I. Vài nét về tác giả
Nhà thơ Bảo Định Giang (1919-2005)
Tên thật là Nguyễn Thanh Danh
Nguyên quán tại Xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Các bút danh: Bảo Định Giang, Nguyễn Thanh, Thu Thủy, Văn Kỹ Thanh, Nguyễn Tịnh Hà.
Ông nguyên là Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông trở về Nam, làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TPHCM và Tổng Biên tập Tuần báo Văn nghệ TPHCM
Ông được tặng Huân chương Độc lập hạng nhì , Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huy hiệu thành đồng Tổ quốc, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huy chương vì sự nghiệp văn học VN...
Tác phẩm đã xuất bản:
- Đường giải phóng (thơ, 1977)
- Đêm huyền diệu (thơ, 1985); Sen đồng (thơ, 1990)
- Ca dao Bảo Định Giang (1990)
- Đảng - lời quyền (thơ, 1991)
- Trong mỗi trái tim (thơ, 1993)
- Thuyền chở đạo (thơ, 1994)
- Hả dạ (kịch, 1949)
- Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga (kịch bản phim, 1990)
- Thơ, văn yêu nước Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX (nghiên cứu, 1962)
- Những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX (nghiên cứu, 1990)
- Văn nghệ - một thời để nhớ (sưu tầp, 1996)
Giải thưởng:
- Giải thưởng ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tác phẩm Trong mỗi trái tim
II. Thi phẩm lục bát
Đẹp mùa trăng
Đêm rằm làm đẹp Thủ đô
Hôm nay mười sáu trăng vô Sài Gòn.
Non sông một dải xanh rờn
Mai kia ta gặp trăng non nơi nào?
Đêm Cao Lạng, đêm Cà Mau
Thênh thang đất nước, ngọt ngào tình trăng.
(Bờ sông Sài Gòn, tháng 6-1976)
Chờ đón nhau
(Kính tặng các bạn chí nguyện quan
đi tác chiến một chiến trường xa nước)
Làm trai cho đáng danh trai
Xông pha muôn dặm ra ngoài chốn xa.
Trăng liềm đêm tối mồng ba
Như con mắt liếc nẻo xa muôn trùng!
Người đi hăm hở ruổi dong
Càng xa càng nặng nỗi lòng cố hương
Người về muôn nhớ nghìn thương
Tình này xin hãy tỏ tường mai sau...
Lòng kính dòng nước đục ngầu
Khuất rồi tôi vẫn trên cầu vẫy đưa
Yêu nhau nói mấy cho vừa
Vinh quang ngày ấy xin chờ đón nhau!
(Sa Đéc, tháng 4 - 1949)
Em không buồn nữa
(Tâm sự của bé Kiều, liên lạc viên
của đội Tuyên truyền, chiến khu Khu 8)
Mồ côi má lúc lên năm
Ba em mất tích không tìm đâu ra.
Em không biết nữa quê nhà
Nơi đâu và lại ở xa hay gần.
Đời em cơ cực trăm phần
Ba nuôi em bắt đợ đần người ta.
Em nay tuổi đã mười ba
Bụng ham được học, ai mà cho đi.
Nhỏ như em chẳng thiếu gì
Sớm trưa cắp sách đi về vui sao!
Dắt trâu ăn cạnh bờ ao
Chiều chiều nhớ má buồn sao là buồn!
Cái hôm em trốn vô rừng
Gặp anh bộ đội mừng làm sao!
Nghe anh cắt nghĩa ngọt ngào:
(Làm dân có nước, đồng bào phải thương).
Em đi liên lạc dẫn đường
Rảnh rang lấy sách anh thường dạy cho
(Chương trình cứu quốc) mấy tờ
Say sưa em đọc không giờ nào thôi.
Lòng em nay ấm lại rồi
Như ngày có má, như hồi còn ba!
(Tân An, đêm 30-5-1947)
Kết quả
Hàng ớt chín đỏ bờ kinh
Đám cà tím ngát, líp hành mướt ô
Dây lang xanh mịt phủ bờ
Dưa leo, mướp khía đu đưa nặng giàn
Anh em trong bụng vui thầm:
Mới trồng độ nọ có ăn dạo này!
Vô phân tưới nước liền tay
Nhânviên, cán bộ hàng ngày quyết tâm.
Đi ngang xuống thảy ngưng dầm
Nhìn đứt con mắt, khuất vàm mới thôi.
Mười người chắc lưỡi cả mười:
"Cơ quan tiến bộ quá trời, các cha!"
Từ ngày quyết chí tăng gia
khẩu phần tính trội bằng ba lúc thường
Cơ quan đoàn kết vô phương
Gia lao cùng chịu tình thương càng buồn.
(Mỹ Tho, 1950)
Mẹ già bên sông
Nửa đêm trời cứ đổ mưa
Lần trong lau sậy tìm đò đưa sông
Đến bờ nói đến tiền nong
Ai ngờ mẹ giận, giọng không tán thành:
(Đem thân gách vác việc mình
Lấy tiền bộ đội sao đành hở con!)
Ngập ngừng... mẹ lại thở than:
(Trời mưa mà cũng đi làm... tội không!)
Bạn nghe cảm động khôn cùng
Tôi nghe thấy ấm trong lòng ấm ra
Trời mưa không dứt, đường xa...
Vừa đi vừa nhớ mẹ già bên sông!
(Trà Vinh, 6-1947)
Mùa Ô môi
Tiếng gà gáy rộn trong thôn
Lần nương theo lối đường mòn tôi đi...
Dặm dài chân mỏi sá chi
Miễn sao hội nghị kịp kỳ ngày mai
Qua năm cầu khỉ lắt lay
Qua hai đồng cỏ sình lầy ngập chân
Giấy tờ tuy gọn trong khăn
Cầu tre lắt lẻo có lần tưởng rơi
Nghe chừng bụng đói đến nơi
Đồng không... chẳng thấy bóng người, cứ đi...
Mặt trời đỏ ối... Ơ kìa!
Ô môi nở rộ kịp thi màu hồng.
(Cái Bèo, Sa Đéc, 1945)
Mùa chiến công
(Tặng đoàn ca múa nhân dân giải phóng)
Vui chi chim nhỏ của ta
Gió mưa chưa tạnh, bay ca khắp rừng?
Phải chăng chim được tin mừng
Quân ta thắng lớn
Không ngừng hò reo?
Hẹn ngày mai nhé chim yêu
Nắng lên... ta sẽ bay theo quân mình.
Ta về vui với kinh xanh
Vui đồng lúa chín đi giành mùa xuân.
Chim nghe sung sướng khôn cùng
Cất cao giọng hát
Cây rừng xôn xao...!
(Chiến khu Nam Bộ, 9-1970)
Ngày xuân nhớ Người
Ngô đồng đã trổ đỏ làng
Đàn cu cũng đã gáy vang đầu bờ
Tết về ta nhớ Bác Hồ
Tuổi chồng lên tuổi, Người chưa hẳn già!
Một năm rồi một năm qua
Người thêm khoẻ mạnh là ta vui mừng
Bao giờ Đọc lập, ngày xuân
Ta đi ta nấu bánh chưng dâng Người.
Bây giờ Người ở xa xôi
Bánh chưa gửi được, mượn lời kính thăm.
Quay đầu về Bác đăm đăm
Những mong những ước: muôn năm Bác Hồ!
Phơi phới
Đi nhanh vã cả mồ hôi
Trời trưa nắng gắt ta ngồi xuống đây
Bờ ao dưới gốc trâm này
Bạn ơi cơm gói hãy bày ra ăn
Mệt rồi bạn có nghie chân
Rơm kia là chiếu là chăn của mình!
Mênh mông mây trắng đồng xanh
Trong mơ... nghe dậy bao tình quê hương!
Cầu Kè (Trà Vinh), hè 1947
Thời gian và không gian
Trước ta ngàn vạn anh hùng
Sau ta lớp lớp thần đồng tiến lên.
Nhân dân là biển mênh mông,
Ta trong biển ấy làm nên sóng thần.
Dẫu đời chưa sạch bụi trần,
Lung linh ngọc bích trong ngần Đảng ta!
Sáng lòng nên ấm giọng ca,
Nhịp đều tay nhỏ hoá ra sấm rền.
(Hội trường Ba Đình, 20-12-1946)
Bảo Định Giang
Trần Trọng Tâm - lapphuongte@yahoo.com - 0973676756 - Thị trấn Liễu đề,Nghĩa Hưng Namđịnh
(Ngày 10/01/2010 06:10:06 PM)
Đọc thơ của ông chúng ta Là nhũng thế hệ sau mới thấy được sự hy sinh và tấm lòng kiên trung đi theo Đảng ,theo bác HỒ của nhà thơ Chiến sĩ cach mạng Bảo Định Giang kính mến ! Xin thăp nén nhang thơm trước hương hồn thơ ông ! ông đáng vinh danh được nthận những phần thưởng to lớn của Đảng của nhân dân ...Và thơ ông sẽ sống mãi...
|