Thứ sáu, 27/12/2024,


Dựng bia… “Tiến sĩ ối giời ơi!” (08/11/2008) 

    

     Cách đây chưa lâu, nhà văn Nguyên Ngọc đã từng viết bài “Xin can” đăng trên trang web của Hội Nhà văn: Chuyện Văn Miếu với bia đá tiến sĩ hiện đại không chỉ là chuyện tốn kém, tiền nong và đất đai, cũng không chỉ sẽ là chuyện đấu đá khốn khổ và xấu xa để chen chân vào cái chốn lưu danh thiên cổ chắc chắn sẽ xảy ra ở một đất nước vốn chuộng hư danh này, mà còn là, trước hết là chuyện một nền văn hóa, tiếp tục và tăng cường văn hóa bằng cấp chăng? Hay là kiên quyết bằng mọi cách châm dứt đi, chôn vùi đi, để có được một không khí văn hóa, tri thức lành mạnh…

     Cũng liên quan đến vấn đề trên, Lucbat.com xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Phan Khiêm, đã đăng trên cand.com.vn

 

Hội nghị Khởi động dự án “Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam” vừa đưa ra những thông tin làm xôn xao dư luận. Một công viên Văn Miếu đương đại sẽ được khởi dựng trên diện tích 25 ha đất, quý tính cao danh các vị đại khoa hiện đại sẽ được tạc trên bia đá hoa cương...

Trước một việc hệ trọng liên quan đến văn hiến ấy, không thể không có suy nghĩ, dựng bia để làm gì, ca ngợi, biểu dương hay dăn đe nhắc nhở như cha ông ta đã làm...

 

Sao cho khỏi “Nhơ nhuốc cho khoa mục”?

 

Nói đến 82 tấm bia ghi danh các vị tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, ai cũng thuộc lòng những câu chữ tha thiết, trọng thị mà cụ Thân Nhân Trung đã viết trong tấm bia cổ nhất, khoa thi Nhâm Tuất năm 1442: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh và vươn cao; nguyên khí suy thì nước yếu mà xuống thấp.

Vì thế, các bậc thánh đế minh vương không ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí là việc đầu tiên. Kẻ sĩ đối với đất nước quan trọng là thế cho nên quý trọng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”.

Nhưng đó mới là một nửa ý nghĩa của việc dựng bia. Một nửa sau đáng tiếc là ít ai nhắc đến, ít ai để ý, nên không hiểu hết dụng ý của tiền nhân. Ngoài việc biểu dương, khuyến khích, bia Văn Miếu còn là những lời răn dạy, nhắc nhở các vị đã đỗ đạt, những người đang theo con đường học vấn rất nghiêm khắc.

Chính trên tấm bia Nhâm Tuất 1442, Thân Nhân Trung đã viết: “Hãy đem tên họ những người đỗ khoa thi này mà điểm lại. Người đem văn học, chính sự tô điểm cho cảnh trị bình, được quốc gia tin dùng suốt mấy chục năm cũng nhiều.

Nhưng gián hoặc cũng có kẻ vì nhận hối lộ mà hư hỏng, hoặc sa ngã vào hàng bọn gian ác, có lẽ vì đời họ chưa được nhìn thấy tấm bia này (bia dựng sau khoa thi 42 năm-1484-NV).

Ví thử đương thời được mắt thấy thì lòng thiện tất tràn đầy, ý ác tất ngăn chặn đâu còn dám nảy  sinh như vậy được? Xem thế việc dựng bia này ích lợi biết bao, kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đấy mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn luyện danh tiết cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho đất nước.  Ai đó xem bia nên hiểu ý sâu này!”.

Bia ghi danh Tiến sĩ khoa  Quý Mùi 1463 răn: “Kẻ sĩ mong được khắc tên trên bia đá này tất phải làm sao cho danh xứng với thực, sửa đức hạnh... ngõ hầu trên không phụ ý tốt của triều đình ban khen, dưới không phụ chí cả phò vua giúp dân, để tiếng khen mãi mãi...

Khiến người đời sau xem bia đá này chỉ tên mà nói: Người này tận trung với nước, người này để ơn cho dân, người này đạo nghĩa ngay thẳng, người này giữ đức lập công. Thật vinh hạnh. Nếu không người ta sẽ trông vào mà nói: Đồ gian tà, tuồng phụ bạc, quân hèn nhát. Công luận còn rõ ràng há không thận trọng được ru?!”.

Tất cả những tấm bia đều có những lời răn đe như thế. “Nếu chỉ mượn tiếng đỗ đạt để cầu no ấm, lấy con đường ấy làm lối tắt để ra làm quan, thì đời sau sẽ gọi là kẻ tiểu nhân gian tà, thành ra nhơ nhuốc cho khoa mục” (Bia Tiến sĩ khoa Đinh Sửu 1577).

Không biết Trung tâm Tiến sĩ Việt Nam có tiếp thu tinh thần ấy của cha ông ta còn để lại trên bia đá hay không?!

 

 

Danh có xứng với thực?

Chúng ta thường phê phán lối học thi cử đời xưa, nặng về tầm chương trích cú, nhưng lối học chân chính ngày xưa luôn đề cao những người có đóng góp thiết thực cho đất nước, đòi hỏi thực chất phải xứng với danh nghĩa.

“Nếu chỉ có tiếng mà không có thực... thì chỉ là hạng hủ nho, hạng tiểu nhân, thiên hạ chỉ tên, người đời khinh bỉ, đáng là vết nhơ cho người đại khoa” (Bia khoa Quý Hợi 1623). Mang đòi hỏi đó ra với 16.000 tiến sĩ chuẩn bị được ghi danh ta thấy điều gì?

Trước hết phải khẳng định có rất nhiều tiến sĩ, nhiều nhà khoa học đang cần mẫn làm việc, đóng góp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực, nhưng nói như ai đó “Tiến sĩ cũng có dăm bảy đường”. Báo chí đã từng nêu ý kiến các nhà đào tạo tiến sĩ chia sẻ trong một hội nghị rằng, có người chọn đề tài tắm giặt cho quân đội làm đề tài tiến sĩ. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã từng phải thốt lên: “Bằng tiến sĩ không phải vật trang sức. Anh thực sự muốn cống hiến cho khoa học ở trình độ cao thì hãy làm tiến sĩ. Đừng chạy theo bằng cấp mà làm khổ nhiều người”.

Nhiều luận án cũng chỉ loanh quanh một số chủ đề quen thuộc, chỉ khác về vùng nghiên cứu kiểu như “nghiên cứu chuyển đổi cây trồng cho vùng A”, “những giải pháp chủ yếu để phát triển nghề B”...

Thứ trưởng Bành Tiến Long phải nhận xét chua chát: “Bản thân đề tài chỉ là sự sao chép, không có tìm tòi sáng tạo riêng thì làm sao đưa ra được cái mới”. Còn ông Nguyễn Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường đại học Dân lập Phú Xuân (Huế) thì nói thẳng: “Việc đào tạo và cấp bằng tiến sĩ như hiện nay khiến chúng tôi rất xấu hổ”.

Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo trong một bài viết đã nhận xét, việc đào tạo tiến sĩ ở ta quá đơn giản. Theo ông, một luận án tiến sĩ phải đảm bảo hai tiêu chuẩn: tính “học thuật” và tính “độc sáng”.

Ở nước ngoài “trong khi nêu ý kiến đánh giá của mình trong hội đồng, không có giáo sư nào phát biểu những câu như “luận án này văn phong sáng sủa, bố cục chặt chẽ...”, mà chỉ xoay quanh tính “học thuật” và tính “độc sáng” của luận án.

Ngay cả trường hợp nghiên cứu sinh người Trung Quốc và người Việt Nam của tôi viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Nhật cũng không có ai khen theo kiểu như vậy. Có dịp tham dự mấy buổi bảo vệ tại Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên khi nghe những câu đánh giá như vậy và có cảm tưởng như người phát ngôn đang nói về một luận án tốt nghiệp đại học”. Do đó, ông cho rằng ta đang cho ra lò những tiến sĩ tiêu chuẩn nội địa, tiêu thụ trong nước mà thôi.

Ông cho rằng tấm bằng đó chỉ là sự động viên của các nước bạn đối với ta thôi. “Tôi tin rằng, những nhà khoa học thật sự của Việt Nam không ai muốn nằm cạnh những tiến sĩ “ngoại giao” hay “mua bán”. Họ thà làm viên sỏi lát đường cho người nghèo đi cắt lúa hơn là có tên trên bia đá để phủ bụi thời gian”.

Chính vì vậy tôi tin rằng, nếu hỏi ý kiến thì chắc hẳn không ít tiến sĩ sẽ từ chối cái “ân điển” được khắc tên vào bia đá này. E rằng lúc đó dự án sẽ dở dang, 25 ha đất lại trở nên hoang hóa hay sử dụng sai mục đích.

 

 

Phù hợp với thời đại?

Ngày xưa, 5 năm mới có một khoa thi, đến thời thịnh trị Lê Hồng Đức mới quy định 3 năm một kỳ thi, vậy mà có năm chỉ đỗ có 3-4 người, thậm chí 2 người, khoa thi đỗ nhiều nhất cũng chỉ ngoài 60 người. Nói về số lượng, ngày xưa ít hơn bây giờ nhiều.

Khi đó, điều kiện eo hẹp, các cụ chỉ có cách tôn vinh trang trọng nhất là khắc bia, nhưng mỗi người chỉ mấy dòng họ tên, quê quán, ngoài những sĩ tử đến học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì dân chúng chả ai nhìn thấy.

Bây giờ khác, chúng ta có phương tiện thông tin đại chúng, chỉ cần một anh nông dân nghĩ ra máy tuốt lúa hay cũng có thể được truyền hình, báo chí đưa lên, chưa nói đến các vị tiến sĩ có công trình thiết thực.

Công trình của các vị tiến sĩ thời nay có thể đưa lên mạng để cả thế giới biết. Vì vậy, giữa thời buổi tin học mà các nhà tổ chức vẫn nghĩ ra cách tạc bia như thế kỷ XV thì thật lạ lùng.

Không thể hình dung ra một rừng bia chữ quốc ngữ trên những tấm lưng rùa cổ kính sẽ như thế nào?! Ai đọc? Người dân mọi miền Tổ quốc ư? Họ không có tiền mua vé ôtô để đến. Khách nước ngoài ư? Họ vào mạng còn nhanh chóng và đầy đủ hơn. Hay là chính những người có tên?

Nên chăng thay cách lập công viên 25 ha bằng việc lập một website trên mạng Internet. Trên đó ta đưa chân dung, tiểu sử, công trình từng vị tiến sĩ để tiện tra cứu. Việc đưa lên mạng như vậy đạt được mục đích mà cha ông ta mong muốn, đó là ca ngợi, biểu dương đồng thời răn đe, nhắc nhở.

Những luận án, những công trình sao chép, những ý kiến nhận xét, phản biện đánh giá có trách nhiệm hay không, mang tính khoa học hay không sẽ được kiểm chứng. Vàng thau sẽ không lẫn lộn, “danh với thực” được kiểm tra.

Ông Giám đốc Trung tâm Tiến sĩ cho biết, sẽ cố gắng thu thập toàn bộ thông tin và tư liệu khoa học liên quan đến các tiến sĩ Việt Nam; sau đó, sẽ nghiên cứu, lựa chọn những nhà khoa học có đóng góp thực sự cho nước nhà để ghi bia lưu danh.

Việc trưng bày tư liệu về các tiến sĩ dựa trên thẩm định của hội đồng cố vấn gồm hơn 20 nhà khoa học đầu ngành. Đây sẽ là vấn đề vô cùng phức tạp, không tránh khỏi tranh cãi. Nếu lập công viên trên mạng thì tất cả những phức tạp này sẽ được loại bỏ.

Làm như vậy  ta còn tiết kiệm được 25 ha đất cho bà con nông dân đang thiếu ăn cày cấy, tiết kiệm được khoản ngân sách lớn thu từ tiền thuế của dân. Chưa kể, nghĩ đến dự án, đến 25 ha đất dân dễ hiểu sai...

 

Theo Nguyễn Phan Khiêm (CAND)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: