Chủ nhật, 24/11/2024,


Anh Ngọc (08/12/2008) 

I. Vài nét về tác giả

 

Nhà thơ Anh Ngọc tên thật là Nguyễn Đức Ngọc, sinh vào mùa thu năm 1943 tại Nghi Lộc, Nghệ An.

Các bút danh: Anh Ngọc, Ly Sơn.

Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông giảng dạy ở Trường Thương nghiệp rồi trở thành lính thông tin liên lạc và gắn bó với quân đội đến tận bây giờ. Anh Ngọc từng là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, biên tập viên của tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông nổi tiếng từ chùm thơ được giải nhì cuộc thi Báo Văn nghệ 1972-1973 trong đó có bài thơ 'Cây xấu hổ' sáng tác vào ngày 31/5/72 tại mặt trận Quảng Trị.

 

Tác phẩm:
* Thơ
- Hương đất màu cờ
- Ngàn dặm và một bước
- Sông Mê Kông bốn mặt
- Điệp khúc vô danh
- Thơ tình rút từ nhật ký
- Sông núi trên vai
- Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi
* Truyện ký
- Ba cuộc đời một trái bóng
* Dịch
- Độc thoại của Marilyn Monroe (thơ Nga nhiều tác giả)
- Những kẻ tủi nhục (Fedor Dostoievski)

 

II. Thi phẩm lục bát

 

Cỏ may

 

Bấy lâu ở rừng với già
Hành quân nay lại về qua thôn làng
Đang đi cúi xuống ngỡ ngàng
Gấu quần đã dệt hàng ngày cỏ may
Nực cười cỏ chẳng có tay
Không kim chỉ cũng vá may hữu tình

Một đàn em nhỏ xinh xinh
Từ đâu thoắt đã bên mình vây quanh
Tay mềm ngón ngón đưa nhanh
Nghịch thôi mà sạch sành sanh gấu quần

Mấy o con gái xa gần
Bàn nhau đón giải phóng quân về làng
Đường kim mũi chỉ dịu dàng
Nhặt thưa thôi lại hàng hàng vá may

Trèo non lội suối bao ngày
Thấy cỏ may nhớ bàn tay nhớ hoài...

(17-6-1972)

 

 

Thơ vui tặng con

 

                     (Cho bé Anh Quân)

Con đi sơ tán cùng bà
Ba-lô con cóc bố ra chiến trường
Bố tiền phương, con hậu phương
Mình mẹ ở giữa nhớ thương chia đều
Mẹ thăm con những sớm chiều
Thư ra tiền tuyến lại nhiều chuyện con

Hành quân được buổi trăng tròn
Nhìn trăng bố nghĩ đến con ở nhà
Ước gì bố hóa cây đa
Con thành thằng Cuội, gốc đa con ngồi

Bố đi ngàn dặm xa xôi
Suối sâu dốc thẳm núi đồi lô nhô
Đường trơn không ếch cũng vồ
Gặp cây cầu khỉ bố bò như con
Ổi rừng chát mấy cũng ngon
Thấy con bướm đậu giống con bố rình

Thơ vui bố gửi chút tình
Nhớ con nên lại thấy mình giống con.


(Miền Tây  1-11-1972)

 

Năm nay thăm vườn Bác

 

Biết rằng xuân đã sang mùa
Đất nâu vườn Bác hương vừa bén chân
Đường xoài lắc rắc mưa xuân
Mưa hay nắng trắng trong ngần lá thưa
Gió đông lay động tàu dừa
Nhà sàn thấp thoáng đơn sơ mái rèm
Gặp vòm đại thụ Trường Sơn
Nhớ cây mắc võng chiến trường thân quen
Phải cành hoa dại không tên
Đường xa hoa vẫn nở bên chiến hào
Chưa cầm lộc biếc cành cao
Giọt sương ấm đã rụng đầy bàn tay

Về thăm vườn Bác xuân này
Bước chân xum họp in đầy lối đi.


(Ngày bầu cử Quốc hội cả nước, 25-4-1976)

 

Giá như

 

Nhớ xưa em bảo cùng anh:
Nếu mai hai đứa chúng mình chán nhau
Thì đời buồn biết bao nhiêu...
Vô tư anh chẳng nghĩ điều ấy đâu

Ngày vui thấm thoắt qua mau
Bây giờ mình đã xa nhau thật rồi
Người xưa đã vắng bên trời
Lời xưa đã hoá thành lời tiên tri
Tình yêu đến, tình yêu đi
Biết chăng thì cũng làm gì được đâu

Giá ngày ấy chẳng gặp nhau
Chẳng trao ánh mắt, chẳng trao nụ cười
Thản nhiên hai cái mặt người
Dửng dưng đi giữa cuộc đời dửng dưng
Rồi ra mỗi đứa một đường
Không xao xuyến, chẳng vấn vương trong lòng
Chẳng buồn, chẳng nhớ, chẳng mong
Đêm không mộng mị, ngày không đợi chờ...

Giá như hai đứa... ngày xưa
Chán nhau ngay lúc mới vừa gặp nhau...


(27-1-2007)

  

 Bài ca Vầng trăng và chiếc dép

 

Cháy lên như một vầng trăng
Là đôi dép lốp những đêm tối trời
Thuỷ chung dép ở với người
Thương nhau nên phải rút quai đốt dần


Đường xa lạc lối hành quân
Lên đèo đau nỗi bàn chân không giầy
Thẹn thùng như dép không quai
Vầng trăng mỏng đế dép dày thương em


Ví dù cách mặt khuất đêm
Thì xin chân cứng đá mềm được chăng
Cửa rừng gặp một vành trăng
Nhịp cầu bán nguyệt bắc ngang lưng trời


Trăng như chiếc dép đánh rơi
Ai qua gửi lại cho người đi sau.

 

(Tập Sông núi trên vai - 1995)

 

Anh Ngọc

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: