Thứ sáu, 22/11/2024,


Thu Bồn (25/08/2008) 

 I. Vài nét về tác giả

 

Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng (sinh ngày 1 tháng 12 năm 1935 tại Quảng Nam, mất ngày 17 tháng 6 năm 2003)

Sinh tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Năm mười một tuổi vào bộ đội và là thiếu sinh quân ở đơn vị biệt động chiến đấu. Trong thời gian chiến tranh Việt nam, ông làm phóng viên chiến trường Liên khu V sau đó về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thu Bồn là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ miền Trung Trung Bộ và ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV. Ngoài bút danh đặt theo tên dòng sông Thu Bồn quê hương, ông còn có các bút danh khác là Hà Ðức Trọng, Bờ Lốc.

Ngoài thơ, Thu Bồn còn viết tiểu thuyết, nhưng ông được biết đến nhiều với những bài trường ca, trong đó Bài ca chim Chơ Rao vẫn được coi là thành công có tính định hướng cho phong cách tiêu biểu của ông và “không những là tác phẩm từ miền Nam gửi ra khá sớm, mà còn là bản trường ca đầu tiên của văn học giải phóng” [1]. Đây là khúc ca ca ngợi lòng yêu tự do, ý chí bất khuất của những con người Tây Nguyên trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ được giảng dạy ở chương trình giáo dục phổ thông của Việt nam.

 

Các tác phẩm: Bài ca chim Chơ Rao (trường ca, 1962), Tre xanh (thơ, 1969), Mặt đất không quên (thơ, 1970), Campuchia hy vọng (trường ca, 1978), Oran 76 ngọn (trường ca, 1979), Người vắt sữa bầu trời (trường ca, 1985), Thông điệp mùa xuân (trường ca, 1985), Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (thơ, 1992)...

 

Các giải thưởng

Giải văn học Nguyễn Đình Chiểu

Giải thưởng văn học quốc tế Lotus của Hội Nhà văn Á Phi (1973)

Giải thưởng báo Hà Nội Mới (1969)

Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001

 

II. Thi viện lục bát

 

Linh hồn đá

 

linh hồn của đá là mây
linh hồn của đất là cây xanh rờn
phần con người có cô đơn
phần hoa có đẹp có hương thơm không lời
quá mù rồi đó mây ơi
bước thêm xíu nữa là rơi hai hàng
hai dòng lục bát chứa chan
từ trong đất lại tuôn tràn mắt em
gió là hồn biển thổi lên
mênh mông là nước bỏ quên chân trời
một trăm năm một ngàn đời
hai câu tuyệt vọng tuyệt vời bên nhau
nụ cười nước mắt vui đau
hai hàng lục bát giao nhau hai hàng
mai sau dù có lỡ làng
lời riêng xin gởi dưới hàng mi em
thương ai sợi nước mắt bền
cắt chia không đứt bắt đền khăn tay
nụ cười ai nếm thì say
còn linh hồn đá vẫn bay ngang trời.

 

Khúc dương cầm dưới trăng

 

Khúc này em dạo cho thơ
Mà sao cây lá ngẩn ngơ cả vườn?
Nguyễn Du ơi! Sổ đoạn trường
Nén vào chương kết dặm đường về khuya
Trăng xanh lá nơn đầm đìa
Trăng nghiêng như thể sớt chia cùng mình
Ngẫm thay một kiếp đa tình
Bất thình lình gặp bất thình lình xa

Ngày xưa thân phận đàn bà
Nay trăng nghiêng vẫn tà tà trăng say
Vẫn là muối mặn gừng cay
Xin đừng nhỏ giọt ngón tay em đàn
Họa mi ơi! Tiếng hót vàng
Nỉ non thánh thót lỡ làng phận ai?
Giữ cho vàng trọn kiếp mai
Bão bùng mưa gió không phai sắc màu
Ta về nơi trắng ngàn lau
Trăng chìm đáy nước nương nhau dìu về
Phím đời từng giọt tỉ tê
Giọt nào giã suối trẩy về trung châu
Giọt nào lưu lại dòng sâu
Giọt nào cuộn thác, giọt đâu lại nguồn?
Tạ từ nhắp giọng trăng suông
Trên kia núi cháy làng buôn lặng lờ
Người đàn cho ta ngâm thơ
Cớ sao dạ khúc làm mờ ánh trăng ?

 

 

 

Mưa tháng sáu

                  (Tặng C. L.)

dậy em thức dậy đi nào
cơn mưa tháng Sáu giăng rào kín sân
dậy đi để áp bàn chân
lên trên mặt đất quen thân dịu dàng
giọt mưa chéo giọt mưa ngang
giọt bay rát mặt giọt đan lưới thần
giọt nào ướt dưới bàn chân
mà nghe lạnh cả đầu sân góc vườn
giọt lênh láng giữa mặt đường
giọt rơi xuống giữa đời thường anh em
mưa làm cây lá chông chênh
gió xô ta sát lại bên nhau rồi
mưa làm cay rát làn môi
mưa trong đôi mắt xa xôi em nhìn
cơn mưa làm ướt tiếng chim
cánh hoa bảy nổi ba chìm là em
mưa như đời sẽ lãng quên
tiếng ca em hát khiến đêm hóa ngày
mưa như trời đất đang say
hàng cây chuếnh choáng khoác vai nhau về
mặt trời còn ngủ trong mê
cơn mưa trắng xóa cả quê hương mình
ơi cơn mưa bất thình lình
chiều nay rơi xuống tan tành trước sân
dòng sông chảy dưới bàn chân
giọt mưa giờ đã quen thân nơi này
rồi mai mưa gió qua đây
anh còn ở với cỏ cây... em về.

Hãy đến rồi đi... như gió!

 

 

Mong em về trước cơn mưa


                             (Tặng N.)

mong em về trước cơn mưa
mây giăng kín núi đò chưa cập cầu
thương em nhiều nỗi sông sâu
truân chuyên con nước biết đâu anh dò
ba mươi năm một chuyến đò
chưa xong chuyển lại thân cò sang sông
trăm năm một cõi bềnh bồng
chua chanh chát chuối vẫn nồng trầu cau
em còn đợi chuyến đò sau
hay là không thể đợi nhau bờ này?
em về lấy tóc chẻ mây
buộc anh đứng lại như cây sông Hàn
để cho anh với bạch đàn
ngẩn ngơ che nắng nhỡ nhàng trú mưa
lòng anh như tấm vải thưa
em con mắt tháng đung đưa ước gì?
thôi đừng cong nữa làn mi
trời sinh con mắt khỏi đi đường vòng
lòng anh con nước đang ròng
biển đau rút ruột cua còng chỏng chơ
lấy khăn mà gói bơ vơ
tay cầm nước mắt bao giờ sang sông?
gặp minh mang cũng mênh mông
nắng qua bao chuyến mà không nhạt nhòa
lòng anh rúc tiếng tù và
gọi đò mãi... bỗng nhớ ra gọi mình.

                    (Sông Hàn 1985)

 

 

Ngôi sao lạc loài


có khi quên hết mùa màng
có khi quên hết lúa vàng tầm tơ
cứ nhìn mây nước ngẩn ngơ
cái chi không biết là thơ hay nàng?
không còn gì ở thế gian
không còn gì nữa cả vàng lẫn thau
cứ mong trời sáng cho mau
trông trời tối gấp tối đau mặt trời
nên chi cả vốn lẫn lời
của tôi tiêu hết một thời trẻ trung
giờ đây ngồi nhớ mông lung
mắt em nhấp nháy giương cung dõi tìm
tôi là sợi chỉ không kim
luồn vô năm tháng trái tim rối bời
hát về sợi chỉ không lời
dứt ra từng đoạn cho đời mai sau
anh về xé một buồng cau
bắt thang lên hỏi cho mau ông Trời
bay lên vũ trụ anh mời
những vì tinh tú cùng thời với anh
tiệc mà toàn ớt với chanh
khen ngon nước mắt vòng quanh râu mày
tốn than tan chiếc lưỡi cày
ngưu lang chức nữ bị đày tầng cao
lên trời nên hóa vì sao
mỗi khi tối đến lao nhao gọi tình
đại hùng tinh tiểu hùng tinh
đều là ta cả đẹp xinh nhất đời
ta làm se dịu mặt trời
ta làm trái đất chói ngời mặt trăng
có khi làm chú sao băng
trốn về trái đất ăn năn một lần
rồi xin ở lại cõi trần
làm thơ nhóm bếp đỡ đần cho em.

 

 

Thiếu nữ Châu Ro

 

Vẫn là thiếu nữ Châu Ro
Đầu trần chân đất quạt mo tay cầm
Hỡi nàng tiên đẹp sơn lâm
Gót chân đá sỏi tím bầm lòng tôi

Em đi đâu đó em ơi
Phố phường xe cộ mù trời lạ chi
Em lên phố huyện mua gì?
Em mua đèn lửa phòng khi tối trời!

Người đi như nước bốc hơi
Đêm nay em ngả lưng nơi phố nào?
Em cười em nói chẳng sao
Vườn hoa hè phố biết bao chỗ nằm!

Tôi xa rừng mấy mươi năm
Vẫn chưa tính chuyện về thăm buôn làng
Tôi nhìn trời nắng chang chang
Nhớ thương cây lúa trên ngàn khát khô

Lòng ta ơi những sông hồ
Còn chăng hay đã kiệt khô nước rồi?
Khi mưa mưa trút cả trời
Khi khô khô khốc núi đồi vắng hoe

Còn đây một chút suối khe
Nhờ em hôm sớm chở che giữ gìn

Hỡi người lên núi hái sim
Vạch cây rẽ lá để tìm lại xưa

Tìm giùm dấu võng a đưa
Bàn tay em vuốt cơn mưa khét rừng
Xin đừng trở mặt quay lưng
Đất đai hãy đỡ gót chân con người

Thơ tôi làm thảm cỏ tươi
Làm đôi dép mỏng tặng người Châu Ro.

 

 

Thung lũng nhiều mây 

 

đến rừng nguyên thủy gặp mây
tìm trầm hương bỗng gặp cây quế rừng
khen ai khép xếp mây từng
bên kia núi hé một vầng trăng non
nửa đêm tiếng quốc gọi con
tôi ra đứng trước chon von mây trời
vầng trăng như nửa cuộc đời
trắng trong đau khổ tuyệt vời vầng trăng
em về khuất nẻo mây giăng
cỏ cây đã ngủ vầng trăng đã tà
tìm trầm ngậm ngãi phương xa
giờ tìm em giữa bao la núi đồi
ở đây mưa nắng bời bời
miếng cơm cũng quá một đời thương nhau
ở đây nắng chậm mưa mau
ở đây con ốc lá rau nổi chìm
ai quên hãy đến mà tìm
Phước Sơn thung lũng của miền thủy chung
tôi kêu ba tiếng gọi rừng
mây bay Sơn Mãi mây dừng lại đâu?
mây trôi... mây trôi... mây trôi
em về dưới ấy xa xôi phương nào?
nửa vầng trăng có xanh xao
nửa đời vất vả gian lao nửa đời
núi cao ba bậc tới trời
mà em chưa nói nửa lời cùng ta
lúc suối trẻ khi rừng già
thất thường mưa nắng như là tính em
đã cao rồi lại cao thêm
đã nghi ngút lại vút lên mặt trời
nghĩ gì mà núi nứt đôi
cao xanh chi lắm đơn côi một vùng
tôi tìm em giữa vô cùng
em là mây trăng lạnh lùng chơi vơi
chiều nay mây cũng về trời
tôi tìm ai giữa núi đồi Phước Sơn?

 

Thu Bồn 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: