Chủ nhật, 01/12/2024,


Người đàn bà yêu nghề và say thơ (15/11/2018) 

   Nói đến Nguyễn Thị Ngọc Mai, là nói đến người của công việc- Người đam mê công việc. Việc dạy học, việc gia đình, việc làng xóm, việc của Thơ và việc của bạn bè... Việc nào Mai cũng làm một cách vô tư và hồn hậu. Người ấy, vào Thơ cũng vậy, dù là Thơ rất riêng, rất thầm; chị vẫn mang cả những đam mê ấy để bung tỏa.
Tôi mới gặp và quen biết Nguyễn Thị Ngọc Mai gần đây tại Triển lãm Vân Hồ khi chị giúp Ban văn học chuyên đề Hội nhà văn ở gian sách giới thiệu các tác phẩm xuất sắc viết về Thương binh liệt sĩ và người có công nhân kỉ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Chị là thành viên của một trong những câu lạc bộ thơ phối hợp đón tiếp và tổ chức giao lưu giữa tác giả với bạn đọc và làm MC chương trình văn nghệ .

 

                                                 
   

      Có được sự cộng tác của các CLB Thơ trong và ngoài thành phố Hà Nội buổi gặp gỡ giao lưu và giới thiệu tác phẩm tại gian sách của  Hội nhà văn những ngày ấy trở nên đặc biệt sinh động, nhiều màu sắc và hấp dẫn. Chương trình biểu diễn văn nghệ, trình diễn thơ lại rất phong phú. Ban chúng tôi chỉ có vài người nên hầu như các việc thuộc hậu trường là các chị quán xuyến hết. Nguyễn Thị Ngọc Mai là một trong số cộng tác viên cực kì nhiệt tình, năng động sáng tạo và hầu như không biết mệt mỏi. Mỗi người một vẻ nhưng cô giáo Ngọc Mai luôn rực rỡ, nổi bật trong chiếc áo dài mầu đỏ mỗi khi xuất hiện với nụ cười thân thiện chào đón khách. Theo nhà thơ Đặng Vương Hưng, nhiều năm qua Ngọc Mai còn tham gia biên tập trang Website lucbat.vn trong cộng đồng Lục bát Việt Nam. Ở bất cứ lĩnh vực nào, nhất là khi tham gia chuẩn bị những Ngày hội lục bát, chị đều là một thành viên say mê. Tại Vân Hồ, Ngọc Mai tặng tôi tập thơ “Duyên quê” mới xuất bản tháng 8.2016 và “khoe” “Em còn rất nhiều thơ đã làm anh ạ! Đợi sinh nhật đầu năm 2018 ra mắt tập tiếp theo”. Tôi hơi “hoảng” liền hỏi :
-Sao em viết khỏe thế ? .
Nguyễn Thị Ngọc Mai chỉ cười rất duyên dáng.
   Ngoài say mê dạy học, Ngọc Mai còn rất say mê thơ và thích làm thơ. Đặc biệt mấy năm gần đây. Theo nhà PBVH Đỗ Xuân Dương thì “Mai làm thơ như trời đày, như ma ám. Rất đều đặn mỗi ngày chị cho đăng tải trên trang cá nhân một bài thơ”. Tôi vốn rất dị ứng với sự làm nhiều thơ như vậy nhưng phải “chịu” lòng đam mê ấy. Ngọc Mai kể người đầu tiên truyền cảm hứng làm thơ cho chị là một giảng viên trường Đảng Lê Hồng Phong từ những năm chị học trong trường. Trước đó thì tuyệt nhiên không, dù ngày ngày Mai vẫn dạy thơ. Chỉ cuốn vào công việc. Chỉ cuốn vào gia đình .Nhưng rồi bất ngờ Ngọc Mai lại bị thơ cuốn vào và nhanh chóng trở thành một cây bút ấn tượng trên mạng. Viết được bài nào, Mai đưa ngay lên trang cá nhân. Bỏ qua khâu in báo mà ra luôn sách! Tập “Duyên quê” do NXB Hội nhà văn in với 69 bài là lứa quả đầu tiên. Ngọc Mai chủ yếu làm lục bát. Ở “Duyên quê” Nguyễn Thị Ngọc Mai có những câu thơ giản dị, chân thành , nhưng không kém phần duyên dáng :

Em nghiêng nghiêng chút dịu dàng
Nghiêng lời âu yếm nhẹ nhàng bên anh.

“Người đàn bà bước vào đêm” là đứa con tinh thần thứ hai của Nguyễn Thị Ngọc Mai. Hình như chủ đề tập thơ này đã kín đáo hé lộ từ “Duyên quê” với lời “tự giới thiệu” rất dễ thương :
Thu đang độ chín anh ơi?
   Vâng, thu đang độ chín, em đang vào độ tuổi hồi xuân. Nguyễn Thị Ngọc Mai sinh năm Kỷ Dậu.
Phải nói “Người đàn bà bước vào đêm” là một cái tít thơ khá tự tin và mạnh bạo (Nhất là với một cô giáo và người mẹ đã hai con). Hai phần ba số bài trong “Người đàn bà bước vào đêm” là những khát khao hạnh phúc, khát khao dâng hiến, những khát khao trong sáng và chính đáng của phái đẹp. Nhưng như phần đầu tôi đã viết. Ở địa hạt nào khi đã tham gia Ngọc Mai đều tham gia hết mình và đam mê hết lòng. Trong công việc, trong đời sống, trong tình yêu hay trong thơ ca đều như vậy. Một giáo viên kể cho tôi nghe : “Nguyễn Thị Ngọc Mai ở trường là một hiệu phó rất có trách nhiệm, nhiệt tình, cởi mở, giải quyết công việc nhanh gọn và dứt khoát, được đồng nghiệp yêu mến... Trong gia đình chị là một người vợ, người mẹ đảm đang chu đáo, được chồng yêu thương và các con hết lòng quí trọng”. Có lẽ thành đạt và hạnh phúc là suối nguồn cho cảm xúc thơ Ngọc Mai tuôn chảy.
Chị tự hào với người “chồng quê” dẫu tôi biết anh chẳng quê chút nào mà còn là một người đàn ông lãng mạn và nhiều tài:

Rau xanh tương ớt cà giòn
Hạt gạo đầy nắng dẻo thơm trắng nồi
Cơm quê chồng nấu gọi mời
Ấm lòng vợ ngọt cuộc đời dâu quê

(Chồng quê)

Nhưng nhìn chung số lượng thơ lục bát trong “Người đàn bà bước vào đêm” đã ít đi để nhường chỗ cho những câu thơ tự do bứt phá :

Em bỗng nghe
Mùa xuân thao thức
Gọi đam mê khuấy sánh tâm tư

Em bỗng nghe
Nhịp sóng vỗ nhẹ bờ
Hồn say đắm khỏa lời yêu thăm thẳm

Em bỗng nghe
Gió mây trời đằm thắm
Quyện si mê vào tận đáy yêu thương

Bứt phá tới mức như “liều lĩnh” :

Canh khuya dìu dặt tiếng diều
Mặc - Ta say cạn trọn liều xuân đêm
(Xuân đêm)

Một sự “bứt phá” mà nhiều khi chính người làm thơ cũng phải ngạc nhiên :

Trộn si mê lẫn trong ngần lạ chưa
(Thổn thức )
Rồi cả những lo âu sớm :

Em rất sợ khi tình anh trẻ dạ
Xuân cựa mình khát chảy giấc chưa thành.
(Em rất sợ)

                                                           
Khi “Người đàn bà bước vào đêm. Cả không gian như tấm rèm kì diệu. Gọi mời. Thúc giục …”.Và ta có thể dễ dàng bắt gặp trong tập thơ rất nhiều những tính từ, hình ảnh …có cánh như : chênh chao, hoang hoải, hừng hực, khát cháy, mơn mởn, thèn thẹn, trăng xễ xãi, mây đành hanh, tình ngân ngấn , say vần vũ , nồng nàn bờ môi, gió thì thào ve vuốt…v.v
Sau những giây phút “thăng hoa”(chữ của Ngọc Mai ) với những từ ngữ và hình ảnh run rẩy thổn thức ấy vẫn là cái duyên quê của người đàn bà Việt Nam: yêu người, yêu đời, hồn hậu,chất phác – và đôi khi còn pha cả chút thật thà.
Nguyễn Thị Ngọc Mai hàng ngày đang sống và làm việc ở Trường THCS Hồng Hà thuộc huyện Đan Phượng, một vùng ven đô là “quê hương người gái đảm”. Có lẽ do bản năng, do hoàn cảnh sống và làm việc ấy, dù số bài có ít đi nhưng những câu lục bát (cả lục bát phá thể) có cảm giác vẫn là nền tảng dân giã của thơ chị . Khi thì khắc khoải :

Em đi tìm nửa của em
Trót quên đâu đó để đêm lỡ làng
(Nửa em )
Khi tiếc nuối :

Thế là Xuân đã vơi dần
Mùa giêng vãn hội gọi dần tháng ba
(Tháng ba)
Khi trách móc
Trách ai rũ đợi bỏ chờ
Cho tim xót nhịp lõm bờ tri âm

Theo tôi động từ “lõm “ ở đây là mới mẻ.
Có lẽ viết đến đây đã là dài với khuôn khổ một lời đầu sách.Tôi xin không đi sâu vào nghệ thuật thơ của Nguyễn Thị Ngọc Mai mà dành các nhà phê bình dẫu có thể bàn với chị nhiều điều. Ví dụ về độ giầu có của ngôn ngữ và hình ảnh, về sự tinh lọc và công phu lao động, về những trùng lặp v.v. Thơ Nguyễn Thị Ngọc Mai nếu chưa thực sự ấn tượng ở sự mới mẻ và lạ hóa, ở độ sâu sắc tư tưởng nhưng lại giữ bạn đọc nhờ cái nền nã của cảm xúc, ở những khát khao bản năng và nhất là ở tấm lòng chân thành .Mà văn chương nghìn đời suy cho cùng vẫn là sự trao gửi lòng mình đến bạn đọc có chân thành hay không. Xin chúc mừng chị và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Nhà thơ NGUYỄN TRÁC
( Hội nhà văn Việt Nam)

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: