Chủ nhật, 24/11/2024,


Chùm thơ dự thi TQVĐP số 80 (01/04/2014) 

Tác giả Nguyễn Tấn On
ĐT: 0975.079.639
Email: nguyentrandalat@yahoo.com
Địa chỉ: 69 H1, Nguyễn Văn Trỗi.,TP.Đà Lạt


1. GẶP KIỀU Ở LÀNG NGUYỄN DU

Về không áo mũ xe quan
Đường xa gió bụi đến làng Nguyễn Du
Tuổi đời lệch mấy xuân thu
Thăm Kiều cõi thực mịt mù cõi mơ
 
Không là người biên khảo thơ
Mà nghe lạnh buốt bến bờ cổ thi
Sách xưa ứa máu - (Kiều) quỳ
Đội trời (Từ) đứng uy nghi giữa ngày
 
Gặp em - Kiều nữ hôm nay
Ta không chết đứng mà say choáng người
Ghi - ta trộn tiếng em cười
Thơ ta chảy máu theo mười ngón mê
 
Đàn bò gặm nắng triền đê
Nghé con bú mẹ no nê húc chiều
Bên hiên bà lão bói Kiều
Mỗi câu thơ vận tình yêu chốn nầy...
 
 

2. ĐẨY MƯA

Âm thầm dội tiếng chổi tre
Công nhân quét rác bên hè phố quen
Gom đêm đặc quánh ánh đèn
Ướt con đường vắng dế mèn buồn kêu
 
Đống từng đống - bịch liêu biêu
Tiếng rao mì gõ qua lều chợ tan
Nhà ai thức với hoa vàng
Nghe thương tiếng chổi dưới hàng phượng xưa
 
Hốt đêm hốt cả cơn mưa
Chuông ngân chạm phố cũng vừa đầy xe
Đêm xuân mòn nhánh chổi tre
Đẩy mưa qua dốc - nắng xòe ban mai
 
 

3. LƯỢM NẮNG

Cong cong, cong chiếc nón cời
Bà đi lượm nắng à ơi - ơi chiều
Từ chàng văn sĩ phiêu phiêu
Buồn trang bản thảo vứt nhiều nỗi đau
 
Gió xiêu - xiêu tóc bạc màu
Mong giỏ nặng ký để mau quay về
Tay ai vò chữ buốt tê
Tay người gom nắng tràn trề - xuân thơm
 
Mái nhà chín khói sôi cơm
Bên kia góc nhớ vay rơm rạ vàng
Từ khi phố - phố lấn làng
Bà đi lượm giấy dưới hàng tường xây.
 
 
 

 

4. NHỚ LỜI MẸ DẶN

 
Rời phố về lại quê xưa
Xuống xe giẫm phải cơn mưa lạnh buồn
Vào làng nón chạm tiếng chuông
Đám tang của "Cậu" một phương trời sầu
 
Nhà "Cậu" ở tận hẻm sâu
Một cô gái lạ cúi đầu khi qua
Chẳng phải họ hàng gần xa
Bán vé số dạo, nết na quá chừng
 
Nhân văn, hương tỏa thơm lừng
Nhớ lời mẹ dặn, lòng từng khắc sâu
Đám tang khi gặp cúi đầu
Thay lời muốn nói một câu - chia buồn.
 

 

N.T.O

   

Tác giả Phạm Thị An
ĐT: 0976.256.652
Email: bongmayquathem_09@yhaoo.com.vn
Địa chỉ: Đội 5, Tuy Lộc, Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình
 

1. TRĂNG QUÊ

Ánh trăng vàng rực đêm hè
Gió vi vu thổi khóm tre đầu làng
Ve sầu thức giấc râm ran
Rủ nhau tấu nhạc rộn ràng đêm trăng.
 
Mái chèo khua nhẹ trên sông
Trăng rơi mặt nước mênh mông đêm vàng
Tiếng hò cao vút mênh mang
Bao cô thôn nữ dịu dàng giao duyên.
 
Trăng về soi sáng khắp miền
Yêu quê, yêu phút diệu huyền đêm trăng.
 

2. MƯA VUI
 
Mưa về xanh mướt góc vườn
Nào dưa, nào cải mẹ ươm hôm nào
 
Mưa về cây lá xôn xao
Bầu thêm hoa trắng ngọt ngào hương đưa
 
Mưa về rào rạt song thưa
Giàn hoa giấy tím say sưa hát mừng
 
Mưa về một sớm bỗng dưng
Cho đàn trẻ nhỏ tưng bừng: Mưa vui!

P.T.A

 

 

Tác giả Phạm Văn Xuân
ĐT: 01.666.648.972
Địa chỉ: 51 Khu Hạ, Tráng Liệt, Bình Giang, Hải Dương
 

1. SÓNG DẬY
 
Sân chùa in bóng một người
Nhìn thu lá rụng khôn nguôi hàng giờ
Tình xưa tưởng đã lặng tờ
Ai ngờ sóng dậy vỗ bờ chiều nay.
 

2. TRĂNG HẸN
 
Ánh vàng sóng sánh mặt sông
Gió đưa trăng hẹn mà không thấy về
Vầng trăng mắc ngọn cành tre
Để cho câu thề đứng đợi người ơi...
 

3. NHƯ XƯA
 
Tuổi già lưng chửa chịu còng
Vần thơ vẫn ngọt như đòng lúa non
Tóc phơ mây bạc lòng son
Tình thơ tình bạn vẫn còn như xưa.

P.V.X
 
 
  

Tác giả Nguyễn Ngọc Hưng
ĐT: 055.3861.312
Email: nguyenngochung204@gmail.com
Địa chỉ: Đội 10, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi
   

1. HOÀNG SA, HOÀNG SA…
(Tưởng niệm những người lính đã hy sinh
trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19.01.1974)
 
Hoàng Sa! Hoàng Sa! Hoàng Sa!
Nhuộm hồng xương máu ông cha vạn đời
Trăm năm vật đổi sao dời
Ngàn năm cương thổ vẫn ngời anh linh
 
Hoàng Sa là đất của mình
Gạt qua sống chết rập rình, tiến lên
Tình quê trả nợ nước đền
Đâu chờ ai phải gọi tên thúc dồn
 
Gạt qua cái dại cái khôn
Phơi gan trải mật dựng hồn núi sông
Hoàng Sa ấy ổ Tiên Rồng
Lẽ nào cam chịu biếu không cho người
 
Gạt qua mặt mếu mặt cười
Nung tim thành gạch đỏ tươi xây thành
Ngăn loài sóng dữ rắp ranh
Quật cho thủy quái tan tành ác tâm
 
Ví dầu súng nã lê đâm
Đảo con đất mẹ ôm chầm lấy nhau
Gạt qua cao thấp nghèo giàu
Đã là dân Việt trước sau một lòng
 
Người vươn vai pháo vươn nòng
Thẳng dù gãy quyết chẳng cong cổ đầu
Hạm chìm tận đáy biển sâu
Bài ca lính thủy nhiệm mầu trời xanh
 
Không rành tên tuổi các anh
Chỉ xin nhặt tích kết vành hoa thơ
Dù trôi dạt đến bao giờ
Hoàng Sa mãi mãi cõi bờ Việt Nam!
 

2. CỎ

Hoang là bởi chẳng ai chăm
Dại là vô thức cỏ găm tứ bề
Mặc bao nắng dãi mưa dề
Lặng im đón nhận chẳng hề kêu ca
 
Thuận thời nảy nụ đơm hoa
Gặp khi khắt nghiệt lá hòa đất nâu
Liềm lia cổ hái phạt đầu
Cỏ càng nhẫn nhục vá khâu tinh thần
 
Không phân giày phú gót bần
Hết lòng cỏ nguyện đỡ nâng bước người
Đã cùng trải héo qua tươi
Lẽ đâu nương một xéo mười hả chân?
 
Sang hèn cũng một hóa thân
Thấp cao phận số cũng cần cảm thông
Đã sinh nhằm cõi bụi hồng
Chắc gì ai lấm ai không hỡi người
 
Ưa thì vun thắm bón tươi
Ghét thì một bới hai bươi chẳng chừa
Trên không dối dưới chẳng lừa
Nỡ sao người giẫm đạp bừa lên tôi
 
Rịt ràng đan kết nhau thôi
Cỏ vun đồng dọc cỏ bồi bãi ngang
Dù khi xanh mởn úa vàng
Choàng tay ôm trọn mênh mang đất trời
 

 3. ĐỎ MẮT PHÙ SA
 
Nội luôn hoài niệm cánh đồng
Cho dù hạt lúa trả công bọt bèo
Trăm ngày nắng ám đỉa đeo
Một cơn lũ quét bay vèo giấc mơ
 
Áo đời cha vẫn xác xơ
Lành không cúc, rách không chờ vá khâu
Thời gian rắc bụi trắng đầu
Luống cày lấp dấu chân trâu chân người
Tương lai? Héo hắt môi cười
Gửi vào con trẻ chữ tươi nghĩa lành
 
Lóc lăn trong sỏi trong sành
Muốn không muốn cỏ cũng thành lông công
Cúi đầu hôn dấu cha ông
Dấu rưng rưng lạnh dấu nồng nã đau
Quặn ôm gót mẹ nát nhàu
Thương ngàn thôn nữ như nhau ngóng trời
Duyên cầm chưa kịp đã rơi
Ngẩn ngơ đếm lỗ đong lời nắng mưa
 
Ngậm ngùi bái mộ hoang xưa
Cỏ xanh như thể mới vừa lên xanh
Tiền nhân lớp lớp sinh thành
Lũi lầm khai phá quẩn quanh gieo trồng
Mấy người thu trái gặt bông
Bao nhiêu vùi xác trong đồng đất quê
Thảo thơm cỏ sống bộn bề
Chết làm phân bón tốt mê ruộng vườn
 
Cánh cò chở nắng chở sương
Vượt qua giông tố thất thường dễ đâu
Chữ quay lộn cổ lộn đầu
Bão đời quăng quật mấy câu thơ buồn
Chập chờn ước hão mơ suông
Phù sa đỏ mắt nhắc nguồn cội quê!
 
  

 

4. BỚT MỘT CHÚT RIÊNG
 
Lá cỏ xanh
Bông hoa hồng
Dịu dàng lửa ấm
Mênh mông nước đầy
 
Mỗi loài một cõi riêng tây
Thương đồng loại
Xót bạn bầy
Giống nhau
 
Hòa hương cộng sắc sang giàu
Đoạn trường ai đụng nấy đau sao đành?
 
Hoa thôi hồng
Cỏ thôi xanh
Nước khô
Lửa lụi
Ngũ hành đảo điên
 
Mỗi người
Bớt một chút riêng
Sẽ thêm một khúc ruột liền
Tâm an
 

5. MÙA VU LAN NHỚ MẸ
 
Vì con mẹ chẳng ngại gì
Nhục hình cũng chịu tru di cũng đành
Sẵn sàng phạm tội sát sanh
Miễn con được sống an lành ấm no
 
Cơm vài hột nước lưng mo
Quần xăn áo xắn lội mò quanh năm
Cho con rạng rỡ trăng rằm
Quản gì lặng lẽ tối tăm vạc cò
 
Kể chi mạnh yếu trâu bò
Một thân một bóng phải gò lưng thôi
Đội trời mưa gió nắng nôi
Bạc đầu thương trẻ cút côi vẫn cày
 
Suốt đời tay miệng miệng tay
Làm sao tránh khỏi va này đụng kia
Vì con đau ốm trật trìa
Hổ hùm cũng gật sâu sia cũng ừ
 
Việc chi mẹ cũng không từ
Miễn là con được an cư lạc phần
Đâu ngờ “thiên địa bất nhân”(*)
Bão qua giông lại quấy quần “chó rơm”
 
Rã rời rơi rớt ngọt thơm
Đắng cay sót sợi vắt chờm đi đâu
Tử quan mẹ dốc ngược đầu
Dương trần con lửng hố sâu treo mình
 
Lên không tận cổng thiên đình
Xuống nào đến được u minh âm tào
Mỏi tìm chỉ gặp chiêm bao
Mẹ ơi, tháng Bảy nghẹn ngào Vu Lan
 
Van trời lạy đất mênh mang
Thắp hương ngơ ngác tro tàn khói bay
Ước chi dù chỉ một ngày
Cho con vì mẹ gánh thay tội tình!
 
_______________
(*) “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu
Thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu”
(Chương 5 Đạo đức kinh - Lão Tử)
 

6. VƯỢT THOÁT ĐỂ HỒI SINH
 
Chạy chạy chạy… đích còn xa
Nhảy nhảy nhảy… vượt qua xà dễ đâu
Ước mơ, khát vọng xông đầu
Như cười cợt, như xỏ xâu vía hồn
 
Sặc sừ đen đỏ dại khôn
Đến ngày quy tận tử môn trắng cờ
Lãng quên về đích nhởn nhơ
Tuổi tên rơi rớt dọc bờ nhân gian
 
Ví dầu đâm dọc thọc ngang
Rốt rồi vô địch cũng sang tử thần
Đã sinh nhằm cõi bụi trần
Muốn không muốn phải xoay vần ngọt chua
 
Biết là không để hơn thua
Một mình mình đấu mình đua chính mình
Vượt qua bóng tối nhân tình
Hồi sinh cõi sáng hiện hình vô ưu.

N.N.H
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần thị ngọc ánh - nguyendao1691@gmail.com - 01244604399 - Tiểu học phước an suối nghệ châu đức brvt  (Ngày 27/07/2014 12:54:47)

Thân gửi đến độc giả yêu thơNNH bài cảm nhận như một đồng vọng Mùa Vu lLan

  NGƯỜI XỨ QUẢNG - hathule124@yahoo.com  - 0972902921 - BÌNH SƠN, QUẢNG NGÃI  (Ngày 12/06/2014 12:10:51)

HOÀNG SA, HOÀNG SA… - LỜI TƯỞNG NIỆM SÂU TẬN ĐÁY LÒNG
(Người Xứ Quảng)

Hoàng Sa: Vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc đang dậy sóng vì sự gây hấn của bọn bá quyền bành trướng Bắc Kinh. Nơi góc trời, góc biển tưởng như quanh năm sóng vỗ hiền hòa đó, máu của con dân Việt lại đổ vì hòn đạn, lưỡi lê của kẻ thù. Tình yêu giang sơn bờ cõi, tinh thần xả thân vì biển đảo quê hương lại bừng bừng sáng dậy trong tâm trí của mỗi người dân Việt. Có thể sẽ có một Điện Biên Phủ trên biển đông! Nếu Tổ quốc cần ta sẽ hóa thân ta/ Cho Tổ quốc và cho tất cả (Tố Hữu).

Trong những ngày đầu hè bỏng rát, lang thang trên mạng, vào WEBSITE LỤC BÁT VIỆT NAM, người viết bài này rất vui mừng khi bắt gặp một bài thơ. Bài thơ của một người đồng nghiệp, đồng niên. Bài thơ của một nhà thơ đã thành danh. Đọc bài thơ thấy cảm xúc vượt lên trên cảm xúc đời thường của con người, đó là cảm xúc của thi sĩ “Tưởng niệm những người lính đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974”- đó cũng là lời đề từ của thi sĩ về bài thơ của mình. Nó “là lạ” là bởi vì đã hơn 40 năm trôi qua cuộc hải chiến bi hùng của những người lính Việt Nam cộng hòa mới được nói đến, tri ân nhưng ở trong phạm vi hẹp, “tế nhị”. Còn những tác phẩm văn học nghệ thuật viết về họ chưa nhiều, nếu không nói là chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bài thơ sau của thi sĩ Nguyễn Ngọc Hưng có thể coi là một trong những tác phẩm “tiên phong” viết về cuộc hải chiến bi hùng đó. Tôi nghĩ vậy! Xin được giới thiệu bài thơ :

HOÀNG SA, HOÀNG SA…
(Tưởng niệm những người lính đã hy sinh
trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19.01.1974)

Hoàng Sa! Hoàng Sa! Hoàng Sa!
Nhuộm hồng xương máu ông cha vạn đời
Trăm năm vật đổi sao dời
Ngàn năm cương thổ vẫn ngời anh linh

Hoàng Sa là đất của mình
Gạt qua sống chết rập rình, tiến lên
Tình quê trả nợ nước đền
Đâu chờ ai phải gọi tên thúc dồn

Gạt qua cái dại cái khôn
Phơi gan trải mật dựng hồn núi sông
Hoàng Sa ấy ổ Tiên Rồng
Lẽ nào cam chịu biếu không cho người

Gạt qua mặt mếu mặt cười
Nung tim thành gạch đỏ tươi xây thành
Ngăn loài sóng dữ rắp ranh
Quật cho thủy quái tan tành ác tâm

Ví dầu súng nã lê đâm
Đảo con đất mẹ ôm chầm lấy nhau
Gạt qua cao thấp nghèo giàu
Đã là dân Việt trước sau một lòng

Người vươn vai pháo vươn nòng
Thẳng dù gãy quyết chẳng cong cổ đầu
Hạm chìm tận đáy biển sâu
Bài ca lính thủy nhiệm mầu trời xanh

Không rành tên tuổi các anh
Chỉ xin nhặt tích kết vành hoa thơ
Dù trôi dạt đến bao giờ
Hoàng Sa mãi mãi cõi bờ Việt Nam

Tác giả Nguyễn Ngọc Hưng
ĐT: 055.3861.312
Email: nguyenngochung204@gmail.com
Địa chỉ: Đội 10, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi

( Trích trong Chùm thơ dự thi TQVĐP số 80 (01/04/2014) – trang Văn hóa - Tâm linh, WEBSITE LỤC BÁT VIỆT NAM )


Cuộc hải chiến Hoàng Sa sẽ được lịch sử phán xét! Người đọc và giới thiệu bài thơ HOÀNG SA, HOÀNG SA… của thi sĩ Nguyễn Ngọc Hưng không đủ thẩm quyền. Chỉ xin bàn về góc độ cảm xúc cuả Nguyễn Ngoc Hưng về lòng quả cảm của những người lính bên kia chiến tuyến xả thân chiến đấu với giặc Tàu để bảo vệ Hoàng Sa- quần đảo thiêng liêng mà từ thế kỉ XVII đã có bao nhiêu người con đất Việt không tiếc tuổi xuân, xương máu thay nhau ra gìn giữ. Bởi thế, những câu thơ mở đầu của bài thơ đã tuôn trào như những đợt sóng, như muốn xua tan những cảm giác u uất ứ đọng tận tâm can của Nguyễn Ngọc Hưng từ bao lâu nay. Anh thảng thốt :

Hoàng Sa! Hoàng Sa! Hoàng Sa!
Nhuộm hồng xương máu ông cha vạn đời
Trăm năm vật đổi sao dời
Ngàn năm cương thổ vẫn ngời anh linh

Tiếp theo bốn câu thơ đó là hình tượng (nhân vật trữ tình của bài thơ) xuất hiện được Nguyễn Ngọc Hưng khắc họa qua hàng loạt điệp từ, điệp ngữ, điệp khúc:

- Gạt qua sống chết rập rình tiến lên
- Gạt qua cái dại cái khôn
- Gạt qua mặt mếu mặt cười.
- Gạt qua cao thấp nghèo giàu

Những câu thơ đó Nguyễn Ngọc Hưng viết rất hàm ý về những người lính Việt Nam cộng hòa. Có thể vì số phận nghiệt ngã, hay vì ý thức hệ mà họ đã sai lầm khi cầm súng chống lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Nhưng trong khoảnh khắc đối diện với một kẻ thù ngàn đời ngàn kiếp của dân tộc đó là giặc Tàu, họ đã “Gạt qua” mọi thứ, để một bên mọi thứ, chỉ nghĩ đến những gì thiêng liêng nhất: “Hoàng Sa là đất của mình” và “Tình quê trả nợ nước đền”. Họ ý thức rất rõ nghĩa vụ công dân của mình: “Đâu chờ ai phải gọi tên thúc dồn” và “Hoàng Sa ấy ổ Tiên Rồng/ Lẽ nào cam chịu biếu không cho người”.Đọc nhữngcâu thơ đó tự nhiên tôi liên tưởng họ như những người nghĩa sĩ trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu vậy.

Trong niềm miên man cảm xúc của mình Nguyễn Ngọc Hưng đã ca ngợi những người lính vô danh bên kia chiến tuyến đó như những người anh hùng. Thi sĩ Ngọc Hưng không dùng những mỹ từ, hay là “cường điệu” ý thơ mà anh ca ngợi họ thật là dung dị như những suy tưởng của mình:


Nung tim thành gạch đỏ tươi xây thành
Ngăn loài sóng dữ rắp ranh
Quật cho thủy quái tan tành ác tâm

Ví dầu súng nã lê đâm
Đảo con đất mẹ ôm chầm lấy nhau
Gạt qua cao thấp nghèo giàu
Đã là dân Việt trước sau một lòng

Người vươn vai pháo vươn nòng
Thẳng dù gãy quyết chẳng cong cổ đầu
Hạm chìm tận đáy biển sâu
Bài ca lính thủy nhiệm mầu trời xanh

Không cần phải mổ xẻ phân tích nghĩa tường minh, nghĩa hàm ẩn của từ ngữ. Từ những ý thơ trên người đọc cũng cảm nhận được đó là trận hải chiến bi hùng- một Bạch Đằng, Chi Lăng trên biển đông. Đoạn thơ mà lòng tôi cảm kích nhất là :

Ví dầu súng nã lê đâm
Đảo con đất mẹ ôm chầm lấy nhau
Gạt qua cao thấp nghèo giàu
Đã là dân Việt trước sau một lòng

Thật cảm động! Trước sự tàn bạo, dã man của kẻ thù thì thì những người con của cha Lạc Long Quân mẹ Âu Cơ đã: “Đảo con đất mẹ ôm chầm lấy nhau”. Tổ quốc lâm nguy thì “Gạt qua cao thấp nghèo giàu” và xin nguyện “Đã là dân Việt trước sau một lòng”.

Tôi cứ rưng rưng khi chạm vào hai câu thơ đầy hình tượng bi hùng:

Người vươn vai pháo vươn nòng
Thẳng dù gãy quyết chẳng cong cổ đầu

Đây là những ý thơ hay Nguyễn Ngọc Hưng đã khắc họa được hình ảnh, phẩm chất của con người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược mà không biết bao nhiêu nhà thơ đã ngợi ca.

Bốn câu thơ kết của bài thơ, Nguyễn Ngọc Hưng khắc khoải :

Không rành tên tuổi các anh
Chỉ xin nhặt tích kết vành hoa thơ
Dù trôi dạt đến bao giờ
Hoàng Sa mãi mãi cõi bờ Việt Nam

Hưng thành thật “Không rành tên tuổi các anh”- những con người tưởng chừng như vô danh vì sự “éo le” của thời cuộc. Nhưng lịch sử kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc mãi mãi không quên họ. Nơi một góc thư phòng Nguyễn Ngọc Hưng “Chỉ xin nhặt tích kết vành hoa thơ”. Và trong tâm tưởng của Nguyễn Ngọc Hưng:

Dù trôi dạt đến bao giờ
Hoàng Sa mãi mãi cõi bờ Việt nam

***

Xin được mượn lời trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Hành động của người lính VNCH bảo vệ chủ quyền, đưa người ra chiến đấu giữ Hoàng Sa tháng 1.1974, không để một thế lực nước ngoài nào vào xâm lược mảnh đất của Tổ quốc là hành động yêu nước, hành động chính nghĩa và cần được nhân dân ghi nhận” để ghi nhận tinh thần yêu nước và tri ân những người lính đã anh dũng hy sinh vì biển đảo yêu thương trong bài thơ HOÀNG SA, HOÀNG SA… của Nguyễn Ngọc Hưng.

Dù xét về góc độ nghệ thuật thi ca hay góc độ tư tưởng nhân văn thì HOÀNG SA, HOÀNG SA… cũng là một bài thơ hay, một thi phẩm có sức ám ảnh và neo đậu tận sâu thẳm lòng người!

Quảng ngãi 12.06.2014
Người Xứ Quảng

Các bài khác: