Thứ sáu, 29/03/2024,


Tô Hoài vắng mặt và hiện diện (26/10/2008) 

      Mất toi bao tâm sức mà rồi không biết có “ghẹo” được một mảy may nào, hay chỉ nhớ nhau suông? Nhớ suông nhau mà bền bỉ những hơn sáu chục năm giời thì phải lạy bố mà nói rằng con xin vái lạy cái tình yêu ghê gớm của bố. Ghê gớm mà lại rất đỗi dịu dàng, còn có thể đắm đuối trân trọng được cái đẹp tạo hình của cô Cúc sinh viên trường thuốc năm xưa – nhà điêu khắc có tầm quốc tế Điềm Phùng Thị bây giờ cứ phảng phất tình yêu của những văn nhân nghệ sỹ tài danh một thời dành cho cô (bà) và lại còn ước ao làm ông từ giữ đền bà Điềm nữa, để quét quáy lau chùi những tác phẩm  - tấm tình yêu ấy thì mới thật thấm thía tình dành cho nhau dịu dàng đến thế nào, dù cái nhận được chỉ là “chút thoáng xuân hương” vị tất đã thành chuyện.”
     Tôi gọi điện rồi phóng xe máy đến thăm ông...

     Tô Hoài là người ký giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn, với chỉ 1 chữ ký ông kéo gần nửa góc trang giấy. Hỏi sao chỉ nhõn một chữ ký, không có lấy chỉ một câu thôi? Nói tôi mang tên tuổi tôi, uy tín tôi ra đảm bảo cho anh, sao lại nói có nhõn một chữ ký? Tôi đỏ mặt thộn thuỗn cả người vì sự non nớt của mình. Ông giúp tôi nhiều, còn định giúp lấy về Hội Văn nghệ Hà Nội làm báo; nhưng, như ông bảo để còn xua bớt những thằng viết cái gì ấy chứ có viết văn đâu. Bèn có thơ rằng: Đã tính nhận chú mày về báo/ Để văn chương huyên náo Hà thành/ Nhưng mà bánh chẳng thành canh/ Thôi thì chú hẵng cứ đành viết văn. Nhưng vẫn là cái ơn tri kỷ, nhất là tri kỷ của cái người mà mình thờ từ bé đến giờ.     
      Đã qua cầu Chương Dương.     
      Nhân nói chuyện thần tượng, nhớ trong Chiều chiều Tô Hoài kể ông coi Phan Khôi như thần tượng. Đã tự nguyện “làm kẻ thừa sai phái của chế độ” để hầu cụ nhân sĩ hồi cùng công tác với nhau. Nhưng Phan Khôi nhất thiết nói, ấy là nói với Tô Hoài: “Chẳng biết anh viết có ra cái gì. Nghe có người nói anh viết chuyện con giun con dế.”     
      Đã phố Đoàn Nhữ Hài, đây rồi, số nhà 21. Tôi không phải bấm chuông, cửa mở rộng, bà đang sửa soạn cúng, khói hương nghi ngút; còn ông đang nằm duỗi trên cái trường kỷ, quần cắt lối can đũng, áo can cánh tay, màu gụ. Như nhà sư, lại như ông quan Nguyễn Khuyến hồi hưu. Mới đây, Trần Ngọc Lãng có chẻ con dế ra làm tư, chê nó thiếu trí khôn, kể cũng là ngông. Nhưng là ngông cò con, ngông chơi trèo. Người một mình một kiểu, thà bị cách chức Tổng thư ký, Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhà văn chứ không chịu a dua theo phong trào, mới là thật ngông. Người cầm luôn chai whisky Nguyễn Tuân vẫn thường kiểu cách rót cho mỗi khách chỉ lưng lửng chén hạt mít, rót cho mình vào chén vại, uống như uống nước lã cho đến hết chai, mới thật ngông. Nghĩ trong đầu, định sẽ đặt ra cho ông những câu hỏi kiểu bình dân suồng sã, nhưng nhìn một người sắp chín mươi, ăn mặc theo lối cũ vừa sang vừa xuềnh xoàng không coi cái sang trọng là cái gì; tôi bèn chỉnh đốn lại ý nghĩ, bắt đầu bằng câu hỏi thăm sức khỏe. Ông nói:      
       - Mình bị huyết áp gần 50 năm, gút cũng tưng ấy năm. Năm ngoái, lại lòi ra cái bệnh tiểu đường nữa. Nghĩ cũng phải thôi, tốn đến lắm của giời những bia rượu; giời không bắt chết vì huyết áp, vì gút thì lại thêm một án kỷ luật hạ tầng công tác nữa, à quên, hạ tầng sức khỏe.   
       Vừa nói, ông vừa vén quần cho xem những cái u bướu cứ hồn nhiên mọc lên các chỗ khớp, lòng chợt nghĩ đến các cây đại thụ thường cũng có u như thế. Thấy ngan ngát buồn khói nhang, bèn hỏi sao ban thờ lại để phòng khách? Ông cười hiền hậu:    
       - Con cháu nó lấy phòng này làm chỗ thờ ông bà, thờ bố; kiểu như từ đường ấy mà. Dù sao thì đây cũng là cái nhà tậu được.    
       - Ối giời ôi, chú nói về cái việc lên ban thờ ngồi bán chuối xanh với một nụ cười ruồi, tu đến thế nào thì mới đạt đến mức cũng không coi nó ra gì vậy? Dạ, nhưng cháu lại tưởng nhà do Nhà nước chia cho đại biểu Quốc hội? Vì cùng ngõ phố này còn có cụ nhân sĩ Vi Văn Định?    
       - Đâu có, mình tậu nó bằng tiền nhuận bút của kịch bản phim Vợ chồng A Phủ.     
       - Thế mà hồi đọc chú trả lời phỏng vấn trên An ninh thế giới cuối tháng, thấy chú bảo chú cũng xu phụ nhưng là xu phụ cò con, cháu lại tưởng…?
       - Nghĩ mình cũng hay. Mình làm bao nhiêu việc, giữ rất nhiều chức vụ chính trị xã hội nhưng lúc nào mình cũng viết văn. Hóa ra, làm công tác chỉ là cách đi vào thực tế của mình, họp Quốc hội mình cũng là đi thực tế vào đấy, uống bia suốt, mình nhà văn, biết rõ về nghề mình đã là may, cho vào ngồi đấy nhưng anh lại phải hiểu đây không phải chỗ của anh, mà là chỗ của Hội Nhà văn, Hội Nhà văn mà cùng “nói” thì có mà ra tiếng ồn ào. Làm nhiều, có được phân cái nhà bé ton hỏn trên Nghĩa Tân rồi cũng cho con gái nó ở.
       - Vâng, nghĩ cho cùng chỗ của nhà văn là ở nền văn học. Nhà văn Sơn Nam được một công ty mua biếu 80 m2 đất trong giữa nghĩa trang, nhưng chỗ nằm sang trọng ấy cũng không vững chãi bằng ở trong nhà mình. Vì biết đâu sau này có ông Tây nào đó mua cả nghĩa trang làm sân goif, người ta lại bán thì mình lại phải lóp nhóp đi đâu lang thang cho đời mỏi mệt. Lại cũng không chắc bằng ở trong lòng bạn đọc. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng nói Tô Hoài lúc nào cũng đi vắng đâu đó, nhưng lúc nào cũng lại hiện diện. Hay!   
       - Nhắc đến ông Bổng, lại nhớ ông ấy đặt cho tôi cái tên Cát bụi chân ai, chứ tôi thì tôi chỉ đặt là Nghĩ lại. Bây giờ Văn hóa Cứu quốc chỉ còn mấy người, quang hết cả.    
        - Trong cái bài trên Văn nghệ, chú có nói về cuộc họp với ông Trường Chinh để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, một cuộc họp rất ít người. Vậy là chú cũng to lắm?     
       - Không, không to. Tôi với ông Nguyễn Huy Tưởng chỉ là chân ủy viên Ban Tuyên huấn bây giờ, cỡ phó phiếc nhì nhằng. Nhưng Tuyên huấn bấy giờ to lắm, chả kém Công an, Quốc phòng trong kháng chiến đâu. Nhà văn nhà báo tuyên truyền dân chúng, để dân chúng làm chứ chỉ 5.000 đảng viên, dù có cầm súng cả thì cũng chưa thể là mạnh so với tàu bay súng pháo của Pháp. Vì vậy, những 4 - 5 nhà văn đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào chuẩn bị cho Tổng Khởi nghĩa, về sau Nguyễn Đình Thi mới làm cả chân Thường trực Quốc hội, vừa chân phụ trách Tuyên truyền; Nguyễn Huy Tưởng làm Tổng Bien tập báo Cờ Giải phóng (như báo Nhân dân bây giờ) còn Nguyễn Hữu Đang làm Trưởng ban khánh tiết Lễ Tuyên bố Độc lập, khai sinh ra nền cộng hòa kia mà?     
       - Cháu có thể cảm thấy mối quan hệ giữa không khí nhân dân sôi sục của tiền khởi nghĩa với không khí bề nổi của Đảng, của lực lượng cách mạng qua tuyên truyền, qua bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi mà chú nói trong bài. Nhân dân càng sục sôi, tuyên truyền văn nghệ càng khí thế; càng khí thế khiến càng nức lòng quốc dân để cứ thế hồn thiêng sông núi cũng bật cả dậy, lịch sử và hiện tại tạo thành tổng xung lực xã hội nên Cách mạng Tháng Tám mới thắng lợi mỹ mãn đến thế. Một cuộc lật đổ ngàn năm phong kiến, gần trăm năm thuộc địa mà coi như không tốn máu xương. Tài!    
       - Nhưng, tôi già rồi tôi nhắc các anh nhớ kỹ, kẻo rồi con cháu nhớ ơn thiếu công bằng với ông cha: Cái hồi ấy may nhờ có Mặt trận Bình dân Pháp ảnh hưởng sang Đông Dương, cả một tinh thần nhân văn mới nó ùa sang. Tôi viết Dế mèn là trong bối cảnh mới mẻ ấy, đại đoàn kết đi đến thế giới đại đồng của dế mèn là có cái ảnh hưởng ấy. Mà Đảng nào lúc bấy giờ cũng cách mạng cả. Có chỗ không tưởng, nhưng tinh thần thời đại khi ấy nó thế. Tôi còn thèm viết về cái nét không tưởng, thời chúng ta dời cả nghĩa địa, lập làm sao được 300 huyện to, mỗi huyện bằng cả tỉnh bé làm “pháo đài cấp huyện” ấy. Viết như Xéc Văng Téc viết Đông Ky Sốt, thích làm việc to tát với động cơ tốt nhưng hỏng và buồn cười. Viết ra được thì còn ngông bằng mấy cái Bóng đè, Trung Quốc (ý nói các nhà văn của nước này.VC) cũng chả ăn thua gì ấy chứ. Thèm viết lắm, thèm lắm. Nhưng lực bất tòng tâm.    
        - Vậy chú cho cháu xin cái tứ này?     
        - Của giời cả, anh nào làm anh ấy được. Nhưng nhớ: Thực tế, thực tế, thực tế. Chữ nghĩa, chữ nghĩa, chữ nghĩa. Nghề mình nó có bấy nhiêu đấy thôi, cố mà giữ. Anh nhớ cờ đỏ sao vàng ở chùa chiền, ở làng quê người ta nói là cờ điều đấy nhé. Như anh ở Phú Thọ chắc anh biết rõ, cái màu các anh nói màu đen trong nghề vẽ, trong câu văn thì các cụ nói là then, nó lóng lánh đẹp đẽ chứ không trơ xác chết như màu đen đâu nhé. Cái chuyện giao hợp cũng có chia ra rõ ràng. Giống chó thì nói chúng lẹo nhau, vợ chồng nói với nhau trên giường thì nẹo nhau đi, đông người thì nói ăn nằm, phải lòng. Chỉ có chửi bới cãi cọ hàng tôm hàng cá thì mới đ điếc lung tung vào mặt nhau. Chứ nâng cấp hàng tôm hàng cá lên văn chương thì bỉ mặt cuộc đời quá. Cuộc đời là quý, anh ngông với đời là ngông hão.      
        - Nghe chú nói về ăn nằm, về phải lòng thấy cái chuyện ấy nó chan chan nhân tính. Vì nó chan chan nhân tính, nên các cụ xưa nổi tiếng nhiều cô mê, vẫn đâu vào đấy mà vẫn vợ cái con cột. Cháu hỏi thật, cái chuyện cô Cúc với tập bản thảo bị mất thực hư thế nào hở chú? Có đi đến đâu không?   
       Tôi Hoài cười cười như người già nhãng tai không nghe thấy gì. Vậy là ông lại vắng mặt.

 

Theo Văn Chinh (hnv.vn)

 

 

_________

Chú thích ảnh trong bài:

- Chân dung nhà văn Tô Hoài của Nguyễn Đình Toán

- Vợ chồng nhà văn Tô Hoài (nguồn: Tiền Phong)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: