Thứ sáu, 18/10/2024,


THUNG LŨNG CHỚP RI -CHUYỆN CÒN SÓT LẠI (23/01/2012) 

 
THUNG LŨNG CHỚP RI
-CHUYỆN CÒN SÓT LẠI

Bút ký của Nhà văn Nguyễn Hoài Nhơn

 

          Tôi đọc cái truyện “Chớp ri” cách đây hai mươi năm. Hồi đó còn trẻ, tôi đã cảm thấy Lập viết rất hay, nguyên mẫu chẳng ai xa lạ cả mà chính là tôi với dì Thi và có lắp ghép một chút ít bóng dáng của bạn bè tuổi ấu thơ nơi cái thung lũng Cao Mại hoang vắng hồi sơ tán tránh bom đạn Mỹ. Đây là câu chuyện có thật. Bây giờ đọc lại trên blog cũng cái truyện i xì ấy làm cho tôi bâng khuâng xót xa cả mấy tuần nay. Tôi cứ ngạc nhiên mãi lại càng không hiểu vì sao, hồi đó Lập chỉ là một cậu bé mười tuổi, hai thằng cùng lứa, cùng học với nhau một lớp, cùng ngờ nghệch dại dột như nhau, mà đến mãi gần hai mươi năm sau, khi dựng chuyện, nhân vật cô Thương và thằng Chơn lại giống hệt tôi và dì Thi đến thế ? Phải thừa nhận rằng cái truyện ngắn của Lập viết quá thực nên rất hay, vì viết quá hay quá giỏi nên cái sự thực không hề hư cấu ấy nó sinh động lạ thường. Tôi cứ tưởng tôi là thằng Chơn mới vừa bước ra từ trong truyện ngắn của Lập, kỉ niệm tuổi ấu thơ gian khó, bất hạnh lại ùa về như mới đây thôi. Ngồi trên bàn viết thư cho Lập mà nước mắt tôi cứ chảy ra lúc nào không hay. Cư dân mạng yêu Chơn, thương thằng Chơn bao nhiêu thì bây giờ ngẫm lại tôi thương tôi hơn bất kì ai khác, nếu cho tôi được sống lại những năm tháng ấy chắc chắn tôi không chịu đựng nổi bởi sức người mong manh lắm.Tuổi ấu thơ của tôi bị tổn thương về mặt tinh thần quá nặng nề, tôi bị truy sát, khủng bố đến không còn đường thoát. Cái cảm giác quằn của con giun trong tôi ngày ấy đã chai lì hết. Đến khi rời thung lũng Chớp Ri ( Cao mại ) ra đi cầm súng đánh Mỹ, rồi truy quét fun-rô, chống Pôn-Pốt, đối mặt với cái chết quá nhiều, tôi thấy không có gì đáng sợ lắm. Năm 1986, tôi cầm cái truyện ngắn dài hai kì ấy trên báo Văn Nghệ về cho dì tôi đọc, bởi cô Thương là nhân vật chính. Đến khi gấp tờ báo lại dì phải thốt lên mà rằng - Thằng cu Lập tài thiệt ! Kì thực hoàn cảnh hai dì cháu tôi cùng khổ đến không còn tả xiết nổi. Thằng cháu ruột Nguyễn Hoài Nhơn (Chơn)10 tuổi, dì Hoàng Lệ Thi (cô Thương) 30 tuổi tìm gặp nhau giữa lúc khốn nạn khốn khổ nhất. Nếu nói ra được bằng lời lúc này thì chẳng ai hiểu nổi, tại sao hai dì cháu tôi còn gắng gỏi sống cho đến tận bây giờ.
         Cuộc khủng hoảng tinh thần ngày đó đã quật ngã dì tôi, sự việc chỉ nhỏ bằng con kiến, người ta cố tình thổi phồng to hơn cả voi. Dì tôi-một cô gái trẻ có tự trọng và có kiến thức đã không chịu nổi trước búa rìu dư luận, những dèm pha cay nghiệt của người đời. Cả gia đình bà con, anh em hùa vào sỷ nhục dì tôi, họ coi đó là một vết nhơ bẩn thỉu của dòng họ Hoàng nổi tiếng học cao, danh giá, lắm chữ nghĩa vào thời đó chỉ vì dì yêu một thầy giáo lớn tuổi chưa vợ dạy mình. Dì tôi tự vẫn bằng cách một mình chạy trốn vào rừng Bố Trạch trong đêm để thí xác cho cọp beo mong được yên thân, kết thúc cái nỗi nhục khôn rửa và kết thúc luôn cả mối tình ngang trái ấy. Nhưng kì lạ thay, cọp beo thời đó đông đúc và dữ dằn thế chúng cũng không thèm màng tới.Uất quá dì trở về làng tu hết sạch sành sanh một lọ a-xít trong phòng thí nghiệm của một trường cấp ba. Do nhạt nồng độ nên cái thứ chất lỏng màu nâu ấy không đủ sức giết chết người dì ruột yêu quí của tôi nhưng những tổn thương về mặt thể xác lại quá nặng nề. Tôi kinh hoàng ngồi chứng kiến từng cơn đau của dì mà cứ tưởng của mình. Những cơn động kinh kéo đến làm cho dì tôi thất thần, chân tay co rúm, mắt trợn ngược lên trắng dã, răng nghiến ken két, mặt mày dúm dó, tóc tai rũ rượi, quần áo rách bươm vì cắn xé, trông dì tôi giống hệt một con ma. Lại những cơn ói khan, ỉa đái ra toàn máu bầm. Tôi có cảm giác rất rõ rằng từng giọt, từng giọt a-xít sunfuric ấy đang di căn, đốt cháy, gặm mòn hết tất tần tật mọi lục phủ ngũ tạng của dì tôi, nó biến dì thành tro lúc nào làm sao tôi biết được

          – Dì ơi đừng chết ! Tôi ôm chặt cổ dì gào lên thảm thiết giữa trời đêm lạnh giá – Ai cứu dì tôi với ? Không ai, người đời ghẻ lạnh hết mất rồi. Cha tôi bật từ giường xuống phang một cú đấm như chùy vào mặt vì cho rằng tôi “toáng” lên giữa khuya khoắt thế làm ông mất ngủ. Hết choáng váng, tôi vào lấy khăn lau máu, thay quấn áo cho dì. Dì ngất lịm và luội dần đi trong vòng tay mảnh khảnh của tôi.                

           Thân thể dì gầy gò, da bọc lấy xương, cơm cháo không có, thuốc men cũng không. Nỗi tuyệt vọng khốn cùng của tôi lúc này, nếu dì chết trong đớn đau thê thảm thế, tôi làm sao chịu đựng nổi, tôi chẳng còn ai trên cõi đời này để chia sẻ cảm thông, xoa dịu tâm hồn tuổi thơ tôi đang bị hành quyết từng ngày. Tôi sẽ chết theo dì nhưng phải bằng cách nào hở trời ! Thưa nhà văn Nguyễn Quang Lập, thằng Chơn lúc ấy mới vừa tròn 8 tuổi.
          Hơn một năm ròng rã, dì tôi vật lộn với từng đận ốm thập tử nhất sinh. Cha mẹ tôi cấm ngặt không cho tôi sang chăm sóc. Đêm, tôi lẻn sang thức trắng canh từng cơn đau mà dì tôi phải chịu đựng triền miên, phải giành giật sự sống đến từng giây. Tôi quyết không để dì rời cõi thế mà đi nhanh như vậy được, trẻ như vậy được. Ai bày gì tôi đều làm nấy để cứu dì. Ngày tranh thủ lúc chăn trâu tôi đi hết mọi núi cao thung sâu đào thuốc, hái lá về sắc cho dì uống. Rồi chọt củ mài, câu từng con bống gát gói vào ngọn môn thục dấu sang cho dì bồi dưỡng. Nếu cha tôi biết điều này chắc chắn dì cháu tôi chẳng còn đất sống. Tôi bị đẻ non bảy tháng cũng bởi tại cha đánh mẹ vào chỗ hiểm. Khi tỉnh trí dì kể lại với tôi như thế. Đến 5 tuổi tôi chưa biết đi và không hề biết nói, đầu không có tóc. Lọt lòng mẹ, tôi chỉ nhỏ bằng chai bia 33 bây giờ. Cha tôi chán nản, mẹ bỏ rơi, dì ẳm bế, bón hồ, mớm nước, bọc tã, ấp iu tôi từ ngày bằng hột tấm.Tôi như một thứ sinh linh vô thừa nhận trong cái gia đình vừa nghèo đói, vừa tàn bạo. Trong nhà có thứ gì cha tôi đều bán hết để uống rượu, mỗi lần ông lên cơn say là cả một cuộc ẩu đả trừng phạt đến ghê người. Tôi không đủ sức chịu đựng từng trận đòn khủng khiếp giáng từ trên cao xanh xuống, sét đánh cũng không kinh hoàng bằng. Cha mẹ tôi khắc khẩu, cả một lũ con bảy đứa nheo nhóc, rách rưới trở thành nạn nhân. Cha hay khùng nộ gây gỗ vô lí, mẹ khiêu khích chua ngoa, suốt ngày họ gằm ghè nhau không biết chán. Cái ngôi nhà lá cọ không nóc dột mái ấy chẳng có được một ngày bình yên. Cả một lũ anh em tôi méo mặt, thất sắc, đứa trốn sau cối xay, đứa nép mình bên vại nước, tóc tai dựng ngược lên ráng chờ thảm họa. Soong chảo, nồi niêu thúng mủng cũng mọp mẹp, bẹp dúm vì những cuộc cấu cắn nhau. Tối tôi ngủ chung với hai con chó đói, gầy kẹp bên đống lửa mùa đông nhóm ngay giữa nhà, có lúc phải chui tọt vào cội rơm tránh cơn rét đang xuống dưới 10 độ. Tôi lớn lên còi cọc được đôi chút lại trở thành địch thủ không cân sức của cha tôi. Càng căm ghét mẹ, ông lại giáng xuống đầu tôi hàng ngàn trận đòn chí tử rất vô lí. Ông không từ một thứ hung khí nào, từ cán rựa đến dao phay, từ cọc rào cho đến cái ách cày, cha phang thỏa sức đến khi tôi đổ ập xuống đất ông vẫn không chịu buông. Mẹ ngồi ở ngạch cửa nhìn tôi bị hành quyết mà không hề thương xót, máu chảy nhưng ruột không mềm mẹ ơi! Những lúc quá đau, tôi trẫm mình xuống suối hoặc gọi dì đến cứu. Có lần cha đá lăn quay, lộn vòng qua mấy vồng khoai, ông còn chồm tới cầm chỏm tóc lẳng xoay mấy vòng bong cả da đầu, mặt nhầy nhụa những máu và đất bầm quánh đặc sệt, quần áo rách tươm, thân thể trần như nhộng. Dì phát hiện ra, tất tả chạy sang đỡ đòn cho tôi, rồi dì quì xuống đất van lạy anh rể buông tha cho cháu. Tôi biết dì làm cái việc quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng dì quyết không sợ. Đêm, tôi bò lết sang phòng dì, dì nhai lá dặt những khối u trên đầu, trên bã vai cho tôi, nặn mủ ở những vết thương đánh cũ còn ri rĩ nước.

             Dì ôm tôi vào lòng khóc rấm rứt, tôi cũng khóc theo – Cháu bất hạnh lắm Nhơn ạ ! Tôi nhận biết điều đó từ lâu nhưng được ở bên cạnh dì được phút nào nguôi ngoai phút đó. Rồi dì kể chuyện “Những người khốn khổ” cho tôi nghe. Cả một tiểu thuyết trường thiên như thế mà dì kể không sót một chi tiết nào, không sót một nhân vật nào. Ở đó tôi thấy Făngtin khốn khổ hơn dì tôi, còn cô Jet bất hạnh hơn tôi không biết bao nhiêu lần. Noi gương cô Jet, sau này những đòn đánh hiểm ác, tàn bạo của cha, tôi nghiến răng chịu đựng không hề hé nửa lời rên, và tôi làm được điều ấy thêm bảy năm nữa mới thoát khỏi cái địa ngục trần gian này. Thung lũng Cao Mại (tên thật của cái làng nhỏ mang tên Chớp Ri) trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập chứa đựng không biết bao nhiêu nỗi đau thuơng, bất hạnh, đói khát… mà thời thơ ấu tôi từng cố trải qua. Hình như chi tiết này Lập không hề biết. Những năm tháng ấy dì cháu tôi đã chung lưng đấu cật vào nhau, một lớn một bé – một phải đối phó với dư luận đầy hiểm ác của xã hội thời đó, một với những trận đòn thừa sống thiếu chết của cha tôi diễn ra từng ngày. Tôi sống lê lết, tàn tạ bên cạnh dì như một chỗ dựa tinh thần mà không ai có thể thay thế nổi. Tôi thương dì hơn mẹ hàng trăm lần, dì coi tôi như con đẻ, dì bỏ quên cả chuyện yêu đương lấy chồng để chăm sóc tôi bởi tôi là đứa trẻ tật nguyền, đẻ non, chậm đi, chậm lớn, chậm nói, ốm đau triền miên. Hình như dì cũng đoán biết được sự sống của tôi ngày còn ngày mất, tôi có thể gục chết bất cứ lúc nào dưới bàn tay sắt đầy tàn bạo của cha tôi. Năm ấy, một tai nạn kinh hoàng đến với tôi quá bất ngờ khiến dì trở tay không kịp, tôi bị rắn độc cắn khi cùng dì đi thăm một người bạn ốm nặng. Nếu biết cha tôi sẽ kiếm cớ đổ tội cho dì. Hoảng quá, dì cõng tôi đi giấu dưới một căn hầm chữ A tránh bom đạn Mỹ. Tôi đau đến mức không chịu thấu nữa rồi. Ngày đó thuốc thang không hề có, bệnh viện cũng không. Bằng linh cảm của một người mẹ, dì biết tôi không thể nào sống nổi. Cái chân phải sưng tấy hết cỡ, da chuyển sang màu tím đen và cứ nứt nẻ dần từ mắt cá lên tận háng. Tôi chuyển sang trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Dì ngồi ôm tôi thức trắng đêm, hết khóc lại lâm râm khấn vái. Căn hầm dã chiến ngột ngạt đến tang thương. Sang ngày thứ 5, tôi xin dì cho tôi được gặp mẹ. Dì đỡ tôi ngồi tựa bên một vách hầm. Dì lên nhà kể lại sự thật không may ấy cho mẹ biết. Dì xin lỗi mẹ tôi và sẵn sàng chịu trách nhiệm hoàn toàn vì đã lỡ dẫn tôi đi thăm một cậu học trò đang ốm mà ra nông nỗi này. Mẹ tôi mắng dì xơi xơi, rằng đồ ngu, đồ lanh chanh, hậu đậu !...

       - Em lạy chị, thằng Nhơn sắp chết, chị xuống với nó ngay !

     – Tao không xuống, mẹ tôi bảo thế. Tôi nghe hết mọi chuyện trên mặt đất mà không hề có một xúc cảm nào, tôi ước gì mình được chết ngay cho thanh thản, bớt được sự đớn đau, buồn tủi bấy nay. Trong trái tim non bé của tôi ngày ấy mẹ vẫn là trên hết. Hai tiếng mẹ ơi, đến bây giờ tôi mới cảm nhận hết sự sâu nặng thiêng liêng biết nhường nào. Trong cái giây phút lâm chung , thất sũng của cuộc đời mình, hình ảnh mẹ chỉ lảng vãng đâu đó xa xôi lắm. Dì lảo đảo lao xuống căn hầm nơi tôi đang thoi thóp thở, nỗi bất lực pha lẫn đắng cay làm cho dì tôi suy sụp hoàn toàn.

      Chiều, ông Ân đến cắt cho tôi ba thang thuốc chỉ nhỏ bằng hộp diêm, và thế là…Rồi cũng năm ấy tôi bị ngã trên núi xuống bầm dập hết thân thể nằm liệt giường cả tháng trời rồi lại bị kì đà cắn suýt nửa cụt mất bàn tay phải. Cứ mỗi lần như thế dì xuất hiện đúng vào lúc tôi nguy nan nguy kịch nhất. Dì đã từng khóc hết nước mắt vì quá thương tôi. Dì yêu quí tôi vì tôi là một đứa cháu chăm ngoan học giỏi lại có nhiều tài vặt. Hồi đó tôi nhớ dì làm thơ rất hay được in báo Quảng Bình thường xuyên, có những bài đến bây giờ tôi vẫn thuộc. Tôi cũng tập tỏm làm được hàng chục bài thơ đưa dì đọc, dì động viên tôi rất nhiều, mai sau cháu có thể trở thành nhà thơ đấy. Dì còn hứa sẽ gửi ra cậu Trọng (nhà văn Hoàng Bình Trọng) đang ở Hà Nội sửa để đăng báo Thiếu Niên Tiền Phong. Tôi hồi hộp đến nghẹt thở, hi vọng cứ nhân lên từng ngày, tôi lại có thêm niềm tin hảo huyền ấy để sống. Năm 1967-1968 tôi có cảm giác nó không trôi qua được, chiến tranh diễn ra khốc liệt từng ngày. Chỉ còn thung lũng Chớp Ri là tương đối yên bình, máy bay chỉ liệng ngang qua một ngày vài ba chục bận còn bom thì chúng mang đi ném ở những nơi trọng yếu khác. Người chết, nhà cháy, những xóm làng lân cận tan hoang, thanh niên ra mặt trận hết chẳng còn ai. Thung lũng Chớp Ri u ẩn buồn đến thê lương, cọp vào tận cửa để bắt người. Lúc ấy Lập mới xuất hiện trong căn hầm nhỏ bé của hai dì cháu tôi. Phải công bằng mà nói cô Thương quí Lập như tôi, tôi phục Lập vì thông minh học giỏi, nghịch ngợm hơn quỉ sứ, tò mò như ma xó. Tôi phỉnh Lập nhím có khả năng bắn lông xa vài chục mét Lập tin, thấy nhím mắc bẩy Lập sợ xanh mét mặt vì tưởng nhím bắn hàng ngàn mũi tên lông lù xù, trắng hếu ấy vào người, tôi ngoảnh lại thấy Lập nằm bẹp dí sát đất, tôi bấm bụng phì cười. Có lần Lập nhặt được mười đồng của rơi trả lại người đánh mất, được thấy Uy hiệu trưởng biểu dương dưới cờ hẳn hoi, Lập vênh mặt lên, còn tôi thì nhăn nhó khó chịu. Tối hai đứa tranh nhau ôm cổ cô Thương, đứa rót nước, đứa đấm lưng để được nghe cô kể chuyện “Những người khốn khổ” và hàng chục tác phẩm văn học cổ điển khác của Pháp. Tôi đi đâu Lập lẻo đẻo theo nấy, đi học hắn ngồi bên cạnh, tối cô Thương nằm giữa, hắn một bên tôi một bên. Tôi đi rừng hắn lon ta lon ton đi theo, tôi xuống sông câu cá hắn khệ nệ xách giỏ. Bữa ăn đạm bạc mà cô Thương dọn ra trên cái mâm gỗ, thiếu tôi, Lập thấp thỏm ráng chờ. Tôi sai khiến gì Lập làm theo như cái máy. Hắn mê tôi như điếu đổ vì có tài đóng kịch và diễn thuyết rất hay, đánh bẩy còn giỏi hơn cả người dân tộc bản địa, còn bơi lội thì khỏi chê. Hắn rất mê cậu bé Gavơrốt trong “Những người khốn khổ” của Vichtohuygo, còn tôi mê làm Paven Coocsagin trong “Thép đã tôi…”, ngày đó nhờ cô thương mà hai đứa đã thuộc nằm lòng hàng trăm cuốn tiểu thuyết. Tôi khéo tay trong mọi công việc lại hay lam hay làm. Tôi tần tảo kiếm từng cọng rau rừng, từng khoanh củ nần, vài con cua đá, mấy chú tôm càng, còn thịt rừng thì không thiếu. Có lúc cả hai thằng còn nhai rau ráu cả một con gà ri nướng than béo thơm, hắn còn liếm mép vì chưa đã. Hắn quấn quít lấy tôi suốt ngày, tôi cũng không chịu rời buông hắn. Chủ nhật hắn theo bố về thị trấn Ba Đồn thăm mẹ, tôi bần thần ngơ ngẩn cả ngày. Có lúc nóng ruột quá tôi leo lên chót đỉnh Lâm Lang cao ngất bắc ống nhòm bằng tay nhìn xuôi về hướng Kinh Châu xem hắn đã về chưa. Nơi ấy, quê Lập bom đạn trùng trùng, pháo sáng treo lơ lửng như ma trơi. AD6. F4H,F105 xé nát cả bầu trời thị trấn. Sao đến giờ Lập vẫn chưa về ? Cô Thương cũng bồn chồn thấp thỏm. Những hình ảnh nho nhỏ dễ thương ấy, bây giờ đã trôi qua hơn 40 năm rồi mà tôi chẳng sao quên cho nổi. Tuổi trẻ con của hai đứa chúng tôi gắn bó với nhau như hình với bóng, mà này Lập ơi ngày đó trong đám bạn bè còn ai hơn Lập ? Hai đứa cùng tuổi con Khỉ, thân thương nhau, hợp tính nhau như anh em một nhà. Cô Thương là nhịp cầu đón đưa chúng tôi đi qua dòng sông tuổi thơ đầu tiên ấy, tuy sau này có quá nhiều biến động dữ dội nhưng trong trẻo đến lạ thường.Cô Thương đã có công rất lớn vì cô đã thổi vào tâm hồn bé bỏng của tôi và Lập một tình yêu văn chương không bờ bến để sau này một trong hai đứa con của cô (thằng Nguyễn Quang Lập) trở thành nhà văn nổi tiếng thuộc hạng cừ khôi của cả nước. Lập viết truyện ngắn cực hay, độc đáo từ cốt truyện cho đến từng chi tiết mà “Truyện sót lại...”là một ví dụ, nó làm say mê hết thảy cư dân mạng. Kịch bản điện ảnh, kịch bản sân khấu cũng gây xôn xao dư luận một thời, nào những Thung lũng hoang vắng, Đời cát, Tôi ơi- đừng tuyệt vọng, Mùa hạ cay đắng… Còn truyện ngắn xuất hiện đều đặn vào những năm 80-90 của thế kỉ trước thì tôi tâm phục khẩu phục hắn sát đất, đến bây giờ tôi vẫn nhớ thuộc lòng nào những : Cây sến lửa, Đò ơi, Tiếng kèn trompet, Tiếng gọi phía mặt trời lặn, Truyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri… Đâu đó ở trong hơn một chục truyện ngắn mà Lập viết đều có bóng dáng cô Thương, bóng dáng thằng Chơn, của bạn bè tôi xuất hiện khi thực khi ảo trên những trang viết tài hoa ấy và tôi xin thay mặt anh khẳng định một điều chắc chắn rằng nếu không có thung lũng Cao Mại (Chớp Ri) nơi anh từng sống qua thời thơ ấu gian khổ thì làm sao có được nhà văn Nguyễn Quang Lập nổi tiếng như bây giờ. Rất tiếc là tôi không có khả năng sáng tác văn chương như anh, mặc dù thời đó tôi là một học sinh giỏi văn thực sự. Biến động của cuộc đời đã đưa đẩy tôi sang một lĩnh vực khác, sau khi tốt nghiệp khoa Sử đại học tổng hợp, tôi được giữ lại trường, hồi đó Sài Gòn bắt đầu mở cửa sinh động quá tôi đi làm báo, lại tai nạn nghề nghiệp, đoạn kết tôi bỗng nhiên trở thành một anh nông dân tay lấm bị ai đó…bóc lột cho đến thê thảm. Nhưng tôi rất tự hào vì đã có Nguyễn Quang Lập nói hộ tôi những ẩn ức của cuộc đời, thậm chí còn dựng ngược tôi lên làm nhân vật chính, thế mới khiếp.Và cũng từ những ngày đó tôi thầm lặng theo dõi từng bước đi của Lập trong sáng tác văn chương, có lúc tôi quá buồn rầu như trâu sắp chết vì anh vội vàng cho ra đời nửa tập thơ “Kỉ niệm thời trai trẻ”dở ẹc. Tôi nghe nói có lần anh bị té xe tải ở mạn Đông Hà, đầu va xuống đất, tự dưng Lập trở chứng viết văn, không ngờ Lập viết hay thiệt, hoan hô Lập. Vài năm sau tôi lại nghe nói Lập nhảy tàu chợ vụng đến nỗi…lại té, suýt nửa toi mạng, khi tỉnh táo hoàn hồn anh trổ nghề viết kịch bản điện ảnh, kịch bản sân khấu, thú thiệt trong lĩnh vực này tôi cũng bái phục anh luôn. Còn đây thì tin chính thức, đắng như cà phê không đường, báo đăng trang nhất rõ ràng không còn mang mang, mang máng gì, Lập té hon đa thiệt rồi, liệt nửa người thiệt rồi, tôi phải ủa chầu chầu… lên mà rằng : biết đâu thằng Lập con nuôi của cô Thương có thể trở thành danh họa ?

 

(còn tiếp)

 

Nguyễn Hoài Nhơn 
Email: nguyenhoainhonvhnt@yahoo.com.vn

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: