Thứ sáu, 27/12/2024,


Một cuộc tôn vinh Thơ Lục Bát (10/11/2008) 

      Đó là cuộc thi bình chọn 99 bài thơ lục bát của thế kỷ XX dành cho bạn đọc, do Báo Điện tử Tổ quốc tổ chức, mang tên “Lục bát 6+8=99” vừa kết thúc.

      Khác với các cuộc thi bình chọn diễn viên, MC truyền hình, Bài hát Việt; thi bình chọn thơ lục bát hay là dịp để bạn đọc sống lại ký ức, sống lại mỹ cảm - những gì đã qua, thuộc hoàn toàn về dân tộc.

      Thơ Lục bát (sáu tám) thật thắt ngặt vần điệu, nhưng biên độ của nó trải rộng từ triết học nhân sinh đến nỗi đau nhân thế, từ tình cảm mẹ con. tình yêu tình người ngang trái, với những nhời nhẽ và giai điệu mềm mại mượt mà. Cuộc bình chọn cũng cho thấy biên độ thẩm mỹ của BTC và bạn đọc gặp gỡ ở chỗ thật thoáng rộng, có bài cổ kính như kinh thi, lại có bài như lăn lóc ngoài đường, trong quán chợ cùng những người hát xẩm hay trong the phòng với người hát karaoke. Thật hiếm thấy thể thơ nào vừa chặt chẽ niêm luật vừa rất co giãn để có thể chấp nhận nhiều thi pháp đến thế, nhiều cách tân đến thế.

      Để đánh dấu sự kiện này, lucbat.com xin trân trọng giới thiệu Lời khai mạc trong đêm trao giải của nhà thơ Mai Linh, và 10/99 bài lục bát mà cuộc thi đã bình chọn.

 

                    Nhà thơ Mai Linh, Tổng biên tập Báo Điện tử Tổ quốc.

 

Lục bát cùng với ẩm thực xác định địa lý văn hoá, là tiếng nói của bờ cõi để phân biệt quốc gia nọ với quốc gia kia. Nhiều người quan niệm chỉ lục bát mới là thơ, có lẽ cũng đáng suy ngẫm!

Suy ngẫm bởi lục bát là thể loại thơ có nhạc hơn hết. Nó có vần và chỉ thế mới dễ dùng lục bát để hát ru. Nhiều bà mẹ hát ru cho con nín thì chính người mẹ ấy lại nghẹn ngào, lại rơi nước mắt.

Chắc ai cũng một lần nghe một người mẹ hát ru bằng lục bát, trong đêm trăng, dưới những mái nhà tranh. Lục bát hát ru dịu dàng, lặng lẽ, ngậm ngùi…

Những tác giả làm thơ lục bát hay chắc đã nhắp được điệu vần từ sữa mẹ. Bầu sữa ấy đã nuôi dưỡng các thi nhân lục bát để rồi họ lại trả ơn người Mẹ cái hiện hồn dân tộc, đất đai, quê hương, xứ sở những câu thơ dễ thuộc, dễ nhớ, nằm lòng.
99 bài thơ lục bát là sự tinh tuyển kỹ lưỡng, nghiêm khắc sau cuộc thi thơ Lục bát 6+8=99 từ những bài dự thi của các thí sinh đam mê lục bát. Không ai khác, họ là nhân dân, những người bình thường, chân quê, biết làm ra lúa gạo và cả đời yêu lục bát. Lục bát là đức độ, là điệu tâm hồn của nhân dân.

Có thể nói, 99 bài thơ lục bát trong kho tàng thơ lục bát Việt Nam thế kỷ XX mong nhắc nhớ về một sự hiện diện bất tử của thể loại thơ độc đáo này trong dòng chảy của thi ca dân tộc và nhân loại hôm nay.

 


CHÂN QUÊ

Nguyễn Bính

 

Hôm qua em đi tỉnh về

Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng

Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi

Nào đâu cái yếm lụa sồi?

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?

Nào đâu cái áo tứ thân?

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em

Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa

Như hôm em đi lễ chùa

Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

 

(1936)

 

*

 

VÀO CHÙA

Đồng Đức Bốn

 

Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.

 

*

 

MỘT MAI 

Hoàng Nhuận Cầm

 

Một mai chết thật âm thầm
Mấy cành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru
Một mai chết hết hận thù
Mắt chầm chậm khép, tay từ từ xuôi
Một mai chết thật buồn cười
Tóc tôi buông xuống như người ngủ mơ
Một mai chết thật tình cờ
Thuốc trên tay khói vẫn dờ dật bay...
Một mai chết thật hao gầy
Xanh xao quần áo tháng ngày thủy tinh
Một mai chết hết tội tình
Một mình mình hát, một mình mình nghe
Một mai đi chẳng trở về
Rượu buồn đổ đắng vỉa hè buồn thiu

Một mai chết thật đìu hiu 
Má  lằng lặng tái, môi dìu dịu say
Một mai ngủ lá phủ đầy
Miền tâm tư vỡ tháng ngày thật xa
Một mai nằm xuống bao la
Buồn ơi, chào nhé! Khóc òa vầng trăng.

Một mai chết thật ăn năn
Tôi nằm xuống đất không cần thở than!

 

 

NSNDThanh Hoài hát thơ lục bát.

 

 

BUỒN ĐÊM MƯA

Huy Cận

 

Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...

Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn

Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...

Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...

Tương tư hướng lạc phương mờ...
Trở nghiêng gối nặng hững hờ nằm nghe

Gió về, lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư

 

*  

  

 

CÁT ĐỢI

Nguyễn Việt Chiến

 

Cát chiều bay sẫm bến sông
Thương con đò ngược mùa đông chưa về
Lối mòn bạc cỏ may đê
Chiều mòn rỗng tiếng chim gì kêu đau
Sóng đêm tự bến sông nào
Theo trăng về thức dưới màu mây xưa

 

Tôi hoang vu, cát hoang vu
Trăng là người khách qua đò đêm nay
Cô đơn xuống một đò đầy
Tôi chờ em phía bên này mùa đông
Cát còn bay trắng bến sông
Người còn đi trắng mùa mong ước này

 

Tôi cầm hạt cát trên tay
Đêm không còn ấm như ngày có em
Tôi cầm cả chính tôi lên
Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu
Câu thơ như cát mỗi chiều
Đem theo chút ấm nắng nghèo vào đêm

 

*

 

  

BÚT ĐÀO HUYỆT GIẤY MÀ CHÔN MÌNH DẦN

Trần Mạnh Hảo

 

Cái thời Nguyễn Bính nguồn cơn

Vẫn đôi bướm ấy đến vờn mùng tơi

Mượn mưa phùn xỉa tăm chơi

Nửa đêm gió bấc rít hơi thuốc lào

 

'Trăm hoa' dễ được hoa nào

Về xem bướm hoá thi hào vườn dâu

Về xem cái kén mọc đầu

Ruột gan rút hết từng câu nhân tình

 

Tài cao đẩy thấp phận mình

Vỉa nồi niêu vẫn còn kinh hề mồi

Thơ không thể đổ vào nồi

Ngắm mình trong 'nước giếng thơi' hết hồn

 

'Đêm sao sáng' cạn hoàng hôn

Bút đào huyệt giấy mà chôn mình dần

Một đoàn bươm bướm đưa chân

Hai hàng lục bát khiêng phần mộ thơ...

  

 

 

Nhà thơ Nguyễn Duy và NS Thanh Ngoan cùng hát thơ lục bát.

 

 

MẸ ỐM

Trần Đăng Khoa

 

Mọi hôm mẹ thích vui chơi

Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu

Lá trầu khô giữa cơi trầu

Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay

Cánh màn khép lỏng cả ngày

Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa

Nắng mưa từ những ngày xưa

Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan

Khắp người đau buốt, nóng ran

Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm

Người cho trứng, người cho cam

Và anh y sĩ đã mang thuốc vào

Sáng nay trời đổ mưa rào

Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương

Cả đời đi gió đi sương

Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi

Mẹ vui, con có quản gì

Ngâm thơ kể chuyện rồi thì múa ca

Rồi con diễn kịch giữa nhà

Một mình con sắm cả ba vai chèo

Vì con, mẹ khổ đủ điều

Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn

Con mong mẹ khỏe dần dần

Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say

Rồi ra đọc sách, cấy cày

Mẹ là đất nước, tháng ngày của con.

 

1969

 

*

 

 

TIẾNG SÁO THIÊN THAI

Thế Lữ

 

Tặng Ngô Bích San

 

Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,

Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.

Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,

Buồn ơi! xa vắng, mênh mông là buồn...

Tiên Nga tóc xõa bên nguồn.

Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;

Mây hồng ngừng lại sau đèo,

Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.

Trời cao, xanh ngắt.  Ô kìa

Hai con hạc trắng bay về Bồng lai.

Theo chim, tiếng sáo lên khơi,

Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga.

Khi cao, vút tận mây mờ,

Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,

Êm như lọt tiếng tơ tình,

Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không,

Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,

Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay...

 

 

 

Nghệ sĩ Thanh Ngoan hát thơ lục bát.

 

 

TRÔNG RA BỜ RUỘNG

Hữu Thỉnh

 

Trông ra bờ ruộng năm nào
Mưa bay trắng cỏ, cào cào cánh sen
Mẹ tôi nón lá bước lên
Mạ non đầu hạ trăng liềm cuối thu

Quanh quanh vẫn một mảnh bờ
Bấy nhiêu toan tính đến giờ chưa yên
Mẹ tôi gạt cỏ bước lên
Cỏ dày, cây lúa phải chen nhọc nhằn

Xòe tay tính tháng tính năm
Tính người? Nào biết xa xăm cõi người
Gié thơm ai đã gặt rồi
Đồng quang bóng mẹ nắng nôi một mình...

 

*

 

UỐNG RƯỢU VỚI TẢN ĐÀ

Trần Huyền Trân

 

Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này
Tôi say? Thưa, trẻ chưa đầy
Cái đau nhân thế thì say nỗi gì?
Đường xa ư cụ?
Quản chi
Đi gần hạnh phúc là đi xa đường
Tôi là nắng - Cụ là sương
Tôi bừng dậy sớm, cụ nương bóng chiều
Gió mưa tóc cụ đã nhiều
Lòng còn gánh nặng bao nhiêu khối tình
Huống tôi mái tóc đang xanh
Vâng, tôi trăm thác ngàn ghềnh còn đi
Với đời một thoáng say mê
Còn hơn đi chán về chê suông đời
Rót đi cụ rót đi thôi
Rót cho tôi cả mấy mươi tuổi đầu
Nguồn đau cứ rót cho nhau
Lời say sưa mới là câu chân tình.


Ngã Tư Sở, 1938

 

 (Dẫn theo nguồn: vanvn.net)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: