Thứ tư, 15/01/2025,


Hồn quê trong “Khúc thiên di” (09/11/2008) 

 

Là một Cử nhân Toán học nhưng lại làm thơ, có thể nói thơ đã chọn Tạ Hùng Việt làm người bạn đồng hành trong cuộc đời này. 6 tập thơ trong vòng 6 năm, cho thấy anh là một cây bút viết đều và khỏe. Khúc thiên di (Nhà xuất bản Văn học, 2004) là tập thơ mới nhất của anh. 40 bài lục bát nối lại với nhau thành một tiếng vọng sâu. Tập thơ như một nỗi nhớ dài. Dường như một bài không thể ghi hết được nỗi nhớ của mình, Tạ Hùng Việt chia ra thành từng mảnh nhỏ, và vì thế nỗi nhớ ấy tiếp nối nhau liền mạch. Làm thơ lục bát đã khó, làm cho người đọc đồng cảm lại càng khó. Thế mà Tạ Hùng Việt lại làm được.

 

Sinh từ ngày xửa ngày xưa

Nước tan vào bể vẫn chưa quên nguồn

                       (Miền hoang vu)

 

có lẽ đó là tất cả những gì đọng lại ở tập thơ này. Anh – giờ đã trở thành một đứa con của miệt biển, “phong phanh với một tâm hồn đầy muối”, đã xa đất Hưng Yên – quê anh. Xa đấy nhưng không vắng như người nghĩ đâu. Đấy là anh còn có thơ và thơ đã nói giùm anh nỗi nhớ thương của một người tha hương. Mỗi lần làm thơ là mỗi lần Tạ Hùng Việt “trở lại với ngày xưa”. Hay nói cách khác, thơ đã ghi lại những ký ức mà anh đã nhớ, rồi tái hiện một khoảng không gian, một quãng thời gian với tất cả những gì đã từng thuộc về anh ở buổi thiếu thời.

 

Ta về với bến tâm linh

Buồn – vui xin gửi mái đình cây đa

                   (Về quê)

 

Cái làm ấm lòng người đọc có lẽ chính bởi ở “chất quê ” trong tập thơ này, mà cũng có thể là cái hồn thơ anh. Này cây đa, mái đình, này con đò , bến sông, này góc vườn, này bờ cỏ may … và cả những con người anh đã thuộc từng nét mặt, giọng nói, là mẹ, là chị, là em. Chính ở cái chất quê ấy mà thơ anh gần gũi, dễ nắm bắt. Tâm tình của những đứa con tha hương muôn đời là thế. Anh – một cánh chim thiên di lang bạt:

 

Lang thang hết một cõi người

Mà chưa tường tỏ chỗ nơi ta ngồi

                (Góc mưa chiều hạ)

 

làm thơ để vợi đi nỗi nhớ quê, mà có khi là để trả cái nợ ân tình của đất và người Hưng Yên, dẫu biết rằng món nợ quê hương chẳng khi nào trả nổi, ngay khi bằng cả một đời người và một đời thơ cộng lại.

 

Một phần của Khúc thiên di là sự chiêm cảm của nhà thơ về cõi đời:

 

Trăm năm trong cuộc thiên di

Có tôi trong những khúc bi khúc hài

                     (Khúc thiên di)

 

Khúc hài thì ít mà khúc bi thì nhiều. Tạ Hùng Việt chiêm cảm về đời mình, giữa ta và em, giữa mình với bóng, trong cõi không gian bao la rộng lớn, trong cái đục – trong của cuộc đời. Lúc này là lúc nhà thơ đối diện với mình, dàn rải cuộc đời mình lên trang giấy. Khi thì:

 

Loanh quanh vớt nỗi long đong

Phận người hư – thực ẩn trong bóng mình

                      (Sương khói mong manh)

 

khi thì

 

Gió lùa lạnh buốt đôi tay

Chạm cô đơn: tiếc những ngày xuân xưa

                        (Lên chùa xin lộc)

 

lại có khi

 

Ta ngoi ngóp giữa cơn mơ

Khi trong đời thực em vừa mới xa

 

Bến tâm linh, bờ nhân gian, cõi người … những điệp ngữ cứ lặp đi lặp lại trong nhiều bài thơ, đôi khi gây cảm giác nặng nề cho người đọc. Thơ cũng có nỗi buồn riêng của nó, nhưng ở đây dường như thơ đã bị “ám” quá nhiều từ nỗi buồn của con người. Dẫu vậy, đó vẫn là nỗi buồn cần được chia sẻ, đồng cảm.

 

Đọc Khúc thiên di, lại thấy mình như nhớ theo nỗi nhớ của Tạ Hùng Việt. Cũng phải, bởi ai chẳng có một quê hương trong tim mình. Xin khép lại bằng hai câu thơ, có lẽ là câu thơ hay nhất trong tập thơ này:

 

Kiếp người còn lại hồn quê

Thiêng liêng như một câu thề, người ơi!

                        (Qua sông)

Tác giả Bích Thuần

( nguồn: Báo Khánh Hòa)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: