Chủ nhật, 24/11/2024,


Lê Quang Sinh (05/10/2008) 

I. Vài nét về tác giả

 

Tác giả Lê Quang Sinh

ngày 17/ 05 / 1957.

Quê quán: làng Nghĩ Kỳ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Hội viên Hội nhà văn năm 2000.

Hiện đang là Giám đốc Trung tâm văn hóa Hội nhà văn Việt Nam.

Chỗ ở hiện tại: Hà Nội.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Mùa hạ và cỏ xanh (thơ, 1994); Phía sau làn nước (thơ,1997); Vầng trăng trong mắt (thơ,1999); Người họa mặt thời gian (thơ, 2000); Khất nắng một dịng sơng (thơ - 2003); Bên kia giá lạnh (thơ - 2007);

Giải thưởng văn học:

- Giải Nhất cuộc thi xuyên thế kỷ Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh năm (1998 - 2000) chùm bài: Nghĩa Kỳ, Tết quê

- Giải B cuộc thi chào mừng thiên niên kỷ báo Văn nghệ - Hội nhà văn Việt Nam (1998 -2000) trường ca Xin làng trồng lại cây đa.

 

II. Thi phẩm lục bát

Lời ru năm tháng

 

Bầu trời vẫn bộn bề mây

ngây thơ sót lại tháng ngày mộng mơ

em không đoái đến kẻ chờ

tôi ru cho những bãi bờ cô đơn.

 

Câu thơ nhuốm buổi chiều buồn

lời xưa lạc cả tiếng chuông nguyện cầu

tôi đào bới giữa nông sâu

chỉ còn gió thổi qua đầu nôn nao...

 

Cái thời xanh biếc làm sao

em nép bờ rào rứt rứt lá tre

lá tre và nắng vàng hoe

màu xanh phẳng lặng, nắng hè gợn cong.

 

Mà sao em vội lấy chồng

chao ôi, từ đấy bỗng trông khác nhiều!

trái tim tin những lời yêu

tôi đâu có dám bước liều qua nhau.

 

Ai từng biết đến nỗi đau

thì đôi mắt cũng đượm giàu tình thương!

Gạn cho bớt sạn đời thường

cho mưa mát xuống con đường nóng khô.

 

Em xa cách tự bao giờ

giật mình nhàu nát cơn mơ xế chiều.

Tôi ghì chặt lấy tin yêu

thấy tan đi bớt những điều xấu xa.

 

Trời sinh ra rét tháng ba

kẻ ấm trong nhà nhớ lạnh ngoài sân

đắng chi một đóa cúc tần

ai đâu dám để em cầm xót xa.

 

Những khi nắng đổ mưa òa

hãy làm một hạt phù sa lắng bồi!

Em là gió chướng vào tôi

thổi tung ra biển quãng đời nhớ quên

 

Bàn tay nâng bàn tay êm

ngỡ là chiếc lá những đêm đợi chờ

 em còn vương với câu thơ

thời gian xếp gấp bên bờ mắt đen.

 

Ru là thức với cái quên

để cho cái nhớ có thêm ngọt ngào. 

                                               (10-1999)

 

 

Chia chồng

(Tặng H.)

Cũng là vợ vợ chồng chồng

một năm mất sáu tháng ròng lẻ loi...

 

Sân nhà ngăn dậu trầu hôi

khi bên trầu thắm, thì tôi trầu vàng.

 

Lỡ làng một chuyến đò ngang

kẻ chờ sốt ruột kẻ sang chùng chình.

 

Tiếng chim rớt tự mái đình

thân mình đỡ lấy phận mình mà thôi.

 

Thà như ấy quách cho rồi

khi phòng người rạng, phòng tôi tối đèn.

 

Kẻ làm chị, đứa làm em

kẻ no đứa đói, kẻ thèm đứa dư.

 

Chia làm sao được tâm tư

sướng vui gói lại khi thu đầy phòng.

 

Đêm về chăn đắp ngang thân

gió chi lạnh đến hai lần gió ơi!

 

Đã mang tiếng có chồng rồi

dám đâu ngẩng mặt nhìn trời thở than...

 

Chợ tàn, quang gánh dở dang

đò đông, chậm bước lỡ sang chuyến chiều...

 

Kể từ khi được người yêu

tôi đâu có dám bước liều qua sông.

 

Ngày xuân kẻ bế người bồng

đi bên cạnh chồng mà vẫn nhón chân.

 

Tính chi hết chuyện xa gần

chia chi hết được mọi phần đục trong.

 

Những đêm được ở bên chồng

giật mình nghe nấc nơi không có gì.

(1999-2000)

 

Phên lỏng gió lùa

 

Gió trời mấy cuộc buồn vui

lặng nghe lá vỡ bên chồi tơ non!

Đêm hao biết vọng ngày tròn

tìm đôi câu hát để còn ru nhau…

 

Sinh ra bông giấy tím nhàu

người đem sông suối bắc cầu liêu trai!

Gom về trời đất Thiên Thai

vào trong râu trắng, vận ngoài tóc đen

mới thì lạ, cũ đã quen ?

Đa mê vợi chút muộn phiền… mà vui!

*

Đục trong ký thác với đời

câu thơ vời vợi, trò chơi trốn tìm…

Bờ chiều lau trắng, nắng im

chớ đem bóng nước đi tìm hồn mưa!

Đã khi phên lỏng gió lùa,

lạt măng buộc những được thua nỗi gì!

Cây chùa tựa bóng từ bi

lá xanh thắm lại đã vì sắc thu ?

 

Chở theo bao tiếng chim gù

mùa xa ngăn ngắt, gió ru rì rào…

Người ơi, trong cõi thấp cao

cái rơi, cái rụng cũng vào suối sông!.

(4-9/2005)

Lê Quang Sinh

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: