HÓA ĐÁ
Lê Công
(viết cho dịp kỷ niệm 27 - 7)
Ngày 27 - 7 cận kề. Vậy là đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, vậy là 30 năm quân ngũ và 10 năm chiến đấu trên chiến trường miền nam ở thập kỷ 60 - 70 thế kỷ 20 đã chìm vào kỷ niệm. 30 năm quân ngũ biết bao ác liệt, buồn vui, nhung nhớ...nếu là nhà văn chắc bởi có nghề họ chỉ cần thêm gia vị rồi nổi lửa nấu nướng sẽ cho đời những " món ăn " tinh thần như thơ, truyện ngắn, truyện dài và cả tiểu thuyết như chơi. Mình - gã học trò " dài lưng tốn vải " xong lớp 7 đã tòng quân- tình nguyện hẳn hoi, và sớm được nhận niềm vinh dự vào nam chiến đấu...nhiều chuyện để mà nhớ, mà viết và nói lắm. Nhưng cái vốn lớp 7 - chỉ bằng cháu ngoại 13 tuổi bây giờ có muốn cũng chẳng thành " nhà " thơ, " nhà văn " được. Tuy vậy trước ngày 27-7 ngày của hy sinh, thương tích, mất mát thương đau nhưng rất anh dũng vẻ vang - câu cửa miệng ta thường vẫn nói - mình chợt thoát khỏi cái vỏ chính mình, liều chém bút viết một chút kỷ niệm những ngày đầu hành quân bộ xuyên Việt trong cái lộ trình 3 tháng 10 ngày từ Yên Định, Thanh Hóa đến xóm Giữa, Tân Biên,Tây Ninh ....
Đêm ấy - đêm thứ 2 hành quân bộ chặng đường dài hơn 2000 cây số. Cán bộ, chiến sỹ bàn chân phổng rộp, đau rát...theo hướng dẫn của quân y, tới trạm giao liên dù mệt cũng phải đun nước sôi, hòa muối ngâm chân sẽ giảm đau, đêm mai mới đi tiếp được. Rất hiệu quả. 3 giờ sáng đêm ấy đơn vị tới trạm giao liên gần phà Ghép tỉnh Thanh Hóa. Giữa lúc đèn dù pháo sáng và bom Mỹ đang nổ ầm vang nơi Cầu Hùng, Cầu Hổ và phà Ghép, tiếp giáp Thanh Hóa với Nghệ An.
Tổ 3 người chúng tôi được bố trí nghỉ ở nhà ông giáo già của trường làng. Ba chúng tôi chân khập khiễng vì đau bước vào căn nhà có ngọn đèn dầu le lói với ánh sáng khiêm tốn để còn phòng không. Chủ nhà niềm nở đón từ cửa đưa chúng tôi vào ngồi ở chiếc sập nơi gian giữa ngôi nhà 3 gian chính và 2 gian buồng. Dù tối tôi vẫn cảm nhận được nét khang trang, nền nếp của gia đình. Giữa sập là một tích nước, một đĩa khoai lang luộc và đĩa lạc rang. Ông giáo phải đến ngót sáu mươi, nhỏ nhẹ ân cần bảo các con ăn chút cho đỡ đói, uống trà xanh vườn nhà rồi đi ngủ cho có sức để mai đi tiếp.
Thực tình chúng tôi mệt, đau lại buồn ngủ rã rời nên tôi chỉ thốt lên lời cảm ơn và xin ông cho mượn chiếc nồi để đun nước ngâm chân. Ông giáo nói các con vội gì, phải ăn chút đã mai ngủ cả ngày mà... tự nhiên trong thâm tâm tôi hơi bực mình vì chủ, dù ông rất tình cảm, nhưng cái chân đau làm tôi khó xua nổi sự bực bội, không nén lòng được nữa, tôi chợt sẵng dọng hỏi có phần khiếm nhã rằng nhà có nồi đun nước không ông ? Ông giáo không biểu lộ trên mặt nét gì khi tôi hỏi vậy. Cùng lúc ấy có ánh đèn từ nhà dưới hắt lên. Trong ánh sáng ảo mờ là một bà già hai tay sách những chiếc chậu, sau bà là một cô gái bê một nồi nước nóng, hơi nước bốc lên trộn ánh đèn mờ huyền ảo tựa một bức tranh. Bà nhỏ nhẹ - có nước muối nóng với gừng và hương nhu các con ngâm chân được rồi. Cô gái múc nước đổ vào ba chậu rồi nói - mời các anh...
Cả ba chúng tôi như hóa đá...cho đến nay hơn nửa thế kỷ rồi chúng tôi vẫn đang hóa đá trước tấm lòng nhân hậu của cha, mẹ và của em. Kỷ niệm ngọt ngào ấy đã là một phần sức mạnh giúp chúng tôi vượt mọi gian khó hiểm nguy để chiến thắng mọi kẻ thù. Đó là một kỷ niệm, một trong những điều không thể nào quên trong cuộc đời chiến sỹ của chúng tôi .
(Lê Công - Ninh Bình 19 - 7 - 2017 )