Thứ năm, 21/11/2024,


Đinh Thường và những câu thơ dưới vòm trời nhân nghĩa (Trần Thị Trâm) (16/01/2022) 

 ĐINH THƯỜNG VÀ NHỮNG CÂU THƠ DƯỚI VÒM TRỜI NHÂN NGHĨA


Giản dị như con người tác giả, tập thơ “Chạy đâu khỏi nắng” (Hội Nhà văn, 2020) in khổ phổ thông 13 x 20 cm, bìa trước và sau là những tàu lá chuối đan nhau, nắng xuyên qua vệt lá. Có khi nào, ở đâu lá chuối lành đâu. Chỉ có tình neo lại.
Ở tập thơ thứ năm này của Đinh Thường, ta bắt gặp rất nhiều câu thơ ăm ắp nghĩa tình. Nghĩa tình ấy đã theo người thơ đi suốt cuộc đời, thường trực mọi lúc mọi nơi, trong từng ý nghĩ và trở thành xương sống cho tập thơ mới nhất này.
Là ủy viên BCH Hội Nhà văn Hải Phòng năm 2013, là ủy viên BCH Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng từ năm 2015, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng năm 2018, nhưng Đinh Thường vẫn nhận mình là “tay ngang”, dù hằng đau đáu sáng tác, hết lòng vì hoạt động của Hội nghề nghiệp. Thoạt tiếp xúc tưởng anh hơi khô khan, nguyên tắc, song thực chất Đinh Thường duyên ngầm cả sự đa tình cũng thầm kín. Anh rời quê hương Kinh Bắc năm 1976 sang Sóc Sơn học chuyên môn ngành CA, tại Trường An ninh 1 – Bộ Nội vụ. Năm 1979, anh về công tác tại phòng Trinh sát kỹ thuật CA Hải Phòng. Từ 1988 chuyển sang BĐBP Hải Phòng cho đến khi nghỉ hưu 2013 với cấp bậc Thượng tá.
Và từ đây, Đinh Thường có điều kiện tập trung cho thơ, như một bản ngã tiềm ẩn. Không đa tình sao được, khi anh sinh ra và lớn lên nơi huyền thoại Từ Thức gặp Tiên. Chàng trai Tiên Du bôn ba khắp nước vẫn không phai chất trữ tình của người quan họ.
Giờ đây trải qua một vòng hoa giáp, cái chất đa tình trong một quân nhân cứ lặng lẽ thấm vào thơ anh, tạo nên một kiểu thơ đạo đức trữ tình, làm nên tư tưởng chủ đạo xuyên suốt tập thơ: “Cái điều nhân nghĩa xưa nay/ Kiếp người đeo đuổi vạn ngày chưa xong” (Chão chuộc vào sân); “Việc nhà, việc nước, việc mình/ Chuyện thơ, chuyện nghĩa, chuyện tình… cũng đây"; “Văn đàn duyên bén đường xa/ Chung nhau chén nghĩa đến ba bảy lần” (Tội chi không uống); “Cuộc đời nặng nghĩa trả vay/ Nghĩa tình đeo đẳng qua ngày dại khôn” (Một vòng hoa giáp).
Cái tình cái nghĩa không chỉ làm nên chất nhân văn mà còn cho thấy ý thức công dân rất cao của người cầm bút, là ánh sáng dẫn đường cho chất thơ trong anh khai mở: “Bâng khuâng nhặt nắng chiều xanh/ Nghĩa nhân gom góp vá lành thời gian” (Nhặt nắng Truông Bồn); “Cánh vàng dệt mộng trời cao/ Vẫn mang hồn gió dạt dào yêu thương” (Bài ca trở về).
Sợi dây linh diệu ấy níu Đinh Thường trở về quê nhà Bắc Ninh yêu dấu: “Chiều nay trở lại quê nhà/ Xôn xao cỏ níu hồn ta nắng tràn”, …“Đời trai như một cánh diều/ Tình quê dây giữ, chọn chiều liệng chao” (Bài ca trở về). Nó thổi hồn vào những câu thơ anh viết về thành phố Cảng thân yêu – quê hương thứ hai – nơi anh đã gắn bó máu thịt 40 năm qua: “Bốn mươi năm với Hải Phòng/ Mặn mòi ý nghĩ khơi dòng yêu thương”, “Đảo xa, biển rộng là nhà/ Trái tim thắp lửa giục ta hát cùng/ Tình quê giọng nói cũng chung/ Nghe như nhịp sóng trập trùng hồn tôi” (Với Hải Phòng).
Tình dệt nỗi nhớ giăng mắc khắp các vùng đất anh từng sống, từng đến như Gia Lai, Cốc Pó (Cao Bằng), Hà Giang, Truông Bồn (Nghệ An) hay một cánh rừng nơi anh thoáng đi qua.
Tình đồng chí thủy chung gắn kết trái tim anh với đồng đội, khiến anh không bao giờ nguôi quên những người ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc và số đông bạn bè đã để lại tuổi thanh xuân nơi cột mốc biên cương: “Chiến tranh qua đi, công sự đã mấy mùa xanh cỏ dại/ Bạn tôi những ai nằm lại giục trời biên giới trắng hoa lau?”, “Thời gian qua đi cương vực âm vang bản hùng ca thời hiện đại/ Bạn tôi những ai bạc đầu sức trẻ gửi biên cương” (Bài học biên cương).
Gốc nghĩa tình đánh thức lương tâm con người thức dậy: “Cúi đầu, ngực trống ầm ào/ Nghe như tiếng pháo nã vào lương tâm” (Chiều Vị Xuyên).
Mà lương tâm vốn là chìa khóa của tư duy. Nhờ thế, tác giả lặn sâu vào nỗi đau tột cùng trước phút lâm chung của bà mẹ liệt sỹ mấy chục năm đằng đẵng kiếm tìm hình hài còn lại của núm ruột yêu thương nơi phương trời xa lắc nhưng hoàn toàn vô vọng. Để rồi anh bật lên những câu thơ run rẩy chạm đến trái tim bạn đọc: “Và phút lâm chung giơ tay bắt gió/ Đường về trời, mẹ thống thiết gọi tên anh” (Niềm tin của mẹ).
Là tiếng nói của lương tri, giúp trái tim Đinh Thường thổn thức, các giác quan mở rộng để có thể nghe tiếng kêu cứu ai oán của những cánh rừng đang bị tàn phá đến kiệt quệ: “Tôi nghe tiếng ai oán của những cánh rừng bị phá/ Dòng lũ xâm lăng quét sạch quê nghèo” (Nghe tiếng lửa reo).
Ý thức rất rõ trách nhiệm công dân của nhà thơ, tác giả thường tự vấn lương tâm, hoài nghi và đặt ra nhiều câu hỏi. Có câu hỏi lớn về thế sự – trăn trở âu lo âu trĩu nặng của tác giả trước sự băng hoại đạo đức của con người, mang ý nghĩa cảnh báo xã hội rất cao: “Một bộ phận ung thư con người sẽ chết/ Ung thư tâm hồn…đạo lý còn không?” (Điều cảnh báo). Có những câu hỏi liên tiếp đặt ra hướng về vấn đề rất lớn là chủ quyền quốc gia: “Bốn ngàn năm biển bao phen loang máu đỏ/ Có khi nào ta hỏi biển khát mãi vì đâu?” (Biển khát mãi vì đâu?); “Ai bắt tay chống lại nỗ lực thống nhất hai miền đất Việt?/ Ai hậu thuẫn bè lũ diệt chủng gây chiến nơi biên giới Tây Nam/ Ai phát động chiến tranh xâm lược sáu tỉnh biên giới phía Bắc?/ Và ai chiếm đóng Hoàng Sa đưa lưỡi bò âm mưu độc chiếm biển Đông?” (Đốt đuốc đi rê chân người); “Bốn mươi năm trước chúng ta hành quân lên biên giới/ Khái niệm bạn – thù càng nghĩ càng đau” (Bài học biên cương). Có câu hỏi quan trọng về những điều còn tồn nghi trong sách sử: “Chợt nhớ đến tồn nghi trong sử sách/ Đường Lâm đây? Hay châu Ái? châu Hoan?” (Khúc vọng Đường Lâm). Lại có câu hỏi thấm đẫm nhân văn hướng về những phận người bé nhỏ suốt đời quay quắt bởi đói, nghèo đeo bám: “Nhọc nhằn đeo đẳng nhà nông/ Bao nhiêu tần tảo vẫn không đủ đầy” (Nghe chuối lật tàu).
Có những khi tác giả tự vấn bản thân vì những lúc tưởng như vô cảm, vô trách nhiệm hoặc cố tình làm ngơ, cả tin huyễn hoặc trước cái xấu cái ác: “Ta hay huyền hoặc, cả tin lời giao hảo/ Lấp liếm làm ngơ, bao biện phút mơ hồ“. Lại có câu hỏi nhằm thức tỉnh mỗi cá nhân: “Ngày chồng đêm/ Ta rơi vào miền lục vấn/ Ta đâu rồi? Ta còn giống ta không?”, “Ta liệu có yên bình/ Khi vạn vật chẳng bình yên?” (Chạy đâu khỏi nắng).
Có thể nói, sự xuất hiện của hệ thống câu hỏi đã tăng thêm sức nặng cho “Chạy đâu cho nắng”, khiến tác phẩm đậm giá trị hiện thực và ít nhiều màu sắc triết lý. Nó cho thấy tác giả từng trải, nắm được quy luật nghiệt ngã của cuộc sống nhưng vẫn không nguôi thao thức việc đời: “Quy luật đất trời dễ gì thay đổi/ Ấm no hay không chính ở con người!” (Ánh mắt già làng).
Là lãnh đạo Hội Nhà văn của thành phố lớn, Đinh Thường giàu nhiệt huyết vì sự phát triển của thi ca nói riêng, của nghiệp văn nói chung. Với quan niệm, giá trị bao trùm của văn chương “chính là hướng con người tới chân thiện mỹ”, “Nghiệp văn rong ruổi con đường vị tha” (Nghiệp văn), thi sĩ khát khao sáng tạo để hoàn thành sứ mệnh của người nghệ sỹ. Khát vọng đổi mới thơ thúc giục anh, vì thế có lần người thơ hiếu học và cầu thị ấy đã thử nghiệm nắm bắt cái hiện thực vô hình, cố gắng tạo ra những câu thơ lạ về hình thức, vận dụng những thể loại thơ văn xuôi hiện đại những mong làm mới thơ mình. Nhưng kẻ “tập tành văn chương” khiêm nhường ấy lại cảm thấy lực bất tòng tâm, muốn tăng cường bút lực và bút hồn cho mình, để góp phần thay đổi thơ ca, song kết quả mới chỉ có được những câu thơ “vặn vẹo“.
Từng trải và khiêm nhường, tác giả đã lựa chọn khôn ngoan là trở về với kho báu truyền thống. Phát huy những giá trị của nền văn hóa dân gian, dựa vào tư duy dân gian, dựa vào ý tưởng của những tục ngữ: “Chạy đâu khỏi nắng”, “đốt đuốc đi rê chân người”, “tưởng những vuông tròn”, “ruộng cạn đồng sâu”, “Nhất đông chợ Giá”, “nhiều no ít đủ”,” đất lành chim đậu”; nương theo những câu hát qua cầu, anh đã gặt được thành công đáng kể: những câu thơ mang triết lý dân gian, mang vẻ đẹp lấp lánh của tư duy truyền thống: “Ấm no nhớ thuở cơ hàn/ Yên bình xót buổi cơ hàn đạn bom” (Chão chuộc vào sân); “Quy luật đất trời dễ gì thay đổi/ Ấm no hay không chính ở con người!”, “Già làng treo cái nhìn lên gác mái/ Lo chum bắp vơi dần, thương con trẻ đường xa” (Ánh mắt già làng); “Biển Hồ mắt nhớ biếc xanh/ Mang Yang tóc gió đụng vành trăng nghiêng” (Nhớ Gia Lai); “Chiều lơi mộng giấc kinh thành / Nương theo hồn đá giữ lành hương xưa” (Chiều Cổ Trai).
Dĩ nhiên, bên cạnh những câu có hồn, có nghề vẫn còn những câu nặng về kể lể, non và vụng về kỹ thuật, chưa rõ dấu ấn cá nhân: “Sông Nho Quế khúc vơi đầy/ Đáy soi rừng thẳm càng tầy xanh trong” (Giữ đá làm sang); “Mộ bia thắm những tuổi tên/ Bao nhiêu dang dở từ đêm bạo tàn” (Nhặt nắng Truông Bồn); “Trời cao dang rộng cánh bay/ Phá rào vô cảm, đắp xây nghĩa tình” (Chạy đâu khỏi nắng).
Khép lại tập thơ, dư âm còn lại trong lòng người đọc vẫn là những câu thơ chở đạo rút ra từ gan ruột và ăm ắp nghĩa tình. Với “Chạy đâu khỏi nắng”, thi sĩ của “Trái tim trước biển vẫn hừng hực yêu”(1) đã có những đóng góp nhất định cho nền thơ Hải Phòng và thi ca đương đại, bởi, “Lối sống nghĩa tình là đạo lý, là căn cước dân tộc, căn cước văn hóa quan trọng nhất trong hệ thống giá trị của Việt Nam” (2) .
_____________
(1). Đinh Thường, Trái tim trước biển (NXB Hội Nhà văn, 2011).
(2). Hữu Thỉnh, Bến văn và những vòng sóng (NXB Hội Nhà văn, 2020), tr. 37.
 
Hà Nội, tháng 9/2021
T.T.T
 
(Nguồn Tạp chí Cửa Biển số 230, 231 (9, 10/2021)


Giới thiệu: BTV Trịnh Toại
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: