Thứ sáu, 22/11/2024,


Nguyễn Trọng Oánh (16/12/2008) 

I. Vài nét về tác giả

 

Tác giả Nguyễn Trọng Oánh sinh ngày 1/11/1929 tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Bút danh: Nguyễn Thành Vân

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Nguyễn Trọng Oánh xuất thân trong một gia đình nông dân, là học sinh trung học tham gia Cách mạng tháng Tám, hoạt động thanh niên ở địa phương, sau nhập ngũ vào Đại đoàn chủ lực 304, chiến đấu trên nhiều chiến trường phía Bắc.

Ông từng là cán bộ tuyên huấn, tham gia làm báo trung đoàn và đại đoàn.

Năm 1955, được điều về trại sáng tác viết truyện anh hùng của Tổng cục Chính trị.

Năm 1957, Tạp chí Văn nghệ Quân đội thành lập, ông là thành viên ban biên tập đầu tiên của tạp chí.

Trong những ngày không quân Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, ông công tác ở tuyến lửa khu 4, từng sống với các chiến sĩ cao pháo ở Cầu Cấm, Bến Thủy, sông Gianh và đảo Cồn Cỏ.

1967, ông vào Nam chiến đấu, thoạt đầu vào Tây Nguyên, về sao vào B2 làm biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Khi nhà văn Nguyễn Thi hy sinh, ông thay thế làm Tổng biên tập tạp chí, vừa chăm lo tờ báo vừa đi xuống đơn vị, cơ sở lấy tài liệu sáng tác.

Năm 1975 cùng đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí minh tiếp quản Sài Gòn.

Khi thống nhất đất nước, Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng sáp nhập với Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông trở ra Hà Nội tiếp tục công việc sáng tác.

Đầu năm 1980, ông được bổ nhiệm là Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Năm 1984, đại tá, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh xin cấp trên miễn nhiệm để chuyên sáng tác. Ông vừa viết văn vừa làm thơ.

Do bệnh hiểm nghèo, ông mất ngày 24.12.1993 tại Hà Nội.

 

Tác phẩm đã xuất bản: Thơm hương bốn mùa (thơ, 1961); Ngày đẹp nhất (thơ, 1974); Lời người cầm súng (thơ, 1977); Nhật ký chiến dịch (ký sự, 1977); Đất trắng (tiểu thuyết, 2 tập, 1979-1984); Con tốt sang sông (tiểu thuyết, 1989)...

 

Giải thưởng văn học:

- Giải thưởng Hội Nhà văn (1977)

- Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng (1984) bộ tiểu thuyết Đất Trắng.

 

II. Thi phẩm lục bát

 

Biên phòng

 

Gặp nhau chưa hỏi, chưa chào

Anh rằng tôi ở trên cao mới về

Mũi giày ướt sũng nước khe

Bàn tay vạt áo đỏ hoe đất đồi

Hiểu thôi phải nói chi dài

Rừng xa nghe lạc một vài tiếng mang

 

 Dừng chân con ngựa chí vang

Trên lưng còn một ít sương đêm rừng.

 

Khóc Bác

 

Bác đi, Bác đã đã rồi

Tin đâu sét đánh ngang trời sớm nay

Mênh mông trời đất cao dày

Nỗi đau thế kỷ một ngày xé tim !

Tưởng Người tuổi thọ còn thêm

Để cho con cháu thỏa nguyện, Bác ơi !

 Ngày vui, thống nhất đến rồi

Tháng Năm sen đỏ Tháp Mười dâng hương

Cờ sao rợp phố Sài Gòn

Bác vô cho cháu, cho con thấy Người

Được nghe một tiếng Bác cười

Được nhìn mái tóc một đời phong sương

Bõ khi Tây ép Mỹ ruồng

Hai lăm năm : một đêm trường tối tăm.

 

Một đời đi trước lo chung

Khải hoàn mai đó sao không có Người

Đau lòng con lắm, Bác ơi

Vui sau: chưa trọn niềm vui Bác Hồ!

Giận mình chiến thắng chưa to

Mười lăm năm để Bác chờ, Bác mong

Bây giờ lại dặn non sông

Con xin tạc dạ ghi lòng, Bác ơi

Dẫu cho gian khổ còn dài

Con đường đã vạch theo Người con đi.

 

Vinh quang là đất nước này

Ngàn năm sông núi, cỏ cây ơn Người

Bác đi, Bác đã đi rồi.

Ngày mai ánh điện xanh trời Việt Nam

Mênh mông biển bạc, rừng vàng

Giang san ta đó, giang san Bác Hồ

Đẹp từng chiếc gối em thơ

Trời cao, biển rộng, giấc mơ dịu hiền.

 

Ngày nào Bác khóc Lê-nin

Trời mây hôm ấy có đen thế này ?

Năm mươi năm lại một ngày

Đau thương lại chất thêm đầy thế gian

( Hỡi ai cực khổ bần hàn)

Lời ca sôi sục tim gan triệu người

Ngôi sao dẫu tắt trên trời

Ngàn năm ánh sáng vẫn soi đất này.

 

Vĩnh biệt Người buổi chiều nay

Cho con khóc trọn một ngày đau thương

Ngày mai lau lệ lên đường

Con thề quét giặc, san đồn con đi.

 

Đồng hương

 

Giữa đường nghe tiếng đồng hương

Nao nao lại tưởng Trường Sơn quê mình

Đêm rừng giọng nói thêm thanh

Gặp nhau chưa hỏi đã thành quen nhau

Anh ở đâu ? Em ở đâu ?

Con sông ? Bến nước ? Nhịp cầu làng ta ?

 Ngày nào gần đó mà xa

Ai hay ngàn dặm đi ra lại gần

Từ nguồn nước đổ ra sông

Trăm con thác họp một dòng ra khơi

 Rừng đêm lửa đỏ mặt người

Bàn tay thêm ấm, nụ cười thêm xinh

Nói  đi em, giọng quê mình

“Nước non là nghĩa, là tình ai ơi!”

Uớc nghe thôi, một tiếng cười

Ước nhìn thôi, dáng một người  đồng hương

Niềm vui lại giục nẻo đường

Một quê hương, một chiến trường đôi ta

Kể đi em, chuyện quê nhà

Mùa cam có đậu, mùa cà có sai ?

Lửa đêm có đỏ thôn chài?

 Chiều liên hoan có những ai lên đường ?

 Giữa rừng gặp mặt  đồng hương

Tưởng như gặp cả hậu phương quê mình

Chiến trường là nghĩa tử sinh

Mà quê hương đó là tình keo sơn

 Đưa nhau đi một quãng đường

Hẹn ngày mai nhé về làng đợi nhau

 Hậu phương, tiền tuyến xa đâu

Trường Sơn nối một nhịp cầu đôi ta.

 

 

Không đề

 

Bước chân đánh giặc trăm miền
Tôi đi qua những con thuyền bến sông…
Thơ yêu chẳng có một dòng
Tôi yêu, tôi để trong lòng tôi yêu…


Dẫu cho những sớm những chiều
Mưa Trường Sơn thấm ướt nhiều trong thơ

Dẫu cho ai có mong chờ
Tôi không dám ước ai chờ đợi tôi!


Sân ga vang một tiếng còi
Khói bom hôm ấy bầu trời ngổn ngang
Hòa vào dòng lá ngụy trang
Tôi đi, mất hút trong hàng, bóng tôi


Bài thơ từ đó không lời
Tôi mang theo suốt một đời làm thơ

 

Nguyễn Trọng Oánh

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: