Thứ sáu, 29/03/2024,


Chùm thơ dự thi TQVĐP số 44 (24/06/2013) 

Tác giả Vũ Tuấn Anh
ĐT: 0983119926
Email: nguoilamcam26@yahoo.com.vn
Địa chỉ: Công ty CP26, Khu Công Nghiệp Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội.

 

 

1- QUAN HỌ NGỎ LỜI

Bằng lòng em nhé làm dâu?
Miền quê có khúc sông Cầu trong xanh
Kinh Dương Vương, phủ Thuận Thành
Có dòng Đuống đỏ, có tranh Đông Hồ
Có chùa Phật Tích, đền Đô
Thiên Thai hai núi mộng mơ chung tình
Có cây trúc mọc đầu đình
Hội Lim đến hẹn chúng mình chênh chao
Áo the chen nón quai thao
Hát câu quan họ gửi trao xuân về
Tình người mộc mạc chân quê
Làng lên phố, vẫn giữ lề gia phong
Nước sông cũng rõ đục trong
Từ truyền thuyết đã sẵn lòng vị tha
Em về chung một mái nhà
Có mẹ tần tảo có cha nhân từ...
Có niềm tin cõi chân như
Có anh mong đợi...
Hãy ừ nhé em!
 
 

 

2- THÁNG MƯỜI ĐÃ ĐẾN
 
Tháng mười trĩu cuống trăng rơi
Thu đang chín mọng, anh mời đã lâu
Vần thơ rụng tím Sông Cầu
Sao em chưa chịu nói câu bằng lòng?
 
 
 3- CẢM TÁC YÊN TỬ

Tu hành chọn chốn non cao
Phải chăng thoát được ồn ào thế nhân?
Còn ta giữa cõi hồng trần
Tĩnh tâm mong lắng được phần sân si!
 
  

 

4- GỬI VỀ THÀNH VINH
 

 

Ngắm sông Cầu nhớ thành Vinh
Yêu câu ví dặm ân tình giận - thương
Dòng Lam đâu dễ tỏ tường...
Gió Lào, nắng cháy vấn vương anh rồi
Muốn về... cùng hát người ơi
Gừng cay muối mặn khắc lời tri âm
Trao em chiếc nón ba tầm
Mớ ba mớ bảy mỗi lần gặp nhau...

V.T.A
   
 
Tác giả Nguyễn Minh Tuấn
Cựu chuyên gia FAO, LHQ
Điện thoại: 0903458210
Email: minhtuan.1909@gmail.com
Địa chỉ: 1909 CT2 - KĐT Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội

  

 

1. HOÀI NIỆM 
 
Bâng khuâng chùa vắng Phùng Khoang
Đôi bờ liễu rủ ngỡ ngàng gió vương
Chuông chùa ngân vọng nhẹ buông
Bóng ai loang nắng chiều hôm đợi chờ
 
Em đi ngày tháng mịt mờ
Anh về lòng dạ bơ vơ cuối chiều
Tim thơ khó dứt lời yêu
Chợt âm ấm nhớ chợt dìu dịu đau
 
Sân chùa
Thấm lạnh mưa ngâu
Giọt buồn
Rắc bạc mái đầu sương phơi
Nỗi niềm
Chia sẻ cùng ai
Ngày trường
Đêm thẳm
Hỡi người phương xa.
 
  

 

2. KIẾP NGƯỜI 
 
Sinh ra làm kiếp con người
Chức quyền, tiền bạc, buồn vui: Vô thường
Sống sao đức độ, thiện lương
Mai về tới cõi Tây Phương Di Đà.
Mưu mô, nhũng nhiễu, gian tà
Rời xa trần thế vẫn là trắng tay
Sống cho nhân nghĩa, thẳng ngay
Từ tâm soi rọi vẹn đầy chúng sinh.
Bao lời các đấng Hiền minh
Nhắc ta luôn phải sửa mình tốt thêm
Nhân quả là luật nhỡn tiền
Gieo gió gặt bão - Trồng hiền hái thơm
 
Dày công tạo dựng vườn ươm
Mai ngày phúc lộc tỏa vươn rạng ngời
Xứng danh tâm thế làm Người
Hộ trì chánh Pháp, vâng lời Như Lai.
  
  

 

3. CHÍNH PHÁP
 
Là người số một Việt Nam
Sáu lăm tuổi Đạo - Phật ban cho rồi
Biết luật "Nhân quả, luân hồi"
Giáo pháp. Xin vẫn trau dồi chẳng xa.
Luôn tin chính ắt thắng tà
Nhân quần qua ách ta bà, Diêm Vương
Phúc lành tỏa ngát mười phương
Tín, Nghĩa thấm đượm yêu thương muôn loài.
Dạy con khuyên cháu vâng lời
Nhắc mình sống tốt suốt đời anh minh
Giờ đây công toại danh thành
Sáng trong chữ Đức, yên lành chữ Nhân.
 
  

 

 

4. CHUNG CƯ CAO TẦNG
 
Nhà ông: "Khách sạn 5 sao"
Tôi vui vui đến nghẹn ngào tâm can.
Nhớ hồi gian khó lầm than
Cửa nhà thiếu cả cái bàn cỏn con
Bảy người hai tám mét vuông
Rộng chừng hai mét "thông tuông" như... hòm
Trước nhà là một ngõ còm
Sau nhà cũng vậy, xây vòm bếp đun.
Đàn con dần một lớn khôn
Đành làm gác xép, nóng hơn hầm lò
Tháng ngày bữa đói bữa no
Gạo Mậu thì độn bo bo quá chừng
Thòm thèm dở bữa lưng lưng
Liên hoan: tóp mỡ thơm lừng đâu quên
Hai người chung mét vải  đen
Hàng phân phối được bao diêm cũng hời
Phích nan và quạt tai voi
Gia đình công chức như tôi đã là...
Cắn răng chịu đựng vượt qua
Quyết tâm giữ vững nếp nhà sạch thơm
Cha mẹ gương sáng cho con
Trường chuyên lớp chọn mầm non. Nhân tài
Con tôi giờ đã nên người
Kiến trúc sư - Bác sĩ: Năm người vinh danh
"Chọn" dâu "kén" rể tác thành
Đều là trí thức gia đình thanh tao
Hạnh phúc thành đạt tầm cao
Thảo thơm Hiếu Đễ... tự hào gia phong
Đức Tài mãi mãi song trùng
Từ tâm, tích thiện đi cùng tháng năm.
Có câu “già cậy nhờ con"
Phúc nhà: Con bước lối mòn giống cha
Cây đời kết trái đơm hoa
Chúng tôi mãn nguyện tuổi già thảnh thơi.

   

 

5. NGHĩ VỀ NHÀ MỚI

 

Anh tuổi Đinh Sửu - bảy lăm
Còn em Nhâm Ngọ - xứng tầm bảy mươi 
Chúng mình rong ruổi ngược xuôi
Ở nhờ Chính phủ đúng mười lần qua
Ước ao đến lúc tuổi già
Tự mình có được ngôi nhà khang trang.
Ơn Trời Phật - Tổ Tiên ban
Chuyển nhà mới lại ngập tràn bâng khuâng
Hơn trăm mét một mặt bằng
Tiện nghi sinh hoạt mọi phần đẹp sang.
Con cháu chúc tụng hân hoan
Mong ông bà "Đám cưới vàng" thật vui (*)
Đúng là song hỷ thật rồi
Đúng là khổ tận đến hồi cam lai.
 
(*) Kỉ niệm 50 năm ngày lễ thành hôn 20/10/1962 - 20/10/2012.

 

 

 

6.TÂM TÌNH CỦA VỢ
 
Đêm nằm ngẫm ngợi một thời
Bữa ăn đến cả tháng trời vắng cơm
Phần gạo "Mậu" dành nuôi con
Sắn khoai mà vẫn thấy ngon thấy lành
Đức tin dựa tấm lòng thành
Các con ta chẳng phụ mình thương yêu.
Vẫn còn đầy nhớ những chiều
Chõng tre bán nước liêu xiêu bên đường
Giữ gìn đạo lý kỷ cương
Dạy con trên kính dưới nhường, hiếu trung
Ai mơ gác tía lầu hồng
Chân quê ta giữ nâu sồng thiện lương.
Chẳng quên sao những con đường
Bụi mù nắng lửa lầy trơn mưa dầm
Đèo con đi học chuyên cần
Sớm chiều đưa đón nhọc nhằn đường xa
Trường chuyên cho trái cho hoa
Mong đàn con mãi mãi là Công Dân
 
Thời gian mải miết xoay vần
Lòng em nguyên vẹn những phần ngày xưa.

N.M.T

 

  

 

Tác giả Đào Thị Nghi Dung
ĐT: 01.222.208.847
Thôn Cao Mỗ, xã Chương Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình
 
                                         

 

1- BẾN NƯỚC HOÀNG HÔN
 
Tựa thuyền du bến hoàng hôn
Dòng thơ lai láng mảnh hồn phiêu diêu
Xa xa… mờ ảo sương chiều
Giáng son in nước, nhiễu điều phơi sông
Mênh mang gió nội hương đồng
Sóng lơ thơ gợn, mây bồng bềnh trôi…
Vi vu diều sáo lưng trời
Gợi nguồn cảm hứng chơi vơi cuối ngày.
 
  

 

2- CHIỀU XUÂN MƯA LỆ 

Thơ khóc nữ sĩ Tố Phương (Sài Gòn)
 

Biết nhau cũng bởi duyên trời
Yêu câu tâm đắc, mến tài thi nhân
Phút đâu người vội lánh trần
Trang thơ chưa kịp nối vần gửi đi
Nỗi niềm sầu nhớ cố tri
Than ôi! Còn biết viết gì nữa đây
Chiều xuân đổ hạt mưa dầy
Lệ theo cây bút đọng đầy tứ thơ. 

 

 

3- BAN MAI
 
Bầu trời vừa mới rạng đông
Thuyền trăng vừa ghé bến sông Ngân hà
Bốn bề bát ngát bao la
Hiu hiu gió sớm, chan hòa nắng mai
Bâng khuâng tỉnh giấc canh dài
Véo von chim hót vang ngoài ngọn tre.
 
  

 

4- SOI BÓNG NƯỚC
 
Bầu trời mặt nước giao duyên
Một nhành mai thủ bóng huyền soi gương
Vầng dương thêm một vầng dương
Thiên đường lại có thiên đường thứ hai
Ngỡ ngàng mai ngắm bóng mai
Bâng khuâng mình lại nghĩ ai giống mình.
 
  

 

5- VUI LÀ SỐNG ĐẸP
 
Ơn trời hưởng lộc cao niên
Tác phong mẫu mực cần chuyên  nhiệt tình
Phát huy thể dục dưỡng sinh
Bớt điều đố kỵ cạnh tranh bất hòa
Sớm mai dạo cảnh ngắm hoa
Hoàng hôn đọc sách thơ ca phẩm bình
Sống vui và sống hết mình
Sống cho bầu bạn gia đình noi gương
Vui vườn văn nghệ ngát hương
Vui câu lạc bộ bốn phương chan hòa
Vui trong nếp sống tuổi già
Khoan dung độ lượng thiết tha tình người
Chữ tâm mang lại niềm vui
Vô ưu là thuốc giúp đời trường sinh.
   

 

Đ.T.N.D 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Thị Hồng Loan - hongloan1103@yahoo.com - 0906594572 - Quảng Ngãi  (Ngày 17/07/2013 19:53:20)


Về bài thơ "Quan họ ngỏ lời" của Vũ Tuấn Anh

Một bài thơ lôi cuốn người đọc ngay từ nhan đề cho đến suốt cả bài thơ. Đọc xong câu cuối vẫn ước giá như bài thơ dài thêm nữa để được biết nhiều hơn nữa về một xứ sở mà mỗi tên đất, tên sông, mỗi làn điệu dân ca...đều được mọi người biết, ao ước được một lần đi đến, đắm say trong những lễ hội truyền thống của loại hình văn hoá vừa có hình khối, đường nét, vừa phi vật thể đặc sắc này.
Tác giả Vũ Tuấn Anh,người con của quê hương quan họ đã mượn "quan họ" để "ngỏ lời" về quê hương mình. Hay làng quan họ khéo giới thiệu về xứ sở của mình?
Cái hay là "ngỏ lời" với "em" nhưng tác giả không chỉ nói về chuyện tình yêu hạn hẹp giữa người con trai với người con gái như những lời tỏ tình bình thường. Anh con trai đã tìm cái cớ để bày tỏ niềm tự hào về quê hương mình. Nơi có cảnh đẹp tự nhiên: sông Đuống, sông Cầu,núi Thiên Thai...Nơi có di sản văn hoá từ ngàn xưa: phủ Thuận Thành, đền Đô,chùa Phật Tích. Và cũng là nơi được thế giới ưa thích, công nhận di sản văn hoá phi vật thể: làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào,lễ hội truyền thống đậm nét dân gian- Hội Lim .
Cho dù người đọc thấy thấp thoáng cuộc sống hiện đại nơi đậm đặc chất dân gian này "làng lên phố", thì hình ảnh "Áo the chen nón quai thao-Hát câu quan họ gửi trao xuân về" vẫn là hình ảnh ấn tượng trong cảm xúc người đọc. Lời ngỏ còn hàm ý: dù cuộc sống mới có nhiều đổi thay nhưng việc "giữ lề gia phong" vẫn là nét đẹp trong cách sống của người quan họ, từ " truyền thuyết đã sẵn lòng vị tha", "Có mẹ tần tảo có cha nhân từ...Có niềm tin cõi chân như"
Cả bài thơ, ngôn từ chọn lựa rất hợp với phong cách quan họ. Dường như chất quan họ thấm vào từng con chữ, hình ảnh giọng điệu,nhịp vần của bài thơ.
Thành công của bài thơ, có lẽ nó đã chuyển tải những cái vốn có,cùng niềm tự hào chính đáng của người con xứ sở văn hoá dân gian,cộng vào đó là âm hưởng dân ca làm cho bài thơ vừa có nhạc tính trên phông nền phong cảnh mộng mơ . Đúng là một tác phẩm "thi trung hữu hoạ"!

  Trương Mỹ Tâm - truongmytam@gmail.com - 0919031694 - VP2A, Châu Thới, CXBH, P15, Q10, TPHCM.  (Ngày 14/07/2013 19:49:02)

Chùm thơ dự thi số 44, nhà thơ Vũ Tuấn Anh, bài thơ “Quan họ ngỏ lời.”

Tôi biết VTA qua hai tập thơ “ Thì thầm đường quê” và “Quan họ ơi… đừng”. Thơ anh đơn sơ chân chất như tính cách của người lính, yêu quê hương, yêu cuộc đời.

Trong bài thơ “Quan họ ngỏ lời”:
Anh giới thiệu về quê mình bằng những từ đơn sơ mà đầy đủ ý tình:
“Bằng lòng em nhé làm dâu?
Miền quê có khúc sông Cầu trong xanh
Kinh Dương Vương, phủ Thuận Thành
Có dòng Đuống đỏ, có tranh Đông Hồ…”

Rồi hẹn hò, vẫn dịu dàng ngọt ngào:
“Có cây trúc mọc đầu đình
Hội Lim đến hẹn chúng mình chênh chao
Áo the chen nón quai thao
Hát câu quan họ gửi trao xuân về…”

Quê hương mình tươi đẹp như tranh, cha mẹ anh một đời chân chất, nếu em bằng lòng:
“Em về chung một mái nhà
Có mẹ tần tảo có cha nhân từ...”

Cả một bài thơ, nhà thơ nói về quê hương, về gia đình, về mình với cô gái yêu thương hay nói chung chung với một người nào đó vừa đủ ý, không thừa không thiếu, vẽ nên bức tranh một vùng quê đẹp tuyệt vời! Cho ai chưa từng đến quê hương Quan Họ ao ước một lần được đặt chân tới đó!

Có một chút triết lý, âm hưởng đạo Phật được đưa vào bài thơ một cách nhẹ nhàng:
“Có niềm tin cõi chân như
Có anh mong đợi...
Hãy ừ nhé em!”

Đọc bài thơ này ta thấy Vũ Tuấn Anh hình như trưởng thành hơn và đã bước những bước khá dài trên đường văn học, thơ anh ngọt ngào tình cảm, sâu sắc đến lạ!
Tóm lại, đây là một bài thơ hay, đáng đọc và đáng nhớ, ừ nhỉ, bài thơ có thể đưa vào Sách Giáo khoa cho các em học hỏi đó chứ!

  Phan Nguyễn Khiêm - khiem2000@gmail.com - 0963601368 - Đà Nẵng  (Ngày 14/07/2013 16:26:00)

Tôi là người yêu thích thơ, đặc biệt là thể thơ lục bát. Đó là thể thơ gần với thơ dân gian nên dễ thuộc, dễ nhớ. Vậy mà tôi chưa hề được biết đến website này. Thật tiếc vì nhiều năm qua tôi thường nghe nhạc, đọc thơ từ các trang mạng khác mà chưa một lần đặt chân đến trang web này. Tình cờ từ trang nhạc Nga mà đã nhiều năm qua tôi hay lui tới để đọc lại dẫn dắt tôi đến được đây.
Bài viết của bạn có tên là "minhhankiev" đã giới thiệu về bài thơ "Quan họ ngỏ lời" của tác giả Vũ Tuấn Anh cùng lời cảm nhận của tác giả Hoàng Như Mai khiến tôi tâm đắc và theo link ấy, tôi đến được đây. Quả đúng như lời bạn Minhhankiev đã giới thiệu, bài Quan họ ngỏ lời đã cho tôi được trở về với miền quê Kinh Bắc qua những lời giới thiệu bằng thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng!
Tôi xin phép copy bài viết của bạn minhhankiev vào đây.
"Các bạn thân mến, xin giới thiệu với các bạn bài viết của Như Mai, người con gái của quê hương lúa Thái Bình, hiện đang công tác tại Đà Nẵng, cảm nhận về bài thơ “Quan họ ngỏ lời” của tác giả Vũ Anh Tuấn được đăng trong trang web Lục bát Việt Nam ngày 09/07/2013.
Vì trang Lục bát Việt Nam cũng có thể nhiều người yêu thơ chưa biết đến, vì cũng như tôi là người yêu thơ lục bát nhưng cũng say mê với những bài hát Nga và thơ Nga. Nên tôi mang toàn bộ bài viết đó về giới thiệu trong trang blog này, hy vọng có thêm nhiều bạn bè của tôi ở khắp nơi khi ghé thăm đều có thể đọc được cả thơ của Vũ Tuấn Anh và lời bình thơ của Như Mai.
Dù đi khắp nơi từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau, đi dọc Trường Sơn, ra tới tận Phú Quốc, nhưng tôi chưa có dịp ghé thăm vùng quê Quan họ. Biết bao bài thơ, bài hát dân ca quan họ đã từng nghe từ thuở nhỏ. Nhưng khi đọc bài thơ của Vũ Anh Tuấn tôi biết thêm được những địa danh của quê hương Quan họ và những nét văn hóa truyền thống rất đẹp của nơi đây đã có từ lâu đời, nền văn hóa phi vật thể ấy đã được UNESCO công nhận, nó là niềm tự hào chung cho cả dân tộc Việt Nam chứ không riêng gì của vùng quê Quan họ.
Lời bình của Như Mai thật tuyệt vời đã lột tả được cái hồn đẹp đẽ, trong sáng của bài thơ như chính tâm hồn của người Quan họ. Có độc giả đã nhận xét “Như Mai đã thổi lên ngọn lửa về tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về mảnh đất Kinh Bắc- nơi chứa đựng biết bao kỷ niệm đẹp. Tác giả Tuấn Anh viết bài thơ đã hay, Như Mai đã tiếp thêm lửa cho bài thơ giúp người đọc càng cảm nhận được cái hay cái đẹp, cái dung dị của bài thơ!”
Mời các bạn đọc thơ của Vũ Tuấn Anh và lời bình của Như Mai để càng thấy yêu thêm quê hương Quan họ, có ai về Bắc Ninh cho tôi theo với nhé.
TP.Hồ Chí Minh 12.07.2013
Minh Nguyệt"
http://minhhankiev.blogspot.com/2013/07/bai-cam-nhan-tho-quan-ho-ngo-loi-cua.html

  Thái Thùy Dương - haht266@gmail.com - 0975220821 - 188 Võ Thị Sáu - Buôn Mê Thuột  (Ngày 10/07/2013 23:07:44)

Yêu thích những bài thơ lục bát từ khi còn rất nhỏ nên tôi vẫn thường đọc ở các trang mạng, trên diễn đàn thơ ca cũng như các trang blog trên mạng internet. Từ khi có lucbat.com, mặc dù không có khả năng để viết thơ nhưng tôi vẫn vào đây thường xuyên đọc và comment như một lời cám ơn đến các tác giả đã dành tặng những món ăn tinh thần cho độc giả những món ăn tinh thần bổ ích.

Thơ hay là hình ảnh, là nhạc điệu, là sự đồng cảm với người đọc chứ không phải chỉ là chủ quan của người viết.

Tôi đọc chùm thơ 44 này của tất cả các tác giả thơ, có một bài thơ khiến tôi muốn chia sẻ cảm nghĩ của mình. Không hẳn là có sự đồng cảm nhưng tôi rất thích bài thơ: "THÁNG MƯỜI ĐÃ ĐẾN" của Vũ Tuấn Anh. Nó như một lời nhắc nhở nhưng thật đặc biệt. Một lời ngỏ, một lời mời, một câu trách cứ... nhưng nhẹ nhàng mà độc đáo mang đậm nét đặc trưng của quê hương kinh Bắc "Vần thơ rụng tím Sông Cầu"...

"Tháng mười trĩu cuống trăng rơi
Thu đang chín mọng, anh mời đã lâu
Vần thơ rụng tím Sông Cầu
Sao em chưa chịu nói câu bằng lòng?"

Tôi muốn hỏi lại tác giả bài thơ:

Cô nào kiêu thế hở anh?
Lời mời chín mọng sao đành làm ngơ
Tháng Mười trăng rụng vào thơ
Đầy vơi nỗi nhớ vu vơ đợi chờ!

 

  Dương Hoàng Hữu - daituyphong@gmail.com - 0914233684 - Tuy Phong, Bình Thuận  (Ngày 07/07/2013 22:21:34)

Hôm nay tôi vào lần hai để đọc bài thơ của VTA ngay đầu trang này và đọc tất cả các lời bình phẩm về bài thơ, hơn nữa cả về tác giả với những bài thơ khác cùa tác giả này. Điều đó cũng là tốt với tinh thần vô tư trong sinh hoạt thơ ca. Bài thơ của VTA nền nã, nhẹ nhàng, xuôi tai, gom nhặt hầu như đầy đủ những nét thân quen cùng đặc trưng về văn hóa của miền quan họ Kinh Bắc mà ai cũng biết và đã từng thể hiện hầu hết trong văn thơ từ trước . Đọc bài thơ như vậy, người Kinh Bắc sẽ rất ầm lòng, yêu quí, giống như câu dao dao ta thuộc lòng , nó gần gũi, nói được tình cảm sâu tận đáy lòng ta. Tuy nhiên xét về mặt khác, tỉnh táo, khách quan một chút, bài thơ không có "cái gì khác" để đóng góp thêm cho thơ lục bát mới, gần như giọng cũ, ý trùng - chỉ có người viết ra là người mới. Vì vậy, tôi nghĩ hãy để cho nhiều người thưởng thức và bình luận ngắn gọn, hạn chế ngợi ca dài , đưa đẩy quá xa. Và đây cũng là tạo điều kiện cho ban GK khách quan hơn trong chấm chọn. sau này , khi có kết quả rồi , quí vị tha hồ bình phầm thành bài dài tùy thích. Lời tuy có trái nhưng thật lòng, mong quí vị lượng thứ.

  Nguyễn Xuân Ngọc - nguyenxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn, Kinh Môn, Hải Dương  (Ngày 04/07/2013 8:19:11)

ĐÁP LỜI QUAN HỌ
Ngỏ lời quan họ dịu êm
Có mật, có mỡ, hội lim dạy chào
Không “Ừ” Cũng chẳng lẽ naò
Hẹn ngày hội ngộ khi vào hội Lim

Nếu là anh xứng với em
Xin chung cha mẹ dâu hiền, rể thương
Xuân Ngọc
Ngày 04/07/2013





TỎ LÒNG VỚI QUAN HỌ
Em xin bầy tỏ tấc lòng
Thơ em vụng dại mượn, đong chưa đầy
Từ ngày anh ngỏ đến nay
Vẫn mong, vẫn nhớ tiếc thay không cầu!
Xuân Ngọc
Ngày 04/07/2013


 

  Nguyễn Lương Thành - nlthanh55@gmail.com - 0945392500 - 1016 CT3B Văn Quán Hà Đông Hà nội  (Ngày 27/06/2013 5:21:23)

Khéo khen anh lính đa tình
Giới thiệu quê mình đến thật là hay
Từ phong cảnh đến mẹ thầy
Tất cả đều tuyệt, em đây mê liền
Qua thơ anh, biết anh duyên
Chẳng cần xem mặt, mặc nhiên em ừ!

  Nguyễn Duệ Mai - notlangbendoi@yahoo.com.vn - 0123456789 - Hưng Yên  (Ngày 26/06/2013 16:57:58)

Lắng nghe Quan Họ ngỏ lời
Sông Cầu như cũng ngừng trôi, giục lòng!

Đi từ truyền thống, gia phong
Từ chung rồi mới khéo lồng đến riêng...

Ai còn nỡ ngả, nỡ nghiêng
Em xin cập bến, buộc duyên tơ hồng!

Lời mời khéo như thế này, ai mà không "ừ" thì thật dại!

  Lê Quốc Hạnh - lequochanhhufs@yahoo.com.vn - 0903434505 - Trường ĐH Hà Nội - Km9 Đường Nguyễn Trãi - Q.Thanh Xuân - Hà Nội  (Ngày 26/06/2013 9:28:47)

Đọc bài thơ “Gửi về thành Vinh” của Vũ Tuấn Anh, LonelyMan không khỏi bồi hồi, xúc động. Khi ngắm nhìn những con chữ trong bài lục bát này, LonelyMan thầm nghĩ:”Đúng là thơ của người Kinh Bắc chính hiệu! Mà người Quan họ phải lòng Xứ Nghệ cũng là duyên số thôi!”.

Bài thơ của Vũ Tuấn Anh mang đậm bản sắc của người Kinh Bắc ở chỗ nào vậy?

Trước hết, “Gửi về thành Vinh” là một trong vô vàn những minh chứng về cái duyên giữa người Kinh Bắc với người Xứ Nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh bây giờ) đã bao đời nay. Từ mấy trăm năm trước, một cô gái Quan Họ tài sắc vẹn toàn (bà Trần Thị Tần) đã say vị tể tướng dưới thời Lê là Nguyễn Nghiễm (già hơn bà tới 32 tuổi), để rồi thành “bà ba” của ông . Mối tình giữa trai tài gái sắc của hai miền dân ca Kinh Bắc – Xứ Nghệ ấy đã cho nước Việt một đại thi hào Nguyễn Du.

Ấy là chuyện xưa! Còn thời nay thì sao? Hẳn rất nhiều người biết và yêu bài hát “Làng Quan Họ quê tôi” của Nguyễn Trọng Tạo. Nhà thơ, nhạc sĩ này là người Nghệ An chính hiệu, vậy mà ông nhận Quan Họ là quê mình! Ông quên mất quê cha đất tổ rồi chăng? Không hề, bởi cũng chính ông là tác giả của “Khúc hát sông quê” viết về dòng sông quê ở Xứ Nghệ đó thôi, mượt mà, sâu lắng, và chan chứa yêu thương dành cho nơi chôn rau cắt rốn. Vậy là, với người Nghệ thì Quan Họ cũng là quê hương, thân thương như Xứ Nghệ vậy. Và với người Quan Họ, Xứ Nghệ cũng gần gũi thân thương như miền Kinh Bắc. Bởi thế cho nên, chuyện chàng thi sĩ Kinh Bắc, Vũ Tuấn Anh, ngồi ngắm sông Cầu mà lòng dạ lại nhớ thành Vinh và dòng sông Lam âu cũng là chuyện thường tình, âu là một minh chứng cho cái duyên định mệnh giữa hai miền dân ca.

Một điểm khác trong "Gửi về thành Vinh" cho thấy cái bản sắc Kinh Bắc đậm đà ấy là cái chất dân ca trong bài thơ. Chúng ta dễ dàng thấy Xứ Nghệ trong bài thơ không chỉ qua việc gọi thẳng tên "thành Vinh" hay "dòng Lam", mà còn qua những yếu tố gợi nhớ dân ca Xứ Nghệ qua những nét chấm phá tinh tế của tác giả: "ví dặm", "giận-thương", "tỏ tường". Đọc "Gửi về thành Vinh", hẳn ai cũng thấy âm vang làn diệu dân ca Xứ Nghệ, Giận mà thương:"Anh ơi, khoan vội bực mình/ Em xin kể lại để anh tỏ tường". Chất dân ca Nghệ ấy quyện chặt với cái hồn Quan Họ trong bài thơ, không tách rời. Cả bốn câu cuối trong bài thơ này đều là lời Quan Họ một trăm phần trăm, để giãi bày tình yêu với Xứ Nghệ:

Muốn về...cùng hát người ơi
Gừng cay muối mặn khắc lời tri âm
Trao em chiếc nón ba tầm
Mớ ba mớ bảy mỗi lần gặp nhau...

Bất kì câu nào trong bôn câu thơ trên cũng có Quan Họ cả!
"Muốn về cùng hát người ơi" gói "Người ơi người ở đừng về" quen thuộc.
"Gừng cay muối mặn khắc lời tri âm" khiến ta không thể không nhớ đến "Tám em nhớ phong thư gửi nhạn/ Chín em nhớ đến đôi người tri âm" trong bài Quan Họ, "Mười nhớ".

"Trao em chiếc nón ba tầm" và "Mớ ba mớ bảy mỗi lần gặp nhau" thì đích thị là Quan Họ, không cần bàn cãi gì nữa, khi tác giả gọi hẳn tên trang phục đặc trưng của liền chị Kinh Bắc!

"Nón ba tầm" cũng còn gọi là "nón quai thao", hay "nón thúng quai thao" - mặt bằng, thành nón cao, vành nón rộng, quai có tua. Nón ba tầm, hay nón quai thao đã đi vào ca dao từ bao đời nay:

- "Nón này em sắm đáng trăm
Ai trông cái nón ba tầm cũng ưa"

- "Ai làm cái nón quai thao
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh"

Còn áo "mớ ba mớ bảy", ai chưa hiểu rõ, xin đọc đoạn định nghĩa sau đây, rút từ Wikipedia:

"Trang phục liền chị thường được gọi là "áo mớ ba mớ bảy", nghĩa là liền chị có thể mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bảy áo dài lồng vào nhau (mớ bảy). Tuy nhiên trong thực tế, các liền chị thường mặc áo mớ ba. Về cơ bản trang phục bao gồm các thành phần: trong cùng là một chiếc yếm có màu rực rỡ thường làm bằng lụa truội nhuộm. Yếm thường có hai loại là yếm cổ xẻ (dùng cho trung niên) và yếm cổ viền (dùng cho thanh nữ). Bên ngoài yếm là một chiếc áo cánh màu trắng, vàng, ngà. Ngoài cùng là những lượt áo dài năm thân, cách phối màu cũng tương tự như ở bộ trang phục nam nhưng màu sắc tươi hơn. Áo dài năm thân của nữ, có cài khuy, khác với kiểu tứ thân thắt hai vạt trước. Chất liệu để may áo đẹp nhất thời trước là the, lụa. Áo dài ngoài thường mang màu nền nã như màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh dán trong khi áo dài trong thường nhuộm màu khác nhau: màu cánh sen, màu hoa hiên, màu thiên thanh, màu hồ thuỷ, màu vàng chanh, màu vàng cốm v.v. Áo cánh mặc trong có thể thay bằng vải phin trắng, lụa mỡ gà".

Vậy đó, Vũ Tuấn Anh đã vận đến cả một nền văn hóa Quan Họ để mời chào "em" Xứ Nghệ!

Khi đề cập đến "em" mà Vũ Tuấn Anh nhắc tới trong "Gửi về thành Vinh", LonelyMan cũng đồng thời muốn đề cập đến nét Quan Họ nổi bật cuối cùng được thể hiện trong bài thơ. "Em" trong bài thơ này, cũng như "em" trong rất nhiều bài thơ khác của Vũ Tuấn Anh không phải là một người con gái cụ thể, mà chỉ là một bóng hình lãng đãng trong tâm tưởng của bất kì thi sĩ nào, một bóng hình được tưởng tượng ra để qua đó có thể trao gửi tâm tình mà thôi! Bằng chứng cho việc này chính là việc Vũ Tuấn Anh, như tôi đã nói, đã phải vận đến cả một nền văn hóa Quan Họ để mời chào "em" rốt cuộc chẳng phải để yêu theo kiểu trần tục giữa nam và nữ! Chàng thi sĩ mời người ta về rốt cuộc cũng chỉ để "hát người ơi", để "mớ ba mớ bảy mỗi lần gặp nhau" mà thôi! Chàng mời gọi "em" về với mình hay mời về với quê mình, với các liền chị Kinh Bắc? Rốt cuộc, Vũ Tuấn Anh phải lòng chẳng phải với một "em" cụ thể nào cả, mà là chàng say Xứ Nghệ! Tình yêu trong dân ca Quan Họ rất đằm thắm, nhưng không bao giờ là tình yêu xác thịt cả. Chúng ta hãy nghe vài lời Quan Họ quen thuộc nhé:

"Đứng ở đằng xa yêu nhau/
Í đứng ở đằng xa/
Con mắt liếc lại/
Í con mắt liếc lại/
Í bằng ba đứng gần"

Tóm lại, "Gửi về thành Vinh" của Vũ Tuấn Anh, suy cho cùng, là tấm lòng của một người con Kinh Bắc dành cho Xứ Nghệ mến yêu! Tình yêu Kinh Bắc dành cho Xứ Nghệ, và ngược lại, là thứ tình yêu "gừng cay, muối mặn" trải qua gian lao mới có được, nên luôn sâu đậm và vững bền.

Bận bịu vô cùng, nhưng LonelyMan gác lại nhiều thứ để giãi bày một chút tâm tình Xứ Nghệ với người Kinh Bắc, nói chung, qua đôi điều luận đàm về bài thơ "Gửi về thành Vinh" của Vũ Tuấn Anh.




  Đỗ Hải Yến - y.dohai@yahoo.com.vn - 0914570671 - Quận Long Biên - Hà nội  (Ngày 25/06/2013 23:58:36)

Chùm thơ bốn bốn (44) dự thi
Có câu Quan Họ hát khi xuân về
Tháng Mười còn nặng câu thề
Sông Cầu vẫn đợi em về cũng anh
Có non cao, chốn tu hành
Nhẹ nhàng giữa chốn thế nhân ồn ào
Có thành Vinh, có gió Lào
Có câu ví dặm ngọt ngào giận thương...

Vần thơ ai dễ tỏ tường
Dịu dàng một góc quê hương của mình!

(Cảm nhận thơ của tác giả VŨ TUẤN ANH)

  Lục Thị Bích Hạnh - Tuoixechieu113@yahoo.com.vn - 01665460480 - Thanh Trì -Hà Nội  (Ngày 25/06/2013 23:47:01)

Tôi được biết diễn đàn lục bát đang tổ chức cuộc thi thơ TQVĐP rất nhiều các chùm thơ của các tác giả trên khắp đất nước gửi về.Từ người nông dân bình dị, đến những nhà sư, rồi có cả các Thi sĩ có tên tuổi trong làng thơ Việt Nam cũng gửi những bài thơ hay đến tham dự.Quả là tuyệt vời khi BBT lục bát đưa đề tài mở này cho độc giả cả nước biết đến, để độc giả chúng tôi thêm yêu câu lục bát.
Trong chùm thơ TQVĐP số 44 này tôi dừng lại một cái tên rất quen thuộc Vũ Tuấn Anh.
Tôi được đọc, được cảm nhận thơ VTA từ rất lâu, những bài thơ anh mang tới lục bát mỗi ngày, hay những tập thơ anh xuất bản,mỗi bài thơ mang tâm trạng khác nhau,tôi có một cảm nhận thơ VTA gần gũi, chân thật rất đời thường.Đặc biệt là các bài thơ viết về miền quan họ, rất ngọt ngào, rất hiểu người quan họ nghĩ gì, nói gì trong thơ VTA đều bộc lộ cái duyên người quan họ.Từ liền anh, liền chị hay từ miếng trầu cánh phượng , được anh đưa vào thơ một cách tài hoa.
Với bài Quan Họ Ngỏ Lời mà VTA mang đến cuộc thi này tôi lại có thêm nhiều cảm nhận, sự nể phục anh.Thật nhẹ nhàng anh đã giới thiệu toàn cảnh miền quan họ thân thương tới cho độc giả biết, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở kinh bắc ,anh đã đưa vào thơ một cách tài hoa, du khách đã đến đây 1 lần rồi thì khó có thể nào quên cảnh đẹp nên thơ ở đây.Con thuyền thơ của Vũ Tuấn Anh khi đi thật nhẹ nhàng êm ả, cứ như một điều kỳ diệu nó thu hút hết người khách này lại đến người khác.Ai đã biết quan họ rồi đọc thơ VTA càng yêu người quan họ hơn, còn ai chưa biết đến quan họ đọc thơ, biết thơ VTA rồi lại càng muốn tìm hiểu khám phá để rồi cũng muốn lên thuyền thơ quan họ VTA dù chỉ một lần để được VỀ MIỀN QUAN HỌ .Cái tài hoa của thi sĩ là vậy đấy , luôn lôi kéo người khác tự nguyện yêu thơ, cháy hết mình về thơ, người thi sĩ ấy phải chứng minh tài hoa của mình bằng những vần thơ , để rồi lòng người đọc cũng xốn xang, cũng thổn thức về câu thơ.
Cuộc thi thơ TQVĐP này tôi tin chắc rằng có rất nhiều bài thơ hay được chọn lọc.Nhưng với đề tài về Quê Hương, nhất là quê hương quan họ mà ở chùm số 44 này với bài Quan Họ Ngỏ Lời tôi tin chắc rằng Ban tổ chức sẽ đọc thật kỹ, chọn lựa thật kỹ, đặc biệt hơn là các nhận xét góp ý của các độc giả cho các bài mà họ chọn lựa.Cả nước cùng hướng về hội thi này càng làm cho ngọn lửa trong ngày hội thơ TQVĐP bừng sáng.Nếu được một ý kiến cho bài thơ này tôi xin mạn phép được bình chọn bài Quan Họ Ngỏ Lời một lá phiếu của sự ngưỡng mộ tác giả Vũ Tuấn Anh.
Tôi hy vọng rằng đọc bài thơ này những người Phụ Nữ còn đang chọn lựa cho quê hương mình gửi gắm, hãy về miền quan họ làm dâu dù chỉ một lần để được hoàn thiện mình hơn trong lời thơ và tôi tin chắc rằng được làm dâu nơi ấy ,họ sẽ có trong mình phẩm chất người phụ nữ Công Dung Ngôn Hạnh
Cảm ơn Vũ Tuấn Anh mang đến cuộc thi chùm thơ rất hay, chúc mừng anh

  Hường Vũ - hvhuongvuduy@gmail.com - 0919221194 - Quận 5, TP HCM  (Ngày 25/06/2013 23:21:51)

Mình yêu lục bát, không phải vì lục bát có vần có điệu mà vì lục bát hiền lành như câu ca dao, như lời hát ru, lại đẹp như một vòng eo, một bờ vai tròn mềm và mát mẻ của cô gái đang độ xuân thì.
Và cũng như thế, mình yêu người viết lục bát. Mình yêu lục bát không phải vì tìm thấy ở đấy những bài thơ viết cho mình, một ý thơ cho mình, một dấu phẩy buông lơi tặng mình, mà vì hình như mình thấy ai thích làm thơ lục bát cũng có duyên, cũng có tình, nhất là cái duyên với làng quê, với đồng áng, với sự chắt chiu và cả nỗi nhọc nhằn, và hình như họ luôn là những người thích nâng niu những gì thuộc về quá khứ, thuộc về cũ kĩ, thuộc về ngày xưa ...
Mình cũng yêu thơ Vũ Tuấn Anh,yêu cái cách anh đem vẻ đẹp quê mình làm sính lễ cầu hôn:
"Bằng lòng em nhé làm dâu?
Miền quê có khúc sông Cầu trong xanh
Kinh Dương Vương, phủ Thuận Thành
Có dòng Đuống đỏ, có tranh Đông Hồ
Có chùa Phật Tích, đền Đô
Thiên Thai hai núi mộng mơ chung tình
Có cây trúc mọc đầu đình
Hội Lim đến hẹn chúng mình chênh chao
Áo the chen nón quai thao
Hát câu quan họ gửi trao xuân về
Tình người mộc mạc chân quê
Làng lên phố, vẫn giữ lề gia phong
Nước sông cũng rõ đục trong
Từ truyền thuyết đã sẵn lòng vị tha
Em về chung một mái nhà
Có mẹ tần tảo có cha nhân từ..."

Và yêu cái cách cảm, cách nghĩ của anh, lại một lần nữa, anh lại đem chín mọng của trăng thu ra dụ mời tha thiết:

“Tháng mười trĩu cuống trăng rơi
Thu đang chín mọng, anh mời đã lâu
Vần thơ rụng tím Sông Cầu
Sao em chưa chịu nói câu bằng lòng?”

Bám vào cuộc đời thiết tha như thế, yêu đời và yêu người thiết tha như thế, anh nguyện gắn chặt với cuộc đời này, trụ lại nơi ấy mà vẫn biết lánh đục tìm trong:

« Tu hành chọn chốn non cao
Phải chăng thoát được ồn ào thế nhân?
Còn ta giữa cõi hồng trần
Tĩnh tâm mong lắng được phần sân si! »

Non cao không thể giữ chân người, vẻ đẹp muôn phương dẫu có quyến rũ đến thế nào thì chân người vẫn muốn tìm về chốn cũ. Dẫu có yêu lắm câu giận thương giữa núi Hồng, sông Lam thì hình như trong lời mời thiết tha nơi xứ Nghệ, lời thơ vẫn đẫm vị quan họ quê mình:

« Ngắm sông Cầu nhớ thành Vinh
Yêu câu ví dặm ân tình giận - thương
Dòng Lam đâu dễ tỏ tường...
Gió Lào, nắng cháy vấn vương anh rồi
Muốn về... cùng hát người ơi
Gừng cay muối mặn khắc lời tri âm
Trao em chiếc nón ba tầm
Mớ ba mớ bảy mỗi lần gặp nhau...”

Đọc thơ anh, mình lại thêm yêu lục bát, và mãi là như thế, mình mãi mến yêu người làm thơ lục bát, dẫu có cố tìm thì cũng chẳng thấy một ...dấu phẩy buông lơi. ...


(Nhân đọc Chùm thơ dự thi TQVĐP số 44 (24/06/2013) của Tác giả Vũ Tuấn Anh).


  Hoàng Như Mai - nhumaidn266@yahoo.com - 0935121368 - 78 Duy Tân - Hải Châu - Đà Nẵng  (Ngày 25/06/2013 11:19:37)

Thơ là sự thăng hoa của tâm hồn và nó chỉ đến và ở lại bằng sự đồng cảm, ý nghĩ khách quan của người đọc chứ không hẳn là chủ quan của người viết. Khi ấy cái riêng sẽ trở thành nỗi niềm chung, và ta yêu mến vì nó đã nói hộ lòng ta.

Cám ơn các tác giả thơ đã dâng tặng cuộc đời những sản phẩm tinh thần góp phần làm giàu có hơn cho tâm hồn những người yêu thơ!

Tôi may mắn được nhận món quà là hai tập thơ "Quan họ ơi đừng" và "Thì thầm đường quê" từ tác giả Vũ Tuấn Anh. Nhận thấy trong thơ anh có sự đồng điệu nên tôi đã chọn trong số đó một vài bài mà tôi có cảm xúc đặc biệt để viết cảm nhận của mình. Qua trang lucbat.com tôi xin phép được gửi đến lời cảm nhận của tôi về bài thơ "Quan họ ngỏ lời" như một lời chúc mừng đến tác giả Vũ Tuấn Anh nhân sự kiện chùm thơ của anh được chọn đăng trong TQVĐP.

Cảm nhận bài thơ "QUAN HỌ NGỎ LỜI" - TÁC GIẢ: VŨ TUẤN ANH

Có thể thấy “Quan họ ngỏ lời” là một bài thơ mang âm hưởng dân ca quan họ Bắc Ninh, với những lời giao duyên rất ý nhị và nhẹ nhàng. Cả bài thơ như một bức tranh quê với những hình ảnh tươi sáng, mang nét đẹp từ truyền thuyết tới đời thường. Với ý thơ mượt mà, ngôn ngữ giản dị, gần gũi với thơ ca dân gian Việt Nam khiến nó đã đi vào lòng người đọc như một nét duyên riêng có.

Cũng dễ dàng nhận thấy bài thơ gồm có ba phần: phần đầu để giới thiệu đến độc giả về một miền quê Kinh Bắc với rất nhiều những địa danh nổi tiếng khác nhau, từ văn hóa vật thể đến phi vật thể, không chỉ là niềm tự hào của quê hương Bắc Ninh và còn là niềm tự hào của cả nước; phần hai để nói lên tình người nơi đó; phần ba là tình yêu đôi lứa được đặt trên nền tảng của tin yêu, của sự chở che, đón đợi trong đại gia đình.

Ngay từ cái tên của bài thơ “quan họ ngỏ lời”, khi đọc lên đã thể hiện được ý chí của người viết. Mặc dù mở đầu bài thơ là một câu mời gọi người con gái về làm dâu, “Bằng lòng em nhé làm dâu…” nhưng đấy không chỉ là lời mời của một “liền anh” cụ thể, đó là lời ngỏ của một miền quê với “một nửa” thân yêu của mình! Cái khéo léo của tác giả là biết đặt tình yêu đôi lứa trong tình yêu quê hương xứ sở để vừa giới thiệu đến người đọc một miền quê mang nhiều nét đặc thù riêng có; một mặt khác có thể hình dung ra những con người nơi đây là những con người “biết yêu” thật sự, bởi họ đã biết đặt chữ yêu trong lề thói gia phong, nơi “có mẹ tần tảo có cha nhân từ/ Có niềm tin cõi chân như…”

“Quan họ ngỏ lời” như lời mời gọi thiết tha “hãy về với anh”, với quê hương có khúc Sông Cầu xanh trong mà bao đời nay đã là đề tài cho thơ, ca, nhạc, họa được thăng hoa; Có đền thờ Kinh Dương Vương, bậc thánh trí thông minh nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về thân phận(*); Có những ngôi chùa, những đền thờ mang nét đẹp huyền bí; Có dòng Đuống đỏ quạch phù sa bồi đắp như tình yêu đôi lứa đã vượt qua thử thách được vun bồi và lớn dậy cùng tháng năm; Và đây nữa, hội Lim rộn ràng “đến hẹn lại lên” - nơi giao duyên của các liền anh liền chị khi tháng Giêng về trong mùa Xuân của đất trời.

“Anh” đã ngỏ lời rồi đấy, “em” hãy về nhé, về không chỉ bởi lời anh mời gọi thiết tha, mà về bằng cả nỗi xốn xang mang theo trong lòng từ câu hát dân ca nữa nhé! Quê hương anh đã đổi thay từng ngày, từng ngày theo chiều hướng tích cực, “làng đã lên phố” nhưng tình người thì vẫn mộc mạc, chất phát, chân quê, vẫn giữ được lề thói gia phong mà bao đời nay lớp lớp các thế hệ cha ông đã giữ gìn và phát huy. Cuộc sống có khi vui, khi buồn, như khúc sông có khi đầy khi cạn, có khi đục khi trong... nhưng với lòng vị tha sẵn có sẽ thì mọi trở ngại khó khăn hẳn là sẽ vượt qua được hết thảy.

Còn chần chừ gì nữa khi “anh” đã mời “em” bằng cả tấm chân tình của người trai Kinh Bắc, người trai ấy được sinh ra trong niềm tự hào quê hương, trong sự gìn giữ và không ngừng phát huy mọi truyền thống tốt đẹp của gia phong của nếp nhà. Với những tin yêu “anh” đã dành cho “em”, ta đã dành cho nhau thì “hãy ừ” em nhé!

Qua bài thơ tác giả đã khái quát được những nét đặc trưng của quê hương mình với những địa danh đã đi vào sử sách, với những giá trị truyền thống thể hiện ở lề thói gia phong và nếp nhà. Hơn nữa là tình yêu với quê hương được tác giả lồng vào trong từng ý thơ rất duyên dáng và giàu cảm xúc chân thành.

Hoàng Như Mai.

Các bài khác: