Chủ nhật, 24/11/2024,


Yến Lan (07/04/2009) 

I. Vài nét về tiểu sử

 

Tác giả Yến Lan sinh ngày 2/3/1916, tại thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Mồ côi mẹ năm 6 tuổi, Yến Lan sống bằng nghề dạy học tư và viết văn.

Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ đất Bình Định) nổi tiếng trên thi đàn lúc đó. Trong giai đoạn này, ông cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên sáng tác theo trường phái Thơ loạn (còn gọi là Thơ điên) với những trăng, xương, máu, hồn ma... trong thơ.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông là Uỷ viên văn hoá Cứu quốc Bình Định (1947–1949)

Uỷ viên văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ, trưởng đoàn kịch Kháng chiến.

Từ 1950 đến 1954 ông làm công tác văn hoá văn nghệ ở Bình Định.

Sau 1954, Yến Lan tập kết ra Bắc, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, làm việc tại Nhà xuất bản Văn học và tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm.

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, ông trở về công tác tại Hội văn nghệ Bình Định và mất tại đây ngày 5/10/1998.

Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

 

Tác phẩm văn học

- Bóng giai nhân (kịch thơ, viết chung với Nguyễn Bính)

- Gái Trữ La (kịch thơ, 1943)

- Những ngọn đèn (thơ, 1957)

- Tôi đến tôi yêu (thơ, 1965)

- Lẵng hoa hồng (thơ, 1968)

- Giữa hai chớp lửa (thơ, 1978)

- Én Đào (truyện thơ, 1979)

- Thơ Yến Lan (thơ, 1987)

- Cầm chân hoa (thơ tứ tuyệt, 1991)

- Thơ tứ tuyệt (tuyển tập, 1996)

 

Thi phẩm lục bát

 

Chạy mưa

 

Trống làng còn giục hội xuân,

 Nhớ nong tằm chín dời chân em về.

Nắng đeo theo đuôi tóc thề,

Tiếc xuân, chậm bước theo lề đường trưa.

Qua đồi, trời bỗng đổ mưa,

Chạy vào cổng thiếu thi vừa gặp nhau.

Cởi khăn thấm nước mái đầu,

Mở môi anh hé tiếng chào nào hay.

Đôi ta ảo mỏng mưa dày,

Bước đi thì ướt, đứng đây ngại ngùng.

Ban đầu ngoảnh mặt, xây lưng,

Mưa xiên, mái dột nên cùng chạm vai.

Không ngờ anh nắm bàn tay,

Mắt em muốn cắt đuôi mày của anh.

Giăng dân qua phiếm cây xanh.

Mưa hoa khúc nhạc, đôi mình so giây.

Tạnh rồi vẫn ráng ngồi ngây,

Lòng em dưới trận mưa này trỗ  hoa.

Về nhà bủa đã lên tơ,

Lứa tằm xuân, ấy vàng mơ ân tình.

Cùng xuân chân bén cỏ xanh,

Cánh đồng bờ giếng, bóng hình theo nhau.

Anh khen em thắm môi  trầu

Đôi vai gánh dịu, đường khâu chỉ đều.

Lòng em như cành cây  xiêu.

Kiểng chân anh hái đã nhiều đọt non.

Vượt qua tai ngóng miệng đồn.

Đôi đầu đến lúc trăng lòn so đôi.

 

Những ngày áo rách, cơm khoai,

Hai ta sớm đứng trưa ngồi khó khăn !

Canh gà rúc lạnh chiếu chăn,

Ngọn đèn không thắp tình thân đêm dài.

Chúng mình đôi hạt trấu xay.

Xác xơ thân rác cả ngày gà bươi.

Nỗi hờn nước mắt không trôi,

Vách thưa khó kín những hồi xót đau.

Hôm nào em đi hái rau,

Nửa nia thóc giống phơi sau chái nhà.

Bất ngờ một trận mưa sa.

Chạy về, anh mắng anh la đủ điều.

Vạch từ manh chiếu, mẻ niêu,

Cộng rơm trong bếp, cánh bèo ngoài ao.

Đôi ta nào phải thớt dao,

Đã không có cá làm nhau tội tình?

Ra vườn vạch lá duối xanh,

Trông đồi xuân cũ, nhớ tình buổi xưa.

 

Trách trời sao lắm cơn mưa,

Cơn làm sum họp, cơn đưa rã rời !

Trách thân rồi lại trách người.

 Rưng rưng giọt lệ, lau rồi lại sa.

 

Đêm sương lạnh áo, lạnh nhà.

Anh còn ngồi đó xót xa khác nào!

Vợ chồng, cái giận không lâu,

Xuân từ nghìn trước, tình sau vẫn còn.

Đôi ta, chim lạc sương rừng.

Bình minh trở lại trông chừng đường xa.

 

Bây giờ em mới nghĩ ra :

Vì đời chật chội nên ta hẹp hòi.

 

Đời ta sắp đẹp lên rồi,

Xuân này mở hội bên đồi nắng thưa.

Giá trời lại đổ cơn mưa,

Để cho trai gái cổng chùa gặp nhau.

 

Đi trong nắng mới

 

Mưa đưa thương nhớ về làng.
Mưa làm xa những dặm đàng, bến sông.

Chiều nay mở cửa ra trông:
Thấy làng đâu ? - Chỉ thấy lòng mà thôi!

Mưa ơi, thương nhớ bời bời,
Bời bời thương nhớ, mưa rơi, khuất làng

Quê tôi nắng mới võ vàng,
Dừa cao lểnh khểnh, cành xoan ngòng ngoèo.

Con đàng thì ngút cheo leo.
Mình đi chỉ bóng cùng theo với mình.

Làng tôi gió nhỏ thênh thênh.
Mưa thưa nhè nhẹ, trăng lên dịu dàng.

Làng tôi - khôn nói hết làng
Có người cứ mỗi chiều vàng nhớ tôi

(Tam Quan 1937, trích 'Những ngày nắng')

 

Cổ độ

 

Em đi bờ bãi cũng theo đi
Sóng lặng trường giang trải phẳng lỳ
Từ ấy lòng anh làm cổ độ
Câu thơ chờ đợi hoá chòm si.

(Trích 'Ngõ Trúc vàng', 1943)

  

Chiều qua Châu Thuận

 

Đến đây còn ấm nắng ngàn
Đồi son khướu hót cơ quan lá gài.
Sách thơm tủ kính mới bày,
Sân trường cô Thái giảng bài tiếng Kinh.
Thành cầu bóng nước rung rinh.
Bàn xa chiếc cáng hộ sinh trầy về.
Cửa hàng lâm sản mây che.
Ngựa thồ nối bước bên lề bướm bay.
Gặp người bạn cũ cầm tay,
Chỉ qua dốc núi: mai này lên cao,
Tiếng anh lẫn giữa tiếng chào
Kẻ qua sông mã, người vào Điện Biên;
Đôi bồ chị gái Hưng Yên.
Chiếc rương cành kiến cô em Thái Bình
Tiếng cười bản Thái dồn quanh,
Màu khăn 'piêu' đã hoá thành niềm vui.

Ta chào người ngược, ta xuôi.
Giữa hoa ban trắng núi đồi miền Cao.
Trên đường 'sóng chụ sôn sao'
Miền xuôi thêm những môi đào gởi lên.

Dốc cao vẳng một tiếng khèn
Chàng trai Mèo tự Pha Din đến gần.

Qua đây trùng điệp núi ngàn.
Nghe rung là biếc âm vang tiếng người.

 

Nắng sông Đà

 

Qua đò lạ bến đêm mưa
Sang canh khảm khắc ngủ chưa bản mường ?
Sao còn mế đó đầu thang ?
Sàn trong chiếu trải như dường chờ con...
Ngoài trời mưa vẫn cứ tuôn
Có se chiếc áo hong luồn sào tre ?
Ngày mai còn những suối khe
Giữa hai sườn núi rét nghe đã tràn

Bỗng đâu trong giấc mơ màng
Trở tay nghiêng, nắng đến choàng bên hông
Nửa như ríu ríu vô lòng
Nửa như bế bế bồng bồng đi chơi
Nghe làn tóc gội se hơi
Nghe con chim sẻ sân phơi nhặt mùa

Thơm thơm mùi cải nên dưa
Lại nồng men đất sá bừa lật qua
Nắng gần thoắt đã nắng xa
Lòng như theo nắng chợt ra chợt vào

Lạnh vai, sực nhớ đầu sào...
Ô hay! trời vẫn rào rào đổ mưa

Khi con nằm giữa nắng mơ
Ấy khi đốt lửa mẹ hơ áo giùm
Phải chăng ánh lửa bập bùng
Là tia nắng ấm mẹ trùm mộng con,

Mưa còn đứt nối từng cơn
Nhưng mang nắng ấy vượt nguồn, con qua
Nắng ơi, Gìơ nắng rất xa
Phải từ bản lẻ sông Đà, nắng lên.

(3-1962)

 

Trường trên bãi biển

 

Mái vàng dưới bóng phi lao,
Bốn bên gió thổi rì rào nắng bay
Nan mui lót dưới ghế thầy.
Ván khoang ghép lại mấy dây bàn trò.
Lưới lau phấn bảng phất phơ,
Dây neo chống bão quàng vô chái hè.
Chương trình sáng giữa liếp tre,
Vang vang tiếng kẻng đổ về thôn trên.

Thầy nhìn ra biển thấy thuyền.
Trò nhìn hiên xóm nong viền cá khô.
Những ngày động biển sóng xô,
Khiêng thuyền thầy giúp công khô đồng bào.
Những ngày tốt nước nhẹ phao,
Trò tan buổi học tranh nhau kéo nghề.
Bãi dương thêm bóng buồm về
Càng trơ bốt giặc nặng nề đổ quanh.
Kèo tre nối rộng mái tranh.
Cây chen bóng trẻ phủ xanh sân nhà.
Đụn dài còn đợi trông hoa.
Mùi hương như đã bay qua mái trường.

 

Xóm hành lang

 

Sóng lau ngoi ngóp trăng tà,
Đêm thu sương ngập xóm nhà lênh đênh.
Hèo mây vạch lối leo ghềnh,
Tiếng gà luồn giữa đồi tranh dẫn đường.
Ngựa thồ long ỏng dây cương,
Thoảng trong bao gạo mùi hương đồng bằng.

Lưng khòm xốc xếch nón chăn,
Người gài theo lá nguỵ trang giọng cười.
Trong sương bỗng có bóng người,
Vạch qua kẽ lán tiếng mời đã thân.
Lách mình vào xóm hành lang.
Đường lên mặt trận mỏng dần gian lao.
Dừng đây xỏ giép, khâu bao,
Hơ tay bếp lửa, kê đầu ống bương.
Sổ ghi kinh nghiệm đi rừng,
Lưng hằn lên mặt chiếu giường chút hơi.
Nồi treo nước suối reo sôi,
Giật mình những muốn sáng trời nửa đêm.
Nhìn ai mắt tím hoa sim.
Nghe ai giọng nói hay chim gọi cành
Ra đi thêm ban đồng hành,
Sát vai có cả mối tình hành lang.
Cuộc đời thêm vị măng giang
Nhớ đêm đưa đón năm trường dễ nguôi ?
Bên đường cán bộ ngược xuôi,
Ngọn đèn chờ khách tay người lần khêu!
Biết nhau khi lạn trăng đèo,
Biệt nhau giữa lúc chim kêu sáng rừng.
Ấm nhau lá thuốc, lát gừng,
Nhớ nhau còn đám mây hồng giăng ngang.

Trông vào, nhớ xóm hành lang
Nghe thu... chắc vạch lá vàng...trông ra.

 

Yến Lan

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: