Chủ nhật, 24/11/2024,


Đỗ Trọng Khơi (22/09/2008) 

I. Vài nét về tác giả

 

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi sinh ngày 17.7.1960 (24.6 Canh Tý)
Tại : Trần Xá, Văn Cẩm, Hưng Hà, Thái Bình
Hiện ở tại : Phường Phú Khánh - TP Thái Bình
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
- Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình

Các giải thưởng:
- Giải Nhì cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ năm 1989- 1990
- Giải C của Uỷ ban Trung ương liên hiệp Văn học nghệ thuật, 1993 cho tập thơ: Con chim thiêng vẫn bay
- Giải Nhì của Uỷ ban Trung ương liên hiệp Văn học- nghệ thuật, năm 2002 tập truyện ngắn Ma Ngôn
- Giải nhì cuộc thơ do nhóm thơ Thanh Xuân Hà Nội tổ chức năm 1992
- Giải khuyến khích cuộc thi âm nhạc trẻ do nhà hát tuổi trẻ tổ chức năm 1992.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :
- Con chim thiêng vẫn bay (thơ),1992
- Tháng mười thương mến (Thơ), 1994
- Trước ngôi mộ thời gian (Thơ),1995
- Gọi làng (Thơ),1999
- Cầm thu (Thơ), 2002
- Ma ngôn(truyện ngắn), 2002
- Khúc thương đau (Thơ), 2006
- Thơ hay- một cách nhìn (Bình thơ- sắp xuất bản)

 

Liên lạc:

- Địa chỉ: Nhà số 10- ngõ 329- đường Nguyễn Trãi- phường Phú Khánh- TP Thái Bình
- Điện thoại: 036.845.060 - 01693276294

 

II. Thi phẩm lục bát

 

Cầm thu

 

Trời đã thấp, đất đã cao
nắng đã mỏng, trăng đã hao sắc rồi

kết mùa ngậm bóng hoa - rơi
mà theo hoa rụng về thời sơ sinh

Mà về thăm thẳm tâm linh
lặng nghe tĩnh vắng xoá hình dáng ta

Mà về hoá giữa dư ba
trùng trùng sương, lá mùa sa kín lòng

Thân một bến, tâm một dòng
một bầu nửa thực nửa không, thu bày...

Năm đơm đã chín trái ngày
cầm thu chói rực bàn tay cội cành.

(NXB Văn học, 2002)

 

 

Dâng

 

Giọt buồn em hãy rót đi
Ngoài kia vũ trụ đang kỳ phôi thai
Mùa thu dường đã mệt nhoài
Heo may rười rượi, cây thay lá vàng


Kiếp người ta đã nhận mang
Xin em giữ trọn cho cam lòng trời
Giọt buồn cứ vợi sang tôi
Dẫu bao nhiêu vẫn một lời rằng thương


Mẹ cha trao gửi sắc hương
Đời trao em nỗi vui buồn trong tim
Chân thành tha thiết yêu tin
Mình dâng nhau khúc khát tìm về nhau.

 

Du ca

 

Trời đã thấp, đất đã cao
nắng đã mỏng, trăng đã hao sắc rồi...

Kết mùa ngậm bóng hoa - rơi
mà theo hoa rụng về thời sơ sinh

Mà về thăm thẳm tâm linh
lặng nghe tĩnh vắng xoá hình dáng ta

Mà về hoá giữa dư ba
trùng trùng sương lá mùa sa kín lòng

Thân một bến tâm một dòng
một bầu nửa thực nửa không, thu bày...

Năm đơm đã chín trái ngày
Cầm thu chói rực bàn tay cội cành.

 

Khi tình quá một gang tay

Chiều còn chừng một gang tay
Bên kia tím nắng, bên này trắng sương
'Một gang tay' – chẳng đoạn trường
Mà trăm năm vẫn đôi phương đợi chờ.

Cao không quá một câu thơ
Chữ tin thì tối, chữ ngờ thì trong
Sâu không quá một tấc lòng
Mà mơ không tới, mà mong chẳng thành.

Chiều vàng, chiều trắng, chiều xanh
Nhưng sao cái đẹp mong manh thế này!
Khi tình quá một gang tay
Thì nghiêng vạt áo gói ngày làm đêm.

 

 

Nét chân dung

 

Tôi thường có lúc quên tôi
quên câu ai oán, quên lời thiết tha

Lệ đòi kết máu làm hoa
nở cho đâu đó rất xa ngoài mình

Tôi thường u u minh minh
cầm gương nhật nguyệt soi tình rong rêu

 

Ta quê ở xứ chiêm bao

 

Ta quê ở xứ chiêm bao
Nghe rằng có một ước ao nơi người
Tìm về tính chuyện lứa đôi
Chỉ e tỉnh mộng ra rồi người đi

Trẻ trung duyên dáng nhường kia
Dễ gì người ở xứ mê cùng mình
Bạc vàng quan chức hiển vinh
Xứ đời thực cũng hữu tình chứ sao

Ta quê ở xứ chiêm bao
Từ lâu đã chẳng thể nào xa quê
Trúc vàng giữ giọng Trương Chi
Chén vàng chưa vỡ câu thề Mị Nương

 

 

Thơ ngày giỗ bà 

 

Lòng nhờ sắc dắt màu dìu
mà chân vẫn gió dẫm xiêu vẹo đường
hơi nắng chạm phải mùi sương
một ngày cuối phố đầu phường rất thu

Làng xa như thực như mơ
như đâu khuất lắm như vừa quanh đây
ngước nhìn lên lá vàng cây
con mắt gặp lại đoạn ngày xa quê

Giỗ bà giỗ bố không về
một con giữa phố tự chia đôi lòng!

 

 

Thơ ngày giỗ cha

 

Thảo thơm vị đất hương đồng
và mẹ - ngọn nến rọi trông ngậm ngùi
Cau dăm trái, trầu lưng cơi
canh cua cà nén giỗ Người Trường Sơn

Bát canh ngọt quả cà ngon
như hồi cha mẹ sống còn bên nhau
Tình sâu hoá vết thương sâu
bàn thờ - mẹ vẫn một đầu chiến tranh

Cậy dòng hương khói mỏng manh
mẹ chăm chút quãng xuân xanh tình mình
Hương đồng vị đất hiển linh
hoá riêng riêng một bến tình mẹ cha!

 

 

Chơi cờ 

 

Tặng anh Đức Hậu

 

Còn thon thả nắng ngoài kia
cờ dăm bảy ván bõ khi chơi bời

Ngày đi hết nắng. Ngày thôi
cờ đi hết nước gặp người tri âm

Đời khi nhóm lửa mặt sông *
cờ khi tướng cũng khốn cùng lao đao

Luỵ tình đâu thấp luỵ cao
thua mà được nước là cao tay cờ

Trận bày thực thực hư hư
ngựa xe pháo mã... tít mù dọc ngang

Hiểu người hơn lúc cờ tàn
chí nuôi nước tốt vượt sang bên hà

(ý thơ Y Phương)

 

 

 

Hỏi bùn đen


Này này ta hỏi bùn đen
lộc bao đen đúa nuôi sen thắm hồng
sông sâu sóng cả mấy tầng
mỗi tầng nuôi một sức vươn lạ làng

Buồn ơi dậy mà soi gương
cho cái vui biết ngập ngừng truớc sen
cho anh cho chị cho em
cho câu “hệ lụy” một phen cười khì

Thiệt - hơn cất gáng đổ đi
về bên hồ nước thầm thì nghe em
này này ta hỏi bùn đen
riêng ta đượm mấy mùi sen thì nồng.

 

 

Với cỏ

 

Cùng hai anh Đam và Long

 

Xuân thì non, hè thì xanh
thu - đông... mùa lá mong manh thế mà
cỏ vẫn xanh, cỏ vẫn hoa
thế mà bé nhỏ như là... cỏ thôi

Nâng bàn chân đã bao người
nhục - vinh rồi cũng tới nơi cỏ mềm
ru mình một giấc xanh êm
cỏ ru ta giấc nguôi quên cao dày.

Ngàn xưa xanh và hôm nay
tới ngàn sau vẫn sắc này nguyên sơ
khiêm nhường là thực là hư
ấp iu sông núi mộng mơ chân trời.

Cỏ xanh như tâm hồn tôi
tháng năm lắng bước con người đặt lên...

 

 

Đỗ Trọng Khơi

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: