Thứ sáu, 27/12/2024,


Cũ và mới trong “Gió làng Kình” (13/11/2008) 

          Khán giả đã từng quen thuộc với tên tuổi của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cùng ê kíp Phạm Ngọc Tiến, Bùi Bài Bình, Hồng Sơn qua nhiều bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn. Giữa tháng 11, ê kíp này sẽ cho ra mắt bộ phim mới vẫn mang đề tài nông thôn trên sóng truyền hình Việt Nam với tên gọi “Gió làng Kình” nhưng với cách thể hiện khác, gần gũi, trực tiếp và mạnh mẽ hơn.

 

Đề tài quen thuộc nhưng không cũ

 

Với 25 tập phim, ban đầu mang tên “Những ngọn gió người”, “Gió làng Kình” phản ánh cuộc sống nông thôn Việt Nam những năm đầu của thời kỳ đổi mới, gói gọn trong một thôn của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chuyện phim xoay quanh một vấn đề tưởng chừng rất nhỏ như bầu trưởng thôn, nhưng lại tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân khi mọi chuyện “sai một ly đi một dặm”. Nhân vật chính của “Gió làng Kình” là trưởng thôn Khuyếnh (Bùi Bài Bình) đã dùng mưu mô, thủ đoạn của mình để làm lợi cho riêng mình. Những âm mưu của Khuếnh đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân trong thôn, khuynh đảo một vùng quê thanh bình yên ả.

 

                         

Cảnh trong phim 'Gió làng Kình'.

 

Theo đạo diễn Khải Hưng, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), “Gió làng Kình” thuộc dòng phim chính luận, với đề tài nông thôn quen thuộc nhưng mang hơi thở cuộc sống hiện đại nên không cũ nhàm đối với người xem. Ông Khải Hưng cho biết, VFC và VTV1 vẫn kiên trì theo đuổi dòng phim chính luận, mặc dù thể loại phim này không dễ thu hút khán giả. Thành công của những phim chính luận về đề tài nông thôn như Ma làng, Chuyện làng Nhô, Đất và Người…  cho thấy, nếu biết cách làm tốt sẽ thu hút được khán giả. “Gió làng Kình” cũng là bộ phim mở đầu cho loạt phim về đề tài nông thôn đương đại của VFC, bốn trong số đó do tác giả Phạm Ngọc Tiến viết kịch bản.

 

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho hay, phim quy tụ những gương mặt quen thuộc với đề tài nông thôn… nhưng lần này lại có nhiều gương mặt mới mang dấu ấn mới mẻ, trong đó có đạo diễn trẻ Bùi Thọ Thịnh. 

 

Bùi Thọ Thịnh là gương mặt khá mới trong làng phim truyền hình, nhưng lại quen thuộc trong các tiểu phẩm mang tính thời sự nóng hổi và hóm hỉnh của “Gặp nhau cuối tuần”. Đây là lần đầu tiên anh “làm riêng”, sau nhiều lần chỉ đóng vai trò “đứng phía sau” cho nhiều phim truyền hình ăn khách. Sinh ra tại một vùng quê Bắc Bộ nên Bùi Thọ Thịnh có được vốn sống khá dày dặn và sinh động , anh đã đưa ra những cách xử lý tình  huống khéo léo và táo bạo trong bộ phim, những vấn đề gai góc nhất đôi khi được giải quyết theo cách hài hước. Bức tranh nông thôn trong “Gió làng Kình” mà Bùi Thọ Thịnh tạo ra là sự hòa trộn, đan xen giữa cái cũ và cái mới, mang nét khác biệt so với những phim trước đây. Sắp tới, sau “Gió làng Kình”, Bùi Thọ Thịnh sẽ trình làng “Alo 123” và bộ phim truyền hình sáu tập “Chuyện thám tử” cũng rất thú vị.

 

                             

Trên trường quay

 

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, nếu như những bộ phim nông thôn trước đây thường lấy bối cảnh thời bao cấp, thì “Gió làng Kình” chọn bối cảnh thời kỳ đổi mới, khi người nông dân đứng trước “ngọn gió” của kinh tế thị trường, lợi lộc từ chuyện đất đai ập đến mạnh mẽ và bất ngờ. Nông thôn không chỉ có ruộng cày, thóc lúa, nón lá, áo nâu chân đất mà đã có quán karaoke, bia, cà phê, nam nữ thanh niên áo phông quần bò, thậm chí có cả nhân vật gái làm tiền giải nghệ về quê sinh sống… Nhưng bên cạnh đó nông thôn của “Gió làng Kình” còn có những ngôi nhà cổ, có lề thói, tục lệ của các dòng họ. Cái cũ, cái mới đan xen trong cuộc sống đương đại trong phim vì thế đã đem lại cảm giác gần gũi cho khán giả.

 

Chuyện không chỉ của một làng

 

Chủ đề chính trong “Gió làng Kình” là cơn sốt đất đai và những thay đổi trong cuộc sống của nông dân trong cơn sốt nhà đất. Khuếnh, trưởng thôn vừa đắc cử đã vận động dân làng dồn bờ đổi thửa, chia lại ruộng đất. Khuếnh cùng với thủ quỹ Bài (Hồng Sơn) lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hám lợi của một số hộ dân lập mưu dồn được một khoảnh đất rộng khoảng 20ha ven đường tỉnh lộ, bán cho công ty Sơn Phần, chia tiền cho một số hộ dân, xây dựng đường sá, xây miếu Thành hoàng và Khuếnh bỏ túi số tiền còn lại. Có tiền, bộ mặt làng Kình ngày càng thay đổi. Nhưng thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội cũng theo đồng tiền ùa về làng. Cuộc chiến tranh giành quyền lực trong thôn cũng bắt đầu bùng nổ, ruộng đồng bỏ hoang không ai chăm sóc…

 

Không chịu nhắm mắt làm ngơ trước những mưu đồ của Khuếnh, nhóm bạn trẻ trong thôn gồm Hoa, Dinh, Bưởng, Đài đã đấu tranh vạch trần bộ mặt xấu xa của trưởng thôn. Dư luận và chính quyền cùng vào cuộc, cuối cùng Khuếnh phải bỏ làng trốn đi trong một đêm mưa gió…

 

“Gió làng Kình” phản ánh mặt trái cùng các làng quê đương đại, từ hiện tượng nông dân nóng lòng làm giàu qua bán đất, đến chuyện sử dụng tấm phiếu bầu chưa đúng đắn…. Câu chuyện của “Gió làng Kình” cũng là câu chuyện chung của nhiều làng quê thời nay với cơn sốt bán đất kiếm tiền, tệ nạn xã hội cùng với lối suy nghĩ lạc hậu cổ hủ và tâm lý kèn cựa dẫm đạp nhau, cuộc sống rối loạn thời “hậu bán đất”...

 

              Một ê-kíp quen thuộc

 

                        

          Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (áo vàng) chỉ đạo một cảnh quay.

 

Không chỉ quen thuộc với những cái tên như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, biên kịch Phạm Ngọc Tiến, biên tập Thùy Linh, quay phim Phạm Quang Minh, “Gió làng Kình” còn quy tụ được dàn diễn viên từng gây ấn tượng với khán giả truyền hình qua các phim “Ma làng”, “Đất và người”… như Bùi Bài Bình, Hồng Sơn, Công Lý… Trong phim, bộ đôi Bùi Bài Bình và Hồng Sơn sẽ thể hiện những tính cách khác so với “Ma làng”. Nếu ở “Ma làng”, Tòng của Bùi Bài Bình nóng nảy, độc ác và ít học thì vai Khuếnh trong “Gió làng Kình” lại có tính cách thâm trầm, nham hiểm của một người có học hành, hiểu biết. Còn Dỏ của Hồng Sơn ở “Ma làng” có tính cách bài bây kiểu Chí Phèo thì vai Bài của anh trong phim này thể hiện sự mưu mô, thâm hiểm của một cựu cán bộ thoái hóa, bất mãn.

 

Bên cạnh đó phim còn có sự tham gia của nhiều diễn viên tên tuổi như Hoàng Hải, Thu Hà, Đỗ Kỷ, Lan Hương… Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, trong số 30 nhân vật của phim, có tới một nửa là do các diễn viên đảm nhiệm.

 

Phần âm nhạc của phim do Quang Hưng và nhóm nhạc Hồn tre thực hiện, phần âm thanh cũng là những cái tên quen thuộc Xuân Phương, Quốc Trung và Đức Phương. Phim sẽ trình chiếu trên sóng VTV1 từ ngày 17-11 vào “giờ vàng” 20h10 từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần.

 

TUYẾT LOAN

(Nguồn Nhân Dân)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: