Thứ tư, 17/04/2024,


Buồn vui chuyện vào Hội Nhà văn Việt Nam 2008 (06/11/2008) 

 

     Trong những ngày nhiều khu vực của Hà Nội mới vẫn còn chìm trong nước thì các nhà văn thuộc các Hội đồng chuyên môn và các Ban của Hội nhà văn Việt Nam từ nhiều miền đất nước vẫn tìm cách về Hà Nội để làm một việc thường niên là dự Hội nghị Ban chấp hành, xét Giải thưởng Hội nhà văn năm 2008 và xét kết nạp hội viên mới.  

     Tôi là thành viên Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam. Những cuộc hội họp khác thì có thể bỏ vì mình có đến hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ai. Nhưng xét kết nạp hội viên mới thì tôi thường không vắng mặt. Bởi Hội đồng thơ có 9 ủy viên, nhưng mỗi ủy viên không thể đọc hết tác phẩm của những người có đơn xin vào Hội. Mỗi hội viên có mặt là rất cần thiết để thuyết trình về những tác giả có đơn mà ủy viên đó có quá trình theo dõi sáng tác của họ.   

                                                              

Hà Đông là một trong những khu vực của Hà Nội nước ngập nhiều nhất. Hội nghị Ban chấp hành dự kiến khai mạc lúc 8h30 sáng. Nhưng đến 10h30 mới khai mạc vì có một số nhân vật quan trọng của Hội nghị không thể nào tìm được đường đến nhà số 9, Nguyễn Đình Chiểu. Mọi người nói đùa mưa lớn đã làm tắc nghẽn cả con đường của văn chương.  

Tuy là hội nghị văn học, nhưng câu chuyện ngoài hành lang hội trường lại tập trung vào trận mưa như muốn đánh chìm Hà Nội. Tôi được nhiều người hỏi thăm vì đến từ vùng nước lớn nhất: Hà Đông.  

Bỏ phiếu xét kết nạp vẫn là việc “hot” nhất hàng năm của Hội nhà văn. Trước khi các Hội đồng chuyên môn vào thảo luận và bỏ phiếu, một nhà thơ nói: Hà Nội thì bị mưa ngập lụt còn danh sách người xin vào Hội cũng nhiều không kém. Riêng Hội đồng thơ phải đối mặt với một danh sách dài: khoảng 250 tác giả có đơn xin vào Hội.  

 Mỗi năm, Hội nhà văn chỉ xét kết nạp hội viên thơ từ 15 đến khoảng 20 hội viên mới, có khoảng hơn chục tác giả vượt qua “cửa ải” của Hội đồng thơ nhưng lại phải dừng trước cửa ải cuối cùng là Ban chấp hành (mở rộng). Vì lần bỏ phiếu cuối cùng gồm 6 thành viên Ban chấp hành và một số Chủ tịch Hội đồng chuyên môn. Chính thế mà số tác giả có phiếu quá bán nhưng chưa trở thành hội viên được bảo lưu cho năm sau đó đã làm con số các tác giả quá bán mỗi năm lại tăng lên.

 Đây chính là điều làm cho Ban chấp hành đau đầu và sự đợi chờ của các tác giả có phiếu quá bán kéo dài thêm. Có tác giả nói sẽ làm đơn mới để tạo cho mình cảm giác mình mới làm đơn để nỗi đợi chờ đằng đẵng không rơi vào “tuyệt vọng”.  

Với một số người sinh những năm của thập kỷ 20 hay 30 của thế kỷ trước thì có lẽ họ đã giã từ “giấc mơ” trở thành hội viên Hội nhà văn. Năm nay, có nhiều người trong danh sách đọc lên thì được cho biết họ đã giã từ thế gian từ lâu rồi. Người làm đơn đã thành người thiên cổ. Có những tác giả làm đơn mà hai người giới thiệu theo quy định đã mất từ quá lâu rồi.  

Nghe nói có tác giả muốn làm đơn mới để những người giới thiệu mình vẫn còn sống để còn “tác động” đến những người xét kết nạp. Bởi những người đã mất chẳng biết làm cách nào mà nói với những người đang sống trong Hội đồng chuyên môn về người mà mình giới thiệu là người ấy quá đủ tiêu chuẩn để trở thành hội viên Hội nhà văn mà sao tới giờ vẫn chưa. Âm – Dương cách trở. Chẳng lẽ Hội đồng chuyên môn phải đi gọi hồn những nhà văn, nhà thơ đã mất. 

Có lúc, tôi cũng thấy ngượng ngùng với một tác giả nào đó cầm bút từ khi tôi chưa sinh ra mà bây giờ vẫn chưa vào Hội. Xét về sự hy sinh cho văn chương và xét về những gì họ đã viết thì họ thật xứng đáng. Nhưng số lượng kết nạp hàng năm có hạn mà người viết văn càng ngày càng nhiều và ước mơ trở thành hội viên còn nhiều hơn thế.  

Nhiều lúc sau khi có kết quả bỏ phiếu, tôi chỉ muốn tắt điện thoại. Bởi tôi biết trả lời như thế nào với một số người mình quen biết mà không đủ phiếu. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ Hội nên mở cửa rộng hơn để kết nạp các Hội viên mới. Có lẽ chỉ có ở nước ta mới có việc xét kết nạp khó khăn như thế này. Các nước khác ai tham gia Hội thì cứ tự nguyện và được đón chào.  

Hội đồng thơ năm nay vắng mặt Chủ tịch Vũ Quần Phương. Ông đang ngao du trên nước Mỹ và quan sát không khí bầu Tổng thống Mỹ. Nhưng bù lại năm nay có nhà thơ Lê Chí và nhà thơ Chim Trắng từ phía Nam ra.  

Mỗi khi đọc tên một ai đó lên thì nhà thơ Thanh Thảo lại “mở ngoặc” thêm: ông này chống Mỹ đấy. Chống Mỹ à? Thế thì nhất trí. Nhà thơ Thanh Thảo cứ nói chơi chơi thế thôi nhưng lại rất có hiệu quả. Năm ngoái, có những ủy viên Hội đồng đọc cả mấy bài thơ của một tác giả mà thấy còn băn khoăn để mọi người nghe lại một lần nữa sáng tác của tác giả ấy trước khi quyết định bỏ phiếu. 

Hội đồng thơ vẫn tự cho là rất nghiêm túc trong việc bỏ phiếu. Có tác giả mà người giới thiệu chính là một ủy viên Hội đồng nào đó nhưng chính ủy viên đó lại không bỏ phiếu cho tác giả mà mình đã ký tên giới thiệu. Đơn giản là có những lúc người ta phải ký giới thiệu cho một tác giả nào đó như một cái tình và như một lẽ ngoại giao. Nhưng khi xét cụ thể thì thấy người đó chưa xứng đáng vì bên cạnh tác giả đó còn nhiều tác giả xứng đáng hơn. Cảm tình với người này thì sẽ không công bằng với người khác.  

 

 

Ôi, mỗi cái chuyện bỏ phiếu cho một điều như là sự hư vô mà nhiều lúc cũng dày vò cũng nặng lòng lắm thay. Và tôi thấy chẳng sung sướng gì khi tham gia Hội đồng vì một cá nhân ủy viên Hội đồng đâu có thể quyết định. Thậm chí cả Hội đồng nhất trí mà tác giả đó đâu lọt qua được vòng cuối. Nhà thơ Thanh Thảo nửa hài nửa bi nói rằng: quá nhiều Tường lửa đối với các tác giả xin vào Hội. Nhưng có những người lọt qua Tường lửa mà tác phẩm lại rất trung bình. 

Mấy năm trở lại đây, sau khi Hội đồng chuyên môn bỏ phiếu xong thì lại có một cái Hội đồng khác bao gồm những ban bệ khác như Ban công tác hội viên, Ban sáng tác vv…xét một lần nữa và cũng bỏ phiếu. Riêng ở Hội đồng thơ thì các ủy viên đều phản đối cách làm này. Đứng về chuyên môn thì Hội đồng chuyên môn là Hội đồng có trách nhiệm cao nhất và đáng tin nhất. Vì họ làm thơ và theo dõi có hệ thống nhiều năm các tác giả có đơn. Thế là không ít những tác giả quá bán phiếu ở Hội đồng thơ lại trượt phiếu ở cái Hội đồng tổng hợp kia. Nghe đi nghe lại rối loạn cả nên. Hỏi ra thì được giải thích là vì các Hội đồng đưa lên nhiều quá nên phải có một Hội đồng khác loại bớt đi trước khi đưa vào vòng cuối cùng bỏ phiếu. Sao Ban chấp hành không quy định cho mỗi Hội đồng chỉ được đưa lên tối đa là bao nhiêu tác giả. Như thế, Hội đồng chuyên môn sẽ có quyết định sau khi thảo luận, đánh giá tác phẩm của các tác giả có đơn thì vừa đảm bảo chất lượng hơn vừa gọn nhẹ hơn, đỡ mất thời gian và đỡ “loạn”.  Nhưng có lẽ các nhà văn không biết làm tổ chức nên nó cứ lùng nhùng như thế.  

Khi tôi đang viết những dòng này thì nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho biết năm nay không có một tập thơ nào đoạt được Giải thưởng Hội nhà văn. Một lần nữa thơ lại “mất mùa”. Có ba tập thơ được vào chung khảo của ba tác giả: Lê Đạt, Nguyễn Khoa Điềm và một nữ thi sỹ trẻ là Đinh Thị Như Thúy ở Tây Nguyên. Nhưng cả ba tác giả này đều “thất bại”.  

Đọc thơ vẫn là khó hơn cả. Nói đến nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Phó chủ tịch Hội đồng thơ, tôi lại nhớ đến chiếc mũ của ông. Mấy năm nay, chiếc mũ da hay giả da gì đó của ông được dùng như một cái thùng phiếu. Phiếu bầu được bỏ vào đó. Có ủy viên đề nghị sau này Bảo tàng Nhà văn Việt Nam nên giữ cái mũ ấy lại vì “số phận” vào Hội của nhiều tác giả lại nằm trong cái mũ này.  

Và đúng lúc này, tôi lại nghe tin một tác giả ở rất xa Hà Nội có đơn xin vào Hội từ mấy chục năm nay mà vẫn chưa một lần lọt vào vòng xét kết nạp cuối cùng đang hấp hối bởi căn bệnh hiểm ngèo. Tôi biết được tin này vì bạn tôi, một nhà văn vừa gọi điện cho tôi mấy ngày trước nhờ tôi chú ý đến tác giả đó. Tôi biết, con người kia làm đơn vào Hội chưa chắc vì một lợi ích danh tiếng gì cả. Đơn giản ông và nhiều người khác nữa làm đơn vì tin rằng họ đã cống hiến bằng tất cả những gì họ có cho cái đẹp và sự sáng tạo.  

Tất nhiên đã đặt ra quy định xét thì có người được và có người chưa. Đương nhiên có những người được không xứng đáng bằng người chưa được. Nhưng đó cũng là lẽ thường tình đôi khi giống như một sự sai số. Nhưng tôi vẫn nghĩ tới một phương án kết nạp hội viên khác so với bây giờ.

Chuyện vào Hội hay không vào Hội là chuyện rất mù mờ và xét cho cùng chẳng ảnh hưởng đến ai. Chỉ có cơn mưa khủng khiếp đã và còn đổ xuống chúng ta mới là điều đáng nói.

 

                                        Theo Nguyễn Quang Thiều (VNN)

 

Chú thích ảnh trong bài:

- Chân dung nhà thơ Nguyễn Quang Thiều Uỷ viên Hội đồng Thơ

- Hội đồng Văn xuôi đang họp bàn.

- Chiếc mũ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu được dùng làm 'hòm phiếu'.

- Ban Nhà văn Nữ đang họp bàn.

  


 

Vào đúng ngày ông Barack Obama đắc cử Tổng thống Mỹ, BCH Hội

Nhà văn Việt Nam đã quyết định kết nạp các nhà văn sau đây vào Hội:

1. Võ Đắc Danh (TP HCM)
2. Phạm Thị Ngọc Điệp (Bến Tre)
3. Văn Xương (Quảng Trị)
4. Nguyễn Bình Phương (Hà Nội)
5. Võ Sa Hà (Thái Nguyên)
6. Phạm Đương (Quảng Ngãi)
7. Lê Thanh My (An Giang)
8. Phạm Thu Yến (Hà Nội)
9. Dương Khâu Luông (Bắc Kạn)
10. Trần Hoàng Vy (Tây Ninh)
11. Nguyễn Dương Côn (Thái Bình)
12. Nguyễn Hữu Sơn (Hà Nội)
13. Phạm Thanh Khương (Hà Nội)
14. Văn Lừng (Hà Tây)
15. Huỳnh Thị Thu Trang (Tiền Giang)
16. Lê Ái Siêm (Mỹ Tho)
17. Hương Đình  (Gia Lai)
18. Nguyễn Chí Hoan (Hà Nội)
19. Lê Xuân Quỳnh (Vũng Tàu)

 Lucbat.com xin chúc mừng các Tân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam!

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: