Thứ hai, 16/09/2024,


Người đàn bà săn lùng lỡ dở (Bùi Phan Thảo) (16/02/2023) 

 

 Nhà thơ Phạm Thị Cúc Vàng vừa “trình làng” tập thơ “Gọi mặt trời thức giấc”. Một tập thơ đầy đặn, 64 bài, với chất trữ tình, nữ tính có trữ lượng khá dày, đem lại cho người đọc những thấu hiểu, sẻ chia về sự đa đoan của kiếp hồng nhan cùng những ám ảnh miên man qua câu chữ đượm buồn.


 

Đó là người đàn bà chuyên săn lùng lỡ dở, luôn đào xới lòng mình, cứ lật tung, bật khuy cảm xúc:
“Có người đàn bà, người đàn bà là điệp khúc dằng dai/ người đàn bà đầy can đảm/ không chịu đầm chặt, chôn sâu/ những vật lòng tưởng đã phai màu”
(Người đàn bà tôi)
Đó là người đàn bà đã trải qua hạnh phúc và khổ đau, ngọt bùi và cay đắng; là lời tự bạch thẳng tưng về bản thân, đã ngộ hết những lẽ đời, thích sống giản dị: cà phê vỉa hè cũng không sao, vui thì lên sân khấu hát một vài bài, cao hứng thì làm thơ…
“Tôi hiện giờ/ thể hiện mình: không/ tỏ vẻ thông thái: không/ luôn nằm lòng câu: trên, dưới/ trước, sau/ và đè bẹp cái manh nha kiêu hãnh” (Là tôi)
Với tập thơ thứ 6 này, nữ thi sĩ tự sự với người đọc nhiều hơn, có khi bằng cách tự giễu nhại mình, rằng dung nhan ấy vẫn tươi (ơn trời giữ lại cái cười/ nhoẻn trên khuôn cũ rói tươi tháng ngày); vẫn hát hay – hay hát (sàn mờ ảo nét mặn mà/ mị thiên hạ lòe giọng ca nửa mùa) và mạnh mẽ đối diện những nhọc nặng của kiếp người:
“Giũa mài cái phận long đong/ má hồng thắm lại cuồng ngông với đời/ mắc chi ngoảnh mặt cuộc chơi/ ưu phiền là chuyện đâm hơi tiếc gì” (Cúc Vàng)
Người thơ nữ ấy có trái tim đa cảm, yêu và được yêu, viết những bài thơ tình rất đẹp. Đã có rất nhiều buổi chiều ngổn ngang: “chiều trần qua cửa mắt/ cắn đắng tiếng mưa gào”; “chiều kia mây bay qua ngõ/ chiều nay gió cũng sà ngang”; để nhận ra rằng “chiều chạng vạng/tích thăng trầm”, “thấm thía đau sợ dội ngược chiều đau”…
Người đọc cũng nhận ra tiếng lòng sau những đêm khắc khoải, nỗi nhớ nhung một tiếng gọi từ xa thẳm. Giọng ai ngọt ngào như mía lau, ai ngờ đốt mía ấy bị sâu, để thấy nỗi thất vọng đến đau đứt đoạn:
“Thèm nghe gọi Cúc Vàng ơi/ lúc trăng chưa vỡ ngọt lời mía lau/ ngỡ gạn đục/ lọc vàng thau/ ngờ cây sâu đốt/ chặt đau cội cành” (Đốt sâu)
Người đời nói, “cố mà quên tức là còn nhớ”, thì sự quên của Cúc Vàng là chẳng biết đến bao giờ:
“Nói quên đâu phải dễ quên/ nhớ cứ quặn lên từng chặp/ nói quên chẳng thể nào quên/ đau leo từng bậc tam cấp…/ quên, quên bao lần tự nhủ/ đầu óc mụ mị réo trời” (Quên ư? Biết đến bao giờ!)
Đành nói với lòng rằng, tự dỗ mình thôi, từng ao ước bình minh, gọi mặt trời thức giấc đến một giấc mơ trưa cất tiếng dịu dàng:
“Ngày đêm thèm một chỗ ngồi/ ung dung/ tự tại/ dỗ tôi thiện lành” (Giấc mơ trưa)
Và chọn cách sống quen dần với tự tại, bỏ ngoài tai những lời điêu ngoa, giả dối, tập suy ngẫm về những điều thiện lành để lạc quan hơn trong cách nhìn đời:
“Rắc vị ngọt/ chắt chiu bùi/ rưới cho tươi cõi chôn vùi những xa/ mưa sớm mai, mưa mưa qua/ ồ, thôi thây kệ/ vẫn ta xanh cười” (Rồi sẽ xanh cười)
Cúc Vàng tạo ra sự khác lạ trong “Sốt mưa”:
“Cơn sốt mưa rơi chật nêm/ dội hôm buốt giá/ dội đêm sảng hồn/… cơn sốt mưa lệ lệ đào/ ngày như mê ngủ/ chiều trào dâng đêm”
Hay trong bài “Bện nhớ”, nhà thơ vận dụng điệp ngữ khá thành công. Khi sợi tóc theo tuổi bỏ người đi, hương tóc đi về trong xoắn xuýt nỗi nhớ bện chặt, nỗi buồn nhớ dâng lên:
“Tóc thưa dần thưa dần/ ngày chênh vênh chênh vênh/ cô đơn cô đơn bến/ nhớ đầy thêm đầy thêm”
Dù mơ hay thực, dù đời không là mơ cũng cần những giấc mơ và biết sống trọn vẹn trong đời thực, ấy là biết đủ mà vui:
“Dẫu khóc khô không lệ/ cũng triển lãm nụ cười/ trái tim luôn khống chế/ héo sầu cũng hóa tươi” (Những vụn trầm)
Vâng, những vụn trầm lặng lẽ tỏa hương, cất lời.


B.P.T

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: