Chủ nhật, 24/11/2024,


Bằng Việt (02/03/2009) 

I. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ

 

   Nhà thơ Bằng Việt tên thật là Nguyễn Việt Bằng, sinh ngày 15/6/1941 tại thành phố Huế.

    Nguyên quán: xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội.

    Ông từng là Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, hiện đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. 

    Năm 1965, sau khi tốt nghiệp khoa Pháp lý, Đại học Tổng hợp Kiev, Bằng Việt về Việt Nam, công tác tại Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.

    Năm 1969, ông chuyển sang công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam.

    Năm 1970, tham gia chiến trường Bình Trị Thiên với tư cách là một phóng viên chiến trường và làm tại Bảo tàng truyền thống cho đoàn Trường Sơn.

     Năm 1975, công tác ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới.

     Năm 1983, ông được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội (1983-1989) và là một trong những người sáng lập tờ báo Văn nghệ Người Hà Nội (xuất bản từ 1985).

     Từ 1989-1991: Uỷ viên Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng biên tập tờ tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam.

     Năm 2001, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và được bầu lại làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2006 - 2010.

     Tại Đại hội lần thứ VII Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (tháng 9 năm 2005), Bằng Việt được bầu làm một trong 5 Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

     Ông cũng từng làm Thư ký thường trực, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội (1991-2000).

Sau Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII, Bằng Việt đã đệ đơn lên Ban Chấp hành xin từ chức sau khi đã giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Thơ suốt hai nhiệm kỳ.

     Bằng Việt làm thơ từ năm 13 tuổi, bên cạnh đó ông còn là một dịch giả chuyên dịch tác phẩm của các tác giả nước ngoài, tham gia biên soạn một số bộ từ điển văn học.

 

Tác phẩm văn học

- Hương cây - Bếp lửa (Tập thơ 1968, 2005), đồng tác giả với Lưu Quang Vũ;

- Những gương mặt - Những khoảng trời - 1973);

- Khoảng cách giữa lời (1984);

- Cát sáng (1985), in chung với Vũ Quần Phương;

- Bếp lửa - Khoảng trời (Tập thơ - 1986);

- Phía nửa mặt trăng chìm (1995);

- Ném câu thơ vào gió (Tập thơ - 2001);

- Thơ trữ tình (2002);

- Thơ Bằng Việt (Tập thơ - 2003);

- Nheo mắt nhìn thế giới (Tập thơ - 2008).

 

Dịch thuật

- Hãy nói bằng ngôn ngữ của tình yêu (1978), thơ Yannis Ritsos (Hy Lạp), dịch chung với Tế Hanh, Phạm Hổ, Đào Xuân Quý;

- Lọ lem ( Thơ E. Evtushenko (Nga) - 1982);

- Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX (hợp tuyển thơ dịch - 2005), NXB Văn Học và Công ty Văn hóa Việt.

 

Biên soạn

- Từ điển Văn học (2 tập, NXB Khoa học xã hội, 1983-1984, đồng tác giả);

- Từ điển Văn học (bộ mới, NXB Thế Giới - 2004, đồng tác giả).

 

Giải thưởng văn học

- Giải nhất về thơ của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội (1968);

- Giải thưởng dịch thuật văn học quốc tế và giao lưu văn hóa quốc tế do Quỹ Hòa bình Liên Xô trao tặng năm 1982;

- Giải thưởng Nhà nước về văn học (2001);

- Giải thưởng thơ của Hội nhà văn Việt Nam (2002);

- Giải thưởng văn học ASEAN 2003 cho tập thơ 'Ném câu thơ vào gió';

- 'Giải thành tựu trọn đời' của Hội Nhà văn Hà Nội (2005) cho Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX.

 

 

II. THI PHẨM LỤC BÁT

 

Lục bát cầu may

 

 

 

Biết đâu say đắm vẫn còn

Thoảng cơn gió lạ ,nắng dồn sang mưa,

Xế chiều, quay lại giữa trưa,

Ngậm ngùi nối lại thời chưa biết gì ...

Ngậm ngùi ư ? Ngậm ngùi chi ,

Ngậm ngùi xong để quên đi ngậm ngùi ...

 

Biết đâu sau lớp tro vùi

Ngón tay em có phép cời lửa lên,

Vô tình thoát tục thành tiên

Một đời Từ Thức, một duyên Giáng Kiều,

Viễn du thay kiếp bọt bèo

Chân mây, đầu sóng ...cũng liều, biết đâu !

 

Cuộc đời, đâu luận trước sau,

Biết đâu họa phúc, biết đâu đọa đầy ,

Nếu làm mây, cứ như mây,

Một mai tan xuống đất này, được không ?

Nếu em là kiếp bềnh bồng

Thì tôi vĩnh viễn phải lòng phù du,

Nếu em khoát mở sa mù

Thì tôi vĩnh viễn hóa bờ bến xa,

Cầu may...tới cõi giao hòa,

Cầu may có được ngôi nhà biết yêu !...

 

 

 Trong rừng

 

Trong rừng... như có tuổi thơ

Ban mai, bóng nắng đã chờ bao năm,

Trong rừng... như có vầng trăng

Tròn xoe,vụng dại... đêm rằm quê xưa,

Trong rừng... như có sim mua

Ăn không biết chát, buồn chưa biết buồn !

 

Có gì run rảy tinh sương

Ru ta tới lẽ vô thường, nhẹ không!

 

 

 Cổ rồi

 

Cổ rồi, gió thổi mùa thu

Tình tang nhịp võng, lời ru... cổ rồi!

Áo the, quần đũi, yếm sồi,

Mớ ba, mớ bảy... em ngồi cùng ai?

Cổ rồi, con vạc con trai,

Môi trầu cắn chỉ, khuyên tai... cổ rồi!

 

Duyên xưa đã tếch về trời

Tít mù tăm cuốn một thời lùi xa,

Cuội già buồn với gốc đa

Đánh rơi cổ tích, trăng già trơ trơ!

 

Cổ rồi... khép nép, mộng mơ,

Tìm đâu áo trắng ngây thơ, chung tình ?!! 

 

Ừ thì…

 

Ừ thì nắng, ừ thì mưa,

Lập nghiêm mấy độ, vẫn thừa nhung nhăng!

 

Ừ thì gió, ừ thì trăng,

Chỉ trăng với gió, cũng rằng chơi ngông!

 

Ừ thì đục, ừ thì trong,

Tỉnh queo thế sự, vẫn hòng chuốc say!

 

Ừ thì đó, ừ thì đây,

Chưa đi xa, đã biết ngày đi xa,

 

Ừ thì bạn, ừ thì ta,

Một đời lắm bạn, ai là thương yêu?

 

Ừ thì sớm, ừ thì chiều,

Qua rồi, nghĩ lại... bao nhiêu nỗi buồn!

 

 

 

 

Đọc lại Nguyễn Du

 

Nhất sinh từ phú tri vô ích
Mãn giá cầm thư đồ tự ngu
(Một đời chuyên về từ phú, biết là vô ích
Sách đàn đầy giá, chỉ tự mình làm ngu mình!)
Mạn hứng - Nguyễn Du

Quá khuya. Chợt thấy mình già
Nhìn ra cửa sổ, mưa sa kín trời
Một đời gọi mãi: Người ơi!
Một đời khát vọng, một đời bồng bênh

Mê say là chuyện đã đành
Biết đâu tỉnh lại, nhân tình trắng phau
áo cơm se sắt mái đầu
Thương nhau mà giận, ngó nhau mà buồn!

Rạc dài chút phận văn chương
Cao sang nhòe lẫn tầm thường, ngẩn ngơ...

 

Bằng Việt

Điện thoại: 0903403893

Email: ngbangviet@gmail.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: