Thứ hai, 14/10/2024,


Nghĩ về loài chim trong huyền thoại (12/11/2008) 

Chim Lạc trên trống đồng


      Nhìn những cánh chim trắng lốm đốm khắp cánh đồng, bỗng nhiên tôi tự hỏi: có thể nào loài chim Lạc trên trống đồng xưa chính là con cò quen thuộc?

     Tôi không biết ngoài tiếng Việt Nam, có ngôn ngữ nào gọi quốc gia là 'nước' không? Người Trung Hoa có chữ quốc, mang hình dáng vuông vắn, tượng hình một thửa ruộng, một vùng đất; người Pháp dùng chữ nation, có gốc từ yếu tố 'natif' (nơi sinh ra). Hoàn toàn không giống cách lập ý của người Việt.

     Nước trước hết là một thứ có thể uống được, có thể tắm được, có thể chảy thành sông, thành suối để người ta ngụp lặn, bắt cá câu tôm, chẳng những được mát, được uống mà còn được no lòng; nước nuôi lớn cây lúa, làm nên sự sống và văn minh của một dân tộc. Tự đó hình thành ý tưởng về nơi sinh thành một cộng đồng người: Quốc gia, trong tâm tư những người Việt xa xưa, trước hết là một 'vùng nước'. Điều đó trùng hợp với ký ức lập quốc còn lưu lại trong huyền thoại: 'Lạc Long Quân đem năm mươi người con xuống biển'. Thuở ấy, đồng bằng sông Hồng vẫn còn là vùng đất lầy mênh mông.

Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ

     Trong ngôn ngữ của người Mường, tức là người Việt Cổ có từ 'Nác' chính là gốc của từ nước. Có chăng sự liên hệ giữa 'nác' với 'Lạc' trong những từ 'Lạc Vương, Lạc Hầu, Lạc Tướng', và 'ruộng lạc?' Có thể lắm chứ, vì những từ này chỉ là những từ đã Hán hóa khi được người sau ghi chép. Có thể lắm, vì hai phụ âm 'l' và 'n' trong phát âm của người Việt vốn từ xưa là hai âm gần gũi và rất dễ chuyển hóa với nhau. Vậy thì người Văn Lang xưa cày ruộng lạc tức là ruộng nước, mà cũng đồng thời có nghĩa là ruộng của cộng đồng Việt, nơi mỗi người dân Giao Chỉ thời ấy làm ăn sinh sống trong một quần thể có cùng dòng máu Việt.

     Nghĩ đến đây tôi không thể quên sự tồn tại của một loài chim trong huyền thoại: chim Lạc, con chim đã từng xuất hiện trên mặt trống đồng và trên thạp đất nung của các di chỉ thời Đông Sơn. Người Việt xưa sùng bái Chim và Rồng, Rồng của người Việt là con vật được cách điệu hóa từ loài thuồng luồng có trong thực tế. Dù giờ đây đã bị diệt chủng, nhưng chắc chắn nó đã có: Tục xăm mình, vẽ thuyền để thuồng luồng khỏi ăn thịt là một bằng chứng; và mãi đến đời Lê, sử vẫn còn ghi chuyện Mạc Đăng Dung giết Thuồng Luồng. Còn chim Lạc? Chẳng bao giờ ta tìm thấy nó, dù một dòng trong sử sách hay một dấu vết xa mờ trong phong tục cũng không. Người đời sau đã quen nghĩ, đấy chỉ là một loài chim hoàn toàn tưởng tượng...

Cò Li có bờm hình tháp nhọn trên trống Đông Sơn VI


     Nhưng tôi không tin người thờ cổ lại bịa đặt ra một thực thể từ trong hư không. Do cuộc sống gian nan vất vả luôn phải gắn liền với thực tiễn, người xưa thường để trí tưởng tượng mình bay lên từ những điểm tựa xác thực trong cuộc sống. Nếu ruộng lạc là ruộng nước, thì chim lạc cũng liên quan đến nước thôi: một loài chim sống gần môi trường nước và gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân trong nước lúc bấy giờ.
 
     Đấy là chim gì, vì sao ngày sau không nghe nhắc nữa, đấy vẫn là một ẩn số giữa huyền thoại và thực tế... Ẩn số ấy cứ đeo đẳng trong tâm trí tôi, dù tôi vẫn biết như thế là mình đang lấn sân sang lĩnh vực của các nhà dân tộc học...

     Mùa xuân đi trên đường thiên lý từ Bắc vào Trung, nhìn thấy trên lúa xanh những cánh chim trắng lốm đốm khắp đồng, bỗng nhiên tôi tự hỏi: có thể nào loài chim lạc trên trống đồng xưa chính là con cò quen thuộc? Con cò đã từ lâu gắn bó với cuộc sống tinh thần của cả dân tộc. Trong ca dao tục ngữ chẳng có loài vật nào được nhắc đến nhiều hơn nó, kể cả con trâu vốn được xem như là người bạn đồng hành của nhà nông.

Cò Nọc Càn trên trống Đông Sơn IV

     Đấy là vẻ đẹp thanh thoát đến từ tâm thức thẩm mỹ của người Việt:

'Con cò bay lả bay la,
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng'.

     Là nguồn cảm hứng của tình yêu và mộng tưởng:


'Cái cò bay bổng, bay bơ,
Lại đây anh gửi xôi khô cho nàng
Đem về nàng nấu, nàng rang
Nàng ăn có dẻo thời nàng lấy anh'.

 

     Là lời ký thác ngậm ngùi lúc đớn đau cơ nhỡ:

'Cái cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao'...


     Những con chim mỏ nhọn, dang đôi cánh mảnh mai trên trống đồng, có phải là con cò xinh đẹp thân quen luôn gắn bó với tâm hồn người Việt trong từng bước buồn vui vinh nhục của những đời người? Phải chăng những cánh chim này đã từ một cội nguồn xa thăm thẳm về đây tung bay trên đồng lúa của mùa xuân mới?

     Tôi chợt nhớ lời nhận xét của một nhà phong thủy: 'Người Việt Nam thuộc hành thủy, mang tính chất của nước: linh động mềm dẻo, tùy cơ mà sinh tồn...'

Theo tác giả Trần Thùy Mai

(tranthuymai@khoahoc.net)




 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: