Nhà văn, nhà văn và nhà văn! - Đúng là quá sang trọng!
Bởi chỉ có những con người đặc biệt mới trở thành nhà văn. Sự đặc biệt ở đây chính là tài năng. Đã có rất nhiều người ưỡn ngực, hãnh diện khi tự giới thiệu: 'Tôi là nhà văn!' Chỉ cần hai chữ đó, họ tưởng cũng đủ để những người trước mặt phải kính trọng mình.
Đã có một thời kỳ, hai tiếng 'Nhà văn' được coi trọng, được sủng ái… Còn bây giờ thì sao? Rất khó trả lời, một trong những nguyên nhân đơn giản vì có quá nhiều người “liều chết” xin được làm nhà văn - xin vào Hội Nhà văn - chứ không phải ngày ngày sống hết lòng và đêm đêm viết hết mình. Nghe rất lạ tai phải không?
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Người viết bài này đã từng “bị tặng” khá nhiều 'sách văn học' của khá nhiều người. Bao giờ ở phần giới thiệu tác giả, người ta cũng ghi rất đầy đủ: hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội… rất nhiều Hội. Chuyện này có lẽ duy nhất ở Việt Nam mới có. Họ làm như nếu không ghi đầy đủ những cái Hội mà họ là hội viên kia người ta sẽ không đọc sách của mình vậy. Hay phải là hội viên của Hội Nhà văn mới oai?
Tong các tác phẩm văn học nước ngoài hay trong những bản lý lịch của những tác giả nổi tiếng, thậm chí có tác giả đoạt giải Nobel hẳn hoi, người ta chỉ ghi tên tác giả, cùng lắm là địa chỉ, nơi làm việc… Hết. Vì họ nghĩ: chất lượng nghệ thuật nằm ở trong sách chứ không phải ở vài lời giới thiệu nhạt nhẽo kia. Cái danh hiệu hội viên hội này, hội kia chẳng quan trọng gì nếu như sách dở. Mà thường ai ghi rất nhiều hội ấy lại hay viết ra những dòng nhạt nhẽo. Bởi vì người đó có viết văn như một nhu cầu tự thân đâu, mà là viết để có một cái danh. Mà những cái danh kiểu đó đa phần cũng chỉ là những thứ vớ vẩn mà thôi. Chán lắm!
Có lần một ông nhà văn, mà không, một người viết những thứ gì đó na ná văn, cũng không nốt… - theo tôi, ông ta chỉ là người biết viết chữ không hơn không kém - đã tuyên bố một cách hùng hồn: Tôi đã được vào Hội Nhà văn Việt Nam! Bây giờ tôi là nhà văn cấp quốc gia chứ không phải địa phương nữa đâu nhé! Ông ta vênh mặt, lúc nào cũng cơn cơn cầm cái thẻ ấy ra để dọa mọi người. Hóa ra việc xin vào Hội Nhà văn Việt Nam quan trọng thế sao? Mà theo lời kể của cái ông “viết chữ” nọ thì hành trình xin được vào Hội Nhà văn quả là gian truân hơn cả việc viết lách. Phải nói rằng việc trăn trở làm thế nào trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam còn ghê gớm hơn cả việc thai nghén tác phẩm. Thậm chí mất thời gian hơn nhiều.
Vậy như thế nào sẽ trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam? Rất đơn giản, chỉ cần có tác phẩm và người ta thường nói: “Có dư luận”. Cái dư luận ở đây khá trừu tượng, nhưng cần phải có dư luận. Nhiều lúc tôi đọc thấy tác phẩm này, tác phẩm kia có dư luận mà chẳng biết là dư luận về cái gì. Có tác phẩm rồi thì chí ít phải có hai nhà văn danh tiếng trở lên giới thiệu và một lá đơn xin gia nhập Hội. Tất nhiên khâu cuối cùng, quan trọng nhất là Ban Chấp hành Hội bỏ phiếu, nếu quá bán thì đạt và trở thành hội viên. Thế thôi.
Tất cả những công đoạn ấy rất đơn giản, chẳng có gì phức tạp. Vậy mà nó đã trở thành chủ đề nóng bỏng nhất trong những đợt “sát hạch” để trở thành hội viên. Người ta mạt sát nhau, kiện tụng nhau… bằng tất cả sự uất ức nếu không lọt vào danh sách hội viên. Người viết bài này đã vài lần chứng kiến cái cảnh đó.
Vẫn là mấy tác phẩm nhì nhằng đến vợ con đọc cũng không tìm thấy chút cảm xúc và ý nghĩa gì nhưng chỉ sau một buổi bỏ phiếu bầu là trở thành nhà văn. Thế là những người viết những thứ na ná văn, na ná thơ bắt đầu sống một cuộc sống khác, cuộc sống của một nhà văn đã được một cái hội công nhận.
Nhà văn, theo tôi hiểu, thì phải có văn hóa, có tài năng… và điều quan trọng nhất là lòng nhân ái, vị tha… Ấy vậy mà khi nghe các vị “trò chuyện” thì thật không khỏi hãi hùng. Đại loại là: Cái thằng kia làm gì xứng đáng, nó chỉ giỏi chạy chọt, nó đi cửa sau lâu rồi… giỏi, giỏi thật v.v… Họ buông ra những lời không hơn gì mấy bà buôn lẻ ở chợ. Thế mà cũng dám viết văn, tôi không thể tin những người như thế có thể viết ra được một câu ra hồn văn chương. Rồi họ lại đay nghiến: 'Như tôi đây, bốn đầu sách, đoạt mấy giải liền mà chúng nó không cho vào. Cái con kia có biết gì đâu, chỉ được cái giỏi nịnh bợ thế mà nó được, nó đúng là…' - Họ cứ thế vỗ đùi, vỗ tay, trợn mắt, nhe răng nói ầm ầm, như thể người ta đốt nhà mình vậy.
Tôi cũng không thể hiểu, khi ngồi xuống bàn những người như thế họ nghĩ gì để viết? Và cái động cơ viết văn ấy là gì? Có phải vì nghệ thuật, vì tình yêu con người? Khó đoán lắm! Chỉ mỗi cái việc vào hội mà lồng lộn lên như thế, tôi tin người ta viết ra những cái gọi là văn chương ấy chắc chắn nhằm vào mục đích khác. Và mãi mãi chẳng bao giờ thành văn chương.
Đã có lần một vị lão làng, gọi là lão làng vì già rồi, hơn sáu mươi rồi mà vẫn chưa trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thổ lộ: 'Tôi chỉ muốn vào Hội để chứng tỏ cho mấy đứa con nó biết mình là nhà văn thôi!' Nghe bác ấy nói thế tôi bỗng thấy nao lòng. Tôi cứ nghĩ, nếu chúng nó là những đứa con có hiếu, chúng nó phải hiểu bậc sinh thành là vĩ đại nhất, bất luận ông ta là ai. Còn việc chứng tỏ mình là nhà văn chỉ vì như thế thì thật vô nghĩa.
Có một vài người còn dọa nếu không được vào Hội thì sẽ chết. Bởi không nỡ để những người đó phải chết vì một lý do rất vớ vẩn cho nên những người có trách nhiệm trong hội đành phải bỏ phiếu cho họ. Tất nhiên kẻ nào oang oang dọa chết thì không bao giờ dám chết. Nhưng thôi, có mất gì đâu, bỏ phiếu. Thế là tự nhiên Hội nhà văn vốn thực sự danh giá với xã hội bỗng trở thành nơi giải quyết chính sách. Một Hội nghề nghiệp cao quý như thế mà giải quyết chính sách thì nó phải biến thành một cái gì đó “vớ vẩn” ngay.
Việc viết văn chương phải là tự thân, phải xuất phát từ lòng say mê nghệ thuật chứ đâu phải để đi tìm một cái danh hiệu nào đó. Thực tế những đại văn hào viết văn đâu phải phấn đấu để trở thành hội viên của hội này, hội nọ. Họ viết vì cần phải viết thế thôi. Chúng ta - những người vẫn gào lên rằng, chúng tôi yêu văn chương, chúng tôi viết văn chương, chúng tôi có tác phẩm… đều hiểu điều đó mà như không hiểu. Trong tiềm thức vẫn khát khao: phải vào Hội, phải trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam mới chứng tỏ được mình. Thật nực cười, thay vì khát khao viết được một tác phẩm, họ lại “liều chết” quyết sống mái để có được cái thẻ hội viên vô nghĩa ấy.
Hàng năm, cứ đến kỳ kết nạp hội viên thì tất cả các quán cà phê, công sở, rồi vỉa hè mà mấy cái anh viết văn, viết chữ ấy hay lui tới cứ gọi là sôi sùng sục. Không khí căng thẳng hơn cả khi đội tuyển bóng đá nước nhà gặp Thái Lan. Tôi có một người thân làm trong Ban chấp hành hội Nhà văn Việt Nam.
Hội đồng Văn xuôi họp bàn xét kết nạp Hội viên năm 2008.
Cứ đến đận ấy là ông chuồn, tắt điện thoại, dặn vợ con không được phép tiết lộ mình ở đâu. Nghe cứ như hoạt động bí mật, hóa ra ông không chịu nổi sự làm phiền của mấy vị xin vào hội. Họ gọi điện, đến nhà, tặng quà, gây sức ép… đủ các trò. Cốt làm thế nào để chiếm một phiếu của ông. Họ nhẫn nại đến bất ngờ, họ không quản ngại xa xôi, mò mẫm từ rừng xuống, lặn lội từ biển lên, tìm đến phố phường khói bụi, tìm bằng được người cần gặp chỉ để ông ấy bỏ phiếu cho mình. Làm văn chương gì mà khổ và hèn thế không biết! Công sức ấy mà bỏ vào việc viết lách, hoặc đi uống bia còn sướng hơn nhiều. Đơn giản vì có vào được hội thì văn chương vẫn thế, nếu anh là người viết ù ù cạc cạc thì vào Hội rồi cũng vẫn ù ù cạc cạc thế thôi! Tuy nhiên cũng phải công bằng mà nói có những người xứng đáng là nhà văn mà lận đận cả chục năm trời không vào được hội. Trong những người ấy có người cứ lặng lẽ viết mà không để ý xem hội có kết nạp mình không. Nhưng cũng có những người thấy sốt ruột vì quanh họ những người viết na ná văn cứ ầm ầm vào Hội, cứ ầm ầm in cácvidít với dòng chữ 'Hội viên Hội Nhà văn' và cứ ầm ầm tuyên ngôn về nghệ thuật cao cả.
Nếu bảo vào Hội vì vật chất thì không phải. Kinh phí tài trợ cho sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam rất ít, phải đợi tới vài năm mới đến lượt, mà vài triệu bạc chỉ mang tính chất tượng trưng, động viên thôi chứ bám vào đó có mà chết đói. Nhưng người ta vẫn cứ lao vào với một khát khao bất tận.
Cái đích của văn chương thật mơ hồ, còn lợi ích của văn chương đem lại càng mơ hồ hơn. Việc vào Hội Nhà văn bây giờ cứ giống như việc bỏ tiền ra mua một cái chức mõ làng hay chức gì đó trong làng xưa kia. Nhưng cái danh hão nó mê hoặc người ta thật ghê gớm. Có những người sắp chết chỉ lo sao đám tang mình phải có thật nhiều hoa. Tôi biết được một câu chuyện cười ra nước mắt là có một người khi lâm bệnh, bạn bè đến thăm tặng cái phong bì thì nguây nguẩy không nhận. Hỏi vì sao thì nói cứ cầm tiền để mua cho mình cái vòng hoa khi mình mất. Ôi, thèm cái danh như thế thử hỏi ở đâu trên thế gian này có được?!
Lại nói về cái danh hội viên, tôi thấy cái bà viết Ha-ri Pot-tơ ấy, bây giờ giàu ngang ngửa với nữ hoàng Anh, cũng có bao giờ nghĩ mình sẽ phải vào hội này hội nọ làm chi? Mà bà ta cũng không phải là hội viên của cái hội nào cả. Thậm chí người ta còn bảo bà ấy không phải là nhà văn nữa cơ mà. Nhưng những cái bà ta viết ra ấy đã làm say mê bọn trẻ trên toàn thế giới, sách của bà ta được đọc nhiều như Kinh thánh.
Chỉ cần nghĩ thế thôi đã thấy xứ ta có biết bao người cũng có đôi chút chữ nghĩa mà u mê hết cả đời với mấy cái danh hão. Nhưng thực tế, cái danh hội viên cũng mang lại những lợi lộc nào đó cho mấy ông mấy bà viết lách nhàn nhạt ở các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương. Nếu anh là hội viên Hội Nhà văn thì anh có thể được giữ một vị trí nào đó trong Hội địa phương. Có người còn được lựa chọn làm Chủ tịch hay là Ủy viên Ban chấp hành Hội địa phương nữa. Thế là lâu nay có phong trào xin vào Hội. Có những người làm thơ rất “con cóc” cũng xin vào Hội. Tôi xin chẳng nêu tên những người đó ra đây làm gì. Việc xin vào là quyền của họ. Nhưng chúng ta có nghĩ đến một điều là vì sao họ lại tự tin xin vào Hội nhà văn không? Đó chính là điều cay đắng cho một hội nghề nghiệp từng danh tiếng trong xã hội. Nhiều nhà văn nói: nếu một ngày nào đó mà những người như thế vào Hội thì họ sẽ xin ra khỏi Hội.
Xin nói thêm rằng, nếu các bạn một lần chứng kiến cảnh Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam thì phải cười đến méo cả miệng. Đại hội vừa rồi, tôi may mắn chứng kiến những người được gọi là nhà văn ấy “tranh luận” thì sợ hết hồn vía. Số là kết thúc đại hội, bầu xong Ban Chấp hành, nhưng không đủ số người như dự kiến. Thế là người ta tranh luận. Phải nói là mắng nhau mới đúng, mấy vị đứng lên giành lấy nắm đấm mi-cờ-rô xổ ra những từ không thể nghe được. Người này đang nói, thì người kia hăm dọa: 'Im mồm, để tôi nói, đưa mic đây… Này, tay kia… im mồm…' Những cụm từ ấy làm loạn cả hội trường. Mấy vị có nhân cách thì lỉnh đi cho xong chuyện, còn vài cụ cao niên chỉ còn biết cúi đầu xuống cho đỡ xấu hổ. Khổ mấy ông nhà báo đến dự, cứ mắt tròn mắt dẹt không biết các hội viên đang làm gì. Hóa ra điều họ quan tâm vẫn là chức danh, là địa vị chứ không phải cùng nghĩ làm thế nào cho văn chương nước nhà phát triển. Đến nỗi, có vị nằm trong ban lãnh đạo hội phải tuyên bố xanh rờn: Làm ở đây phải biết nhẫn nhục, nếu không đố các vị ngồi được hai ngày!
Chỉ có lớp trẻ - một số ít lớp trẻ biết được con đường thực sự của văn chương thì “tỉnh ngộ” nhanh hơn. Họ chẳng quan tâm lắm tới việc có trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không. Họ tìm tòi viết lách, mệt quá thì viết báo, mệt nữa thì đi chơi cho sướng. Không phải họ coi thường hội mà họ biết thừa vào hội thì văn chương cũng chẳng khá hơn và vật chất cũng chẳng được bao nhiêu trừ việc được phát không tờ báo Văn nghệ. Nhưng lý do cơ bản nhất là họ đã đọc tác phẩm của nhiều nhà văn hội viên và đã chứng kiến cảnh chen nhau vào Hội và đi đến quyết định không vào Hội. Họ hiểu rằng đời sống thực sự có ý nghĩa của một nhà văn là tác phẩm chứ không phải là trở thành hội viên.
Có những người làm văn chương thật, có tài thật họ ngồi nghĩ lại thấy cái việc vào hội ngày xưa rất nhẹ nhàng. Người ta thấy việc được vào hội và chất lượng văn chương không có gì đồng nghĩa cả. Người ta cứ viết, cứ sáng tác như thế cho đến một hôm có người nói: cậu nên vào hội cho có chỗ sinh hoạt, thêm phần vui vẻ. Thế là họ viết đơn và vào hội. Xong rồi vẫn thế, chẳng có gì căng thẳng cả. Có những người còn để mấy vị lãnh đạo Hội giục vài lần mới viết đơn vì bận quá quên mất. Đó là những con người yêu văn chương thực sự, làm văn chương với cả tấm lòng trong sáng. Họ không mất thời gian vào những công việc vô ích ngoài sáng tác của mình.
Để kiểm chứng điều này, cứ thử xem lại độ tuổi của những người đã từng và đang ngày ngày viết đơn xin vào hội thì biết. Tôi dám chắc là toàn mấy vị U50 trở lên cho mà xem, tỷ lệ ấy chiếm đa phần là cái chắc. Cũng có thể với người ta cái danh hiệu nhà văn nó quá lấp lánh nên người ta khát khao vươn tới, nhưng đâu có phải vào hội người ta mới gọi anh là nhà văn!? Có vào hội cả trăm lượt cũng vô ích nếu không tài thực sự. Điều này họ đều biết cả chứ không phải ngộ nhận đâu. Chỉ vì họ vào hội với những mục đích khác mà thôi.
Hôm nọ, tôi có gặp một vị cũng U60 vừa được kết nạp vào hội, ông ta sướng quá, mời bạn bè đi nhậu. Trong cơn say, hai mắt ông ta sáng rực, cười nói ngút trời. Rồi lại diễn cái bài tặng sách. Cầm tập thơ của ông ta đã thấy ghi rất rõ chữ: Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam to đùng. Đây là khâu không thể thiếu trong việc in sách, chỉ cần chữ đó là đủ, chữ đó là tất cả, văn chương cũng ở chữ đó mà thôi. Và tôi cũng chỉ đọc mỗi chữ đó, gấp cuốn sách lại, không biết còn lần nào mở nó ra đọc nữa không. Chắc chắn một điều, không dễ gì tìm thấy cái được gọi là văn chương từ những cuốn sách như thế.
Vì tôi là kẻ yêu và tôn kính văn chương nên mới quan tâm đến vấn đề này và thấy cay đắng vì cái danh nhà văn bị chính những người có danh nhà văn làm cho lu mờ và méo mó. Chỉ có những người muốn vào Hội và đang là Hội viên mới nghĩ đến những chuyện “vớ vẩn” này. Còn thực tế, xã hội chẳng còn quan tâm đến Hội Nhà văn, hay ai là hội viên của nó. Vì điều đó chẳng có ý nghĩa gì với xã hội. Chỉ có tác phẩm hay mới làm cho xã hội yêu quý và kính trọng nhà văn mà thôi.
Theo A Sáng (Phongdiep.net)