Chủ nhật, 22/12/2024,


Ra mắt tập thơ "Hoa vườn ngoại" của Trần Đức Trí (15/10/2014) 

Ngày 12/10/2014 tại xã Phương Công (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), CLB thơ Sắc Quê, Tiền Hải đã phối hợp với CLB thơ Lục Bát Hải Phòng tổ chức buổi ra mắt tập thơ "Hoa vườn ngoại" của tác giả Trần Đức Trí, hội viên CLB thơ Lục Bát Hải Phòng.

Đây là tập thơ đầu tay gồm 55 bài thơ được tác giả sáng tác trong khoảng thời gian 40 năm trở lại đây, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2014; nhà thơ Trần Nhuận Minh viết lời tựa.
Trong chuyến đi CLB thơ Lục bát Hải Phòng cũng đã giao lưu với các tác giả thơ huyện Kiến Xương tại tư gia nhà thơ, bác sỹ Trần Đức Hiền và thăm bãi biển Cồn Vành.
Lucbat.vn trân trọng giới thiệu bài cảm nhận về tác giả Trần Đức Trí của nhà thơ Đinh Thường, Chủ nhiệm CLB thơ Lục Bát Hải Phòng.
 
 
 

TRẦN ĐỨC TRÍ - MỘT TÂM HỒN THƠ THẤM ĐẪM TÌNH NGƯỜI

Năm 2011, lần đầu tiên tôi được đọc thơ Trần Đức Trí dưới bút danh Phương Hải Bình qua bản thảo tập thơ Lục bát “Hồn quê” của CLB Thơ Lục Bát Hải Phòng. Thú thực, lúc bấy giờ tôi chưa được biết bất cứ điều gì cụ thể về con người anh. Song tất cả những gì anh thể hiện qua những vần thơ Lục bát đã khảm vào tâm trí của tôi: Trần Đức Trí - Một tâm hồn thơ thấm đẫm tình người.
Tháng năm qua đi, do công việc bận bịu nên tôi cũng ít được đọc những sáng tác mới của anh. Cho đến hôm nay, cầm trên tay tập thơ “Hoa vườn ngoại” của anh, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2014, tôi càng có lý tin rằng cảm nhận lúc ban đầu của mình về thơ anh là đúng.
* * *
Những người học rộng, quyền cao chức trọng thường viết về những điều “to tát” để lập ngôn. Nhưng Trần Đức Trí thì khác, anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ kinh tế ở Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga và đã từng đảm nhiệm trọng trách Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Vận tải biển Việt - Nga (BAIKAL SHIPPING). Ấy vậy mà, hầu hết những bài thơ của anh đều viết về những con người, mảnh đất thật sự gần gũi, thân thuộc với anh. Khi anh viết về cha mẹ, về người vợ, về các anh hùng liệt sỹ quê anh hay về các bạn thơ… ta dễ dàng nhận thấy sự thành kính, yêu thương. Và dường như là anh viết để tri ân họ.

Trân trọng làm sao khi đọc những dòng anh viết về cha mẹ:

Con sợ lắm ngày mai vắng mẹ
Tình mẹ con là máu trong người
Dòng máu đỏ thấm vui buồn dâu bể
Đến bạc đầu con vẫn sợ mồ côi!
(Mẹ)

Dâng nén hương thơm tạ trước Người
Mồ cha hoa cỏ nở vàng tươi
Từ đây cha chẳng làm thơ nữa
Mấy mẹ con buồn nghe mưa rơi.
(Mùa xuân nhớ cha).

Hay viết về bà:

Thương ôi! Chân chậm, mắt lòa
Đường quanh, bước lạc đưa Bà về đâu?
Tiếng Bà gọi cháu đêm thâu
Tưởng như tiếng cuốc kêu đau sau vườn.
(Bà ơi).

Viết để ca ngợi công đức của thầy cô một lẽ, nhưng cách đặt vấn đề thẳng của anh sao thấy xót xa:

Ơn thầy cô những ngày xưa
Có trò nào trả cho vừa công lao?
(Nợ thầy).

Vợ chồng là cái duyên, cái số. Quan niệm như anh cũng dễ kiếm được sự đồng tình của một nửa yêu thương:

Ngày em hiện giữa cuộc đời
Tặng em, anh hái một trời đầy hoa
Hương cây, vị đất vườn nhà
Ngọt bùi, cay đắng cũng là duyên em.
(Mừng sinh nhật vợ).

Người chơi thơ viết thơ để tặng nhau là lẽ thường tình, mà có quý nhau thì mới  viết. Nhưng viết như thế nào để cho người được tặng không cảm thấy sáo rỗng mới là thành công:

Ông bà một bệnh cùng đau
Hai thân già tựa vào nhau sớm chiều
Nửa thu mây bạc trăng xiêu
Gánh thơ lãng đãng, gánh yêu nặng tình.
(Nửa thu).

Mùa thu năm ngoái, tôi có may mắn được về thăm quê anh (xã Phương Công, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Được chứng kiến tình cảm gia đình, bạn bè, được mục sở thị anh thành kính dâng hương trước Đài liệt sỹ trong tiết trời thu “gió oải, nắng nhàu”. Và được đọc bài thơ “Hồn Liệt sỹ” của anh đề bia tại nghĩa trang:

Người đi trong ánh vàng sao
Tuổi tên gửi mẹ hồn vào thiên thu
Hóa thân làm gió nâng cờ
Làm hương đồng lúa ru bờ tre xanh
Máu xương bồi đắp đất lành
Sống làm ngọn lửa, thác thành nước non.

Một bài thơ súc tích. Đề tài không mới, nhưng được thể hiện bằng một tấm lòng thành kính qua thể thơ truyền thống đã thực sự làm lay động lòng người.
Ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, biết bao lớp người đã hy sinh xương máu, đóng góp mồ hôi công sức để có nơi chốn ta gọi đúng nghĩa quê hương. Công đức của tiền nhân như mãi còn cùng trời đất.

Bao cuộc đời đã hòa vào đất
Hồn phiêu diêu phảng phất ánh thu vàng
Chiều tắt nắng, cánh dơi rơi chùa cổ
Gió buồn đưa một tiếng chuông hoang…
(Quê hương)
* * *

“Đa tình là cái thói của thi sĩ…” - Không biết tự bao giờ người ta đã mặc định điều này cho các nhà thơ. Dường như hầu hết người làm thơ, ai cũng làm thơ tình. Người ít thì một vài bài, người nhiều thì hàng tập. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi tâm hồn của họ thuộc hệ đa sầu, đa cảm. Không lẽ nào trái tim họ lại dửng dưng trước vẻ đẹp trời ban!?
Trần Đức Trí cũng vậy. Tập thơ có 54 bài thì anh dành hẳn phần thứ hai “Hoa vườn ngoại” (đây cũng là tên của tập thơ) với 33 bài để nói về tình yêu. Sự thiên vị này của tác giả cũng đủ thấy anh đa tình lắm lắm.
Thơ tình của Trần Đức Trí khi viết ở Ô-đéc-xa, khi viết ở Sài gòn, khi khác lại viết ở Hải Phòng, Thái Bình hay Thanh Hóa… Cũng lắm cung bậc buồn - vui, thấp thỏm - đợi chờ… Song tuyệt nhiên không có sự thất vọng, chán chường. Và hầu hết đều được lấy cảm hứng từ những con người hay sự việc cụ thể. Nhưng xâu chuỗi lại ta thấy dáng dấp một nàng thơ vừa gần gũi, thân thương vừa xa xôi, huyền ảo.

Thôi đừng trách gió em ơi
Bản xa nghẽn lối mưa trôi mất cầu
Người xưa giờ ở nơi đâu?
Ngàn Nưa,  sông Mực một mầu mưa Thanh.
(Nhớ mưa Thanh).

Tình ơi hẹn tự bao giờ
Thơ gieo một thuở, bây giờ có em
Nắm bàn tay nhỏ ấm êm
Anh nghe rõ tiếng con tim bồi hồi.
(Nếu em đến Ô-đec-xa)

Có phải chính em đang nở giữa lòng ta?
Hỡi loài hoa trắng trong ngát hương đêm vắng
Và anh thấy nàng tiên áo trắng
Bay dịu dàng như nắng đượm hồn hoa.
(Hoa vườn ngoại).
* * *

Chẳng cần gồng mình lên bởi câu chữ. Thơ Trần Đức Trí cứ lặng lẽ đi vào lòng bạn đọc. Có thể nói, toàn bộ tập thơ “Hoa vườn ngoại” của Trần Đức Trí là sự mở lòng của một người con có tình, có nghĩa với quê hương. Vì thế khi đọc ta dễ dàng cảm thấy nồng ấm, thân thương.
Chỉ tiếc rằng anh đã mắc vào một sai lầm mà hầu như rất nhiều tác giả khi xuất bản tập thơ đầu tay thường mắc phải. Đó là đưa hơi nhiều những bài có tính chất kỷ niệm vào trong tập, trong khi nó chưa được trau chuốt, diễn đạt tối ưu.
Cảm thụ về một tác phẩm văn học, có bao nhiêu cách nghĩ thì có bấy nhiêu cách cảm. Trong khả năng có hạn của mình, tôi chỉ xin đưa ra nhận định có tính chất trao đổi cùng bạn đọc. Hy vọng từ tập thơ này, thơ Trần Đức Trí sẽ tiếp tục vươn lên để có một vị trí xứng đáng trong lòng công chúng yêu thơ.

Đinh Thường
Chủ nhiệm CLB thơ Lục Bát Hải Phòng
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: