NGỌT DÒNG SÔNG QUÊ
Tôi tâm đắc nhận xét của nhà báo Cù Thị Thương ở trang đầu giới thiệu tại thơ "Tiếng Phù Sa" Lương Hải Thuận:
Là một người từng xa quê hương, cảm xúc và dư âm của những ngày lênh đênh nơi đất khách quê người được tác giả gói ghém và lưu trữ trong bài thơ "Dịu Say" như một lời tâm sự: "Với ai từng đã xa quê/ không quên lời mẹ đắm mê tình người"
Khi đọc bài "Hồn thơ chân thực sâu lắng tình người, tình đời" của nhà báo Cù Thị Thương sẽ dẫn dắt chúng ta muốn đi ngay vào những trang thơ rất đa chiều, đa dạng cái tình người, tình đời mà tác giả Lương Hải Thuận trải lòng.
Với gần 100 bài thơ Lương Hải Thuận đã thổ lộ những cảm xúc của một tâm hồn thơ chân thực, của một người bươn trải trong biển đời.
Tôi muốn nói đủ đầy về "Tiếng Phù Sa" nhưng thời gian có hạn, xin làm cái việc hơi cục bộ, giới thiệu chủ yếu những vần thơ lục bát tại đây hôm nay.
Vâng, trong 96 bài thơ, có tới 27 bài (gần 1/3) tác giả viết theo thể lục bát còn lại là thơ 5 chữ, thơ 7 chữ và thơ mới, thơ tự do… Chẳng kể là lục bát hay các thể thơ khác, thơ Hải Thuận chan chứa tình, đau đáu tình và da diết tình của một hồn thơ đa tình, đa chiều... Mà phải nhiều năm tháng sống xa quê hương đất nước anh mới có được.
"Thuyền theo lái, gái theo chồng"
Một mình thuyền giữa bão giông một mình
Lênh đênh sóng gió vô tình"
Hải Thuận đồng cảm với thân phận những người con gái lấy chồng xa, hay anh tâm sự thân phận lênh đênh xa biển của con thuyền đời mà chính anh là thủy thủ. Nó da diết đến độ người trong cuộc chỉ ước mong điều giản dị nghe tiếng gọi "Mình" thân thiết
"Sống nơi viễn xứ xa xôi
Chỉ mong nghe một lời thôi "Tiếng mình"
Quê hương ơi đậm nghĩa tình"
Hải Thuận in sâu lời ru của mẹ, những câu Kiều sống mãi cùng năm tháng, những cánh cò lặn lội mom sông cửa chợ, những cây đa giếng nước lũy tre soi bóng, tiếng võng đưa kẽo kẹt trưa hè...
Anh nhớ người bạn gái năm xưa
"Nhớ ai ráng đỏ cả chiều
Loang dòng sông tím bao nhiêu ơ hờ"
và còn nữa
"Nhớ ngày trăng nhú đầu non
Song le ai bước lối mòn nẻo xa"
Hải Thuận đâu chỉ "nhớ ai" chung chung mà anh nhớ em rõ rệt.
"Anh nhớ em... nhớ đầy vơi
Muốn về thưa mẹ mua cơi đựng trầu"
Những làn môi thắm mọng, nồng nàn, hấp dẫn nhất trong nỗi nhớ khắc ghi
"Em thành nét vẽ trong tôi
Bắt đầu có lẽ từ đôi môi hồng"
Chẳng thế mà mới chỉ qua phiên chợ Bắc Hà gặp người con gái H mông bán mận căng tròn mọng nước. Hải Thuận đã
"H Mông em gái xinh tươi
Mặn nồng đọng lại môi người môi ta"
Cho đến bây giờ tuổi xuân đã mãn, bóng nắng đã chiều, tác giả vẫn yêu hết mình, gửi trọn vẹn tình mình cho người yêu dấu.
"Có bao nhiêu nỗi thương yêu
Anh gom cả lại cuối chiều tặng em"
Hải Thuận yêu và nhớ, yêu nồng nàn và nhớ cũng nồng nàn
Trong "Tiếng Phù Sa" tác giả còn gửi gắm tình yêu và nỗi nhớ sâu đậm đến những người ruột thịt thân thương. Trước hết là mẹ, người mẹ đã luôn từng là
"Ngọt lành dành cả đàn con
Độc thân mẹ chịu héo hon bi hài
Lom khom bậu cửa chiều phai
Mẹ chờ con mẹ ... cùng "ai" trở về
Với hình ảnh người cha thân yêu, anh vẫn ước muốn "Ôm cha mình mong tìm lại ngày xưa"
Hải Thuận còn nhớ những người hát xẩm nhớ ông nghệ sĩ kéo vĩ cầm góc phố nhớ nhiều những số phận ngang trái những con người.
Xa Tổ quốc Hải Thuận càng diết da nỗi nhớ quê hương đất nước. Từ Hà Nội thủ đô Văn hiến đến đất Cảng hoa phượng đỏ kiêu hãnh tự hào.
"Hải Phòng ơi sao mà thương mà nhớ
Rực một trời phượng đỏ cháy hồn tôi"
và
"Trong lòng ta mang trăm ngàn thương mến
Thương mến Hải Phòng bờ bến đời tôi"
Hải Thuận nhớ núi Thiên văn bao gắn bó
"Đường lên trên đỉnh Thiên Văn
Bụi thời gian phủ dấu chân phai hồng"
Nhớ Kiến An với nhiều kỷ niệm mộng mơ
"Anh cùng em ghé qua hồ Hạnh Phúc
Kiến An bây giờ giọt nhớ lung linh
Nhớ con sông Luộc ghi truyền thuyết nơi Bến đò Tranh "rắn thần" anh thường qua lại và còn nặng lòng một ký ức
"Em ngơ ngẩn xuống thuyền hoa
Còn tôi vịn gió nhạt nhòa chiều hôm"
Đọc "Tiếng phù Sa" của Lương Hải Thuận từng trang, từng trang luôn đong đầy tình yêu và nỗi nhớ, càng yêu càng thổn thức nhớ, càng nhớ càng nồng cháy yêu. Điều khiến tôi càng yêu quý càng trân trọng tác giả là dù ở đâu, dù cuộc sống thế nào Hải Thuận cũng hướng về Tổ quốc quê hương, luôn tự hào mình là giống nòi Lạc Hồng tiên tổ.
"Thương mẹ Âu Cơ tổ mẫu
Nhớ Lạc Long cha gian khó một thời
Mây nước Đầm Đa lưu ơn người muôn thuở"
Có một bài thơ đọc lên nó dung dị, nó thô mộc không tu từ đánh bóng mà không kém phần triết lý, đó là bài "chớ quên nhọ nồi" tôi xin nhặt câu mở và câu kết để chứng minh cái nhận xét đó
"Nhà lầu, thang máy, xe hơi:
Nhớ đừng quên đít nhọ nồi thuở xưa..."
Tuy nhiên, đọc kỹ ta có thể nhặt giúp tác giả đôi chỗ bị ép vận, vài câu còn dễ dãi dùng từ. Nhưng toàn bộ tập thơ toát lên năng lực thơ, sự hấp dẫn của thơ Lương Hải Thuận.
Đây là tập thơ thứ hai của anh xin trân trọng giới thiệu đôi nét mới chỉ "Cưỡi ngựa đọc thơ"
Trân trọng cảm ơn tác giả!
Hải Phòng 16/4/2019
Nhà thơ: Công Xình
__________________
Giới thiệu: Trịnh Toại