Thứ bảy, 20/04/2024,


Nhà giáo Lê Đình Quý và "Những chuyến đò đầy chữ nghĩa nhân gian" (08/11/2008) 

 

 

     Người ta ví nghề dạy học cũng giống như chở đò. Mỗi niên học là một chuyến đò đầy chữ nghĩa và ân tình. Nhà giáo Lê Đình Quý từng hơn 40 năm công tác trong ngành Giáo dục, nghĩa là ông đã đưa hơn 40 'chuyến đò chữ nghĩa qua dòng sông cuộc đời', hiện ở tại xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, (điện thoại: 0320.3819156). Giờ đây, ông đã về hưu, với cuộc sống thanh thản tuổi già cùng con cháu.

 

 

Một gia đình truyền thống và hiếu học

Lê Đình Quý sinh ra trong một ngày mùa đông năm 1941. Cha của là cụ Lê Thông, vốn hay chữ và thông minh hơn người, vừa trực tiếp dạy dỗ con trai, vừa tham gia dân quân du kích và xây dựng các phong trào cách mạng của quê hương. Tháng 2 năm 1949, trong một trận càn khốc liệt của thực dân Pháp, cụ Lê Thông, trên cương vị là một Xã đội trưởng, một Đảng viên Cộng sản, đã cùng lực lượng ta tổ chức đánh trả và kiên cường bám trụ giữ làng đến hơi thở cuối cùng. Cụ đã trúng đạn và anh dũng hy sinh, bỏ lại phía sau một gia đình, một quê hương mịt mờ cảnh lầm than tang tóc, tao loạn vì đạn lạc bom rơi.

Một sự ngẫu nhiên trùng hợp đến kỳ lạ là có hai người phụ nữ: một mẹ già và một vợ trẻ của cụ Lê Thông, đều phải chịu cảnh ngộ mang nỗi đau mất chồng và goá bụa khi mới ngoài 30 tuổi.

 Người mẹ goá bụa của thầy Quý như muốn noi theo gương sáng của mẹ chồng, bà đã suốt đời ở vậy tảo tần nuôi con. Tình cảm thấm nhuần và nặng lòng biết ơn Hai người phụ nữ ruột thịt đầy nghị lực đó, chính là nền tảng cơ sở, là kim chỉ nam xuyên suốt mọi suy nghĩ và hành động của thầy Lê Đình Quý cho đến mãi sau này.

Từng được cha chăm lo truyền dạy, năm 9 tuổi, có thể nói Lê Đình Quý đã học xong chương trình hệ tiểu học bây giờ. Tuy nhỏ tuổi, nhưng do đọc thông viết thạo và làm được cả 4 phép tính cộng trừ nhân chia, nên Lê Đình Quý được lãnh đạo uỷ ban xã giới thiệu cho đi dạy các lớp bình dân học vụ. Cũng nhờ dạy bình dân học vụ tốt, từ tháng 9 năm 1956, Quý lại được giao thêm việc dạy các lớp vỡ lòng và tham gia các phong trào khác của địa phương.

Trong 2 năm 1959 và 1960, Lê Đình Quý miệt mài trên ghế nhà trường để hoàn tất chương trình học cấp II. Sau khi tốt nghiệp, Quý quyết định dành thời gian để đi học khoá Sư phạm cấp II tại Hải Phòng.

Đúng thời gian này, gia đình buộc Quý phải lấy vợ. Có một cô gái cùng quê tóc dài mắt đen đã được người làng và bè bạn gán ghép cho Quý từ lâu. Cô gái ấy cũng thầm yêu trộm nhớ và Lê Đình Quý không thể từ chối.

Sau thời gian tạm nghỉ học để lo chuyện chồng vợ, khi đứa con trai đầu lòng chào đời được 3 tháng, giấc mơ đèn sách lại hối thúc Lê Đình Quý tiếp tục khăn gói lên đường theo học tại trường Trung cấp Sư phạm Hải Phòng. Vừa chắt chiu miệt mài nơi lớp học, vừa chớp lấy ngày nghỉ để tất tưởi về nhà. Quý bươn bả đánh bắt tôm cá, đào mót sắn khoai cho vợ mang đi bán lẻ, hoặc cởi áo lót vai gánh giúp mẹ gánh hàng rong dạo khắp làng trên xóm dưới... Cuộc sống lúc bấy giờ là như thế và cũng chỉ có thế mới được ít lon gạo và đôi ba đồng lẻ để Lê Đình Quý mang đến trường ăn học.

Dù nghèo khó, nhưng bù lại, Quý có được một gia đình hạnh phúc. Người vợ ngoan ngoãn dịu dàng lần lượt sinh hạ được hai đứa con, đứa nào cũng khôi ngô tuấn tú, cho bà nội có cháu bồng bế đi khoe làng xóm.

 

                 Nhà giáo Lê Đình Quý và mẹ già.

 

            Từ giáo viên đến Hiệu trưởng

Tốt nghiệp sư phạm, thầy Lê Đình Quý được phân công về dạy tại Trường Phổ thông Nông nghiệp, đóng chân tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Làm giáo viên tại đây được 2 năm, đã giảng dạy bồi dưỡng cả khoá học sinh tốt nghiệp đạt tới 95%, thuộc vào dạng kỷ lục lúc bấy giờ, năm 1966, thầy Lê Đình Quý được Cấp trên bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Thầy còn được giao phụ trách công tác Xây dựng điển hình tiên tiến về giáo dục của xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Đây là xã có phong trào giáo dục khá tốt và đều ở các cấp học: Mẫu giáo, vỡ lòng, bổ túc văn hoá và phổ thông, nên lúc đó được gọi là “Cẩm Bình” của Hải Phòng.

Sau bốn năm trực tiếp đứng lớp và quản lý, bằng tất cả tâm huyết của một người thầy, Lê Đình Quý đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu qua quá trình  công tác. Thầy Quý đã góp phần đưa phong trào giáo dục của Trường Cấp II xã Đại Thắng trở thành trường điển hình tiên tiến, thành mô hình điểm trong phong trào giáo dục của huyện Tiên Lãng và của thành phố Hải Phòng.

Trong suốt 5 năm dạy học ở xã Đại Thắng thì có tới bốn năm thầy Lê Đình Quý được công nhận là giáo viên dạy giỏi của huyện Tiên Lãng. Năm 1968, thầy Quý được cấp trên cử đi du học ở nước ngoài. Nhưng chiến tranh và một vài trở ngại khác lúc đó đã ngăn cản con đường này. Không thể đi du học, thầy được chuyển về học Khoa Lý của Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Trong những ngày sơ tán, với tư cách là cán bộ đi học, thầy Lê Đình Quý còn đảm nhận trách nhiệm Bí thư chi bộ khối sinh viên. Năm 1972, thầy Lê Đình Quý được cử về làm cán bộ thanh tra của Sở giáo dục tỉnh Hải Dương. Tháng 9 năm 1979 thầy Lê Đình Quý được cử đi học lớp Cán bộ quản lý của Bộ giáo dục, được tổ chức ở Giáp Bát thành phố Hà Nội. Thầy Quý là một trong ba người đạt danh hiệu Học viên tiên tiến. Ngay sau đó, cấp trên cử thầy Quý về làm Hiệu phó trường Phổ thông trung học Hà Đông.

Đến tháng 9 năm 1981, thầy Lê Đình Quý mới được chuyển về làm Hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ trường Phổ thông trung học Hà Bắc (Cấp III Khu vực), huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Lúc đó, nhà trường chỉ có 15 phòng học đang xây dở dang. Không có bàn nghế và đồ dùng học tập. Nhu cầu đi học của học sinh rất cao, mà trường lớp thì thiếu, năm nào cũng xảy ra kiện tụng và trở thành “điểm nóng”. Về nội bộ, với 40 giáo viên, trong khi hiệu trưởng cũ đã thay vị trí công tác khác, đồng chí hiệu phó đã tại chức này đến 12 năm, mà không được cấp trên cất nhấc, lại cử thầy Quý về đảm đương chức hiệu trưởng của cái trường đang nóng này.

Không lùi bước trước khó khăn, với kinh nghiệm quản lý và là giáo viên dạy giỏi lâu năm, thầy Lê Đình Quý đã lập tức phát huy sức mạnh tập thể bằng cách: Gặp gỡ trao đổi, lắng nghe nguyện vọng tâm tư, chân tình thẳng thắn chia xẻ niềm chung nỗi riêng... với chính Thầy Hiệu phó kia và các thầy cô giáo khác để ổn định tình hình, chuẩn bị cho ngày khai giảng. Cuối năm học đó, kết quả thi tốt nghiệp của trường đạt 100%, tạo không khí vui vẻ, an lòng người dân khi cho con em mình đến trường này để học.

Mấy năm sau, vấn đề giá- lương- tiền một thời bao cấp, đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế cả nước nói chung và trường Hà Bắc nói riêng. Số lượng học sinh đến lớp giảm sút nghiêm trọng. Từ 15 lớp học, giảm xuống còn 6 lớp; bình quân sĩ số là 68, nay chỉ  còn 37 em trên một lớp. Kinh phí tu sửa trường và lương giáo viên cũng không có hoặc không đủ. Các thầy cô giáo phải dạy chay là chuyện bình thường.

Ba tháng dạy mới một lần được lĩnh lương. Lớp học bỏ hoang, phải cho công ty thực phẩm thuê một số phòng để trồng nấm mỡ, mà thu nhập cho trường chẳng đáng là bao. Suốt 7 năm, từ năm 1986 đến năm 1991, giáo viên không yên tâm dạy, mỗi tuần chỉ 8 tiết mà họ vẫn bỏ giờ. Khu trung tâm văn hoá của xã tan rã, mọi người đều tìm đất cất nhà riêng. Ngay đến cả nhân viên bảo vệ cũng không sống nổi bằng mức lương trợ cấp. Ngôi trường Phổ thông Trung học Hà Bắc, hay còn gọi là trường cấp III khu vực, bỗng chốc trở nên thừa. Tất cả giáo viên đều muốn chuyển về trường trung tâm dạy, vì vậy số còn lại phải tìm cách ghép với trường cấp II. Cũng do thời điểm này triển khai thực hiện cải cách giáo dục, nên ngoài số học sinh lớp 8 được tuyển thẳng vào lớp 10, các em còn lại phải học ở lớp 9. Mặc dù số ở lại là rất ít, các em cũng hầu như bỏ hẳn. Trường có thầy mà bỗng không có trò. Kể cả dùng biện pháp như đánh trống ghi tên cho đủ người, mà vẫn rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu học sinh trầm trọng.

Bao khó khăn chất chồng đè nặng lên đôi vai người Hiệu trưởng Lê Đình Quý. Nhà ở xa, một mình thầy vừa làm quản lý, vừa trồng cây kiêm bảo vệ trường. Thiếu vắng học trò, trường trở nên hoang sơ. Tường bao không có, cỏ dại mọc đầy, trâu bò mặc tình chăn thả, bàn ghế ọp ẹp cái còn cái mất… Tình cảnh đáng buồn đó, ai thấy hoặc đang ở, cũng muốn ra đi. Nhưng, với trách nhiệm Đảng và nhân dân giao phó, với tấm lòng nhà giáo vì mục tiêu cao cả là sự nghiệp trồng người, vì học sinh thân yêu, thầy Quý đã không thể ra đi.

Thầy cứ lặng lẽ: sáng làm công tác quản lý, chiều trồng cây, tối lại lo gác trường. Công việc đã rất vất vả, còn phải nấu ăn một mình, sinh hoạt vô cùng thiếu thốn. Trong một lần tranh thủ về thăm nhà, nghe tin bão đổ bộ, thầy Quý lại vội vàng đạp xe 15 km đến trường. Một mình thầy lại lụi cụi thu dọn đồ dùng dạy học, che chắn trường lớp, chống chọi với trời.

Nhiều ngày, vì trời mưa, nên lúc đói, việc nấu ăn rất khó khăn. Thầy Quý phải lấy cái bát nhôm làm nồi, ba lọ mực đã hết làm kiềng, nhặt giấy bỏ đi làm củi đun. Cơm nấu xong, chỗ chín chỗ không. Nhưng trong hoàn cảnh này, bữa cơm đạm bạc vẫn giúp thầy qua ngày. Để ăn xong lại có sức tiếp tục trồng cây, tiếp tục đợi thầy đợi trò, hoặc nằm co gác trường nghe mưa rơi gió thổi.

   Đại gia đình của nhà giáo Lê Đình Quý hạnh phúc bên nhau.

 

            Vượt qua khó khăn vì hạnh phúc trồng người

Thời gian thấm thoát trôi, sự  tận tuỵ của thầy Quý rồi cũng được bù đắp, ban đầu mới chỉ là sự sống của cây xanh thầy trồng. Hàng hàng lớp lớp đủ loại cây bàng, bằng lăng, xà cừ, phượng vĩ cứ cao dần, rộng khắp cả sân trường. Cây nào chết, thầy lại trồng cây mới. Có những cây phải trồng đi trồng lại tới 7 lần mới sống. Lòng kiên trì bám trụ và những giọt mồ hôi lao động vất vả của thầy Quý cứ thấm dần ngấm sâu vào từng gốc rễ cành cây chiếc lá. Rồi một ngày, những chồi non lộc biếc đua nhau vươn cao đón nắng mặt trời, xoá đi quang cảnh hoang sơ ảm đạm. Hơi thở của cây quyện với tình người, tạo nên sự sống được quang hợp hài hoà. Cây nhờ người xanh tốt vươn xa, người nhờ cây mà tâm hồn trẻ lại. Sức sống của trường đang dần dần hồi phục trước mắt tất cả mọi người.

Năm 1991, có bài: “Thầy không trò, nỗi lo của giáo dục” đăng trên báo địa phương. Thầy Quý càng thao thức suy tư, mất ăn mất ngủ vì bao nỗi lo cho trường cho lớp. Làm sao cải tạo tình hình, để thu hút các em học sinh? Làm sao duy trì được chất lượng dạy và học trong điều kiện vật chất khó khăn, thiếu thốn đủ bề?

Sau bao lao tâm khổ tứ, thầy Quý quyết tâm xây dựng lại trường, bắt đầu bằng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Thầy đã tìm ra giải pháp mạnh bạo: Trước hết là tổ chức họp bàn với cán bộ công đoàn và giáo viên để đi đến quyết định phải tự đốt gạch để xây mới và tu bổ trường. Đây là việc làm hiệu quả nhằm thiết lập niềm tin của cấp trên và nhân dân về sự trường tồn của nhà trường. Rồi sau nữa, sẽ dần dần tìm ra các lối thoát khác.

Xông đất đầu xuân sau, thầy Quý gõ cửa mời Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương về kiểm tra kỹ và mỹ thuật của công trình. Kiểm tra xong, biết việc làm của trường là mạo hiểm, nhưng công trình đang dang dở và hiệu quả của nó cũng đã rõ phần nào. Không thể dừng được nữa, Sở quyết định cấp cho trường 150 triệu đồng đầu tiên. Từ thắng lợi này, thầy Quý tự tin đề nghị cơ quan đoàn thể của các xã lân cận cùng góp vốn cho con em mình có lớp có trường để học. Sau mấy tháng khởi công, ngôi trường mới khang trang đã hoàn thiện với 3 phòng học cấp 4, 3 phòng học mái bằng kiên cố, 8 phòng học cao tầng… Đặc biệt, do triển khai xây dựng sớm, do quản lý chặt chẽ và do cả sự tự nguyện đóng góp của nhiều tấm lòng, công trình này đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng cho nhà nước và nhân dân.

Con đường Đổi mới, con đường thực hiện Chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, đã được thầy Lê Đình Quý Hiệu trưởng Trường Phổ thông Trung học Hà Bắc huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương cụ thể hoá bằng những bước đi đầu tiên đầy sáng tạo và tự tin, xuất phát từ tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục của mình.

 Với bề dày kinh nghiệm trên 40 năm, thầy Lê Đình Quý đã cống hiến tất cả cho sự nghiệp trồng người. Thời gian để dành cho gia đình vợ con là cực kỳ ít ỏi.

Đằng sau sự cống hiến của người chồng, là sự hy sinh thầm lặng đáng trân trọng của Bà giáo – Vợ ông. Bao năm ông lặn lội với trường này trường khác ở nơi này nơi kia, là bấy nhiêu năm bà... phải một mình cam go nhẫn nhịn lao động phụ giúp cho chồng và nuôi dạy con ăn học. Ngay cả khi ông đã làm Hiệu trưởng- “Xếp lớn” của trường, ra đường, nhiều người gọi bà là vợ xếp, bà trả lời vui nhưng trong vui vẫn lóng lánh tình mình:

 Làm sếp kinh doanh thì thơm

 Còn sếp nhà giáo thì cơm cháo gì

Đồng nghiệp và học trò ở khắp nơi luôn dành cho thầy những tình cảm yêu mến kính trọng. Trong suốt cuộc đời dạy học của mình, thầy Lê Đình Quý đã có 9 năm là Giáo viên dạy giỏi các cấp, 11 năm được công nhận là “Chiến sỹ thi đua”. Thầy cũng được tặng thưởng nhiều Huân Huy chương. Thầy còn là một trong 300 cán bộ có thành tích xuất sắc của ngành giáo dục được chọn nghiên cứu đề tài “KX. 01. GD. 07”.

            Năm 2001, thầy Quý được nhà nước cho nghỉ chế độ hưu.

Người ta thường nói, nghề làm thầy giáo cũng như chở đò qua sông. Mỗi lớp học sinh là một chuyến đò đầy chữ nghĩa... Người lái đò làm sao nhớ hết khách đã qua sông trong suốt cuộc đời mình! Một ngày nọ, nhà giáo Lê Đình Quý bất ngờ đọc đươc bài thơ in trên báo có nhan đề “Huyền thoại Cầu Kiều”, với lời tựa “Kính tặng thầy Lê Đình Quý nhân ngày 20-11. Một học trò cũ”. Trong đó có những câu:

Dắt dìu lớp lớp đàn em

Chẳng màng danh lợi bon chen ở đời

Trò ngoan dâng đến điểm mười

Thầy vui như thấy cuộc đời nở hoa...

 

           Nguyễn Huỳnh Linh Chi

 

____________

LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: