Thứ tư, 15/01/2025,


Một nhà giáo vượt khó và những may mắn trong đời (15/11/2008) 

Nhiều người yêu mến những bài thơ Đường hào sảng, phong lưu ở miền quê này rất kính trọng phong cách sống của thầy Nguyễn Trọng Cầu (Trung Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh. Điện thoại: 0953177124), nguyên giảng viên Khoa Giáo dục chính trị, trường Đại học Sư phạm Vinh. Nhưng mấy ai biết, thầy đã chèo chống cuộc đời như thế nào: 30 năm vắng cha. 30 năm miệt mài học tập. 30 năm gắn bó với thơ Đường. Ba lần vinh dự gặp Bác Hồ. Vừa về hưu thì vợ mắc bệnh hiểm nghèo. Liền một năm, xây dựng gia đình cho 3 người con trai để vợ yên lòng. Và, một mình thầy lo cho 6 người con trưởng thành, giàu có. Tuy tuổi cao nhưng thầy vẫn tinh anh, mạnh khoẻ và thường đây đó thăm thú bằng hữu, bạn thơ. Thầy cho biết, tài sản quý nhất của thầy là trí tuệ, mà muốn có trí tuệ thì phải có ý chí, nghị lực và quyết tâm…

 

Thầy Nguyễn Trọng Cầu sinh năm 1925, tại làng Khố Nội (nay là xã Trung Lộc) - vùng địa linh, nơi ghi dấu 10 nữ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

Thân sinh thầy Cầu là cụ Phó Loan, một hàn nho tham gia phong trào cách mạng từ những ngày Đảng đang trong thời kì trứng nước. Năm 1930, cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh bùng nổ, cụ Phó Loan bị đế đế quốc thực dân truy nã. Để bảo đảm an toàn và phát triển lâu dài, cụ cùng một số anh em sang Thái Lan vừa hành nghề Đông y vừa hoạt động.

Bấy giờ, mẫu thân thầy Cầu đang mang thai người em trai và phải chăm nom hai con nhỏ dại. Nhà cửa bị tịch thu hết. Bởi bụng mang dạ chửa, lại thuộc đối tượng bị giám sát chặt chẽ của thực dân nên mẹ thầy không thể làm gì được, cũng không biết trông cậy vào ai. May nhờ bà Dung, người Xuân Lộc, cùng hoạt động cách mạng với cụ Phó Loan đã đưa hai mẹ con về nuôi dưỡng, chăm sóc. Cuộc sống lâm vào đường cùng cụt kể từ khi thầy mới 5 tuổi. Thầy cùng chị gái đã phải đi ở nhờ bên ngoại. Rồi phải đi ở đợ, chăn trâu, giữ em và dọn dẹp nhà cửa cho người ta để nuôi thân.

Năm 1935, cùng với sự giúp đỡ của bà con, mấy mẹ con thầy dựng được gian nhà tre, lấy chỗ đi ra đi vào nhưng thường xuyên bị lính rình rập dòm ngó, kiểm soát và bao vây hòng bắt cụ Phó Loan. Tuy còn nhỏ nhưng thầy đã nhận thấy cuộc sống nếu không biết chữ thì vô cùng khốn đốn, bị khinh bỉ mọi đường nên bàn với mẹ quyết tâm đi học. Thân phụ thầy cũng nhắn đồng đội về căn dặn vợ, dù hoàn cảnh thế nào cũng phải cho các con ăn học tử tế. Lúc đó, cuộc sống vô cùng túng bấn, thân mẫu nói, “nhà nghèo, ăn rau ăn cháo thế này làm sao mà đi học nổi?” và thầy Cầu khẳng khái trả lời, “khổ mấy cũng đi được, miễn không bị chết.”

Càng học, thầy càng nhận thấy rõ nỗi cơ cực của kẻ mù chữ. Học chữ quốc ngữ ở trường làng 3 năm, không có điều kiện theo học trên huyện, tỉnh. Thầy lại học tiếp chữ Hán 3 năm với thầy đồ trong làng là ông nội của Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phan Đình Diệu. Cụ là một nhà nho rất mẫu mực, nghiêm túc, đức độ và rất thương yêu học trò.

Năm 1945, cách mạng tháng 8 bùng nổ, thầy Cầu háo hức tham gia cùng nhân dân cướp chính quyền. Tuy vốn chữ nghĩa của thầy chưa nhiều nhưng so với đương thời lại rất hiếm hoi và thật có giá. Thầy Cầu tham gia công tác đoàn thanh niên địa phương, làm công tác tuyên truyền và dạy bình dân học vụ. Rồi được tuyển dụng thầy vào công tác tại nhà in của tỉnh vừa mới thành lập. Thầy rất vui vì ở đó có điều kiện tiếp xúc với sách vở, chữ nghĩa. Tại đây, thầy vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Vừa công tác vừa học bổ túc nhưng cũng chỉ ở chừng mực nhất định mà thôi. Như vẫn “đói” chữ nên năm 1951, thầy xin chuyển công tác từ văn phòng huyện uỷ sang làm thư kí văn phòng trường Cấp hai tư tục Đặng Dung để có điều kiện học tiếp.

Từ thực tiễn công tác và cuộc sống, thầy Cầu nhận thức rõ những khó khăn khi không có kiến thức. Trước cách mạng tháng 8, thầy chỉ dám mơ ước làm sao kiếm được dăm, bẩy quan tiền để mua một bộ đồ hành nghề hớt tóc ngoài đường, thế cũng là mãn nguyện và sung sướng lắm rồi. Vốn say mê học tập, thầy không bỏ qua bất cứ cơ hội được học nào, dẫu khó khăn gian khổ chồng chất. Cuối năm 1953, “thần” may mắn gõ cửa. Thầy được cử đi học trường Trung cấp Sư Phạm tại khu học xá TW ở Nam Ninh - Trung Quốc.

Lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng của đèn điện, sau một tháng ròng rã cuốc bộ từ Can Lộc đến nước bạn. Cứ đêm đi, ngày nghỉ tại rừng để tránh sự dòm ngó của máy bay địch. Cảm nhận của thầy khi ấy tựa đang được sống tại thiên đường vậy. Cũng phải thôi, bởi xưa nay chưa từng được hưởng những điều mà đến mơ cũng không dám như thế.

Tốt nghiệp, đoàn du học sinh về nước nhận nhiệm vụ công tác ở nhiều nơi. Thầy Cầu được tổ chức phân công về công tác tại khu giáo dục khu IV, thành phố Vinh.

Con đường học vấn của thầy Nguyễn Trọng Cầu thành công được, ngoài ý chí vượt khó của thầy phải kể đến công lao của bà Phan Thị Ngụ, người vợ mà thầy rất mực thương yêu. Bà là con gái trong một gia đình khá giả. Thân sinh bà từng là học trò của bố thầy Cầu và chính cụ đã đề nghị với thân mẫu thầy để tác hợp mối duyên lành cho hai người.

 

Nhà giáo Nguyễn Trọng Cầu (đứng giữa) và một số bạn bè CLB Thơ Đường.

 

Cưới vợ, thầy được “nhạc phụ” cung cấp cho một con bò và mấy sào ruộng làm vốn liếng sinh sống. Nếu không may mắn có người vợ hiền thục thì có thể sự nghiệp học hành của thầy đã bị đứt đoạn. Chính bà đã tán thành, ủng hộ mong muốn được học của chồng và xin nhận lãnh công việc tại quê để tạo điều kiện cho chồng học tiếp. Thầy Cầu bươn trải trên con đường đèn sách và phục vụ sự nghiệp giáo dục, thường xuyên công tác xa dài ngày. Vợ vừa lo chu toàn việc nhà, nuôi dạy 6 người con ăn học tới nơi tới chốn, vừa tích cực tham gia các phong trào hậu phương như hội đồng nhân dân, hội phụ nữa Nhân dân trong xã, ai cũng tỏ lòng quý mến bà.

Thời gian dần trôi, vui buồn chuyện đời thật lắm nhưng với thầy Cầu thì quãng thời gian người vợ bị ốm bệnh là khốn khó nhất. Năm 1989, khi thầy vừa mới chính thức nghỉ hưu được một năm thì vợ mắc bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa, phải nằm viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh lâu ngày và cần người chăm sóc. 2 cô con gái và một cậu con trai đã học hết cấp 3 đều đi bộ đội, 2 người con sau thì còn quá nhỏ. Thương vợ, thầy đành mướn một người trông giữ nhà cửa và 2 con nhỏ ở nhà rồi xin vào viện điều dưỡng theo tiêu chuẩn cán bộ về hưu để tiện gần gũi, chăm nom vợ. Thương con, mong các con hoàn thành nhiệm vụ nên không báo cho các con biết để khỏi lo toan chuyện gia đình. Lương hưu tằn tiện cũng không thể liệu đủ mọi bề, thầy phải chạy vạy vay mượn đó đây để điều trị bệnh cho vợ. Đất nước đang trong thời kì bao cấp, nền kinh tế còn vô vàn khó khăn nhưng thầy bình tĩnh lo chu toàn.

Năm 1991, vợ thầy Cầu nằm liệt giường và nguyện vọng duy nhất là được nhìn thấy dâu con, cháu nội. Thầy Cầu hứa với vợ: “Nếu bà cố sống được một năm nữa thì tôi sẽ cưới dâu cho các con đã tới tuổi”. Và, thầy thực hiện ước vọng của vợ ngay trong năm đó. Tháng giêng, tổ chức lễ cưới cho người con trai cả, con trai thứ hai thành hôn vào tháng 6 tại Nga và tháng chạp thì đón con dâu thứ 3. Liền một năm xây dựng gia đình cho 3 con trai, quả thực không phải chuyện dễ ở thời điểm và hoàn cảnh của thầy. Tháng 2 năm sau, bà Ngụ vui vẻ đoạn duyên trần khi đã toại tâm nguyện. Lúc đó, cháu nội đích tôn được hơn 1 tháng tuổi.

Thầy Cầu tự lo công cuộc dạy bảo con cháu, định hướng sự nghiệp cho mỗi người. Tài sản nuôi dưỡng và truyền trao của thầy không phải vật chất mà là trí tuệ, đó là tài sản vô cùng đặc biệt, “càng tiêu càng giầu thêm” và chỉ cần có nó thì ở đâu cũng sống đàng hoàng, tốt đẹp được. Đó là kết luận của thầy sau bao năm lăn lộn học tập, truyền trao kiến thức cho nhiều thế hệ học trò và được thể hiện rất rõ, rất chính xác ở ngay chính cuộc sống thực tiễn của các con cháu.

Trong suốt chặng đường dài tự lực vươn lên, thầy Cầu gặp không ít những may mắn, vinh dự.

Năm 1958, Bác Hồ đích thân đến nói chuyện với lớp chỉnh huấn trí thức toàn miền Bắc tại trường Bổ túc Công-nông ở Giáp Bát, Hà Nội. Trước khi gặp Bác, thầy Cầu nghĩ Bác sẽ nói rất nhiều, với những nội dung thật mới mẻ, cao xa. Nhưng trái lại, Bác nói rất ngắn gọn, đơn giản nhưng xúc tích, sâu sắc, hàm chứa tất cả những điều cơ bản và đầy đủ nội dung cần trao đổi. Bác nêu mấy câu đầu trong Tam Tự Kinh và giải nghĩa cụ thể để nhấn mạnh vai trò của giáo dục, vai trò của những người làm công tác giáo dục. Với tinh thần hiếu học, luôn tự nỗ lực vươn lên làm giàu và củng cố kiến thức để cống hiến được nhiều hơn, tháng giêng năm 1960, thầy Cầu tiếp tục đi học 2 năm tại trường Đảng cao cấp (nay là Học viện chính trị) và được gặp Bác Hồ lần thứ hai.

Bác tới thăm Trường Đảng cao cấp mà không hề báo trước, cứ lặng lẽ đi xem nơi ăn chốn ở của nhà trường. Khi thấy Bác tại bếp ăn, lực lượng hậu cần lúng túng dọn dẹp vệ sinh. Bác liền bảo, “việc này phải thực hiện thường xuyên chứ không phải thấy Bác mới làm”. Xong, Bác đi kiểm tra một số phòng ngủ của học viên trước khi ra nói chuyện với tập thể cán bộ, học viên nhà trường. Trong buổi nói chuyện, Bác phê bình việc tổ chức ăn ở của nhà trường chưa thật gọn gàng và nhắc nhở đó là việc cần phải rèn luyện trong học tập.

Dân gian có câu, “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai” nhưng với thầy Cầu có vẻ như ngược lại. Cùng năm này, cụ Phó Loan chính thức trở về nước ở tuổi 80, kết thúc quá trình hoạt động bí mật và sinh sống tại Thái Lan. Sau khi nhận thư báo, thầy xuống cảng Hải Phòng rước cha về cùng đoàn tụ. Về quê, cụ Phó Loan vẫn hành nghề lương y và rất hay làm thơ. Hai cha con thường đàm đạo về thơ phú, về chuyện thời sự.

Thời gian gần cha không nhiều nhưng hình ảnh và những lời dạy của cha không bao giờ phai lạt trong tâm trí, kí ức của thầy.

Kết thúc khoá học Trường Đảng, thầy Nguyễn Trọng Cầu về giảng dạy môn Lịch sử Đảng tại trường Đại học sư phạm Vinh. Duyên này cũng là may mắn, niềm vui bất ngờ lớn bởi đáp ứng tâm nguyện, mơ ước được học hành đã ăn sâu vào dòng máu của thầy từ tấm bé. Vừa giảng dạy, thầy vừa học hàm thụ khoa lịch sử liên tiếp 4 năm và hoàn thành chương trình chuyên tu cao cấp tại trường Đảng, vào những năm 1975 - 1977.

Dịp hè 1964, thầy đang nghiên cứu chuyên đề tại trường Đảng và vinh dự được gặp Bác lần thứ 3, nhân chuyến thăm Việt Nam của chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Bác Hồ đưa chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đến thăm và nói chuyện với toàn thể cán bộ, học viên của nhà trường. Trước buổi gặp gỡ tại hội trường, do trời nóng bức nên Bác gợi ý Chủ tịch Lưu cởi bớt chiếc áo khoác bên ngoài cho mát. Sau khi Chủ tịch Lưu làm theo ngụ ý của Bác, các học viên cũng đề nghị Bác cởi chiếc áo đại cán (kiểu áo 4 túi) trên người ra. Bác liền bật nút ngực chiếc áo đại cán và chỉ tay ra ý bên trong chỉ mặc mỗi chiếc áo may ô, không có áo sơ mi nên không thể cởi áo đại cán ra được. Thế mới biết, Bác giản dị đến chừng nào. Có lẽ, không riêng thầy Cầu, mà tất thảy mọi người đều rất khâm phục phong cách giản đơn nhưng luôn lịch thiệp cùng phong thái điềm đạm của Bác. Bởi vậy, hình ảnh Bác luôn như một biểu tượng thiêng liêng trong tâm hồn thầy…

 

           Nhà giáo Nguyễn Trọng Cầu hạnh phúc bên con cháu.

 

Thơ Đường là một sân chơi tao nhã, trí tuệ. Thầy Cầu tham gia từ lúc còn đang giảng dạy tại trường Đại học sư phạm Vinh. Thấy coi đó cũng là một trong những điều kiện cần thiết để hòa nhập với môi trường tri thức. Khi ấy, không riêng khoa Văn, mà hầu hết các khoa khác cùng hăng hái làm thơ Đường. Như Giáo sư Hiệu trưởng Nguyễn Thúc Hào, giáo sư Văn Như Cương... là những người rất yêu thích và lão luyện thơ Đường Luật.

Thầy Cầu luôn tâm niệm lời dạy, “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…” của Bác.  Bởi vậy, thầy miệt mài, say sưa làm bằng được thơ Đường. Và sau này, khi về hưu, thơ Đường lại trở thành thú vui thanh tao của tuổi già, là sợi dây vô hình kết nối tình bạn gần xa và là liều thuốc thần diệu giúp tư duy chậm lão hóa.

Thơ của thầy Nguyễn Trọng Cầu mang phong thái ung dung, tao nhã, phóng khoáng, luôn gắn liền với cuộc sống thực tiễn và dễ hiểu. Tự tại ở tuổi 83, thầy Cầu vẫn tinh anh, khoẻ mạnh và một mình ngao du đây đó thăm thú, xướng hoạ thơ cùng bạn bè tri âm khắp miền Tổ quốc. Quả thực, hiếm người có được cuộc sống an nhiên như thầy. Ung dung với món tài sản vô giá là những bài thơ ghi dấu nỗi niềm từng giai đoạn cuộc đời với bao xúc cảm đáng quý, đáng trân trọng. Trong đó, thổ lộ sự hoan hỉ dạt dào, tình cảm tao nhân thắm thiết và cả những trúc trắc của đời người kim cổ. Thầy Cầu đã sống xuyên hai thế kỉ bằng những vần thơ Đường hào sảng, phóng khoáng. Niêm luật rất khắt khe nên để toát ra được sắc thái trượng phu trong thơ Đường không phải dễ. Mỗi chữ trong bài, người làm thơ Đường phải chuyên tâm, kì công tìm tòi, sáng tạo, gọt giũa cho thật khéo để tạo thành những viên ngọc lung linh nhưng không uỷ mị, không xa rời cuộc sống, không huyền bí nhưng sâu sắc và tinh tế. Có lẽ bởi vậy, người say mê thơ Đường luôn như được rèn luyện cân não, trí tuệ, sức lực và tràn đầy nhựa sống.

Xin được trích bài thơ "Tự Bạch" của nhà giáo Nguyễn Trọng Cầu để thay cho đoạn kết của bài viết này:

Tuổi Sửu, mang tên Nguyễn Trọng Cầu

Hành nghề nhà giáo đã từ lâu

Về hưu Trung Lộc nơi quê quán

Vui thú điền viên hợp số trâu.

Cần gạo chăm lo cày với cuốc.

Thiếu mồi sắm sửa lưới và câu

Thường xuyên gắn bó cùng đèn sách

Xướng họa giao du với bạn bầu...

                         

                                              Nguyễn Lê Đoàn

 

 _____________

LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: