hương bản quán và rộng hơn là tình yêu “sông núi mênh mông”.

Có thể nói Bóng Làng là một trong rất nhiều thi phẩm hay của tác giả NNH về mảng đề tài này. Không còn được gửi “Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” nữa, nỗi hoài hương trầm tích qua lớp lớp thời gian, tuôn trào vào những câu thơ khắc khoải nỗi niềm. Bóng Làng không chỉ là những nét chấm phá, điểm xuyết những hoa văn tinh tế để bức tranh quê kiểng thêm bắt mắt mà còn dựng nên một tâm cảnh đậm đà hồn vía cố hương có sức vẫy gọi những cánh chim lưu lạc bốn phương rẽ mây rẽ gió bay về!

Cho dẫu với cảnh đời “ít thơ nhiều bi kịch”, Nguyễn Ngọc Hưng - người con đất Mỹ Hưng, Hành Thịnh - Địa Đàng Quê giờ đã thành… Biệt Xứ!

Bà Rịa – Vũng Tàu 26.7.2016
Nguyên Đạo.

Các bài khác: