Chủ nhật, 24/11/2024,


Duy Thảo (19/02/2010) 

1.Vài nét về tác giả:

Tác giả Duy Thảo tên thật Phan Duy Thảo, sinh năm 1938 tại Làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam

Vốn là lính chiến, làm báo trong Quân chủng Phòng không –Không quân; sau chuyển ra ngoài viết báo, làm thơ...

Hiện là Phóng viên của Văn phòng Đại diện Báo Điện tử Dân trí tại Hà Tĩnh.

Điện thoại: 0912 899 766

Email: duythao_ht@yahoo.com

Địa chỉ: 46, Nguyễn Công Trứ, Thành phố Hà Tĩnh. 

Tác phẩm đã xuất bản: 

  - Cành xanh lá xanh (in chung) - Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, 1973;

  - Lời tin yêu (in chung) - Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, 1976;

  - Sau mùa lá rụng - NXB Văn hoá-Thông tin, 1997;

  - Bến mặn - NXB Văn hoá-Thông tin, 2000;

  - Mưa ngâu - NXB Văn hoá, 2002;

  - Lộc vừng - NXB Văn hoá, 2004;

  - Góc chiều - NXB Hội Nhà văn, 2004;

  - Nỗi xưa - NXB Hội Nhà văn, 2008;

  - Thơ Duy Thảo - Đi dọc lối xanh - NXB Hội Nhà văn, 2008

Giải thưởng:

- Giải Nhì Thơ Nghệ An, 1964;

- Giải Thơ chống Mỹ CN Hà Tĩnh, 1968 (giải đặc biệt);

- Giải Văn học Nguyễn Du các lần 1, 2, 3, 4  (5 năm 1 lần với 2 giải nhì,2 giải 3);                  

- Giải Văn học nghệ thuật Toàn quốc năm 2008 cho tập “Đi dọc lối xanh” dành cho tac giả cao tuổi;

2. Chùm thơ tự chọn:

 

CHỢT LÒNG

 

Lá rơi khuấy bụi thời gian,

Bay trong vô định như bàn tay buông.

Chợt lòng ngoái lại nhớ thương,

Dầm trong gió cát con đường đất quê.

Em chưa trao một lời thề,

Mà sao mộng mị cứ về tìm nhau....

 

Chợt lòng, ngoái tới mai sau

Vườn xưa chủ mới, biết đâu mà về.

Trường xưa, tản mác bạn bè,

Còn ai nhớ lối sè sè mái tranh.

Em xưa, ra với thị thành.

Để tôi nuối tiếc một mình cho tôi...

 

Ngô đồng trước ngõ lá rơi,

Chiều thu đi với khoảng trời lang thang.

 

 

VƯỜN XƯA

 

Mảnh vườn xanh biếc tuổi thơ,

Tiếng ve nhắc tổ chim chưa ra ràng.

Quả ương giấu kín ngọn bàng,

Thương chú dế chọi gãy càng, bỏ cơm.

Mẹ về ấm lựng ổ rơm,

Chị đi đứng khóc mỏi đường dưới mưa...

 

Mảnh vườn của những ngày xưa,

Tôi đi từ dạo mình chưa biết mình.

Bao làng quê của chiến tranh,

Con đê thì lớn, mái đình thì cao.

Trưa hè vọng một tiếng rao,

Nhớ canh hến Thượng (*) nôn nao muốn về.

 

Nửa đời quen sống xa quê,

Ngày đau nghỉ việc tìm về vườn xưa.

Đọt bầu ngọt bát canh cua,

Trái xoan rụng, nhớ tuổi thơ bày hàng.

Chè xanh đậm bột khoai lang,

Bạn bè thấm nghĩa mênh mang vơi đầy.

 

Nửa đời ngước ngắm hàng cây,

Tôi đi từ dạo vườn này của ai?

Chợt nghe ngọt lịm tiếng cười,

Tiếng chim gọi bạn hay đời gọi anh?

Bí bầu trố mắt lá xanh,

Vườn xưa mình gặp lại mình, đó em.

 

 

MƯA CHIỀU

 

Thôi chiều đừng rắc hạt mưa

Để ta ướt với ngẩn ngơ nỗi mình

Nỗi anh ngói lợp mái đình

Nỗi em xoạc mỏi cánh chim lạc về...

 

Nóc tường kín gió chở che

Cọng rơm, sợi rác yên bề thời gian

Thế rồi tổ ấm đa mang

Thế rồi chia nghé, xẻ đàn lạc nhau!

 

Bây giờ gặp tiết mưa Ngâu

Một trời kín với nỗi đau riêng mình.

 

 

LỤC BÁT TẶNG TA

 

Người ơi, người đẹp bất ngờ

Để ta gặp mặt thẫn thờ nuối theo

Người là hạt nước trong veo

Ta như trôi dạt cánh bèo xa khơi

Người là rực rỡ hoa tươi

Ta như nhòa nhạt sương rơi là đà

Người thì ngày một trẻ ra

Ta đang vào độ tóc hoa râm dày...

Thôi đành nhấp chút rượu cay

Mượn câu lục bát giải bầy tặng ta.

 

 

KHOẢNG TRỜI XANH XƯA

 

Đành như người đã qua rồi

Trong tôi còn lại khoảng trời xanh xưa

Khoảng trời trái ổi, quả mua

Bên nhau đọng vị dư thừa chát thơm

Khoảng trời đói cháo thèm cơm

Giêng hai thương chú cu cườm lẻ loi...

 

Xuân về, lối cũ mưa rơi

Ngẩn ngơ tôi với mình tôi, vô tình

Gặp nhau ngoảnh mặt sao đành

Sáu mươi, sao nuối mảnh tình hai mươi?

Đành như tôi đã qua rồi

Xin ai giữ lại khoảng trời xanh xưa.

 

 

TÌM VỀ CỘI NGUỒN

 

Tôi tìm về cội nguồn tôi

Lang thang đứa trẻ sinh nơi quê nghèo

Mải vui đổ dế thả diều

Tuổi thơ rau cháo sớm chiều rong chơi

 

Tôi tìm về cội nguồn tôi

Cha nơi xa xứ, mẹ nơi tảo tần

Bây giờ hai ngã song thân

Người vào thiên cổ, người gần trút hơi...

 

Tôi tìm về cội nguồn tôi

Từ bàn tay trắng, từ nơi bạn bè

Lập thân cực nhọc chẳng nề

Thương con, lo chữ kiếm nghề sinh nhai.

 

Tôi tìm về cội nguồn tôi

Nghề thơ, nghiệp báo một đời đa mang

Giữ cho tay khỏi nhúng chàm

Mặc ai danh lợi hư hàm mặc ai...

 

Tôi tìm về cội nguồn tôi

Những mong con cháu biết nơi phụng thờ.

                                   

 

THÁNG BẢY

 

Trời như se sắt làn hương

Đất như thấm đẫm nỗi buồn ngàn sau

Chiều đi thảng thốt mưa Ngâu

Bao nhiêu nước mắt thấm nhàu khăn tang

Tôi về, vào lối nghĩa trang

Biết mình trần thế còn đang nợ nhiều

                                                           

           

VỚI MẸ - NGỌN NGUỒN

 

Bây giờ còn lúc thảnh thơi

Con ngồi bên mẹ, mẹ cười bên con

Bao nhiêu quá khứ vui buồn

Cho con xin khóc ngọn nguồn thời gian.

 

Ngọn nguồn rau má, rau lang

Chị em sống buổi cơ hàn mẹ nuôi

Trên vai đòn gánh ngược xuôi

Sáng đi chợ Trổ, mai thời chợ Nhe...

 

Ngọn nguồn mái dột, vách che

ổ rơm ấm tận ngày hè còn thơm

Quê nghèo đắp đuổi cháo cơm

Tận ba mươi tết mẹ còn long đong.

 

Ngọn nguồn chiếc áo nâu sòng

Mấy con pháo tép, vài vòng cườm bi

Giêng hai thôi kể mà chi

Ngày chị ốm, chị 'bỏ đi' não nề !

 

Ngọn nguồn nước mắt phân chia

Hai con ra trận, một bề mẹ trông

Thân cò lặn lội bờ sông

Bây giờ đáng lúc thong dong cho mình

 

Ngọn nguồn chữ hiếu, chữ tình

'Dâu con trong đạo gia đình' xưa nay.

Cái buồn ai biết ai hay

Tám mươi lẩm cẩm suốt ngày mà thương...

 

Thôi xin, chẳng kể ngọn nguồn

Để con vẫn cứ là con thuở nào

Tìm về  mộng mị chiêm bao

Trong câu mẹ mắng thấm vào làn roi...

 

Bây giờ còn lúc thảnh thơi

Con ngồi bên mẹ, mẹ cười bên con

Mai đây kẻ mất, người còn

Con xin không khóc, chỉ buồn mẹ ơi!

 

Duy Thảo

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Đắc Túc - trandactuchtv@gmai.com - 0393841265 - Can lộc Hà tĩnh  (Ngày 4/03/2010 06:40:46 PM)

        Tôi đồng ý với bạn Hoàng Ngọc Thu về nỗi buồn" khi đọc những dòng cảm nhận đòi hỏi tác giả phải giải thích từng câu chữ"..nhưng tôi không đồng ý với bạn Đặng Kim Hùng khi bạn " thật buồn cho những ai làm thơ mà không để ý đến ngôn từ"..
       
Bạn viết:Cái từ " sè sè mái tranh" thật khó hiểu, chỉ có thể" sè sè nắm đất bên đường thôi". Ngoài ra sè sè còn là từ tượng thanh nữa..." Bạn tự mâu thuẫn với mình rồi đấy. Vừa "chỉ có thể" ..đã có ngay "ngoài ra".. Bạn nói rất hay về chỗ đứng của người làm thơ với với người đọc thơ trên cơ sở ngôn từ. Vậy mà ở đây bạn đứng không vững trên ngôn từ.
       
Bạn đọc Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên sè hiểu sè sè là gì. Nó là " thấp sè sè", cái mái gianh của nhà thơ chợt nhớ. Nó là cái hình từ cảm mà ra chứ không từ nhìn đâu bạn ạ. Đọc nhau là quý. Hiểu nhau còn quý hơn. Cám ơn Hội đồng Quản trị, ban biên tập Lục bát.Com đã cho ta một cơ hội, một diễn đàn sang trọng. Nhưng rất nên tránh việc thể hiện mình.

  Đặng Kim Hùng - kimhunggv@yahoo.com - 03203541271 - Sao Đỏ, Hải Dương  (Ngày 1/03/2010 07:39:23 PM)

            Thơ là cấu thành từ những từ ngữ như toà lâu đài xây bằng những viên gạch. Viên gạch có tốt thì toà lâu đài mới vững chắc.
          Truyện Kiều của Nguyễn Du được làm từ những từ ngữ dân gian đẹp và lấp lánh như ngọc minh châu.
          Thật buồn cho những ai làm thơ mà không để ý đến ngôn từ, tưởng là sáng tạo nhưng không phải thế.
            Người làm thơ và người đọc thơ nên phải có chỗ đứng nhất định từ cơ sở ngôn từ chứ đừng nên để tâm hồn treo ngược lên cành cây.
           Cái từ "sè sè mái tranh" thật khó hiểu, chỉ có thể "sè sè nấm đất bên đường thôi". Ngoài ra sè sè còn là từ tượng thanh nữa...Theo tôi, tác giả không nên dùng từ này thì bài thơ hay hơn.

  Hoàng Ngọc Thu - ngocthuhoang@rocketmail.com -  - TP.Hồ Chí Minh  (Ngày 23/02/2010 06:08:42 AM)
Từ ngữ bây giờ nó thiên biến vạn hóa.Mỗi một người đi qua một lăng kính khác nhau.Mỗi người có một cách nhìn và cảm nhận riêng.Không ai giống ai.Thơ không phải là khoa học mà là cảm xúc của tâm hồn .Đọc thơ mà mổ xẻ từng câu từng chữ của thơ thì còn gì là thơ nữa.Thật đáng buồn và đau lòng cho chúng tôi khi đọc những dòng cảm nhận đòi hỏi tác giả phải giải thích từng câu từng chữ..Đáng buồn thay!
  Nguyễn Thanh Tuyên - bsnguyenthanhtuyen@gmail.com - 0989094933 - Hải Phòng  (Ngày 21/02/2010 08:56:54 AM)
Bạn Hồng Điệp ạ, mình cứ tự ngẫm nghĩ thật chín, thật thấu đi. Nhạy bén, thẳng thắn là tốt nhưng nôn nóng, vội vàng, thiếu cẩn trọng lại không hay. Có câu bạn thắc mắc có lý, nhưng nhiều câu tác giả có lý, sáng tạo, hay và còn liên quan tới thổ ngữ của người viết nữa đấy. Đó là lời tâm sự chân thành của mình. Có gì không phải bạn cảm thông nghe
  Nguyễn Hồng Điệp - diepnguyen@yahoo.com - không có - Hưng Yên  (Ngày 21/02/2010 07:18:46 AM)
Tôi xin có ý kiến đề nghị tác giả và BBT xem lại các câu thơ sau đây: Trường xưa, tản mác bạn bè,_( tản mát) Còn ai nhớ lối sè sè mái tranh.( sè sè nắm đất bên đường) Tiếng ve nhắc tổ chim chưa ra ràng.( câu) Mẹ về ấm lựng ổ rơm,( ấm lựng?) Chị đi đứng khóc mỏi đường dưới mưa...( khó hiểu) Nỗi anh ngói lợp mái đình Nỗi em xoạc mỏi cánh chim lạc về...(khó hiểu và không vần với nhau) Để ta gặp mặt thẫn thờ nuối theo( nuối là..?) Quê nghèo đắp đuổi cháo cơm ( đắp đổi)
Các bài khác: