Thứ sáu, 27/12/2024,


Phim kém - Biên kịch là nạn nhân hay là thủ phạm? (12/11/2008) 

 

Không thể phủ nhận rằng một một điểm sáng trên thị trường kịch bản hiện nay chính là sự xuất hiện ngày càng nhiều những biên kịch trẻ. Phim nhựa, phim truyền hình, quáng cáo đều đón nhận làn gió mới này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là với hàng loạt bộ phim trình chiếu trên truyền hình gần đây, rất ít bộ phim dành được tình cảm của khán giả. Người trong nghề thậm chí còn phải đối mặt với thực trạng cay đắng hơn: nhiều kịch bản đã viết hoàn chỉnh bị xóa bỏ...

Nhiều biên kịch chỉ chờ đợi để được viết dựa theo một format nào đó hay đắp thịt cho một đề cương khác. Nhiều biên kịch chỉ muốn ký bút danh trên kịch bản được sản xuất, nhận tiền rồi thôi. Nhiều biên kịch không hề muốn xem lại những bộ phim được làm từ chính kịch bản của mình. Chúng ta hãy cùng nhìn lại những nguyên nhân để tìm hướng phát triển lâu dài cho những cây viết trẻ.

 

Đến với nghề biên kịch như để thỏa cơn khát

 

Có một thời gian dài, điện ảnh và truyền hình Việt Nam phát triển một cách cầm chừng đến khi nhu cầu tăng mạnh, đòi hỏi về năng lực cũng nâng cao hơn thì người làm nghề lại chưa đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu cần thiết.

 

Nhiều nhà biên kịch đến với nghề như một ý thích ngẫu nhiên. Thậm chí với nhiều người, chọn nghề biên kịch vì không có việc gì khác để làm. Ngay cả trong những lớp học chính quy ít khi sinh viên đi đầy đủ, bài tập viết hoàn thành một cách ... ước lệ. Thế mới có tình trạng một sinh viên viết trong kịch bản tốt nghiệp, cũng là kịch bản đầu tiên của mình “Cô ấy bước vào phòng, mùi hương bốc lên thơm lừng”. Một câu như thế sao có thể dùng hình để diễn đạt, một lỗi sai cơ bản trong nghề nghiệp. Ở Việt Nam chỉ có Trường Sân khấu - Điện ảnh là có Khoa biên kịch đào tạo bậc đại học nhưng chất lượng đầu ra cũng còn nhiều điều phải bàn. Những lớp đào tạo ngắn hạn về biên kịch thì có nhiều nhưng cũng giống như là giải pháp tình thế khi những người đi học ai làm nghề thì đã là từ trước, ai muốn bước vào làm nghề cũng rất khó khăn để thiết lập mối quan hệ.

 

 Phim Vòng nguyệt quế - Một bộ phim của một nhà biên kịch trẻ

 

Một số bạn trẻ tốt nghiệp xong là thất nghiệp. Đến khi may mắn ký được hợp đồng thì chịu sức ép thời gian nặng nề. Nhóm Dương Nghiêm nhận được yêu cầu hoàn thành 50 tập phim trong vòng hơn một tháng. Tính trung bình chỉ có 2-3 ngày để viết xong một tập kịch bản trên 40 trang chưa kể thời gian chỉnh sửa, ăn khớp, cường độ làm việc được đẩy lên mức căng thẳng. Thêm vào khi tên tuổi đã được biết đến, các biên kịch thường nhận thêm nhiều hợp đồng ở khắp nơi khiến có lúc áp lực thời gian càng trở nên khủng khiếp . Chị H.A, biên tập kịch bản của một hãng phim danh tiếng cho biết:  “Khi làm việc với những biên kịch đã có nghề thì sợ họ nhận nhiều mối quá, không toàn tâm toàn ý. Với những biên kịch mới vào nghề thì họ lại chưa chắc cấu trúc, khâu biên tập vô cùng vất vả, nhiều kịch bản phải viết lại đến một nửa…”Nhiều nhà văn trẻ sau khi thấy kịch bản mình được dựng phim đã gửi ồ ạt kịch bản về cho các hãng phim, không cần biết đến kế hoạch, nhu cầu thực tế của hãng. Kịch bản không hẳn dở nhưng đã là cả bộ hoàn chỉnh khiến cho quá trình làm việc trở lại càng khó khăn.

 

Như thế, tuy nhiều biên kịch lao động cật lực nhưng chưa tạo thương hiệu vì thiếu định hướng chiến lược.

 

Chất lượng phim kém, biên kịch là nạn nhân hay thủ phạm?

 

Phim truyền hình gần đây đã có nhiều ưu ái về thời lượng nhưng nhìn chung chưa đủ sức hấp dẫn dẫn người xem, đặc biệt là những phim có kịch bản thuần Việt càng chưa tạo được dấu ấn. Người xem tinh ý sẽ thấy hệ thống nhân vật của kịch bản truyền hình Việt Nam khá phong phú nhưng thiếu sự liên kết, nhân vật thiếu sự gần gũi để khán giả muốn hóa thân vào nhân vật. Tình tiết trong phim thiếu kịch tính, cắt cuối tập chưa tạo được sự mong đợi của khán giả. Những điều này, lỗi thuộc nhà biên kịch.

 

Nghề viết kịch bản của Việt Nam không phát triển trên một nền tảng vững chắc. Biên kịch là một nghề nghiệp đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Theo quan điểm hiện đại, kịch bản - sản phẩm của nhà biên kịch - không phải là một tác phẩm văn học độc lập. Nó thực chất là một văn bản chỉ dẫn đoàn làm phim để tạo nên một tác phẩm điện ảnh cuối cùng, mà người có tầm ảnh hưởng lớn nhất, được coi là tác giả của bộ phim lại là đạo diễn. Người viết kịch bản, yếu tố thiên phú là cần thiết nhưng quan trọng hơn cả là quá trình đào tạo và tự học hỏi trau dồi. Một biên kịch quá phá cách, muốn tạo dấu ấn cho tác phẩm của mình tốt hơn hết hãy … tự làm đạo diễn.

 

Trong thực tế sản xuất có những đạo diễn chỉ làm những gì mình viết ra. Nhưng chính những người tự viết ra này nhiều khi cũng mệt mỏi khi phải gồng mình gánh lấy công việc nặng nề không thuộc chuyên môn của mình. Chỉ có một câu trả lời là do người viết không hiểu việc. Hệ thống đào tạo biên kịch của Việt Nam vừa yếu lại vừa thiếu.

 

Mặt khác cũng có nhiều biên kịch đơn thuần nhận viết theo đơn đặt hàng. Đối với họ việc sáng tạo và bảo vệ đứa con tinh thần quả là một quá trình gian khổ. Biên kịch trẻ hiện nay cũng không phải là không chịu học. Nhiều nhóm biên kịch được hình thành từ những người đã trải qua những ngành nghề khác. Nhưng lỗ hổng về sự thiếu nền tảng không phải lúc nào cũng bù đắp được. Nhất là những bộ kịch bản đòi hỏi phải xử lí cấu trúc lại theo yêu cầu nhà sản xuất. Nhiều kịch bản được kéo dài hay thu gọn lại không bởi người viết ra mà hoàn toàn theo những yêu cầu người sản xuất. Biên kịch không có nhiều quyền hạn, lẽ dĩ nhiên trách nhiệm của họ với kịch bản cũng ít đi nhiều.

 

Những biên kịch trẻ, cần vượt lên chính mình

 

Hiện nay, sự xuất hiện ồ ạt của những nhà biên kịch trẻ ngoài nguyên nhân là sự bung ra của nhiều kênh truyền hình, nhu cầu biên kịch tăng lên thì mặt khác là do một số lượng lớn những nhà biên kịch kỳ cựu đã lui về hậu trường, nhường chỗ cho các biên kịch trẻ.


       
Nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập tổ chức hẳn một cty kịch bản mang tên Script

Nhiều biên kịch kỳ cựu chuyển sang làm công tác biên tập như như nhà văn Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn Thị Thu Huệ. Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập thì tổ chức hẳn một công ty kịch bản mang tên Script, tập hợp các biên kịch trẻ làm việc theo nhóm. Nhà biên kịch Đặng Thùy Nhân ngồi sáng tác những kịch bản lịch sử, lặng lẽ chờ nguồn kinh phí…

 

Tuy vậy sự rút lui này cũng có những sắc thái ngậm ngùi khi một số biên kịch gạo cội đã rút lui và làm những công việc không liên quan đến biên kịch điện ảnh nữa. Nhà biên kịch Nguyễn Hồ hiện nay chủ yếu đi làm phim tài liệu. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều tập trung vào làm báo, không tham gia vào bất cứ dự án kịch bản nào nữa vì không muốn đóng góp vào sự nhạt nhòa chung của phim truyền hình.

 

Vì thế, sự rút lui của những người đi trước không để lại cho mà để lại cho thế hệ sau những hụt hẫng cũng để lại cho nền biên kịch truyền hình nước nhà những khoảng trống khó có thể lấp đầy.

 

Những biên kịch trẻ vì thế cũng cần học hỏi qua nhiều phương diện, tiếp thu những kinh nghiệm của lớp người trước và tích cực làm mới mình bằng mọi kênh.

 

Các đạo diễn luôn chia sẻ: người viết đừng mơ mộng trong thế giới tưởng tượng của mình mà cần có cái nhìn thực tế và kế hoạch tiếp cận nhà sản xuất, giới thiệu trực tiếp các ý tưởng của mình. Ngoài ra, biên kịch trẻ cần có tư duy thoáng và cách làm dũng cảm, dám loại bỏ những thứ mình viết không hợp chuẩn, những thứ không dùng được, luôn có sẵn những ý tưởng để chiều lòng nhà sản xuất và thể hiện bản thân. Viết những kịch bản đúng khuôn mẫu phổ thông cũng là điều mà biên kịch nên nắm chắc. Đừng bao giờ quan niệm viết truyền hình là viết những kịch bản thể hiện cái tôi, hướng tới nghệ thuật

 

Theo Mỹ Trang (Vietimes)

 


Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: