Diễn viên Lý Hùng là một trong những gương mặt điện ảnh có thể gọi là “sao sáng” những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỷ trước. Lý Hùng đã tham gia nhiều bộ phim và được thể hiện khá đa dạng vai diễn: cậu học sinh hiền lành, anh bộ đội, cảnh sát hình sự, tên cướp hào hoa, nhà doanh nghiệp… Ngoài những bộ phim làm nên tên tuổi Lý Hùng như Phạm Công - Cúc Hoa, Lệnh truy nã, Người không mang họ, Tên cướp hào hoa, Nước mắt học trò, Lửa cháy thành Đại La…, Lý Hùng còn tham gia gần chục phim với nước ngoài: Hồng hải tặc, Phi vụ phượng hoàng, Cảnh sát đặc khu…
Tham gia đóng phim, làm ca sĩ và đặc biệt suốt một năm qua, diễn viên Lý Hùng còn là người dẫn chương trình “Một điều ước” phát sóng 15 giờ 30 thứ bảy hàng tuần, trên kênh VTV3. Những người thực hiện chương trình này đã đi ròng rã từ Nam ra Bắc với mục đích giới thiệu, hỗ trợ những tấm gương vượt khó, hiếu thảo, hiếu học của trẻ em nghèo vùng cao, vùng sâu; chia sẻ khó khăn với những gia đình thuộc diện chính sách, gia đình có công với cách mạng… Lý Hùng tâm sự: “Lúc ở nhà, tôi thấy ba mẹ (NSƯT Lý Huỳnh) thường xuyên làm điều thiện, điều tốt, giúp đỡ người nghèo khổ, bệnh tật. Đó là hình ảnh tôi rất cảm kích và anh em chúng tôi đã xem những việc làm từ thiện của ba mẹ là tấm gương tốt để mình noi theo”.
Mới đây, trong một lần thực hiện chương trình “Một điều ước”, Lý Hùng cùng 29 cựu tù thiếu nhi yêu nước Nhà lao Đà Lạt đi tham quan miền Bắc, đoàn đã vinh dự được Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tiếp, thăm hỏi và trao tặng kỷ niệm chương tại Phủ Chủ tịch. Lý Hùng kể, anh rất hạnh phúc và tự hào, điều này còn quý báu hơn những giải thưởng anh có được từ trước đến nay, bởi nó là nguồn động viên, khích lệ những trái tim nhân hậu sẻ chia khó khăn cho những người kém may mắn trong cuộc sống.
Tuy vậy, cũng có một số câu chuyện cứ luôn trăn trở trong ký ức của Lý Hùng từ sau những chuyến đi. Lúc về đất mũi Cà Mau, đoàn tìm thăm và giúp đỡ một nông dân vùng biển bị mù, nghèo khổ nhưng vẫn cần cù, chắt chiu lo cho con ăn học. Làm việc ở biển với đôi mắt sáng đã khó khăn, nói gì đến người đã bị mù!
Câu chuyện về người đàn ông mù khác ở Quảng Ngãi cũng tương tự. Có khác chăng là ông Tư ở Quảng Ngãi không đi mò cua, bắt ốc như ông Tư ở Cà Mau mà là đan rọ, bán lấy tiền nuôi người vợ mắc bệnh tâm thần! Một chuyến đi khác khá cam go từ Phú Thọ qua Thái Nguyên rồi lên vùng sâu Pắc Nậm (tỉnh Cao Bằng) cũng để lại nhiều ấn tượng.
Quen sống ở vùng đồng bằng, nếu không có lần đặt chân trên vùng đất đá núi xa xôi, có lẽ Lý Hùng khó hình dung đến ước mơ cháy bỏng mong có được một chiếc xe đạp đến trường của một em bé Tày. Cậu bé chăn trâu vùng cao luôn ví von chiếc xe đạp như con trâu sắt. Và có một ngày, nó không ngờ mình được là chủ nhân của “con trâu sắt” mơ ước đó…
Đi vào chiều sâu của đời thường, gắn bó tình cảm và việc làm của mình đối với những cảnh đời, đôi lúc Lý Hùng còn mang cả tiền lương, cátxê của người dẫn chương trình tặng cho những gia đình nghèo. Đó là điều thực tế và thật sự cần thiết trong cuộc sống của nhiều con người, anh nghĩ thế.
Lý Hùng tâm sự: đóng bao nhiêu bộ phim, thế giới trong phim dù nghèo khổ cách mấy cũng chỉ là thế giới của nghệ thuật, thế giới của lãng mạn. Còn theo chương trình “Một điều ước”, anh đã thấy biết bao câu chuyện đời nghèo khổ… quá thực! Có nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khát khao vượt khó. Họ đã gặp nhiều thất bại, nợ nần chồng chất, bệnh tật và buông trôi. Nhưng rồi, “Một điều ước” mang đến cho họ một hiện thực tuy nhỏ nhoi, giản dị nhưng thật diệu kỳ, chẳng hạn họ được giúp tiền đưa con đến trường, được xóa nợ…
Bây giờ, đang tiếp tục tham gia đóng phim, dẫn chương trình “Một điều ước” ở các tỉnh phía Nam, nếu không bận bịu, một ngày thư giãn bình thường của Lý Hùng sẽ như thế nào? Tươi cười đầy tự tin, Lý Hùng cho biết anh vẫn luyện thanh nhạc và võ thuật. Anh quan niệm “là diễn viên, phải ý thức giữ dáng vóc cân đối”. Đó cũng là động cơ để chàng diễn viên luyện tập thể dục và võ thuật 2 tiếng đồng hồ/ngày…
Yên Ngọc
(Báo SGGP)