Thứ hai, 06/05/2024,


Phạm Đăng Kim (19/06/2009) 

I. Vài nét về tác giả

 

Tác giả Phạm Đăng Kim sinh ngày 3/3/1944.

Quê quán: Xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Trường Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khoá I - Hội Nhà văn Việt Nam

Cử nhân Kinh tế Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch.

Nguyên Giám đốc Công ty Vận tải & Xếp dỡ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV)

 

 

 

 

 

Liên hệ tác giả

Địa chỉ: Phường Bạch Đằng- TP Hạ Long- Quảng Ninh

ĐT: 0983 458 069

Email: kimphamdang@yahoo.com.vn

Blog: vn.myblog.yahoo.com/kimphamdang

 

Đã xuất bản

- Thao thức (NXB Hội Nhà Văn – 2006)

- Ngày Hội thơ (thơ in chung, NXB Hội Nhà Văn – 2007)

- Thơ Đồng môn (thơ in chung, NXB Hội Nhà Văn – 2007)

- Cánh én- (thơ in chung, NXB Văn Học – 2009)

 

Giải thưởng văn học

- Giải Khuyến khích Văn Nghệ Hạ Long: Tập thơ Thao thức.

- Giải B và C Thơ Lê Thánh Tông - Hội VHNT Quảng Ninh.

 

Tự bạch:

'Thơ lục bát như nắng sớm ban mai góp lại thành ngày sáng để trở về hoàng hôn cho ngày mai lại sáng. Cứ thế, lục bát như tiếng mẹ ấmvào hơi thở tôi, rồi như nguồn sữa mẹ chảy vào hồn thơ tôi...'

 

II. Chùm lục bát tự chọn

 

1- VU VƠ

 

(Tặng nhà thơ Xuân Đức- QN)

 

Suốt đời đợi ánh sao rơi

Vu vơ tìm đếm, sao trời thẳm xa

Nắng mưa mây gió nhạt nhoà

Khi vần vũ, lúc tan hoà hư không

 

Cõi vô thường, cõi mênh mông

Hỏi ai, ai biết, ai trông, ai chờ

Chợt ngộ ra cái ngu ngơ

Một câu thực, chín câu ngờ… biết đâu

 

Trời cao thẳm, đất dày sâu

Ta phiêu diêu giữa muôn màu sắc không

Hao tâm tìm ánh sao băng

Giữa trời chớp trắng, trăm năm dõi nhìn

Biết là đáy bể mò kim

Sao còn mòn mỏi kiếm tìm… vu vơ !

 

 

2- NHẶT NHỮNG GIỌT MƯA

  

Một con sông, một bến đò

một câu thơ giắt câu hò sang ngang

 

Trầu không xanh đến ngỡ ngàng

quả cau mới nhú độ đang đến thì

thế rồi mưa chợt qua đi

nghe câu giã bạn còn gì cho nhau

nửa mất mát nửa thương đau

ta đem gói lại thành câu thơ buồn

 

Sao mong manh thế tơ vương

sao dòng sông để nước nguồn chảy xuôi

sao cơn mưa ướt áo người

bến đò trôi mất nụ cười... năm xưa

 

Mưa giăng tựa bức mành thưa

ta ngồi nhặt những giọt mưa... trắng trời !

(Tháng 5 - 2008)

 

3- ĐẤT QUÊ

 

Đất quê nghèo đến bạc màu

Một đời mẹ đã dãi dầu sớm hôm

Ruộng sâu lúa cấy lom đom

Bông vừa chín, bông vẫn còn đỏ đuôi.

 

Củ khoai lăn lóc ngược xuôi

Ngọt ngào, thơm thảo với người chân quê.

Đất nghèo từ sớm tới khuya

Lưng cong dấu hỏi mẹ chia đôi bờ.

Bờ đông mẹ gánh ước mơ

Bờ tây mẹ đã mịt mờ khói sương!

Mẹ đi đất hãy còn vương

Đôi bàn chân với mười thương chín chờ.

Đất quê nghèo đến bao giờ?

Xanh ngăn ngắt đến phơ phơ mây chiều.

Đất nghèo nên nỗi cô liêu

Nuôi ta lớn đã quá nhiều cho ta…

 

Trở về sau chuyến đi xa

Tưởng đâu chớp mắt đã qua một đời.

Chắp tay tạ tội với người

Cho ta làm lại cuộc đời với quê!

 

4- CHỢ NHÃN BÊN SÔNG

 

Một chiều đến bến Triều Dương

gặp em bán nhãn bên đường tôi qua

gió sông ngọt lịm phù sa

nắng chiều mê mải màu hoa nhãn lồng

 

Em nhìn nghiêng cả dòng sông

lăn tăn sóng nước lượn trong mắt người

chợ đông đầy ắp tiếng cười

bỗng nhè nhẹ một khoảng trời đong đưa

Mọng căng chùm quả đầu mùa

thoảng thơm hương tóc ai vừa buông lơi

như men rượu ngấm vào tôi

muốn mua cả quán làm nơi hẹn hò

 

Chợ tan nhãn đã xuống đò

một mình tôi với cánh cò... bâng khuâng...

 

5- UỐNG RƯỢU VỚI BẠN

“bán dạ tam bôi tửu”

 

Đã lâu bạn đến chơi nhà

Vào đây Ta - Bạn khề khà một phen

 

Chén đầu ta uống cho quên

chuyện thế sự, chuyện bạn trên công đường

chuyện bếp núc, chuyện phố phường

đỏ đen, chụp giật, nhiễu nhương cuộc đời

 

Chén hai ta uống cho người

Cái đau nén xuống, tiếng cười bật lên

Ghét yêu, thù hận ,sang hèn

người với người đã thành quen mỗi ngày

 

chén ba uống vẫn chưa say

Đời như một cuốn phim hay hiện về

Khát khao đốt cháy đam mê

Ta tìm ta giữa bộn bề dọc ngang

 

Canh ba rượu vẫn chưa tàn

chợt nghe tiếng ngáy -bạn sang chơi nhà

Tam bôi Ta vẫn là Ta…

 

Phạm Đăng Kim

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: