Thứ sáu, 18/10/2024,


Cốc nước chè xanh (Truyện ngắn của Vũ Đảm) (27/04/2012) 
 
            LBT: Nhà văn Vũ Đảm quê quán ở Năng Tĩnh, Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình. Sống và làm việc tại Hà Nội. Cử nhân văn chương, thạc sĩ văn hoá. Hiện là Phó tổng biên tập tạp chí Nhà Văn - Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam. Anh vừa gửi cho chuyên mục "Lục Bát Quán" một truyện ngắn... thật ngắn, mang tên "Cốc nước chè xanh".
            Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 
Nhà văn Vũ Đảm

Tác phẩm đã xuất bản:
- Nước mắt đêm (tiểu thuyết, NXB Thanh Niên- 1991; tái bản, 2002).
- Lão Phích (tập truyện ngắn, NXB Lao Động- 1992)
- Chuyện ở đời (tiểu thuyết, NXB Công An Nhân Dân- 1992; tái bản, 2003).
- Tiền ơi (tiểu thuyết, NXB Thanh Niên- 1993; Tái bản, 2002).
- Hãy về với anh (tiểu thuyết, NXB Lao Động- 1993).
- Dâng hiến (tiểu thuyết, NXB Thanh Niên- 1993)
- Người trong cuộc (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn- 1996).
- Học làm trưởng giả (tập phóng sự, NXB Lao Động- 1998).
- Hồi sinh (tập truyện ngắn, NXB Văn Học- 1999).
- Ông Gióng của bà (tập truyện, NXB Kim Đồng- 2000).
- Mặt trời đêm (tiểu thuyết, NXB Công an nhân dân- 2001).
- Khoảnh khắc của chiến tranh (tập truyện ngắn, NXB Công an nhân dân- 2001).
- Xe người và xe trâu (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn- 2003).
- Lệnh bà (tập truyện ngắn, NXB Công an nhân dân- 2006).
- Miền trăng (tiểu thuyết, NXB Thanh Niên- 2008).
- Trở lại thường dân (tập truyện ngắn, NXB Thanh Niên, 2008).
- Làm thầy thiên hạ (tập truyện ngắn, NXB Thanh Niên, 2011).
 Giải thưởng:
- Giải thưởng Cuộc thi Truyện ngắn tạp chí Sông Hương, 2000.
- Giải thưởng Tiểu thuyết Cuộc thi của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam, 2001.
- Giải thưởng Cuộc thi Truyện ngắn của Bộ Giáo dục và Hội Nhà văn Việt Nam, 2006.
- Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn trẻ em của Cục Văn hóa cơ sở- Bộ Văn hóa- thông tin, 2006.
- Giải thưởng Cuộc thi kịch bản Hài của tạp chí Truyền hình- Đài Truyền hình Việt Nam, 2006.
- Giải thưởng Cuộc thi Truyện ngắn ngắn báo Tuổi Trẻ Cười, năm 2007.
- Giải thưởng truyện ngắn về Nông thôn của Bộ Văn hoá, thể thao & du lịch, năm 2009
- Giải thưởng Bút ký 5 năm của Bộ Quốc phòng (2004- 2009).
 
 
 
 
Cốc nước chè xanh
 
Bà lão ăn mày ngập ngừng trước cánh cổng của một ngôi nhà có giàn hoa giấy. Cổng hé mở, bà rất muốn đi vào nhưng bà cũng rất sợ khi phải đón nhận những câu xua đuổi mà bà chắc người ta sẽ dành cho bà. Vào! Không vào! Vào! Không vào! Bà cứ thế độc thoại một mình.
- Chào cụ!
Bà lão ăn mày giật mình khi nghe tiếng chào từ sau lưng mình. Có lẽ người ta nhầm mình, tưởng mình là người ở quê lên thành phố hỏi thăm nhà. Họ đã coi mình không phải là kẻ ăn mày thì thôi mình cũng chẳng dám mở mồm ra mà xin xỏ nữa. Nhưng không, người đàn ông đã lên tiếng:
- Cụ đi ăn xin à? Mời cụ vào trong nhà uống chén nước.
Người đàn ông trung niên cầm tay dẫn bà lão ăn mày đi vào trong nhà, mời bà ngồi ghế sa-lông, rót cốc nước mời bà. Chè xanh? Bà có vẻ ngạc nhiên, người thành phố người ta hay uống trà, cà phê chứ mấy ai uống thứ nước của người nhà quê? Bà cầm cốc nước không dám uống, lòng bà đầy nghi hoặc, sao cái ông chủ nhà này lại tử tế với một người ăn mày thế? Hay là họ định nhờ vả mình điều gì?
- Cụ uống đi, hay cụ chưa ăn sáng sợ uống chè xanh sẽ bị say?
- À, ờ.
Bà lão ăn mày nhấp một ngụm nước, đúng là vị chè xanh chan chát nhưng không thể bằng thứ chè xanh đặc quánh như quê bà. Người đàn ông nói rằng tuy sống ở thành phố mấy chục năm nhưng vẫn nghiện cái món chè xanh ở quê ông, ăn cơm xong, có cốc nước chè xanh mà uống thì sung sướng chả khác gì được thưởng thức đặc sản. Hôm nào đi công tác, không có chè xanh uống, ông cứ bần thần thế nào ấy. Bà lão ăn mày nhỏ nhẹ nói:
- Bác ở quê lên phố sống mà vẫn giữ được gia phong.
- Dạ, cụ cứ quá lời!
- Tôi nói thật lòng đấy. Tôi đi ăn xin, người ta thường gọi tôi là kẻ ăn mày, đứa ăn xin, con ăn mày, thế mà bác lại gọi tôi bằng cụ!
- Dạ, ở quê người ta vẫn hay gọi thay con, cháu. Cụ chắc bằng tuổi bà nội cháu.
Bà lão ăn mày kể lể bà năm nay bảy sáu tuổi, nhờ giờ sức khỏe của bà vẫn còn khỏe nên còn nhúc nhắc đi kiếm ăn được, ngày cũng xin được dăm chục ngàn. Người đàn ông hỏi bà con cháu đâu mà phải đi ăn xin? Bà bảo quê bà ở Ninh Bình, bà lấy chồng nhưng không có con, chồng bà bỏ bà đi lấy vợ khác, bà sống với người cháu họ. Mấy năm nay vợ chồng người cháu làm ăn sa sút thế nên bà phải đi lên Hà Nội ăn xin. Người đàn ông bảo bà khi nào thấy người không khỏe hay hôm nào trời quá nóng, quá lạnh cụ nên ở nhà kẻo ốm lăn ra đấy không ai trông nom. Nói rồi người đàn ông gọi với lên tầng trên gọi vợ bảo cái áo khoác cũ bà định gửi về quê đem cho bà lão ăn mày, mùa đông sắp đến bà lão mặc cho ấm. Cầm cái áo khoác từ tay vợ người đàn ông, bà lão ăn mày cảm động lắm, luôn miệng cảm ơn vợ chồng chủ nhà. Người đàn ông móc túi lấy ra tờ bạc năm mươi ngàn, đặt vào tay bà lão:
- Dạ, cháu xin biếu cụ chút tiền lẻ, cụ chắc chưa ăn sáng, cụ ra phố ăn tô phở để lấy sức còn đi.
Bà lão ăn mày mới cầm tiền chưa kịp cảm ơn thì người đàn ông đã vui vẻ cất lời:
- Cảm ơn cụ đã nhận tiền của cháu!
Bà lão ăn mày nhìn người đàn ông, ngơ ngác:
- Trước nay kẻ ăn mày vẫn phải cảm ơn người cho tiền, sao bác lại ngược đời thế?
Người đàn ông khẽ đáp:
- Thiên hạ cho thế là thuận lẽ đời nhưng cháu nghĩ khác. Cháu cho bà ít tiền  nhưng lại nhận được cái phúc lớn từ cụ ban cho. Người được hưởng phúc thì vợ chồng, con cháu sẽ sống no ấm, vui vẻ cụ ạ!
Khuôn mặt bà lão ăn mày vốn nhăn nheo, khắc khổ nay dãn ra vì nụ cười hiền hậu. Bà bảo bà là người nhà quê, học hành chả được mấy chữ nhưng cái tình người thì bà hiểu lắm; sống mà không có tình người, tình hàng xóm láng giềng thì cuộc sống nhạt nhẽo như canh không muối, dù có giàu nứt đố đổ vách. Bà nghèo, sống cô đơn nhưng xởi lởi hay giúp đỡ người khác nên mỗi khi ốm đau là bà con hàng xóm lại kéo đến thăm hỏi, người biếu nải chuối, người cho hộp sữa, vài cân gạo, một vài trăm ngàn. Còn một người buôn bán ở làng, nhà giàu sống keo kẹt, coi thường người nghèo, khi chết chả có ai đến đưa ma, bà phải đi từng nhà vận động, mọi người mới đến.
Người đàn ông tỏ ra thích thú với câu chuyện mà bà vừa kể, ông cầm tay bà tiễn ra ra khỏi cổng. Bà lão ăn mày sung sướng lắm, bà sung sướng không phải nhận được năm mươi ngàn mà vì lần đầu tiên kể từ khi đi ăn xin, bà được người ta trọng vọng mình. Bà mải nghĩ về lòng tốt của con người nên quên không cất tờ năm mươi ngàn vào túi, một thanh niên nam có khuôn mặt hốc hác nhưng ăn mặc lịch sự, áo trắng đóng thùng đi sát bên bà cất tiếng hỏi:
- Cháu chào bà! Bà già thế này mà vẫn phải đi ăn xin à?
- Chào anh, vâng nhà nghèo nên phải đi ăn xin anh ạ!
- Bà ơi, cháu xin biếu bà mấy ngàn.
Anh thanh niên móc túi lấy ra một tờ mệnh giá một trăm ngàn bảo xin biếu bà năm mười ngàn còn năm mươi ngàn phải đi mua thuốc cho mẹ. Bà lão ăn mày bảo anh, mẹ đang ốm để tiền mua thuốc cho mẹ, bà không lấy đâu. Anh thanh niên liến thoắng, không không mua thuốc chỉ hết có hơn bốn mươi ngàn thôi, xin biếu bà năm mươi ngàn, bà hãy cầm lấy để mẹ cháu được cái phúc của bà mà mau khỏi bệnh. Anh bảo bà đứng đợi để anh sang kia đổi tiền. Anh đi sang bên đường hỏi mấy người rồi quay sang nói với bà không ai có tiền đổi, thôi bà  đưa năm mươi ngàn trên tay bà rồi bà cầm lấy một trăm ngàn này. Bà lão chưa kịp đưa tiền thì anh đã dúi tờ một trăm ngàn vào tay bà, bà cảm ơn rồi đưa cho anh tờ năm mươi ngàn.
Thật là một buổi sáng may mắn, mình được hai người tốt bụng cho mỗi người năm mươi ngàn, cả thảy là một trăm ngàn, từ ngày đi ăn xin đến giờ mình chưa bao giờ được người ta cho nhiều tiền đến thế. Vậy thì sáng nay mình phải tự khao mình một bát phở mới được. Bà nghĩ vậy nhưng khi đi qua hàng phở thì lại do dự, một bát phở những hai, ba chục ngàn bằng cả một ngày ăn của mình, lãng phí quá, thôi mua cái bánh mỳ kẹp thịt cũng là khao rồi. Bà đi lại chỗ một người đàn ông đang bán bánh mì bảo làm cho bà cái bánh mì kẹp thịt với cái giá rẻ nhất. Người đàn ông trung niên nhìn thấy bà ăn mày, thương bà, anh làm cho bà cái mỳ kẹp thịt giá mười lăm ngàn nhưng chỉ lấy bà có năm ngàn. Bà lấy tờ một trăm ngàn mà anh thành niên đưa để trả tiền bánh mì. Người đàn ông cầm tờ một trăm ngàn lên mắt lật đi lật lại và phát hiện ra tiền giả.
- Bà ơi, ai cho bà một trăm ngàn này?
- À, cái cậu thanh niên tốt bụng cho tôi năm mươi ngàn, không có tiền lẻ nên đưa cho tờ một trăm này, tôi đưa cho cậu ấy năm mươi ngàn.
- Bà ơi, tiền giả, bà bị nó lừa rồi. Có phải cái thằng mặt hốc hác, mặc áo sơ mi trắng sơ vin phải không bà?
Bà lão ăn mày bảo phải, người bán bánh mì giận dữ nói rằng nó là thằng nghiện hút đang bị HIV giai đoạn cuối, nó chuyên đi lừa đảo, hiện nó đang ăn phở ở trong quán bên kia đường để cháu vào lôi cổ nó ra nện cho một trận, bắt nó phải trả lại bà năm mươi ngàn tiền thật. Bà lão bảo thôi thôi, nó bị bệnh ấy chả sống được bao lâu nữa, giá nó xin bà bà cũng cho, tội gì phải đi lừa thế. Người bán bánh mỳ xin được biếu bà chiếc bánh mỳ kẹp thịt, bà cảm ơn, vừa đi vừa nhai bánh mỳ. Tội nghiệp mình đã khổ lại còn có người khổ hơn mình.
Chủ nhật tuần sau, người đàn ông đi công tác về. Ông nhớ nước chè xanh nên vừa về đến nhà ông đã bê chiếc bình vẫn hãm nước chè xanh quen thuộc ra bàn, rót nước chè ra chiếc cốc thuỷ tinh trong vắt. Người đàn ông uống một ngụm chè xanh, ông ngạc nhiên, sao vị chè thơm và ngon thế! Ông gọi người giúp việc hỏi hôm nay mua chè ở đâu mà khác hẳn chè mọi khi? Chị giúp việc chợt nhớ ra, vội giải thích:
- À, hôm trước có một bà cụ đem một bọc chè xanh đến bảo biếu  bác. Cháu hỏi cụ là ai, cụ ấy bảo cụ ấy là người ở quê!
Người đàn ông lặng đi vì xúc động khi biết được người đã biếu chè xanh cho mình. Hai tay ông run run làm sóng sánh cốc nước chè xanh đặc quánh.
 
Vũ Đảm
 
____________
Địa chỉ liên lạc: Nhà văn Vũ Đảm
Tạp chí Nhà văn - 65 Nguyễn Du- Hà Nội.
Điện thoại: 0912085837
Email: vudam66@yahoo.com
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: