Thứ sáu, 19/04/2024,


Văn hóa tâm linh - Lý luận và thực tiễn (11/09/2012) 
Lucbat.com: Để hỗ trợ cho hoạt động của cuộc thi sáng tác Thơ Lục Bát mang tên “Tổ quốc và Đạo pháp” sắp được chúng tôi công bố, một số tác giả, cộng tác viên của trang web đã có ý tưởng ra mắt Ban vận động thành lập CLB Văn hóa Tâm linh Việt Nam. Nhân đây, chúng tôi cho đăng bài viết của GS-TS Hồ Sỹ Vịnh về vấn đề này để bạn đọc tham khảo...
Mác, Ăngghen, Lênin và nhiều nhà mác xít chân chính không kỳ thị tôn giáo, tín ngưỡng, trái lại tôn trọng vì coi đó là nhu cầu tinh thần của một bộ phận cộng đồng người. Khi bàn về triết học Feuerbach, thì Mác và Ăngghen đã coi con người cũng là một “đối tượng của cảm giác”. Còn nhà văn lớn M. Gorki đoán định rằng, Thượng đế là bức ảnh chụp óc tưởng tượng của con người về chính mình, coi như một thực thể đang ước nguyện và có thể trở thành đấng toàn tài, toàn năng và chí thiện.
 
 
Các thành viên CLB Nghệ thuật Phật giáo Liên Hoa - Chùa Yên Phú tiếp nhận Kỷ lục Việt Nam.
 
1. Văn hóa tâm linh là thuật ngữ
Được hiện diện trên văn đàn vào khoảng mười lăm năm gần đây, nhất là sau khi một số nhà nhân học, tâm lí học, khoa học xã hội quốc tế thừa nhận yếu tố tâm linh, một trong bốn thuộc tính của con người (con người xã hội, con người sinh học, con người tâm lí, con người tâm linh). Tâm linh có hai nghĩa: khả năng đoán biết một biến cố sẽ xẩy ra; tinh - khí - thần của người. Từ đó trở đi, một câu hỏi tưởng chừng như ẩn số: “Con người là một bí ẩn” mà nhiều nhà tư tưởng lớn đặt ra ở thế kỷ XIX, được triết học văn hóa giải mã khi nghiên cứu con người: cái tự nhiên và cái phi tự nhiên, lý trí và tình cảm, trí tuệ và bản năng, lý tưởng và tính dục, cái thiêng và cái tục, nhân vị và siêu nhân v.v… Như vậy, khi ghép tâm linh vào văn hóa, thì khái niệm văn hóa tâm linh là hình thái văn hóa của một tộc người gồm: tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian (folklore) và một phần của sáng tạo khoa học, nghệ thuật như sự thăng hoa, phút xuất thần, “tia chớp” cảm hứng sáng tạo, trí tuệ phát sáng của nhà khoa học và nghệ sĩ.
Trong khoa học, sự dự báo, tiên cảm giúp nhà nghiên cứu đưa ra những giả thiết rời rạc, bổ sung cho từng đoạn quan sát bị đứt quãng thành chuỗi giả thiết khả thi để nhà bác học đúc thành giả thuyết. Trong nghệ thuật, nghệ sĩ không dừng lại ở nhận thức lô-gích. Phản ánh là sáng tạo; sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi nghệ sĩ cầu viện trực giác, linh tính, chộp lấy phút thăng hoa, thần minh, linh cảm trong quá trình sáng tạo. Trong nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng, nhà triết học cổ điển Đức Feuerbach coi mối quan hệ giữa Con người và Thần Thánh nằm ở bình diện tâm linh đặc biệt. Ông viết: “Người theo tín ngưỡng hướng tới Thượng đế cùng với lời cầu nguyện sùng kính, anh ta tin rằng, Thượng đế sẽ tham dự vào những đau khổ, những ước nguyện của anh ta, tin rằng, Thượng đế sẽ nghe thấy tiếng nói của anh ta trong lúc cầu nguyện...” (1).
Trong lịch sử loài người, khoa học và nghệ thuật đã xích lại gần nhau, hỗ trợ cho nhau và gặp nhau ở điểm vận dụng linh tính. Không phải không có lý khi nhà bác học Anxtanh quả quyết: “Trong tư duy khoa học luôn luôn có chất thơ. Âm nhạc chân chính và khoa học chân chính đòi hỏi tư duy gần giống nhau”.
Văn hoá tâm linh có những đặc điểm sau:
Tính thiêng: Khi chúng ta nói, vùng đất địa linh nhân kiệt, hào khí núi sông, cơ trời vận nước, miền đất rồng cuộn hổ ngồi, hồn thiêng núi rộng sông dài, khí phách cha ông thuở trước vv… chính là Tinh, Khí, Thần của một làng văn hoá linh thiêng, với những con người linh thiêng của một làng như Thành Hoàng làng, một cụ Tổ làng nghề, những anh hùng chính sử như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, những danh nhân văn hoá như Chu Văn An, Lê Quý Đôn và xa hơn là một anh hùng huyền thoại như Thánh Gióng, một biểu tượng thờ Mẫu như bà Liễu Hạnh vv… đều là đối tượng sùng kính, ngưỡng mộ tôn vinh và noi gương. Nhà tâm lý học Phạm Minh Hạc trong một công trình nghiên cứu con người, có mấy chỗ nói đến tâm linh, một vấn đề học thuật và hiện tượng xã hội phức tạp, tế nhị cũng tìm ra được cách cắt nghĩa: “Có thể coi tâm linh là một khái niệm tâm lý nói lên sự gắn kết ba phạm trù thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. Chỉ ở con người mới có các phạm trù thời gian và sự gắn kết chúng lại với nhau”(2). Có linh hồn hay do thần giao cách cảm hoặc các luồng điện hiện lên trong trường sinh học? Hay chỉ là chuyện người đang sống hướng tất cả tinh thần, khí chất, tình cảm về người đã khuất!? Đây là đề tài đòi hỏi sự nghiên cứu công phu của nhiều ngành khoa học. Có điều, việc hướng về cội nguồn, biết ơn người đã khuất, tri ân công trạng của các bậc tiên hiền, tôn vinh những danh nhân có công với nước, với dân là một phong tục đẹp ở nước ta. Ở đây không có chỗ cho những hành vi mê tín, dị đoan, hiện tượng trục lợi tình cảm linh thiêng của con người đối với Thần Thánh, cho những kẻ làm ăn phi pháp “buôn Thần bán Thánh” để lừa bịp những ai nhẹ dạ, cả tin.
Tính hoà giải: Giáo lý của các tôn giáo lớn ở nước ta có một đặc điểm chung là tính hoà giải. Ba tôn giáo là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Đạo giáo được du nhập từ nước ngoài, nhưng khi vào nước ta đều được bản địa hoá, dân gian hoá, phong tục hoá để dễ bề truyền bá. Giáo lý của ba tôn giáo cũng có nhiều điểm rất khác nhau, có những tri thức rất cao siêu, suy lý tư biện, thậm chí huyền bí, nhưng ở cả ba đều mang tính nhân văn, lấy con người làm trung tâm: yêu con người, cầu mong xã hội thái bình, quốc thái dân an, mở rộng lòng bác ái công bằng, từ bi, hỷ xả, triết lý sống gắn với thiên nhiên v.v…
Lấy giáo lý đạo Phật làm ví dụ: Đức Phật tổ đắc đạo là nhờ Ngài tìm được hai thuyết lớn: Tứ diệu đế và thập nhị nhân duyên. Tứ diệu đế là Khổ, tập, diệt, đạo được coi là bốn chân lý: Đời là bể Khổ; nguồn gốc của Khổ là dục vọng (tập); phải làm mất nguyên nhân sinh ra cái khổ (diệt); con đường dẫn đến giải thoát (đạo). Tuy cách giải thích có chỗ còn khoảng trống huyền bí, nhưng phải thừa nhận rằng, những kẻ chân tu đều hiểu rằng, nỗi khổ lớn nhất không chỉ ở tâm lý, sinh lý cá nhân, mà còn là do nguyên nhân xã hội: nghèo đói, áp bức, chiến tranh phân biệt chủng tộc, huỷ hoại môi trường sống. Còn thập nhị nhân duyên: lão, sinh, hữu, thủ, ái, thụ, xúc, lục nhập, hình danh, thức, hành, vô minh, thì ngoài việc giải thích theo ý nghĩa sinh học (có sinh tất có lão, bệnh, tử); theo qui luật tâm - sinh lý (thủ là ý muốn kéo dài cuộc sống đời người); ái, thụ, xúc là những nhân duyên thường tình của con người; thức ý nghĩa về bản ngã; hành là làm cho con người hành động; vô minh là thiếu sáng suốt không biết đúng, sai vv… đều gắn với ý thức con người và thực tiễn xã hội.
Trên thực tế, đại đa số nông dân, thợ thủ công, người buôn bán không biết những triết lý sâu xa của đức Phật Tổ, chỉ biết việc cầu phúc, chuyện quả báo luân hồi, từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, tu nhân tích đức để hưởng hạnh phúc kiếp sau. Đây chính là dáng nét lấp lánh của văn hoá tâm linh. Người ta nói triết lý Phật giáo chuyển thành đạo đức học là vì vậy.
Trong tín ngưỡng dân gian ở nước ta, tính đến nay có khoảng 8000 lễ hội với qui mô to - nhỏ khác nhau. Lễ hội là hình thái tín ngưỡng có từ thời cổ đại, khi con người bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên. Người ta biết rằng, những vị Thần, vị Thánh của người lao động sùng kính, ngưỡng vọng không phải là ai khác hơn người lao động lý tưởng, những bậc thầy nghề nghiệp, những tài năng đã chiến thắng thiên nhiên, những anh hùng dân tộc, đã đại thắng các thế lực xâm lược, giữ gìn bờ cõi. Lễ là niềm tin, là tín ngưỡng; Hội là vui chơi, ứng diễn nghệ thuật. Tín ngưỡng thường nhuốm màu tinh bí. Còn vui chơi, ca hát là chuyện thế tục. Vậy mà hai hình thái văn hoá mang hiện tượng đối nghịch: thiêng và tục, đạo và đời, duy lý và duy cảm, trí tuệ và tâm linh lại hoà quyện vào nhau tạo nên luồng giao hoà tâm linh giữa người với người, giữa người với Thần - Thánh, với vũ trụ. Lễ hội là hiện tượng tâm linh hướng tới Cái Cao cả, Cái Thiện, Cái Mỹ. Chính hạt nhân hợp lý này đã làm cho hai nghịch lưu hoà nhập vào một, làm cho đời sống văn hoá đương đại thêm phong phú, hữu ích.
Năng lực dự báo nhờ vào linh tính: Ở cấp vi mô là số phận con người, ở cấp vĩ mô là cơ trời vận nước. Linh cảm, linh nghiệm, linh tính là tiền đề của năng lực dự báo. Vậy có linh tính hay không? Theo nhiều nhà triết học - nhân học thì linh tính là thuộc tính kỳ diệu của con người. Linh tính giúp nhà khoa học trong lúc khảo sát giới tự nhiên, các hiện tượng xã hội hay thế giới nội tâm con người để rút ra những kết luận thực tiễn khái quát một cách chính xác. Nhưng trên thực tế, quá trình tư duy của con người không đủ sức giải thích được mọi hiện tượng, mọi sự quan sát, những khả năng mà lý tính bất lực, nên con người tìm đến những khả năng ngoài lý tính. Kết quả của quá trình tư duy ngoài lý tính không phải dễ dàng, nên không phải lúc nào, hiện tượng nào cũng đưa lại hiệu quả mong muốn.
2. Mặt trái của văn hoá tâm linh là mê tín - dị đoan.
Mê tín là lòng tin đến mê muội, cuồng si, thái quá; còn dị đoan là điều quái lạ, huyền hoặc do tin mà có. Do đâu mà có những hiện tượng tiêu cực trong tín ngưỡng, lễ hội? Lịch sử nhân loại cho ta biết rằng, lúc nào và ở đâu khoa học (đặc biệt là khoa học về nhân học) chưa phát triển, con người bất lực, hoài nghi trước sức mạnh của tự nhiên, mất lòng tin vào những kẻ nắm quyền lực (trong chế độ ta là sự quản lý vừa thiếu tri thức vừa buông lỏng, một số quan chức thiếu gương mẫu, trình độ dân trí thấp (mặc dầu ở họ trình độ học vấn không thấp), v.v… thì nơi đó những hiện tượng mù quáng, tự phát trong lĩnh vực tín ngưỡng mọc lên như nấm sau mưa.
Ngoài ra, cũng cần lùi lại lịch sử để nói đôi điều về ảnh hưởng của Đạo giáo đối với mê tín - dị đoan. Đạo giáo phát sinh ở Trung Quốc từ đời hậu Hán, đến các thời đại kế tiếp được coi là quốc giáo. Thời cổ đại, Đạo giáo có gốc ở quan niệm ma thuật, kỳ phương dị thuật, xem sao, bói rùa, đồng bóng, cúng quỷ, chữa bệnh bằng bùa phép. Giáo sĩ của Đạo giáo gọi là pháp sư có tài chữa bệnh, vẽ bùa đốt cháy rồi hoà vào nước cho người bệnh uống thì khỏi (tên phù thuỷ có từ đấy). Vào Việt Nam, một nước nông nghiệp lạc hậu, với thế giới quan phong kiến kéo dài nhiều thế kỷ, Đạo giáo phát triển rất phức tạp. Có đạo giáo Thần tiên và đạo giáo Phù thuỷ. Đạo giáo Phù thuỷ diễn biến trong đời sống tâm linh rất nặng nề, hỗn tạp, kéo dài cho đến tận ngày nay, khi thời đại khoa học phát triển như vũ bão. Nhiều người dân vẫn theo, vẫn tin mà không biết mình đang đi theo vết xe đổ của Đạo giáo Phù thuỷ.
Dưới thời Nguyễn, trong Điều lệ hương đảng của Gia Long, trong mười huấn điều của Minh Mạng đều nói tới việc chống Đạo giáo Phù thuỷ như mê tín, dị đoan, kỳ phương, dị thuật, bùa mê thuốc lú. Huấn điều 5 có đoạn: “Đời sống của dân đều có định mệnh, tai không thể giải được, phúc không thể cầu được, thuật cầu đảo giải trừ đều vô ích. Từ xưa, đồng cốt nhảm nhí do họ Cao Tôn (Đế Cốc) bày ra để dối dân, nên Vương Chế (Kinh Lễ) đặt luật diệt trừ để bãi bỏ mê tín, lái tục dân về phía chính đạo…(3). Đủ biết, để an dân, an nghiệp cho người dân, để nước cường thịnh, thì việc đấu tranh xoá những hủ tục lạc hậu, không có căn cứ khoa học cần được tiến hành đồng bộ: giáo dục từ trong nhà trường, tuyên truyền nếp sống mới, ban hành những hình phạt từ thấp lên cao, và các chế tài hỗ trợ, đánh thuế nặng vào các loại hình sản xuất hàng hoá phục vụ hủ tục mê tín - dị đoan. Trước hết, tập trung vào mấy hiện tượng đang nổi cộm sau:
Đốt vàng mã: Nhiều người mê tín cãi lý: Đốt vàng mã là công đoạn của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, việc gì phải cấm đoán. Nói như vậy là sai. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có từ lâu đời, là nét đẹp văn hoá cần được bảo tồn và phát huy. Bảo tồn cái Đức cái Tâm của con cháu đối với các bậc tiên liệt. Người còn sống tin rằng, Tổ tiên, ông bà đã khuất là thiêng liêng, linh hồn vẫn còn “sống” bên cạnh con cháu. Những khi Xuân về, Tết đến, những ngày giỗ chạp Tổ tiên phù hộ cho con cháu, khi gặp điều không may, ân thưởng con cháu lúc làm điều lành, quở trách kẻ hậu sinh làm chuyện vô luân, vô đạo.
Còn chuyện đốt hương tùm lum nơi đình, chùa càng nhiều được coi là lòng thành càng lớn, đốt vàng mã ở gia đình với tâm niệm “dương sao âm vậy” có khi tốn bạc triệu; hiện tượng những lò lửa hóa vàng tàn bay tung toé ở Đền Bà Chúa Kho với những mâm lễ bạc triệu với vàng, bạc giả, đôla âm phủ để dâng Bà cứ tưởng sẽ được lộc lớn… là những chuyện vừa phi lý vừa nhảm nhí. Bà Chúa Kho là biểu tượng văn hoá của người xưa tri ân người phụ nữ tận trung với nước, hiếu nghĩa với dân, liêm khiết bảo vệ kho lương thực dự trữ quốc gia sao để những kẻ cuồng tín biến thành nơi mua - bán, vay - trả một cách thô tục!? Tiếc rằng, trong số đó có không ít những người là cán bộ, viên chức nhà nước muốn sống “ký sinh”, bất chính bất minh vào sức mạnh của Thần - Thánh từ mùa lễ hội này sang mùa lễ hội khác vẫn tái diễn. Những hiện tượng nói trên cần được công luận lên án và pháp luật cưỡng chế.
Xem sao đoán mệnh: Đây là một hành vi “rởm” của Đạo giáo phù thuỷ. Mấy năm gần đây, đặc biệt là Xuân Tân Mão nhiều người biết mình có sao xấu như Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch thì lo lắng, tìm mọi cách cúng sao để giải hạn, tìm thầy giỏi, chùa thiêng hy vọng tai qua, nạn khỏi nhất là những người độ tuổi 49 - 53 (ngũ thập tri thiên mệnh), có khi mất cả chài lẫn chì, lúc phải bỏ ra cả chục triệu đồng làm lễ giải hạn. Có cầu thì có cung, nhiều chùa lập lễ giải hạn, cúng sao, niêm yết lịch dâng sao giải hạn với mức chi phí mà người được giải hạn phải đóng góp trên 200.000đ/người. Xem sao giải hạn để đoán mệnh một con người là tập tục lâu đời của Đạo giáo nhằm giải quyết phần tâm lý - tâm linh cho đối tượng được xem, được đoán. Trong quan niệm của người phương Đông thời cổ đại, mọi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tuỳ theo năm, có sao tốt và sao xấu. Có tất cả hai mươi bốn sao chia thành chín chòm: La Hầu, Thổ Tú, Thuỷ Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Thái Âm, Kế Đô, Mộc Đức. Trong giáo lý đạo phật không có chuyện cúng sao chiếu giải hạn. Trên thực tế, số đông người ít nghĩ đến chuyện đồng bóng, xem sao giải hạn mà vẫn gặp vận may, dù có đi chùa hay không (ở họ quan niệm tu tại tâm là chính) dù có gặp sao tốt hay không, thì họ vẫn an cư lập nghiệp, sức khoẻ dồi dào. Niềm tin vào xem sao đoán mệnh là chuyện nhảm nhí đối lập với chuyện cầu an, cầu phúc của Phật giáo.
Tục hái lộc đầu xuân: Lộc là chồi lá non, là biểu tượng của Trời hay của đấng linh thiêng ban cho con người theo quan niệm của người xưa: lộc Trời, lộc Thánh. Ở Hà Nội, vào khoảng những năm 50, 60 của thế kỷ trước, mỗi lần Tết đến, giờ phút giao thừa là thời gian giao hoà giữa Trời - Đất và Con người thường có tục này. Sau lễ cúng tất niên, nhiều người, phần lớn là lớp trẻ rủ nhau đi chơi xuân, đón giao thừa. Hồ Gươm là nơi đông khách nhất. Gần 12 giờ đêm, mọi nhà chuẩn bị đón giao thừa; ở đình, chùa, đền, miếu cúng thần linh, trong nhà cúng gia tiên. Khi ra về, người ta thường bẻ một nụ chồi lá non mang về nhà, được coi là biểu tượng vận may trong năm mới. Về sau, việc bẻ cành, hái lá chồi non ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, huỷ hoại môi trường tự nhiên, làm rác bẩn nơi công cộng. Vì vậy người ta thay vào đó là những hình thức “hái lộc” hiện đại như tục xin chữ, xin câu đối mang nội dung Thiện - Mỹ. Đó là mỹ tục, hoàn toàn trái ngược với chuyện xin lộc ấn Trần ở thành phố Nam Định vào đầu Xuân Tân Mão, một hiện tượng phản cảm, vô văn hoá. Một đám đông người đi lễ hội biến thành dòng người cuồng tín, chen nhau, dẫm đạp lẫn nhau, kéo sập cả cổng chắn bằng sắt, giẫm lên hàng rào dây thép gai, húc sập vách ngăn bảo vệ, v.v.. để cốt lấy được lộc ấn Trần. Lộc ấn Trần cũng bị người dân vô ý thức thương mại hoá điều thiêng: mua ấn chỉ vài chục ngàn đồng đem bán lại gấp hàng chục lần, cả đêm kẻ trục lợi thu cả bạc triệu. Kiệu rước ấn Thánh cũng bị sóng người xô đẩy, ai cũng muốn ném tiền cho trúng kiệu, để được đắc lộc nên mới sinh ra cảnh hỗn loạn nơi tôn nghiêm. Tôn giáo, tín ngưỡng thường là nơi ẩn náu của những kẻ khủng hoảng niềm tin. Những hiện tượng vô luân, vô đạo diễn ra trong lễ hội thường dẫn thuần phong mỹ tục của dân đi về phía tà đạo. Do vậy, để xây dựng một đời sống văn hoá, văn minh ở cơ sở mang tính nhân văn, các cơ quan tổ chức quản lý nhà nước ở địa phương, những người chủ trì lễ hội cần có nhiều biện pháp giáo dục, tuyên truyền, tổ chức khoa học, thậm chí ban hành những quy ước (không trái với pháp luật quốc gia) “thẳng tay” đối với những hiện tượng phản văn hoá đang làm vẩn đục lối sống lành mạnh của nhân dân./.
GS-TS Hồ Sỹ Vịnh
             
(Nguồn: tuyengiao.vn)


(1). Tạp chí Nghiên cứu con người số 1 (16), H, 2005, tr. 23.
(2). Phạm Minh Hạc: Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào CNH, HĐH, Nxb CTQG, 2001, tr.228.
(3). Trần Văn Giàu, mục Đạo giáo dưới thời Nguyễn trong cuốn: Sự phát triển tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám, tập I, Nxb. KHXH, 1973, tr.468, 469.
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: