1. Vài nét về tác giả:
Tác giả Huy Phách sinh năm 1945 tại Thuận Thành, Bắc Ninh.
Hiện ở 104 - Hai Bà Trưng - TP. Bắc Ninh.
Nghề nghiệp: Kiến trúc sư
Nguyên Phó Giám đốc sở Xây Dựng Bắc Ninh.
Hội viên Hội kiến trúc sư Việt
Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bắc Ninh.
Điện thoại: 0982 260 927
Email: nguyenhuyphach@yahoo.com
Tác phẩm đã xuất bản:
- Mưa bóng mây - Tập thơ - Nhà XB Hội Nhà văn VN
2. Thi phẩm lục bát:
TẤM - CÁM
Cũng từ cây lúa trên đồng
Mà như cái vạc, cái nông lần hồi
Chị em con chấy cắn đôi
Vang nhà cái chị, cái tôi... chắt chuyền
Nâu sồng nếp áo nên duyên
Bánh đa, bánh đúc thảo hiền, nết na
Giá mà chẳng tím hoa cà
Chẳng vàng hoa cải, chẳng là trúc xinh
Hội làng trống giục sân đình
Cho duyên vội vã, cho tình đỏ đen
Để rồi mất chị, mất em
Mải mê phú quý mà tìm hại nhau
Bụt bao nhiêu phép nhiệm màu
Vô tình gieo nỗi thương đau cõi người
Để rồi cái ác lên ngôi
Tranh giành nhau một chỗ ngồi trên cao
Tiếc thay cái dải lụa đào
Đang phơi phới gió, lại chao chát bùn
Hoa xoan nhuộm tím đường thôn
Chiếu chèo trống vỗ dập dồn đêm thâu
Bây giờ Tấm- Cám ở đâu?
SAO EM CỨ HÁT
Chỉ đây với đấy thế thôi
Mà sao em cứ hát người đi đâu...
Mặt bằng đất mới đỏ au
Tìm đâu ra chín nhịp cầu, hỡi em
Lời ca như thể cánh chim
Bay la, bay lả cho tim bồi hồi
Bảo rằng góc bể, chân trời
Xa đâu mà nhắc mãi người đi đâu
Bốn mùa nắng dãi, mưa dầu
Vữa vôi em nhuộm phai mầu áo anh
Hay là câu hát vô tình
Xui cho quả dọi cũng hình trái tim
Xui cho vôi gạch trao duyên
Tấm khăn là tấm khăn vuông
Để cho con mắt vấn vương đi tìm
Thương em giáo buộc chắc thêm
Dù em chỉ một lần lên, cũng là...
Ước gì được lát gạch hoa
Em đi bõ lúc mưa sa bụi lầy
Có hồ bán nguyệt anh xây
Nghỉ ngơi em rửa bàn tay rộp phồng
Thương nhau ra ngõ mà trông
Nhớ thì nhớ vậy, lên tầng lại nguôi
Lắng nghe câu hát sinh sôi
Anh xây như có mặt trời trong tay
Ô- SIN
Bao năm làm lính, làm quan
Về hưu giờ mới được làm ô- sin
Tường giăng bốn phía tầm nhìn
Búp bê, bình sữa cho quên tuổi già
Ô- sin ông, ô-sin bà
Trăm năm nước mắt vẫn là chảy xuôi
Ba tháng lẫy, mấy tháng ngồi...
Chỉ mong mưa tạnh cho trời nắng lên
Bé thơ ngon giấc ngủ yên
Cả nhà đóng cửa, cài then… rì rầm
Vỉa hè dong cháu biếng ăn
Rã tay, mỏi miệng, chồn chân, mệt người
Những khi trái gió, trở giời
Ông bà như đứng, như ngồi đống than
Làm chi cũng vội, cũng vàng
Mong cho bé khoẻ, bé ngoan mới là ...
Bữa ăn cũng phải chia ca
Tăng cân phần cháu, ông bà sút cân
Mỗi ngày tóc cháu xanh dần
Tuổi già tóc lại thêm phần sương pha
Ô-sin ông, ô-sin bà
Nghìn năm nước mắt còn là chảy xuôi!
NÔNG NHÀN
Bốn mùa đồng cạn, đồng sâu
Lúa ngô mấy vụ phơi mầu, trổ bông
Cái nhàn đâu của nhà nông
Mồ hôi đổ xuống cánh đồng mặn, chua
Chợ trời, đất cũng bán mua
Chợ người, bỏ cả cày bừa mà đau
Người thành mớ tép, mớ rau
Chen chân chuốc cái dãi dầu đấy thôi
Đã từng chinh chiến một thời
Máu xương chẳng tiếc, tiếc nơi đất cằn
Để giờ vạ vật miếng ăn
Nửa nơi quán trọ, nửa phần chốn quê
Lưng oằn, vai sụn, chân tê
Khiêng mưa, vác nắng, dầm dề gió sương
Nông nhàn sống giữa thương trường
Cỏ may lối xóm còn vương chân người?
CÂU CA
Hội làng nhặt được câu ca
Mang về lại sợ cửa nhà chênh chao
Buông ra ai nỡ lòng nào
Phải như men rượu chuốc vào cho say...
Thôi đành têm miếng trầu cay
Câu ca gửi cánh phượng này, người ơi!
ĐỊNH MỆNH
Nắng mưa biển vẫn mênh mông
Suối thì vẫn hẹp, còn sông vẫn dài
Người ngoan áo vải vẫn tài
Người đần mũ mãng cân đai vẫn đần
NHÀ QUÊ
Nhà quê sống ở làng quê
Bãi dâu, ruộng lúa, rặng tre, mảnh vườn
Nhà quê tắm nắng, gội sương
Trông cây lúa tốt mà thương đất cằn
Nhà quê mái ngói, mái gianh
Bốn mùa gió mát trăng thanh vào nhà
Đất quê tre cũng nở hoa
Cổng làng có cánh, cây đa có thần
Chợ quê mỗi tháng dăm lần
Có sàng bánh đúc, có tranh con gà
Nong nia thúng mủng bày ra
Người quê mộc mạc thật thà lời quê
Ở ăn có lịch, có lề
Nhà quê giữ lấy chân quê mới là
Xóm giềng cau sáu bổ ba
Lắng nghe câu hát mà ra lòng người
Phần mình rau úa, rau ôi
Để giành rau sạch về nơi phố phường
Thế rồi rác rưởi tai ương
Lại theo năm tháng tìm đường về quê
Nhỏ dần ruộng lúa, bờ tre
May còn thảm cỏ triền đê xanh rờn
Bao đời ông cháu, cha con
Làng quê còn đó thì còn nhà quê!
Huy Phách
Huy Phách - nguyenhuyphach@yahoo.com - 0982 260 927 - Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh
(Ngày 8/07/2010 04:30:38 PM)
Thân gửi nhà thơ Phạm Thanh Cải
Mấy anh em chúng tôi như anh nói chẳng phải chỉ cùng ở Thuận Thành mà cùng ở một xã và cùng lớp học trường làng. Cám ơn Anh có những cảm nhận tâm huyết về những vần thơ mộc mạc này.
Phạm Thanh Cải - phamthanhcai@gmail.com - 01696306682 - Chợ Mơ - Hai Bà Trưng - Hà Nội
(Ngày 29/06/2010 11:04:23 PM)
Chào bác Huy Phách. Huy Phách – Nhà thơ đồng quê miền quan họ Đất Thuận Thành Kinh Bắc có nhiều nhà thơ của đồng quê, đặc biệt các thi sĩ đồng quê đều ở lứa tuổi “cổ lai hy”. Trang thơ điện tử Lucbat.com đã được làm quen với các tác giả như Duy Phi, Duy Khoát, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Phan Hách... đều sinh ra ở đất thi ca Thuận Thành, Bắc Ninh. Các bác đã mang một hơi thở của đồng quê vào thơ lục bát, thổi hồn vào từng câu chữ để nó bay bổng và thấm vào lòng người đọc. Để rồi mất chị, mất em Đọc thơ Huy Phách ta gặp những người già về hưu, vui vầy bên con cháu, nhưng tác giả lại tự trào là những ô-sin ông, ô-sin bà. Bởi vì xưa nay cái đạo lý của người Việt ta vẫn là cha mẹ thương con, ông bà thương cháu và muôn đời thì “nước mắt vẫn chảy xuôi”. Ô-sin ông, ô-sin bà Và những người ông, người bà lo cho các cháu giống tự ngày xưa họ đã từng lo cho con mình, để bây giờ chúng đã trưởng thành và thành bố mẹ những đứa trẻ bây giờ: 'Những khi trái gió, trở giời Những lo toan đó, cuối cùng dẫn đến kết quả: Mỗi ngày tóc cháu xanh dần Hình ảnh cháu tăng cân, ông bà sút cân, tóc cháu xanh thêm thì tóc ông bà bạc dần, khối lượng và màu sắc tương phản nhau, nhưng thực ra nó cũng nằm trong quy luật cân bằng. Khi lớp trẻ lớn lên, thì thế hệ già yếu đi, cuộc sống là vậy. Nhưng qua đó, tình cảm giữa lớp già và lớp trẻ như nồng ấm hơn, khăng khít hơn, gắn bó hơn. Bất giác tôi nhớ câu thơ trong bài Tiếng ru của Tố Hữu: Tre già yêu lấy măng non Tuổi già chăm cháu thơ vừa là niềm vui, nhưng cũng là trách nhiệm nuôi dưỡng thế hệ sau. Chợ quê mỗi tháng dăm lần Những hình ảnh dân dã, mộc mạc của làng quê như bày ra trước mắt ta, đưa ta về với nơi ta đã sinh ra và lớn lên và in nhiều kỷ niệm tuổi thơ. Nhớ ngày tôi đưa vợ mới cưới về quê, cả hai đứa tôi cũng ra chợ ngồi bên sàng bánh đúc. Cả chợ tuy mải bán mải mua đấy nhưng những bà đi chợ vẫn không quên liếc nhìn một cảnh hơi lạ lùng là một anh hải quân cùng vợ cầm chiếc bánh đúc ăn thật ngon lành. Miếng bánh đúc dân dã với ngai ngái nồng nồng của vị vôi với chút hàn the làm tôi nhớ lại những ngày thơ bé tôi hàng ra ngõ đón mẹ đi chợ về thể nào cũng có miếng bánh đúc lạc thơm ngậy. Phần mình rau úa, rau ôi Về quê, ta được tác giả dẫn đi chợ trời và cũng có cả chợ người. Chợ ở đây có nhiều cái giống nơi phố xá. Nhưng có một món hàng đặc sản nhà quê đó là đất đai. đất cũng thành món hàng như mớ rau con cá. Và ở đây sức người cũng thành hàng hoá: Chợ trời, đất cũng bán mua Thơ Huy Phách mạng đậm chất đồng quê miền quan họ. Những ngôn từ dân dã thường ngày của người nhà quê đã được ông đưa vào thơ một cách tự nhiên và nhuần nhị. Thơ ông giàu chất dân gian, không xa lạ gì với những người một nắng hai sương trên luống rau, ruộng lúa. Đọc thơ ông ta hiểu được cảnh được người Kinh Bắc, làm ta yêu quý hơn mảnh đất từng là cái nôi của thi ca , nhạc , hoạ này. Trong chúng ta, không ai không từng nghe một đôi làn quan họ, xem tranh Đông Hồ và từng nghe bài hát “Làng quan họ quê tôi” của môt nhà thơ-nhạc sĩ xứ Nghệ Nguyễn Trọng Tạo. Bây giờ chúng ta lại được đọc những vần thơ man mác hương đồng gió nội của những nhà thơ Kinh Bắc, càng làm cho ta yêu quý hơn mảnh đất này. Phạm Thanh Cải |