I. Vài nét về tác giả
Hữu Thỉnh sinh ngày 15 tháng 2 năm 1942 tại làng Phú Vinh (hay Phước Vinh), xã Duy Phiên, huyện Tam Dương (nay là huyện Tam Đảo), tỉnh Vĩnh Phúc.
Tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh
Bút danh Vũ Hữu
Nhà thơ Hữu Thỉnh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1976
Hữu Thỉnh hiện là chủ tịch Hội Nhà văn Việt
Sau 1975, Hữu Thỉnh học Đại học Văn hóa và là một trong số những sinh viên khóa đầu tiên của Trường Viết văn Nguyễn Du
Từ 1982, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ cán bộ biên tập, Trưởng ban thơ, Phó Tổng biên tập của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Từ 1990 đến nay, Hữu Thỉnh chuyển sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, từng là Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ, tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn các khoá 3, 4, 5, Ủy viên Ban Thư ký khoá 3.
Hữu Thỉnh đã lần lượt đảm nhiệm chức trách Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhà văn Việt Nam (nay là chức Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam), Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (3 lần)[2], đồng thời kiêm nhiệm Ủy viên thường vụ Đảng ủy khối Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Bí thư Đảng ủy Đảng bộ cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam. Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt
Tác phẩm
Hữu Thỉnh có những thi tuyển và những bản trường ca sau:
Âm vang chiến hào (in chung);
Đường tới thành phố (trường ca);
Từ chiến hào tới thành phố (trường ca, thơ ngắn);
Khi bé Hoa ra đời (thơ thiếu nhi, in chung);
Thư mùa đông.
Trường ca biển.
Thương lượng với thời gian.
II. Thi viện lục bát
Hai nhà
Hai nhà dựa lưng vào nhau.
Cành xoan bên ấy ngả đầu sang đây.
Lá sả đấy gội đây say.
Ru em bên ấy, bên này thiu thiu.
Hôm qua bên ấy lẩy Kiều.
Bên này căm mãi cái mưu Tú bà.
Mải nghe chênh chếch trăng tà.
Đầu hồi bên ấy ngả qua bên này.
Ai ơi nắng đã sang ngày.
Mái lá bên này choàng cả bên kia.
Đất ru
Tôi xin làm cỏ ru anh
Trồng cây ơn nghĩa xung quanh hồn người
Tôi ru nhẹ bớt mưa rơi
Sương tan sơm sớm nắng trời rộ mau
Bên bồi bên lở về đâu
Bên trong bên đục dài lâu tình đời
Có anh trong mỗi buồn vui
Trăng treo gọi trẻ mắt người vào thu
Có anh tiếng sấm gọi mùa
Trâu đàn lại gánh tua rua đi cày
Đá nồng vít mạch vôi xây
Có anh cho búp ngói này trông lên.
Ấm lạnh
Đêm nay là cái đêm gì nhỉ
Rét biến thành dây để trói tôi
Em kề bên hoa trước mặt
Ngày mai thương nhớ đã qua trời.
(Matxcơva, 1987)
Trông ra bờ ruộng
Trông ra bờ ruộng năm nào
Mưa bay trắng cỏ, cào cào cánh sen
Mẹ tôi nón lá bước lên
Mạ non đầu hạ trăng liềm cuối thu
Quanh quanh vẫn một mảnh bờ
Bây nhiêu toan tính đến giờ chưa yên
Mẹ tôi gạt cỏ bước lên
Cỏ dày, cây lúa phải chen nhọc nhằn
Xòe tay tính tháng tính năm
Tính người? Nào biết xa xăm cõi người
Gié thơm ai đã gặt rồi
Đồng quang bóng mẹ nắng nôi một mình...
Trước tượng Bay – on
Ở đây Trời bị bỏ quên
Hoa biếng nở, đá đá chen hết người
Đá đang rợn ngợp trước tôi
Cánh tay đeo ngấn bao đời còn say
Quân kia, voi đấy, võng này
Mặt người với giọng đắng cay thuở nào
Tài tình chất một núi cao
Tài không che kín khổ đau kiếp người
Ba-on quay mặt vào tôi
Còn ba mặt nữa? Với người đâu đâu...
Trời đang chớp gió trên đầu
Nụ cười ẩn giữa binh đao, nói gì?
Ngất cao ấy một thành trì
Cửa nào? Ai mở? Bước đi chập chờn
Tự mình là cả núi non
Vẫn không thoát khỏi cô đơn giữa trời
Bốn phương với bốn mặt cười
Gần xa mờ tỏ sự đời Bay-on.
(Phnôm-pênh, 10-1986)
Chợ chim
Bồ quân bên suối chín vàng
Biến thành chợ của họ hàng nhà chim
Đầu têu tu hú chạy lên
Sẻ con giục mẹ bỏ quên cả giày
Chào mào chưa nếm đã say
Chim sâu bận mọn nửa ngày mới sang
Anh vũ mua bán đàng hoàng
Ăn xong múa lượn cả làng cùng xem
Bồ nông ở cữ ăn khem
Cà siêng có khách vội đem quà về
Con sáo mua bán màu mè
Quạ đen đánh quịt còn khoe đủ điều
Chú vẹt ăn bốc nói leo
Chèo bẻo đanh đá nói điều chanh chua
Chùm chim chùm quả đung đưa
Người bán thì một kẻ mua thì mười
Bồ quân được nết được người
Bán thì bán đấy chẳng đòi công đâu
Chỉ xin cái hạt về sau
Nhân ra ngàn quả làm giàu cho chim.
Mùa hạ đi đâu
Bà ơi mùa hạ đi đâu?
Chùm vải trọc đầu trốn biệt trên cây
Tiếng sấm trốn lẩn vào mây
Quạt nan nằm nhớ bàn tay của bà
Sông gầy, đê doãi chân ra
Mặt trời ngủ sớm, tiếng gà dậy trưa
Khoai sọ mọc chiếc răng thưa
Cóc ngồi cóc nhớ cơn mưa trắng chiều
Nghe bà, cháu mặc đã nhiều
Mà sao cái rét vẫn theo vào nhà
Cháu sà vào lòng của bà
Đôi tai đã buốt, tay xoa ấm dần
Cái lạnh chạy khỏi đôi chân
Hàm răng thôi khỏi va nhầm vào nhau
Bà ơi cháu đã thấy rồi:
Mùa hạ vào ở trong đôi tay bà.
Hữu Thỉnh