Thứ sáu, 18/10/2024,


Nón lá quê nhà (23/03/2012) 
 
Nón em chẳng đáng mấy đồng,
Chàng mà giật lấy ra lòng chàng tham
Nón em nón bạc quai vàng
Thì em mới dám trao chàng cầm tay
Tiếc rằng vì nón quai mây
Nên em chẳng dám trao tay chàng cầm
(Ca dao)
 
 
 
Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê có truyền thống làm nón lá từ bao đời. Và cho dù, bây giờ, ở thành thị rất ít khi tôi bắt gặp, nhưng hình ảnh chiếc nón lá mang đậm dấu ấn tuổi thơ vẫn đâu đó trong tôi...thanh thoát, tinh khôi vô cùng.
Tôi còn nhớ, hồi học lớp 5 mẹ đã dạy tôi khâu nón. Mẹ hướng dẫn tôi từ cách phơi lá nón, cách hấp diêm sinh, cách đưa mũi kim và cách dấu những mối nối khi khâu…như thế nào để có được chiếc nón lá đẹp. Ngày đó, tôi không sao lý giải được, tại sao các bà, các mẹ, các chị có thể miệt mài ngồi dưới giàn trầu xanh mát trong sân nhà vừa làm nón, vừa chuyện trò say mê đến vậy. Mẹ cứ bắt tôi phải học làm bằng được chiếc nón đẹp. Mẹ bảo, con gái làng nón mà không biết làm nón, sau này, ai người ta thèm lấy. Tôi còn quá bé để hiểu những gì mẹ nói.
Mấy năm sau, chị em tôi lớn dần, việc học hành trở nên tốn kém hơn khiến bố mẹ cứ quần quật trên đồng. Những lúc nông nhàn mẹ lại cần mẫn với việc làm nón. Khi đó, chẳng hiểu vì biết thương bố mẹ hay vì tính tò mò của tuổi mới lớn khiến tôi thích làm nón cùng các bà, các mẹ đến vậy. Một buổi đi học, một buổi tôi cặm cụi bên những chiếc nón lá. Những chiếc nón tôi làm ra ngày càng nhiều, số tiền mẹ thu về cũng nhiều hơn và điều khiến tôi vui nhất là đầu năm học lớp 10, mẹ mua cho tôi bộ quần áo mới từ số tiền làm nón ấy.
Tôi vẫn còn nhớ. Ở quê tôi, cứ trước đám cưới là các cô dâu tự làm cho mình chiếc nón lá thật đẹp để đội trong ngày cưới. Các chị lựa chọn những chiếc nón trắng đẹp nhất, được trang trí bằng đôi chim bồ câu và tên của đôi uyên ương lồng vào nhau bằng những đường chỉ thêu rực rỡ và tinh tế. Có lẽ, khi làm chiếc nón cưới ấy, các chị gửi vào đó tình yêu, niềm tin về cuộc sống gia đình hạnh phúc. Hình ảnh cô dâu mặc áo dài thướt tha với chiếc nón lá màu trắng tinh khôi bẽn lẽn trao cho mẹ chồng khi vừa về đến cổng nhà trai trong đám cưới khiến tôi không sao quên được. Đặc biệt ở quê tôi còn có tục lệ, nếu trên đường đón dâu, hai đám cưới đi ngược chiều nhau thì hai cô dâu phải đổi nón lá cho nhau để tránh những điều xấu sẽ xảy ra. Chẳng biết tục lệ ấy có từ bao giờ nhưng nó vẫn còn duy trì cho đến nay.
Cuộc sống với những đổi thay không ngừng khiến những chiếc nón lá tinh khôi, đằm thắm ấy được thay bằng những chiếc mũ vải rực rỡ màu sắc. Có lẽ vì thế, ở phố thị, hiếm khi nào ta bắt gặp chiếc nón lá xưa, có chăng là những người phụ nữ buôn gánh, bán bưng… những con người sống chậm trong xã hội của những người sống gấp. Và đôi khi, ta dừng lại bên đường, sà vào gánh hàng rong của người phụ nữ đội nón lá, lấy cớ mua cái gì đó để tìm về ký ức một thời xa vắng...
 
 
Lương Thị Nguyệt
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: