I. Vài nét về tác giả
Đại tá – nhà thơ Tạ Hữu Yên sinh tháng 7/1927 tại thôn Đông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Các bút danh khác: Lê Hữu, Xuân Hữu, Đông Xuân, Cử Tạ.
Hiện đang sinh sống tại Hà Nội.
Hội viên Hội Nhà văn Việt
Nhà thơ Tạ Hữu Yên từng làm các công tác tuyên truyền, địch vận, cán bộ, dân quân trong quân đội, thư ký tòa soạn báo Quân khu Hữu Ngạn, Trưởng phòng phát thanh địch vận Cục Nghiên cứu, cán bộ biên tập sách văn học NXB Quân đội Nhân dân. Trước khi nghỉ hưu, ông mang quân hàm đại tá.
Tác phẩm đã xuất bản: Gửi người bên kia chiến lũy; Bài thơ chính nghĩa (diễn ca, 1950); Tiếng ca xanh (thơ, 1983); Bàn tay hoa văn (thơ, in chung, 1985); Bức chân dung (thơ, 1985); Nỗi nhớ ngày thường (thơ, 1987); Ngọn súng biên phòng (trường ca, 1983); Sấm dậy trưa hè (trường ca, 1984); Thung lũng lửa và hoa (trường ca, 1988); Truyện hay nhớ mãi (truyện, soạn cùng Thái Vũ, 1988); Nữ tướng Việt Nam (biên soạn, 1991); Dương bản những cái chết (soạn cùng Lữ Giang, 1994); Hoa Lư xưa và nay (soạn cùng Vũ Bão, Lữ Giang, 1995); Chuyện kể về Bác Hồ (biên soạn, 1994, 1995).
Giải thưởng văn học: Giải thưởng của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH... cho các bài thơ được phổ nhạc thành bài hát được nhiều người yêu thích: Đôi dép Bác Hồ (nhạc Văn An); Cảm xúc tháng Mười (nhạc Nguyễn Thành); Bài ca Thanh niên (nhạc Thanh Phúc); Người chiến sĩ trung kiên (nhạc Huy Du); Đất nước (nhạc Phạm Minh Tuấn); Nói với khơi xa (nhạc Văn An)...
II. Thi phẩm lục bát
Hoa và nụ cười
Sau hoa là một nụ cười
Sau nụ cười, ấm tay người trồng hoa
Quê em vườn thắm Ngọc Hà
Gửi hương đến những nơi xa, nơi gần
Đất giàu nên bốn mùa xuân
Nắng mưa cây vẫn nhú mầm kết hoa
Cánh ong Hà Nội mượt mà
Cần cù năm tháng cho ta ngọt ngào
Áo ai thoáng sắc hoa đào
Chiều rồi
Nụ hoa uống đã nắng trời
Vào đêm lặng lẽ gửi đời chút hương.
(Xuân 1977)
Gạch hồng như nét hoa cười
(Kính tặng công trường Chiến Thắng,
Quân khu ba)
Đứng trên dải đất ven sông
Tôi nghe nhịp máy - tiếng lòng của tôi
Kinh Thầy chở sóng ra khơi
Tuần Mây – mây lững lờ trôi. Nắng về
Cao cao nhà máy ven đê
Đất quê lên sắc bốn bề ửng tươi
Gạch hồng như nét hoa cười
Vừa vào đông, ngỡ đất trời đã xuân
Bàn tay chiến sĩ nhân dân
Dẹp xong giặc lại chuyên cần dựng xây
Mồ hôi đổ xuống đất này
Cho nhà máu gạch chở đầy niềm vui
Tiếng ai hát đó đầy vơi:
“Người ơi ở lại. Người ơi đừng về…”
Phải câu quan họ đồng quê
Mà lời em hát làm mê lòng người?
Anh nhìn viên gạch màu tươi
Dậy như má tuổi đôi mươi căng tròn
Mới hay câu hát có hồn
Cầm viên gạch thấy bồn chồn trên tay
Tầng cao em lướt mạch bay
Nhớ chăng, viên gạch đất này - Hải Hưng
(26-12-1976)
Hạ Long vào giấc thần tiên
Hạ Long chiều xuống rất nhanh
Lặng tờ mặt vịnh hoá thành thảm nhung
Biển ôm tia nắng cuối cùng
Vào trong giấc ngủ mịt mùng, hoang sơ
Hòn Con Gà đứng ngẩn ngơ
Trầm ngâm như thể đợi giờ gáy ran
Trời cao óng ánh màu than
Vào đêm cho vẻ kỳ quan thêm tình
Cửa hang - thuyền cá náu mình
Cánh buồm gió lặng, buông mành ngủ ngoan
Mở ra, đỉnh núi chon von
Những nòng pháo thức, quay tròn. Sương rơi
Hồng Gai chật chội tiếng cười
Khúc ca vui để dành lời về than
“Biển cho cá. Mỏ cho vàng…”
Tiếng em hát những ngỡ ngàng lại say
Lời ca là của hôm nay
Như Hạ Long nước dâng đầy.
Triều lên
Bồng bềnh con sóng ru êm
Hạ Long vào giấc thần tiên.
Đêm dài…
(Đông, 1976)
Lửa đuốc
Chưa đêm nào như đêm nay
Thoảng nghe tiếng hát đã say lòng người
Đêm nay. Tiếng hát đổi đời
Đến ngôi sao tận cuối trời cũng vui
Giương cao đuốc nữa, má ơi!
Cho tỏ mặt người, cho sáng lời ca
Làng ta lại thuộc về ta
Nhà mình mình lại về nhà mình thôi
Bao năm cay cực quá rồi
Rào gai những cửa lòng người mà đau
Má thèm nhai một miếng trầu
Nhưng vôi thì nhạt còn cau thì già
Đời buồn từ thiếu tiếng gà
Cái sinh nở những tưởng là chột thui.
Giương cao đuốc nữa, má ơi!
Quê ta chuyển đất rung trời đêm nay
Trăm vùng đã đổ cờ bay
Bóng đêm tan biến. Ánh ngày lung linh
Ruộng đồng, nương rẫy về mình
Phố phường, thành thị hồi sinh xuân này
Miếng trầu cô bác trao tay
Thắm sao môi má giữa ngày hội vui
Tiếng gà gáy giục nơi nơi
Khói lam cùng ánh mặt trời đã lên
Đêm nay lửa đuốc hồng thêm
Bàn chân nổi dậy trăm miền gần xa
Rầm rầm kia tiếng pháo ta
Đòn tiến công những tưởng là sấm ran
Đất quê ấm nóng sao vàng
Chiến công đầy ắp. Mùa màng bội thu.
(Cuối Xuân, 1975)
Tạ Hữu Yên