I. Vài nét về tác giả
Tác giả Phạm Trọng Thanh sinh năm 1942
Quê quán: thôn Ngọc Tỉnh, xã Xuân Hùng, nay là thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Hiện thường trú tại: Số 6/22,phố Ngô Quyền, thành phố
Tác giả từng tham gia: biên tập, sáng tác
Nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh - Nam Hà - Nam Định khoá II, III, IV,V ( 5/1983 - 3/2006).
Hội viên Hội Nhà văn Việt
Tác phẩm văn học:
- Khúc hát tặng nhau (thơ, in chung NXB Tác phẩm mới, 1983)
- Mùa hạ đi tìm ( thơ, NXB Hội Nhà văn, 1990)
- Lá bay (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1993)
- Gió trầm ( thơ, Nxb Văn học, 1997)
- Thác trời ( thơ NXB Quân đội nhân dân, 2000)
- Tứ tuyệt đường trường (thơ, NXB Thanh Niên, 2002)
- Thức cùng trang viết (bút ký, NXB Hội Nhà văn, 2008).
Giải thưởng văn học:
- Giải Nhất thơ
- Tặng thưởng, giải thưởng thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội 1976, 1990
- Giải thưởng thơ Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt
- Giải thưởng thơ cuộc thi Tầm nhìn thế kỷ báo Tiền phong (1999-2001)...
Bên vòng tròn ca dao
Cái sàng đánh bạn cái giần
Cái nia cái thúng ở gần cái nong
Cuối mùa quai hái vừa hong
Mẹ còn cặm cụi long đong giần sàng
Hạt thóc ướt hạt thóc vàng
Vòng vòng từ cánh đồng sang bên này
Gió nồm đánh đu chàng xay
Tiếng chày nặng chịch cám bay bời bời
Trời tròn gieo tiếng mưa vui
Dẻo thơm cay đắng ngọt bùi tròn xoay !
Khi nào mẹ được dừng tay
Bếp nồng rơm mới đỡ ngày lao dao
Giần sàng tay thấp tay cao
Mẹ ơi, có trận mưa rào đằng đông
Lại còn cơn giá cơn dông
Tháng ba đằng đẵng ngày trông lúa mùa
Trông ngang chùm sao tua rua
Xá cày đi trước đường bừa theo sau
Mẹ thầm lặng những đêm thâu
Giữa ba bề gió thổi nhàu chéo khăn
Cho con nhiều tháng nhiều năm
Cứ lo đêm vắng vầng trăng trước nhà
Hạt gạo lặn lội đường xa
Trên vai con giữa rừng già, mẹ ơi...
(Đồng Nai Thượng,1975)
Mẹ
Với con, mẹ chẳng nỡ buồn
Câu thơ con viết ngọn nguồn ở đây
Giữa nhà con đứng như ngây
Nắm rơm vàng ríu trên tay, mẹ mừng
Ơ kìa mắt mẹ rưng rưng
Con như ngọn gió, mẹ đừng có thương
Nhà mình mỗi đứa mỗi phương
Cái sân đã rộng, con đường càng xa
Cây cau bể nước vại cà
Tuổi già ở với tuổi già hôm mai
Ngày nào một lũ con trai
Áo quần đất cát loang dài quãng sông
Ngày nào xứ Bắc, xứ Đông
Mẹ tôi vạt áo gió dông nhiều bề
Rồi con giong ruổi xa quê
Tuổi thơ đâu có dội về trái tim
Đường quê bước nổi bước chìm
Có khi nỗi nhớ im lìm đèn chong...
Con làm khách, mẹ đứng mong
Gần, xa...bóng mẹ ở trong cõi đời
Chập chờn sương nắng, mẹ ơi
Khói cơm thơm, tuổi bốn mươi nghẹn ngào
(Ngọc Tỉnh,1987)
Chợ Cầu
Hôm qua tôi đi chợ Cầu
Một nghìn cái thúng nghiêng đầu hỏi ai
Một nghìn chiếc nón tua quai
Chợ làng vừa rộng vừa dài vừa đông
Hỏi cầu có biết em không ?
Cái cô thắt mảnh khăn hồng làm nơ
Cái người mỗi nét mỗi ưa
Mẹ tôi sang chợ, em đưa qua cầu
Hỏi sông, sóng cả hai đầu
Thuyền đinh, thuyền cá...bên âu cũng thuyền
Mẹ già chẳng biết tên em
Người làm việc nghĩa trời đem cho mình
Người đi quá nẻo đầu đình
Có bông hoa gạo rập rình nét son
Có mầu lá mạ xanh non
Em qua buổi sớm, chợ còn phiên mai
Thế là để nhớ cho ai
Tìm em hai mốt hai hai...lại rằm !
Ba mươi ngày, bấy nhiêu năm
Em ơi, tôi lại về thăm chợ Cầu...
(Xuân Tiến,1992)
Hội Lim
Nửa ngày trèo núi Thiên Thai
Chiều nghiêng Quán Dốc bên vai chợt rằm
Môi đào mắt phượng nghìn năm
Trớ trêu vành nón đêm nằm còn theo...
Chiều
Sao Hôm đứng một góc chiều
Chiều thơm như mở trang Kiều chiều thương
Tóc mềm đính hạt chiều sương
Cỏ may dan díu con đường chiều sang
Gọi thầm
Gọi thầm người chẳng còn thưa
Chớp đông biển bắc sa mưa đỉnh ngàn
Đọc hàng bia mộ nghĩa trang
Nhớ từ nấm cỏ chân nhang nhớ về
Đèo
Đỉnh trời mây trắng dăng ngang
Triệu năm sóng biển cây ngàn ùa reo
Dắt em chiều bước qua đèo
Lòng ta thương bạn hồn neo góc rừng
Nhị hồ
Ba hồn bảy vía nào đây
Cội thông ứa nhựa se dây ruột tằm
Nhị hồ gió siết căm căm
Xừ xang dãi chuyện nghìn năm, chuyện mình
Con đường rắc vỏ trấu vàng
Ngược con đường lúa về làng
Con đường rắc vỏ trấu vàng, mưa sa
Trập trùng ngày tháng lùi xa
Cha ơi chén rượu quê nhà tiễn đưa
Cha đi từ mái nhà xưa
Hàng hiên khóm cúc lưa thưa khói trầm
Mưa xuân mắt mẹ giọt thầm
Đường trơn làm nhịp bát âm chuyển làn
Cho con đồng vọng 'Lên đàng'
Cờ bay phố huyện, người sang đường này
Làng mình nam bắc đông tây
Những là nghiên bút cuốc cày với nhau
Những là tre trúc trầu cau
Giọt xuyên lá rách mà đau lá lành
Bể cồn bãi cạn dâu xanh
Nôn nao rau má hũ sành buồn vui
Ngọn đèn chong, bếp lửa vùi
Đắng cay cùng sẻ, ngọt bùi cùng san
Gốc đa ướm ngọn nồm nam
Trống đình ai đánh còn vang những ngày
Trên vai làng nước mình đây
Cha đi bến lặng sông đầy diễu qua
Bay nghiêng hạt sáng thiên hà
Đường quê bỗng hoá đường xa tận trời !
Trấu vàng rắc dặm vàng phơi
Bước người như sóng chân người chói chang
Mương dài nở trắng hoa trang
Cỏ xuân nét thảo hai hàng thiết tha
Ở đâu hơn thế quê nhà
Nẻo đường ân nghĩa nối qua nghìn đời
Trấu vàng rắc dặm vàng phơi
Hạt thơm của đất còn nuôi tình làng...
(Xuân Thuỷ, 1996)
Trăm năm còn đó
Tưởng nhớ tác giả Cung oán ngâm khúc
Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều(1741-1798)
Cỏ bền trải lối nhân gian
Đâu đây bờ liễu gò hoang mộ người
Trăm năm còn có ...mà thôi
Dế giun vương giả đôi hồi dưới kia !
Người thơ còn nẻo đi về
Khói hương Kinh Bắc chiều quê Thuận Thành
Tây Hồ đầy chén trời xanh
Đoá lê ướt cánh nghiêng cành trăng rơi
Phấn hờn lệ ố tàn hơi
Khúc ngâm đau tiếng ơ hời cầm xoang
Cửa triều nhạt bóng triều quan
Bức tranh vân cẩu bay ngang ráng chiều
Phải đâu kỳ ngộ Giáng Kiều
Lãnh cung bạc phận bao nhiêu má đào
Mờ mờ nhân ảnh thương sao
Bút Ôn Như nét tiêu tao thảm sầu
Trăm năm...kià nấm cổ khâu *
Người xưa giũ bụi công hầu mà đi
Hoàng thành thương kiếp cung phi
Trang thơ còn đứng xanh rì cỏ sương...
(1998)
-----
*'Trăm năm còn có gì đâu /Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì'
(Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều ).
Phạm Trọng Thanh
Trần Mỹ Giống - tranmygiong@yahoo.com.vn - 0957203070 - 13/398 đường Trường Chinh, Tp. Nam Định.
(Ngày 5/11/2009 10:30:59 AM)
Tôi yêu và kính trọng Nhà thơ Phạm Trọng Thanh không chỉ vì anh là một trong số ít người đầu tiên dẫn dắt tôi vào con đường văn thơ, mà còn chủ yếu vì thơ anh mang đậm sắc thái vùng quê Trong cuộc đời văn nghiệp của anh không phải lúc nào cũng suôn sẻ, mà có lúc gặp không ít khó khăn từ phía những kẻ đố kị. Nhưng anh đã vượt lên tất cả để làm thơ. Trăm năm dù bác có đi, "Trang thơ còn đứng xanh rì cỏ sương". Tôi có làm bài vè chân dung anh: Vô tư Khúc hát tặng nhau, Lá bay còn để nỗi đau Gió trâm. Một đời Mùa hạ đi tìm, Thương câu Tứ tuyệt đường trường đầy vơi. Đã hay nóng lạnh thói đời, Lòng còn trắc ẩn Thác trời trào tuôn". |