Thứ năm, 25/04/2024,


Chùm thơ dự thi TQVĐP số 16 (27/12/2012) 

Tác giả: Nguyễn Quang Du
ĐT: 0363.896.668
Email: nguyenquangduc2mh@gmail.com

Địa chỉ: THCS Trần Đức Thông, Hưng Hà, Thái Bình.


1- HỮU VÔ

Nhất tâm theo một con đường
Có - không, không - có lẽ thường vẫn tin.
Có khi đường chẳng thể nhìn
Không trông thấy đạo vẫn tìm gần xa.
 
Đường đạo luôn ở quanh ta
Có không đức Phật tọa tòa đài sen?
Hữu tình nhân thế không quên
Vô tâm đời cũng có miền rong chơi.
 
Có nỗi buồn, có niềm vui
Không ngoài giọt lệ cõi trời hư vô.
Kiếp người có thực, có mơ
Trong mơ có cả vần thơ thực tình.
 
Con đường đi tới bình minh
Là qua đêm với lung linh trăng vàng.
Không ai thấy cõi Niết Bàn,
Có người tin ở Thiên Đàng gặp nhau.
 
Không ham cũng muốn sang giàu
Niềm vui nhờ vượt khổ đau bao lần.
Có người vô thánh, vô thần,
Sông mê không thấy, thấy vần thơ mê.
 
Dòng đời dâu bể nhiều khi
Có tâm, có tứ, tình quê tuôn tràn.
Thành dòng thơ gửi nhân gian
Mênh mang đường đạo, xốn xang tình đời.
 
 
 
 
 
2- PHẬT CA TRIỀU LÝ


Nhân tâm tin Phật xây chùa
Kiến Sơ thuở ấy danh sư lẫy lừng.
Pháp danh Đa Bảo thông kinh
Thiện nam tín nữ khắp vùng đến nghe.
Có nàng Phạm Thị (1) quê mùa
Độc thân, chấp pháp vào chùa tâm quy
Trăng vàng đêm ấy hồn mê(2)
Cơ trời thần khí dầm dề ngọc hoa. 
Phật thương, Phật hóa nhân sa
Màng mang ngọc Phật về nhà Dương Lôi(3).
Mùa xuân Giáp Tuất rạng ngời
Xóm quê Diên Uẩn ra đời thánh nhân(4).
Thị danh phạm thị (5) xoay vần
Ba xuân Phạm Thị cầu nhân cửa chùa.
Nhà nghèo, bệnh trọng lâm nguy
Nhờ người đem gộc(6) vào chùa Kiến Sơ.
Thiền sư Đa Bảo nhân từ
 Giải tình ngũ thịgọi về Khánh Văn.
Ban rằng: công quả Phật tâm
Tiểu đồng Công Uẩn chính danh Lý dòng(7).
Theo về Cổ Pháp, Yên Phong
Dưỡng tâm, khai trí Lý Công thành tài.
Ứng Thiện Tâm, tứ xuân khai
Khánh Văn hết chữ, cầu người đạo thân(8).
Ở chúa Lục Tổ hữu thần
Quốc sư Vạn Hạnh trí tâm rạng ngời.
Thấy ngay Thiên tử tới rồi
Tử đồng Công Uẩn giúp đời mai sau.
Toàn tâm toàn ý nguyện cầu
Lo toan dưỡng dục trước sau vẹn tình.
Mười xuân, tài trí tinh anh
Quốc sư tiến Uẩn vào thành Hoa Lư.
Trung thành phụng sự triều Lê
Tâm phò Long Việt chẳng nề gian nan.
Ba ngày, sử vội sang trang
Long Đĩnh làm loạn, cung tràn máu tươi.
Một mình Uẩn khóc một người(9)
Kiến cho hung thủ hết lời ngợi khen.
Trung quân lại được nghĩa bền
Tứ sương quân(10)néntrái tim máu bầm.
Hôn quân Long Đĩnh hành dân
Hoang dâm nên sớm về âm cửu tuyền.
Ngũ niên ngôi báu chẳng bền(11),
Nhà Lê vô chủ cần tìm minh quân.
Thiền sư Vạn Hạnh âm thầm
Nhằm làng Cổ Pháp, cây thần ngàn năm.
Mộc gạo sét đánh bóc trần
Hiện bài sấm kí, lòng dân tin lời:
Hoa đao mộc lạc để rồi
Thập bát tử  hợp lên ngôi Lý triều(12).
Điện tiền(13) ai cũng mến yêu
Uẩn lên minh chủ là theo ý trời.
Được Lê Thái hậu trao ngôi
Mùa xuân Canh Tuất sang thời Thuận Thiên.
Truy tôn Minh Đức mẫu hiền
Nghĩa phụ họ Lý là Hiền Khánh Vương.
Vạn Hạnh họ Lý ghi sâu
Đào Cam Mộc, Nghĩa Tín Hầu(14) chẳng quên.
Xứng danh Hoàng Đế hiếu hiền
Lý Công Uẩn quyết tìm miền định đô.
Đại La, thành cũ duyên đưa
Dạo xuân Canh Tuất, đế vừa dừng chân.
Ngẫm đây phong thủy hữu tình
Nhĩ Hà, Tam Đảo mở tầm núi sông.
Địa hình cứ hổ, bàn long(15)
Đất bằng màu mỡ, tiện dòng giao lưu.
Muôn dân thuận lợi trăm chiều
Hợp tâm Thiên Tử, thuận theo ý trời.
Đầu thu năm ấy gió xuôi
Sào Khê(16) con nước đưa người dời đô.
Trời thu đâu có tình cờ
Rồng bay uốn lượn, tuôn mưa đón mừng(17).
Đại La liền được đổi danh
Thăng Long, trang mới sử xanh huy hoàng.
Đế đô hưng thịnh rộn ràng
Dân vui, chùa mọc khắp làng gần xa.
Vua xây Thiên Đức nguy nga
Kính nghênh Vạn Hạnh thượng tòa đài sen.
Phật hưng, xã tắc vững bền
Thành tâm, thiện ý là nền trí cao.
Phật về trong giấc chiêm bao (18)
Diên Hựu nhất trụ tạc vào thời gian.
Vĩnh hằng tựa cõi Niết bàn
Tâm mang Phật pháp như mang Quốc hồn.
 
N.Q.D

________
(1) Phạm Thị Ngà, quê Dương Lôi, huyện Tiên Sơn, mồ côi, đến chấp tác ở chùa Kiến Sơ.

(2) Một đêm trăng, nàng ngủ bên miếu Thổ thần, sau chùa Kiến Sơ, mê thấy có vị thần to lớn bước qua, khiến nàng có thai.
(3) Phạm Thị Ngà đau đẻ ở làng Đình Bảng, về đến xóm Đường, làng Dương Lôi mới sinh con.
(4) Phạm Thị Ngà lấy tên xóm của bà là Diên Uẩn, đặt tên con là Uẩn.
(5) “Như thị, như thị, phi thị, thị danh phạm thị”. Dịch là: chính thế, chính thế, chẳng phải thế, thế mới gọi là phạm thế. Câu này do Lý Khánh Văn khắc trên gộc tre của Phạm Thị.
(6) Khi Uẩn lên 3 tuổi, Phạm Thị bị bệnh uốn ván, lúc sắp mất có nhờ người đem con và khúc gộc tre của mình vào chùa giao cho thiền sư Đa Bảo. Thiền sư dựa vào câu có 5 chữ thị lần tìm ra Sa môn Lý Khánh Văn, trụ trì Cổ Pháp tự.
(7) Thiền sư giao cho Lý Khánh Văn nuôi cu Uẩn và đặt tên họ đầy đủ là Lý Công Uẩn.
(8) Lý Khánh Văn nuôi dạy Uẩn 4 năm thấy Uẩn học hết chữ của ông, liền nhờ đạo hữu Vạn Hạnh nuôi. Vạn Hạnh là bậc Thượng tọa, tu ở chùa Lục Tổ, được vua Lê Đại Hành phong làm Quốc sư.
(9) Khi Lê Đại Hành mất, truyền ngôi cho Lê Long Việt. Ba ngày sau, Lê Long Đĩnh làm loạn, cùng bọn thích khách giết anh để cướp ngôi. Các thị vệ của vua bỏ chạy, chỉ còn một mình Uẩn ôm xác vua mà khóc.
(10) Lê Long Đĩnh thấy Uẩn ôm xác vua mà khóc, khen Uẩn là người trung nghĩa và phong làm Tứ sương quân, Phó chỉ huy sứ.
(11) Lê Long Đĩnh lên ngôi năm 1005, thích giết chóc, hành hạ nhân dân, báng bổ đạo Phật, bị gọi là hôn quân; hoang dâm vô độ, mắc bệnh trĩ nặng, phải nằm mà thiết triều nên gọi là Lê Ngọa triều. Lê Long Đĩnh làm vua được 5 năm thì mất.
(12) Thiền sư Vạn Hạnh ngầm khắc bài thơ:“Thụ căn diểu diểu, Mục biểu thanh thanh, Hoa đao mộc lạc, Thập bát tử thành”  trên cây gạo ngàn tuổi ở làng Cổ Pháp, bị sét đánh tróc vỏ. Ông dùng phép triết tự, ghép ba chữ hoa đao mộc là chữ , ba chữ thập bát tử là chữ Lý, ngầm ám chỉ nhà Lý sẽ thay nhà Lê.
(13)  Điện tiền chỉ huy sứ là chức danh của Lý Công Uẩn do Lê Long Đĩnh phong.
(14)  Khi Lê Long Đĩnh mất, Đào Cam Mộc đã vận động triều thần suy tôn Lý Công Uẩn làm vua và được Lê Thái hậu đồng tình trao ngôi báu. Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng Đế vào đầu năm 1010, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, truy tôn mẹ là Minh Đức Thái hậu, nghĩa phụ Lý Khánh Văn là Hiền Khánh Vương. Vua phong Đào Cam Mộc là Nghĩa Tín Hầu.
(15) Cứ hổ, bàn long dịch nghĩa là  hổ ngồi, rồng cuộn.
(16)  Lý Công Uẩn quyết định chọn đường sông Sào Khê mùa nước lớn đầu tháng bẩy, có gió Nồm, để di chuyển ra sông Hoàng Long, ra sông Đáy, vào sông Nhuệ tới Đại La.
(17)  Khi Lý Công Uẩn trên đường dời đô đến Đại La thì thấy có cơn giông lớn, có vòi rồng tuôn mưa liền đổi tên Đại La thành tên Thăng Long (rồng bay).
(18) Vào năm 1049, vua Lý Thái Tông nằm mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bày tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, làm toà sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng xung quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ, vì thế chùa mang tên Diên Hựu (phúc lành dài lâu). Chùa giống hình hoa sen nên còn có tên là Liên Hoa Đài.

 

 
 
Tác giả Huy Hẹn
Hội viên CLB Lục Bát Hải Phòng
ĐT: 01696987062
Địa chỉ: Vĩnh An, Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
 
1- SÁM HỐI

Chị cầu xin Phật được rồi
Ấm no. hạnh phúc cuộc đời giàu sang
Vẫn chưa thỏa mãn lòng tham
Sân si, đố kỵ tự làm mất đi.
 
Buôn gian, bán lận ngại gì?
Đến hàng quốc cấm sá chi chả làm
Cỏ cây cũng ngán lòng tham
Chim muông khiếp vía ngày càng lánh xa.
 
U mê chị chẳng nhận ra
Như thiêu thân đã sa đà - sa thêm
Lời Kinh Phật dạy chị quên
Đến khi ngã mới nhìn lên van Trời!
 
Lý, tình nương nhẹ chị ơi!
Vài năm sám hối cho đời tỉnh ra
Tình thương truyền thống quê nhà
Bà con nâng đỡ chị qua vận thời.
 
Thành tâm kính lạy Phật - Trời
Quyết lòng làm lại cuộc đời trót sai
Quỷ - Thần ngay ở trên vai
Chứng minh việc tốt, việc sai ta làm.
 
Từ nay nguyện bỏ lòng tham
Thiện tâm tích đức chị đang dốc lòng
Đúng câu “Sắc Tức Thị Không”
”Không Tức Thị Sắc” thành công do mình.
 
 
 

2- CÙNG NHAU GÌN GIỮ

 

Ai về Yên Tử cùng tôi?
Bạt ngàn trúc biếc, xanh ngời rừng thông
Dâng hương vãng cảnh Chùa Đồng
Bao nhiêu ân, oán trong lòng tiêu tan
Nhìn mừng quang cảnh Trời Nam
Núi non trùng điệp nhẹ làn mây bay
Sử ghi sáng tích đất này
Vua Trần xưa chọn nơi đây tọa thiền
Dựng nên môn phái Thần - Tiên
Ngàn sau tiếp nối cơ duyên thái hòa
Cỏ cây lớp lớp nở hoa
Âm dương đối xứng nhà nhà bình an
Đời đời bền vững giang san
Cùng nhau gìn giữ thơm trang sử hồng.

H.H
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: